Thêm một vụ kiện khác chống lại kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của TT Biden
Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống (TT) Joe Biden đang phải đối mặt với một vụ kiện khác, lần này là bởi một nhóm vận động cho các doanh nghiệp nhỏ kêu gọi ngăn chặn “hành động phản tác dụng, lạm phát, và không công bằng” này tiếp diễn.
Hôm 10/10, Quỹ Hành động Pháp lý (LAF) của Tổ chức Mạng lưới Người tạo Việc làm (JCNF) đã đệ đơn kiện lên Tòa án Địa hạt cho Quận phía Bắc của Texas, Bộ phận Fort Worth.
Theo trang web chính thức của mình, JCNF là một “tổ chức phi đảng phái được thành lập bởi các doanh nhân tin rằng nhiều chính sách của chính phủ đang cản trở sự tự do kinh tế đã giúp làm cho đất nước này thịnh vượng.”
Đơn kiện hôm 10/10 (pdf) lập luận rằng hành động xóa hàng tỷ USD nợ sinh viên của ông Biden vi phạm quy trình thông báo-và-bình luận của Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) quy định rằng chính phủ lẽ ra nên tìm kiếm ý kiến đóng góp hoặc bình luận của công chúng về chương trình này.
Luật sư của các nguyên đơn viết: “Bộ Giáo dục đã vi phạm rõ ràng các yêu cầu về thông báo-và-bình luận của APA. Một cách không công khai, Bộ đã ban hành một Chương trình Xóa Nợ mới sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người Mỹ và tiêu tốn hơn 400 tỷ USD.”
Đơn kiện nêu rõ: “Thay vì cung cấp thông báo và tìm kiếm bình luận từ công chúng, Bộ Giáo dục đã giấu kín các chi tiết quan trọng của Chương trình này và đặt mục tiêu bảo đảm xóa nợ kịp thời cho cuộc bầu cử tháng 11.”
‘Quyền lực điều hành chưa từng có’
Vụ kiện nêu tên Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (DOE) và ông Miguel Cardona, với tư cách chính thức là Bộ trưởng Giáo dục là bị đơn, và ông Myra Brown và Alexander Taylor, hai cá nhân đã “bị tổn hại bởi hành vi lạm quyền lực điều hành tùy tiện này,” là nguyên đơn.
Trong một tuyên bố hôm 10/10, bà Elaine Parker, chủ tịch của Tổ chức Mạng lưới Người sáng tạo Việc làm, đã gọi gói cứu trợ khoản vay cho sinh viên của ông Biden là “sự chiếm đoạt quyền lực điều hành chưa từng có”, rằng “không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của việc không chi trả học phí: các trường đại học tham lam và phình to tăng học phí cao hơn nhiều so với lạm phát năm này qua năm khác trong khi ngồi trên 700 tỷ USD tài trợ.”
“Các trường đại học cần phải chịu trách nhiệm về giá học phí quá cao của họ,” bà Parker nói. “Các khoản tài trợ của trường đại học, chứ không phải người đóng thuế, nên có trách nhiệm giúp đỡ các sinh viên đang chìm trong nợ nần.”
Chính phủ ông Biden hồi tháng Tám đã thông báo sẽ hủy khoản nợ lên tới 20,000 USD cho những người nhận Tài trợ Pell Grant Liên bang và lên đến 10,000 USD để xóa nợ cho những người không nhận Tài trợ Pell.
Những người có các khoản vay do Bộ Giáo dục nắm giữ cũng đủ điều kiện để được giảm nợ miễn là họ kiếm được ít hơn 125,000 USD mỗi năm. Điều tương tự cũng áp dụng cho các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 250,000 USD mỗi năm.
Chính phủ lưu ý rằng những người đi vay có các khoản vay sinh viên thuộc sở hữu của các tổ chức tư nhân sẽ đủ điều kiện để được xóa nợ lên tới 10,000 USD hoặc 20,000 USD, miễn là người vay hợp nhất khoản nợ của mình vào chương trình Cho vay Trực tiếp của Liên bang.
Tuy nhiên, ông Biden đã cập nhật chương trình hôm 29/09, thu hẹp đáng kể điều kiện và kể từ bây giờ, những người vay có khoản vay sinh viên liên bang thuộc sở hữu của các tổ chức tư nhân chứ không phải Bộ Giáo dục sẽ không còn đủ điều kiện cho chương trình cứu trợ này nữa.
Các trận đấu pháp lý chồng chất
Vụ kiện này là đòn mới nhất giáng vào kế hoạch xóa nợ cho sinh viên của TT Biden, hiện đang phải đối mặt với một số thách thức pháp lý từ các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và các nhóm kinh doanh, những người cho rằng hành động này là bất hợp pháp.
Các quan chức từ các tiểu bang Arizona, Arkansas, Iowa, Kansas, Missouri, Nebraska và South Carolina, đã đệ đơn kiện chống lại hành động này.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng Đạo luật về Cơ hội Cứu trợ Giáo dục Đại học cho Sinh viên (HEROES) năm 2003, cấp cho Bộ Giáo dục thẩm quyền để hủy bỏ quá nhiều nợ cho rất nhiều người trong một cuộc “chiến tranh hoặc hoạt động quân sự khác hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia”, trong đó trường hợp này là đại dịch COVID-19.
Bà Parker cho biết trong tuyên bố của mình hôm 10/10: “Bằng cách chuyển gánh nặng sang người đóng thuế, bao gồm cả những người không đi học đại học hoặc đã trả lại khoản vay sinh viên của họ, các trường cao đẳng thoát khỏi trách nhiệm về hành động của họ tạo ra cuộc khủng hoảng cho vay sinh viên.”
“Họ được cho phép tiếp tục việc định giá vô lý của họ. Sự xóa nợ này chỉ trì hoãn vấn đề về sau. Bằng cách ngăn chặn khoản cứu trợ từ người nộp thuế và gây lạm phát này, vụ kiện của JCN có thể tạo cơ sở để thực sự giải quyết cuộc khủng hoảng nợ sinh viên bằng cách quy trách nhiệm cho các thủ phạm là các đại học. ”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times