Thế vận hội im lặng: Bắc Kinh hạn chế tự do ngôn luận
Ngoài việc bị giám sát liên tục, những người tham dự Thế vận hội Mùa Đông còn bị chính quyền Trung Quốc cảnh báo không được lên tiếng về bất kỳ chủ đề nhạy cảm nào, chẳng hạn như các vấn đề về vi phạm nhân quyền.
“Làm thế nào mà chúng ta lại tiến đến một mức mà chúng ta cấp quyền đăng cai cho một quốc gia nơi quý vị không thể sử dụng điện thoại của mình?” ông Owen Slot, cây viết thể thao chính của The Times of London, cho biết về vấn đề Thế vận hội Olympic này.
Quyết định cho phép Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông 2022 đã gây tranh cãi gay gắt, do các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, bao gồm tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, diệt chủng văn hóa ở Tây Tạng, và tỏ ra quân phiệt đối với Đài Loan. Một nguyên nhân khác gây lo ngại là số phận của ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai), người đã biến mất ngay sau khi cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) tấn công tình dục.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã cảnh báo các vận động viên không được thảo luận về các chủ đề gây tranh cãi trong Thế vận hội này. Ông Dương Thư (Yang Shu), Phó tổng giám đốc Sở Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh 2022 nói rằng những người vi phạm sẽ phải đối mặt với “sự trừng phạt nhất định”. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Dương có thể không phù hợp với các quy tắc về phát ngôn chính trị và tôn giáo trong Hiến chương Olympic.
Trước Thế vận hội Mùa Hè ở Tokyo, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã nới lỏng Quy tắc 50 của Hiến chương Olympic, cho phép các vận động viên tự do hơn trong việc bày tỏ các quan điểm chính trị trong các cuộc họp báo. Ông Dương nói rằng các vận động viên có thể bị trừng phạt, không chỉ vì vi phạm các quy tắc của IOC, mà còn vì vi phạm các quy tắc của Trung Quốc, vốn hạn chế hơn đáng kể. Điều này đặt ra câu hỏi là nước chủ nhà có quyền đến mức độ nào trong việc kiểm soát các tuyên bố của các vận động viên Olympic.
Kiểm duyệt chỉ là một phần trong sự kiểm soát xã hội cực đoan của chính quyền ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các du khách đến Bắc Kinh có thể bị lục soát phòng khách sạn và đồ dùng cá nhân mà không có sự cho phép của họ. Các phóng viên đưa tin về Thế vận hội được yêu cầu tải xuống một ứng dụng theo dõi sức khỏe có thể thu thập thông tin cá nhân của họ và do đó, hầu hết các phóng viên sẽ mang theo các điện thoại giá rẻ trả trước dễ vất bỏ (burner phone) để ngăn ngừa dữ liệu của họ bị đánh cắp.
Các ký giả sẽ phải chịu một chế độ xét nghiệm COVID-19 nghiêm ngặt, và nếu họ có kết quả dương tính, họ sẽ không được phép đưa tin về Thế vận hội này. Do có nhiều hạn chế, nên một số hãng thông tấn, kể cả hãng ESPN, đã quyết định không cử các thông tín viên đến Bắc Kinh. NBC sẽ đưa tin về đại hội thể thao này từ xa, từ Hoa Kỳ. Cựu người dẫn chương trình thể thao của NBC, ông Bob Costas, đã gọi sự trở lại của Thế vận hội ở Trung Quốc là “vô liêm sỉ”. Người phụ trách chuyên mục của USA Today, bà Christine Brennan, đã nói rằng đại dịch này đã có tác dụng đúng như ĐCSTQ mong muốn, tạo cho nhà cầm quyền này một cái cớ để tăng cường kiểm soát của họ đối với các ký giả.
Với ít nhất 127 ký giả hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc, quốc gia này xếp thứ 177/180 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021, do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) tổng hợp. Bất chấp sự kiểm duyệt của ĐCSTQ, RSF đã ban hành các hướng dẫn đưa tin và kêu gọi các ký giả không sử dụng các từ ngữ ‘thân thiện’ với Bắc Kinh mà không mô tả chính xác những sự thật không dễ chịu. Thay vì nói “cuộc chiến chống khủng bố”, RSF gợi ý nên nói “cuộc đàn áp ở Tân Cương”. Tương tự, “sự kiện” Thiên An Môn nên được gọi là “vụ thảm sát Thiên An Môn”, theo RFI.
Ngoài việc một số phương tiện truyền thông bỏ qua việc tin trực tiếp về Thế vận hội Bắc Kinh, thì đại hội thể thao này cũng đang phải đối mặt với một cuộc tẩy chay ngoại giao từ các quốc gia như Áo, Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Hà Lan, New Zealand, Scotland, Thụy Điển, và Anh Quốc.
Ngay cả trước khi cô Bành mất tích, đã có những lời kêu gọi tẩy chay Olympic vì các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, bao gồm cả hành động gây hấn chống lại Đài Loan. Đây là những vấn đề đã tồn tại trong nhiều thập niên và chúng đặt ra câu hỏi là tại sao phương Tây lại cho phép Trung Quốc cộng sản đăng cai Thế vận hội này.
Gần đây hơn, cô Bành đã đóng vai trò như một chất xúc tác, khiến cán cân nghiêng về phía thuận lợi cho các chính phủ phương Tây hành động chống lại ĐCSTQ. Kể từ lần đầu mất tích hồi năm ngoái, cô Bành đã xuất hiện không rõ ràng một vài lần trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Singapore. Nhưng người dân và các nhà lập pháp ở phương Tây nghi ngờ về việc liệu cô có đang nói chuyện một cách tự do hoặc liệu cô có đang bị ép buộc hay không. Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) đã yêu cầu một cuộc điều tra.
Hơn nữa, WTA kêu gọi chấm dứt kiểm duyệt liên quan đến cô Bành. Kể từ đó, hiệp hội này đã hủy bỏ tất cả các giải đấu ở Hồng Kông và Trung Quốc, đồng thời nói rõ rằng họ sẽ từ bỏ các hợp đồng béo bở với Trung Quốc nếu các yêu cầu điều tra của họ không được đáp ứng. Đáng tiếc là không phải ai cũng đủ dũng cảm để có một lập trường như vậy. Trước sức ép của ĐCSTQ, Giải quần vợt Úc Mở rộng đã yêu cầu người hâm mộ không mặc áo T-shirt có dòng chữ “Bành Soái đang ở đâu”.
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết lưỡng đảng kêu gọi một bên thứ ba kiểm chứng ngay lập tức về sự tự do và an nguy của cô Bành. Dự luật này cũng lên án IOC vì đã cộng tác với ĐCSTQ để che đậy vụ mất tích của cô Bành.
Dân biểu Michael Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Magnitsky chống lại các thành viên của IOC thông đồng với ĐCSTQ, hỗ trợ cho vụ che đậy này. Đạo luật Magnitsky trao quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người vi phạm nhân quyền bằng cách phong tỏa các tài sản của họ và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Nếu được thực thi, các biện pháp trừng phạt Magnitsky cũng có thể thách thức trạng thái miễn thuế của IOC ở Mỹ.
Các cuộc tẩy chay ngoại giao và các biện pháp trừng phạt tiềm tàng dường như không hiệu quả. Bất chấp sự kiểm duyệt, giám sát, tội ác diệt chủng, và sự ngược đãi của ĐCSTQ đối với một ngôi sao quần vợt, Thế vận hội này sẽ bắt đầu vào ngày 04/02/2022, tiếp tục hợp thức hóa vị thế của ĐCSTQ với tư cách là một nhà lãnh đạo trên thế giới.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Minh ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: