Thế hệ nghệ sĩ múa mới hồi sinh văn hóa truyền thống Trung Hoa
Mỗi lần bước lên sân khấu, nghệ sĩ múa Dương Mỹ Liên của đoàn Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun (Shen Yun Performing Arts) đều cảm thấy mình đang gánh vác một trách nhiệm. Và lần này khi cô tham gia vòng bán kết cuộc thi Múa Cổ điển Trung Hoa Quốc tế do đài truyền hình NTD tổ chức tại New York vào ngày 04/09 cũng không ngoại lệ.
“Là một nghệ sĩ, bạn cần có trách nhiệm với những gì bạn biểu diễn,” cô chia sẻ. “Khán giả đang ở đây, và họ đến để tìm hiểu về loại hình nghệ thuật bị thất truyền này.”
Bên cạnh múa Cổ điển Trung Quốc, Shen Yun còn tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật “thân đới thủ” (shen dai shou – thân thể dẫn cánh tay), một kỹ thuật cổ xưa trong thân pháp của vũ đạo, kết hợp vào nền tảng và huấn luyện vũ đạo. Kỹ thuật này là một yêu cầu mới mà ban giám khảo mong đợi trong cuộc thi Múa cổ điển Trung Quốc năm nay, và điều nghịch lý là cuộc thi này lại phải diễn ra bên ngoài Trung Quốc, bởi vì nền văn hóa truyền thống này không còn có thể tìm thấy ở Trung Quốc dưới sự thống trị của chính quyền cộng sản.
“Tất cả công sức luyện tập của chúng tôi chính là để mang đến cho mọi người nhận thức về bộ môn nghệ thuật bị thất truyền này,” cô Dương cho biết.
Về kỹ thuật “thân đới thủ”, cô nói: “Có thật nhiều điều về kỹ thuật này. Điều khiến kỹ thuật này đặc biệt chính là đây là một nghệ thuật thất truyền. Kỹ thuật này đã được lưu truyền dưới hình thức sư phụ truyền cho đệ tử qua các thời đại của Trung Quốc cổ đại, tuy nhiên phần lớn đã bị thất lạc theo thời gian và cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đã cắt đứt mối liên hệ của Trung Quốc với văn hóa truyền thống và quá khứ.”
“Bạn phải thay đổi cách múa trước đây của mình,” cô Dương giải thích. Thay vì dùng bàn tay, cánh tay, thậm chí là vai, tất cả lực bắt nguồn từ chính giữa thân thể, kéo theo những phần còn lại của thân trên chuyển động. “Nó không chỉ khiến chuyển động của bạn khoáng đạt hơn, biểu cảm hơn mà còn hỗ trợ cho các kỹ thuật khác. Các động tác nhảy, xoay – tất cả đều trở nên nhẹ nhàng hơn, nhịp nhàng hơn và bạn chuyển động nhanh nhẹn hơn.”
Đối với nghệ sĩ múa, thực hiện được những động tác kéo dãn dài hơn và chuyển động khoáng đạt hơn khi biểu diễn có nghĩa là thông điệp họ muốn truyền tải được thể hiện rõ nét hơn. Múa Cổ điển Trung Quốc là một loại hình nghệ thuật có sức biểu đạt cao, rất phù hợp cho kể chuyện, và có một yếu tố xác định là những cảm xúc bên trong dẫn động chuyển động của thân thể.
“Thông qua múa bạn thể hiện những cảm xúc của mình, và nó đều bắt nguồn từ đây, từ chính một điểm nhỏ này [ở chính giữa thân thể bạn]’ – về thực chất, chính là trái tim của bạn. Khi bạn biểu đạt từ đây, mọi thứ sẽ trở nên biểu cảm gấp 10 lần.”
Đối với cô Dương, lực biểu đạt đa phương diện càng đòi hỏi cô nhận thức về trách nhiệm của một nghệ sĩ.
“Khổng Tử từng nói rằng nghệ thuật có thể nâng cao đạo đức của xã hội như thế nào. Nó cũng có thể phản ánh ra trạng thái của xã hội,” cô nói.
Với cô Dương, múa không thể chỉ để bộc lộ cảm xúc của một cá nhân mà còn có mục đích cao cả hơn nhiều.
Ví dụ, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, “Nghệ thuật là được Thần truyền cho con người,” cô nói. “Thần đã sáng tạo ra nền văn minh cho nhân loại và đặt định ra chuẩn mực về nghệ thuật và cái đẹp – mục đích của nghệ thuật là để miêu tả những điều mà Thần truyền cho nhân loại.”
“Được truyền dạy về loại hình nghệ thuật này là một niềm vinh hạnh. Điều này rất đặc biệt, bởi vì chúng tôi đang mang nó trở lại.”
Vòng chung kết được chiếu trực tiếp tại đây.
Thanh Xuân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: