Thế giới kinh doanh tài chính: than và điện để sưởi ấm bị cấm trong mùa đông giá rét, ai cướp điện của người dân?
Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Trung Quốc đại lục bắt đầu xuất hiện đợt không khí lạnh được dự báo là “màu cam” đầu tiên trong suốt 4 năm qua, nhu cầu dùng than đá và điện của người dân cũng theo đó gia tăng. Trong thời tiết lạnh giá, cảnh “đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi” lại được tái hiện. Chỉ là than này người dân bị ép buộc “đưa” cho chính quyền, nói đúng ra, chính là bị Trung Cộng cướp đoạt đi.
Truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin, từ đầu tháng 12/2020 nhiều khu vực ở thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây đã bắt đầu khai triển chiến dịch quy mô lớn “ba không” đối với than đá, bếp lò, và củi đốt với lý do kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong đó, quận Tương Phần xuất hiện hiện tượng quan chức thực thi pháp luật dùng bạo lực phá hủy lò đốt than của dân, số than dự trữ của dân chúng cũng bị tịch thu. Thời điểm hiện tại, địa khu Sơn Tây, Hà Bắc vùng Hoa Bắc Trung Quốc nhiệt độ đều hạ xuống dưới -10 độ C, trong khi hiện tại ở Lâm Phần nhiệt độ hạ xuống dưới -15 độ C. Trong khi thời tiết lạnh giá như vậy, chỉ với một câu là kiểm soát ô nhiễm không khí, chính quyền liền cưỡng chế không cho người dân được sưởi ấm và đốt than đá, đây là loại chính quyền kiểu gì?
Một số người trong giới truyền thông Trung Quốc đại lục đối với truyền thông hải ngoại bày tỏ chiến thuật lệnh cấm than đá này có thủ đoạn tương tự như “chính sách Tam Quang” trong thời kỳ quân Nhật xâm lược Trung Quốc, đó là “đốt sạch, giết sạch và cướp sạch.”
Theo thống kê chính thức, chỉ riêng tại quận Tương Phần mấy ngày nay đã điều động 30.000 người, hơn 5.000 thiết bị đốt than đã bị phá hủy, 1.569 tấn than đá, 73.000 khối than tổ ong, và hơn 700 tấn củi cũng bị tịch thu. Ngoài ra quận Nghiêu Đô, quận Hồng Động, quận Bồ và các nơi khác cũng đã thực hiện lệnh cấm than đá quy mô lớn, và yêu cầu thực hiện mục tiêu “ba không.”
Mọi người đều biết Sơn Tây là tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, chính nơi sản xuất than lớn như vậy, nhưng người dân lại không có than để sưởi ấm. Sau khi thực hiện chính sách “ba không,” hàng trăm nghìn người dân bị chết cóng trong mùa đông buốt giá.
Thành phố Giao Châu tỉnh Hà Nam vốn là một thành phố than lâu đời, mùa đông ở đây cũng rất lạnh. Có cư dân mạng đưa tin rằng, huyện Tu Vũ thành phố Tiêu Tác có một cụ bà khoảng 70 tuổi thường đạp xe ba bánh trên phố, tại sao như vậy? Bởi vì ở nhà quá lạnh lại không được đốt than để sưởi vậy nên phải đạp xe hết vòng này đến vòng khác để giữ ấm thân thể.
Người dân ở huyện Thuận Bình, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc nói rằng họ đã trả phí sưởi ấm. Nhận tiền rồi thì chính quyền nên cấp hệ thống sưởi ấm, nhưng đến tận bây giờ chính quyền vẫn không cung cấp hệ thống sưởi. Mà mùa đông năm nay lại vô cùng lạnh giá, bây giờ ở trong nhà thật sự là quá lạnh.
Những nơi này đều là thành phố ở phía bắc. Mà phía nam, một số nơi người dân cũng khổ sở vượt qua mùa đông. Cuối năm 2020, Hồ Nam và Chiết Giang đã xảy ra tình trạng mất điện, người dân không thể sử dụng máy sưởi điện hay điều hòa không khí để giữ ấm kịp thời. Thời điểm đó công ty điện lực Chiết Giang thông báo lý do mất điện là vì “tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải,” lý do này nghe thật giống lý do “kiểm soát ô nhiễm không khí” của Sơn Tây.
Một bên dân chúng nói lạnh không thể chịu được, nhưng bên kia truyền thông Trung Cộng lại hoàn toàn nói trái lại. Trung tuần tháng 12/2020, truyền thông Trung Cộng đã chuyển tiếp thông báo của Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia nói rằng “nguồn cung ứng than được bảo đảm cho mùa đông năm nay và mùa xuân tới.” Cùng lúc bảy công ty than lớn của Trung Cộng cũng tuyên bố hôm 01/01/2021 rằng họ nên “phát huy vai trò quan trọng của các công ty than lớn trong việc bảo vệ dân sinh xã hội” để bảo đảm nguồn cung ứng than quốc gia. Trước những lời than “lạnh” của dân chúng, lời hứa này trở nên thật mỉa mai.
Than đá Trung Quốc và ngành công nghiệp than điện đều được Ủy ban nhà nước của Trung Cộng liệt kê là “sản lượng dư thừa,” nhưng ở thời khắc quan trọng lại không bảo đảm được dân sinh cơ bản. Trái lại, chính quyền còn muốn dùng các loại lý do để lấy “than” và “điện” của người dân. Như vậy “than” và “điện” này được ưu tiên cho ai đây.
Ủy ban Quản lý Giám sát tài sản Quốc gia: công suất tiêu thụ điện trong ngành “cơ sở hạ tầng mới,” “kinh tế kỹ thuật số” khủng khiếp
Mùa hè năm 2020, Ủy ban Quản lý Giám sát tài sản Quốc gia của quốc vụ Trung Cộng đã đăng một bài báo “12 phụ tải điện cấp tỉnh tăng cao kỷ lục 30 lần, phát ra tín hiệu gì?.” Mở đầu bài báo thông tin rằng phụ tải điện Giang Tô cao nhất vượt 100 triệu cho 5 lần, phụ tải điện Chiết Giang lập kỷ lục lịch sử mới 6 lần, phụ tải điện 12 tỉnh trong đó có Sơn Đông, An Huy và Hồ Bắc đạt mức cao mới 30 lần…
Bài báo cho rằng dùng lượng điện gia tăng để phản ánh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi. “Nền kinh tế kỹ thuật số” và “nền kinh tế thông minh” có liên hệ chặt chẽ đến cơ sở hạ tầng mới và đã thu hút sự chú ý của mọi người, đặc biệt là hai tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang.
Đối với tỉnh Hồ Nam, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Quốc gia đã nêu tên và khen ngợi 2 khách hàng sử dụng điện nhiều là Lensi Technology và Sunward Intelligent. Cả hai đều là đại biểu cho nền kinh tế thông minh. Trong tháng 07/2020 mức tiêu thụ điện trung bình hàng ngày của hai doanh nghiệp này tăng nhanh. Mức tăng hàng năm là 53% và 72%, điều này đã kích thích đáng kể mức tăng tiêu thụ điện công nghiệp.
Đối với Hàng Châu, Chiết Giang, bài báo cho rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số rõ ràng hơn trong việc thúc đẩy tiêu thụ điện. Dưới sự ảnh hưởng của các công ty như Alibaba và Hikvision, ngành công nghiệp kỹ thuật số đã đi ngược lại xu hướng. Nửa đầu năm 2020, 1.979 tỷ kwh điện đã được sử dụng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. So với toàn xã hội lượng điện tiêu thụ cao hơn 13.6 %. Hiện tại có hơn 50 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại Hàng Châu và một số dự án trung tâm dữ liệu siêu lớn đang được xây dựng bên trong.
Bài báo này rút ra một kết luận quan trọng, các ngành thuộc “cơ sở hạ tầng mới” và “nền kinh tế kỹ thuật số” đã trở thành động lực cho tăng trưởng tiêu thụ điện năng.
Mọi người có thể chú ý thấy hai tỉnh tiêu thụ nhiều điện năng được Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Quốc gia của Trung Cộng đề cập trong bài viết này, một là Hồ Nam và hai là Chiết Giang. Mùa đông năm nay, hai địa phương này đang vô cùng “thiếu điện”. Lần đầu tiên phải dập cầu dao điện là vào tháng trước (12/2020), hơn nữa nửa tháng trước mạng lưới thủy điện Hồ Nam cũng cho biết lần đầu rơi vào trạng thái “thời chiến.” Bài báo này do Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Quốc gia Trung Cộng ban hành vốn là muốn khoe khoang một chút sự “phục hồi mạnh mẽ” của nền kinh tế, nhưng lại vô tình tiết lộ hai ngành công nghiệp tiêu thụ điện lớn, là “cơ sở hạ tầng mới” và các ngành liên quan đến “kinh tế kỹ thuật số.”
“Cơ sở hạ tầng mới” và “nền kinh tế kỹ thuật số” của Trung Cộng
Như vậy “cơ sở hạ tầng mới” là gì?
Năm 2018 Trung Cộng đã đề nghị trong một Hội nghị kinh tế “Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng mới như trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp internet, mạng lưới liên lạc v.v..” Tháng 4/2020 Ủy ban Phát triển và Cải cách của Trung Cộng lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về “cơ sở hạ tầng mới” bao gồm cơ sở thiết bị thông tin, kết hợp cơ sở thiết bị và cơ sở thiết bị đổi mới. Cụ thể gồm các công nghệ mới đại diện như 5G, ngành công nghiệp internet, mạng lưới liên lạc, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, và cơ sở thiết bị v.v.
Theo tiết lộ của truyền thông Trung Quốc, hơn 20 tỉnh đã đưa ra kế hoạch “cơ sở mới” có tổng trị giá hàng nghìn tỷ vào cuối tháng 04/2020
“Kinh tế kỹ thuật số” còn có tên gọi là “kinh tế mạng” cũng “số hóa” thông tin và các hoạt động kinh doanh.
Những từ sáo rỗng và hoa mỹ như internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo v.v. lại được nhắc đi nhắc lại, nhìn bề ngoài thì có vẻ như “khoa học kỹ thuật” đang phát triển nhưng trên thực chất là đang “theo dõi giám sát”, tại sao nói như vậy? bởi vì những kỹ thuật này giúp Trung Cộng dễ dàng tăng cường kiểm soát thông tin người dân.
Chúng ta hãy lấy một ứng dụng trang web chính thức của Huawei Cloud làm ví dụ. Sản phẩm “Park Smart” của Huawei có thể cung cấp khả năng “quản lý” cho các doanh nghiệp, nhà ở, và quản lý đô thị. Các dịch vụ được cung cấp bao gồm các phân tích kỹ thuật như: phát hiện xâm nhập, phát hiện quên đồ, các công nghệ phân tích nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển số xe v.v. Còn có thể thông qua kỹ thuật hàng đầu như thuật toán thông minh, học sâu v.v. để bảo đảm nhận diện khuôn mặt, thực hiện các sự kiện và hành vi rõ ràng.
Nói ngắn gọn, là có thể thông qua toàn bộ dữ liệu và nhiều thuật toán phức tạp khác nhau để giám sát hoạt động hàng ngày của mọi người.
Ông Tạ Kim Hà chủ tịch tập đoàn truyền thông Tài Tín từng chỉ ra rằng, tại Trung Quốc cho dù đi tới chỗ nào cũng tuyệt đối không bao giờ thoát ra khỏi mạng lưới dữ liệu của Trung Cộng.
Ông nói: “Trung Cộng đang dốc sức thúc đẩy cho thời đại trí tuệ nhân tạo, tại Trung Quốc thông qua hóa đơn thanh toán, Trung Cộng có thể thấy ngay bạn mua cái gì, họ chỉ cần liếc một cái là biết. Bạn đi đâu, cùng với ai, gọi điện thoại và nói chuyện gì, đã đọc tin mới gì, phát tán tin tức gì, tất cả đều bị theo dõi.”
Mà các dịch vụ “theo dõi” này chính là từ các ngành liên quan đến “cơ sở hạ tầng mới” và “nền kinh tế kỹ thuật số” của Trung Cộng.
Thử nghĩ, 1.4 tỷ người dân Trung Quốc bị theo dõi chặt chẽ mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây những gì họ nói, xem và làm, đồng thời cũng phân tích hành vi con người, hoạt động kinh tế, tiêu dùng hàng ngày, văn hóa giải trí v.v. Khi đó các công ty liên quan đến “cơ sở hạ tầng mới” và “nền kinh tế kỹ thuật số” này cần duy trì bao nhiêu dữ liệu, mà những lượng dữ liệu này lại tăng nhanh theo thời gian. Những năm gần đây, những “trung tâm dữ liệu” này của Trung Quốc đã được xây thêm rất nhiều.
Theo tờ ‘Nhân dân Nhật báo’ của Trung Cộng tiết lộ, tính đến cuối năm 2019 Trung Cộng đã xây dựng ước chừng 74.000 trung tâm dữ liệu, chiếm hơn 1/5 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu.
Càng đáng nhắc tới chính là một số công ty, tổ chức quốc tế cũng đặt trung tâm dữ liệu của họ tại Trung quốc, như công ty Apple.
Ngày 28/02/2018 Apple đã đem tài khoản iCloud lưu trữ đám mây đặt tại Quý Châu, Trung Quốc. Trước đó, chìa khóa cho các tài khoản lưu trữ đám mây này được đặt tại Hoa Kỳ. Công ty Apple và công ty nhà nước Guizhou Yunshang Data Industry Co., Ltd của Trung Cộng hợp tác thành lập một trung tâm dữ liệu người dùng Trung Quốc.
Quý Châu là cơ sở phía nam của Trung tâm Dữ liệu lớn Quốc gia của Trung Cộng. Năm 2015 trung tâm dữ liệu cấp quốc gia đầu tiên được xây dựng tại Quý Châu. Sau đó, hơn 200 dự án công nghiệp thông tin dữ liệu lần lượt được hoạt động tại Quý Châu như Foxconn, Alibaba, Huawei, Tencent v.v.
Động thái của công ty Apple mang ý nghĩa Trung Cộng sẽ không cần tìm thông tin về người dùng đám mây thông qua tòa án Hoa Kỳ nữa, mà có thể trực tiếp sử dụng hệ thống pháp luật của riêng mình yêu cầu Apple giao ra dữ liệu đám mây của người dùng. Điều này cũng khiến cho ngoại giới lo lắng đối với việc xâm phạm nhân quyền của Trung Cộng.
Ngoài Apple, Liên Hợp Quốc cũng đặt một “trung tâm dữ liệu” tại Trung Quốc.
Vào ngày 07/12/2020 nền tảng số liệu toàn cầu của Liên Hợp Quốc khu vực Trung Quốc được thành lập tại Hàng Châu. Tháng 09/2020 Chủ tịch Tập Cận Bình tại kỳ họp thường niên thứ 75 của Liên Hợp Quốc bày tỏ “ủng hộ LHQ đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế” và tuyên bố “Trung Quốc sẽ thành lập trung tâm tin tức kiến thức và đổi mới địa lý toàn cầu của LHQ” và có thể “tiếp tục phát triển nghiên cứu trung tâm số liệu quốc tế.”
Kế hoạch này được đưa vào “Nghị trình Hội nghị Phát triển 2030” của LHQ, bao gồm thành lập một trung tâm nghiên cứu để xử lý dữ liệu từ các quốc gia thành viên của LHQ và lợi dụng kỹ thuật giám sát vệ tinh để thể hiện sức mạnh không gian địa lý của Trung Cộng.
Kế hoạch này được bắt đầu vào năm 2019. Vào tháng 6 cùng năm, Cục Thống kê quốc gia của Trung Cộng và LHQ tại Thượng Hải đã ký một biên bản ghi nhớ về “Liên Hợp Quốc-Sở Nghiên cứu Số liệu Thống kê Quốc gia” tại Thượng Hải. Không ít người nghi ngờ cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn này là Trung Cộng mượn chiêu bài LHQ để xây dựng “mạng lưới tình báo toàn cầu” cho mình.
Như vậy các trung tâm dữ liệu này của Trung Cộng, cùng với “trung tâm dữ liệu” mà Trung Cộng giúp các cơ quan quốc tế và các công ty sẽ tiêu thụ biết bao nhiêu điện?
“Trung tâm dữ liệu”: gã khổng lồ tiêu thụ năng lượng không khói.
Khi nhắc tới trung tâm dữ liệu, phản ứng đầu tiên của mọi người thường là một loạt dãy tủ điện, nhìn qua thì dường như tiêu thụ ít điện hơn so với một nhà máy thép hun khói. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, các máy này chạy suốt 24 giờ, không chỉ cần nguồn điện liên tục còn cần thêm cả hệ thống chiếu sáng, tản nhiệt, và các thiết bị hỗ trợ khác ví dụ máy điều hòa không khí, máy làm lạnh v.v. mà những thiết bị này cũng vô cùng tiêu tốn điện.
Vương Vĩnh Chân, trợ lý nghiên cứu tại viện nghiên cứu sáng tạo năng lượng internet thuộc Đại học Thanh Hoa, chỉ ra mức độ tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu gấp hàng chục lần so với các tòa nhà văn phòng thông thường.
Từ năm 2016, mức tiêu thụ năng lượng không khói của các gã khổng lồ này tiêu thụ lượng điện vượt ngoài khả năng cung cấp điện của đập thủy điện Tam Hiệp. Năm 2017 lượng điện tiêu thụ vượt qua tổng lượng điện cung cấp của hai đập thủy điện Tam Hiệp và thủy điện Cát Châu. Năm 2018 mức tiêu thụ điện của “trung tâm dữ liệu” tăng lên hơn 160 tỷ kwh/h, còn nhiều hơn so với mức tiêu thụ điện toàn xã hội ở Thượng Hải.
Những “trung tâm dữ liệu” đang gia tăng tiêu thụ năng lượng sẽ làm cho nhu cầu năng lượng điện tăng cao. Tháng 7/2020 kênh truyền thông mạng Sina.com trên một bài báo cho biết cơ sở hạ tầng mới sẽ khiến cho mức tiêu thụ điện trên toàn quốc tăng gần 20%.
Xu thế tiêu thụ điện tăng vọt này bắt đầu xuất hiện năm 2020. Theo dữ liệu của “Wind,” trong 10 tháng đầu năm 2020, khi mức tiêu thụ điện của Bắc Kinh giảm 3.86 % so với cùng kỳ năm ngoái thì Trung tâm dữ liệu lớn ở phía bắc quốc gia tiêu thụ điện ở nội Mông Cổ đã tăng lên 6.25 %, khu vực cơ sở ở phía nam Quý Châu tăng 2.23%.
Tại tỉnh Hồ Nam, nơi rơi vào “trạng thái thời chiến” về điện lần này, vào đầu năm 2020,
chính quyền tỉnh đã công bố 86 dự án cấp tỉnh phát triển về chuỗi dữ liệu lớn và là ngành công nghiệp trọng điểm. Tỉnh Chiết Giang nơi số lần bị cắt điện tại trung tâm dữ liệu thậm chí còn nhiều hơn, chúng tôi sẽ không đề cập đến nữa.
Sau khi hiểu rõ thông tin này, Trung Cộng đã mô tả việc gia tăng phụ tải điện là để phục hồi kinh tế, lấy cớ để lảng tránh. Trên thực tế, nguyên nhân có khả năng là do hoạt động tốc độ cao của trung tâm dữ liệu lớn và việc “theo dõi” không ngừng 24/24 giờ.
Đương nhiên để theo dõi người dân liên tục, vì sự ổn định của ĐCSTQ, Trung Cộng sẽ không để cho những gã khổng lồ tiêu tốn năng lượng này ngừng hoạt động. Như vậy, vào mùa đông giá rét, khi người dân cần sử dụng than đá và điện để sưởi ấm, có phải chăng những “trung tâm dữ liệu” tốn năng lượng này đang chiếm đoạt than đá và điện của người dân? Đối với chính quyền mà nói, rõ ràng việc bảo đảm hoạt động của trung tâm dữ liệu lớn là cấp thiết và quan trọng hơn so với việc bảo đảm nhu cầu an sinh của người dân.
Lian Shu Hua
Bích Liên biên dịch
Xem thêm: