Thế giới đang dần hướng về phía Đài Loan
Trong vài năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang ngày càng trở nên hiếu chiến hơn với các nỗ lực điều khiển chính sách ngoại giao của các nước khác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia thách thức các yêu sách của Trung Quốc và lựa chọn theo lương tâm, bất chấp những lời đe dọa hoặc trả đũa từ Bắc Kinh.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2008, và điều này đã khiến chính quyền Trung Cộng vô cùng tức giận. Bắc Kinh đã đe dọa khi nhà hoạt động dân chủ Lưu Hiểu Ba được trao Giải Nobel Hòa bình. Và những lời đe dọa này không chỉ là những lời nói suông. Trung Cộng đã thực hiện hành vi “ngoại giao con tin” khi giam giữ hai người Canada trong vòng 1,000 ngày, cho đến khi Canada tha bổng cho bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei.
Việc tăng cường ngoại giao với Đài Loan đã trở thành biểu tượng cho việc một quốc gia quay lưng lại với Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp tới Trung Cộng rằng, họ không thể điều khiển hành vi của các quốc gia có chủ quyền.
Hoa Kỳ luôn là quốc gia ủng hộ Đài Loan và đang ngày càng trở thành đối trọng của thế giới trước sự xâm lược của chính quyền Trung Cộng. Dưới thời chính phủ Tổng thống Trump, Hoa Kỳ bắt đầu tăng cường liên hệ ngoại giao với Đài Loan. Chính phủ ông Biden hiện đã củng cố mối liên hệ này, tuyên bố một cách công khai rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan.
Trong khi đó, các nền dân chủ khác, chẳng hạn như Úc, Ấn Độ, Cộng hòa Séc và Liên minh Âu Châu, đang dần đối đầu với Trung Cộng. Hiện, ngay cả NATO cũng đã chuyển đổi nhiệm vụ của mình sang chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Lập luận trong quá khứ là không ai muốn chọc giận Trung Quốc, do lo sợ mất các khoản đầu tư và thương mại. Có vẻ như các quốc gia đang quyết định rằng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải giữ gìn sự toàn vẹn của chính mình, chống lại sự xâm lược của Trung Quốc cộng sản, đồng thời ngăn chặn sự khuếch trương ngoài lãnh thổ của Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò của Viện Lowy cho thấy thái độ của Úc đối với Đài Loan đang dần chuyển biến tích cực hơn. Việc cựu Thủ tướng Tony Abbott của Úc đến thăm Đài Bắc đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Thủ tướng Scott Morrison đã phải đứng ra phản đối Trung Quốc, ngăn chặn một số thương vụ cao cấp khác. Ông đã ngăn cản Trung Quốc mua lại một trong những trại chăn nuôi bò thịt lớn nhất của Úc, và hủy bỏ việc bán lại hệ thống lưới điện của Úc cho một công ty do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Gần đây nhất, ông Morrison đã khiến Trung Cộng khó chịu bằng việc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.
Để trả đũa, Trung Cộng đã cấm nhập cảng thịt bò và than của Úc, trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu hụt về cả năng lượng lẫn lương thực. Phản hồi của Đài Loan là yêu cầu Úc ủng hộ nỗ lực gia nhập hiệp định thương mại CPTPP, điều mà Bắc Kinh vốn kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, Đài Loan đã nói với giới chức Úc rằng họ có thể giúp Úc tăng trưởng thương mại trong các lĩnh vực công nghệ cao và khoáng sản.
Liên minh Âu Châu (EU) thường xem trọng Trung Quốc về mặt kinh tế, tránh xa các chính sách kiềm chế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên vào đầu năm nay, khi Bắc Kinh chỉ trích việc EU lên án vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, một số nhà lãnh đạo Âu Châu đã tạm dừng các giao dịch tài chính với Trung Quốc.
Đài Loan đã cử một phái đoàn gồm hơn 60 quan chức và doanh nhân đến Litva, Slovakia, và Cộng hòa Séc để ký các thỏa thuận mới. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã đến Âu Châu trong một cuộc viếng thăm ngoại giao và tổ chức các cuộc họp tại Cộng hòa Séc và Slovakia. Chuyến công du này có liên quan đến hoạt động viện trợ vaccine COVID-19 đến từ bốn quốc gia EU gồm: Cộng hòa Séc, Lithuania, Ba Lan, và Slovakia. Đài Loan đã ký bảy biên bản ghi nhớ với Slovakia.
Một số nghị sĩ EU cũng đã gặp ông Ngô tại Brussels, trong đó có ông Charlie Weimers của Thụy Điển và ông Els Van Hoof, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện Bỉ. Ngoài ra, ông Ngô đã tham gia một cuộc họp của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một liên minh của các nghị sĩ Âu Châu chỉ trích Trung Quốc, mà ông tham dự trực tuyến. Cuộc họp được xem là đặc biệt khiêu khích đối với Trung Cộng, vì trong đó có một cựu nghị sĩ Hồng Kông, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ, cũng như người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng.
Vào tháng Mười Một, nghị sĩ EU Raphaël Glucksmann đã dẫn đầu một phái đoàn của Liên minh Âu Châu đến Đài Bắc. Ông Glucksmann nói với giới báo chí rằng, việc ủng hộ Đài Loan là một trong những hành động mà các nước nên thực thi để kiềm chế tham vọng bá quyền ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, ông Milos Vystrcil và thị trưởng Praha, ông Zdenek Hrib, là một trong những quan chức cao cấp của EU đã đến thăm Đài Bắc trong những năm gần đây.
Khi các nhà lập pháp EU bỏ phiếu ủng hộ các cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan, Bắc Kinh đã phản ứng rất tiêu cực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, gọi quyết định này là “thấp hèn”. Tiếp đó, ông ta đe dọa Âu Châu rằng, “Đừng đánh giá thấp quyết tâm, ý chí, và năng lực của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.”
Ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cao cấp của EU về Chính sách An ninh và Ngoại giao đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, nói với EU rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan gây ra rủi ro an ninh cho EU, một phần tối thiểu là do EU phụ thuộc vào vi mạch của Đài Loan, một linh kiện cần thiết cho sự phát triển kỹ thuật số của Âu Châu.
Trung Cộng liên tục nói với Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương hãy quên đi sự khác biệt giữa họ và hợp tác với Bắc Kinh. Đây là một thái độ quá xem nhẹ [các mâu thuẫn] và hoàn toàn không thực tế, vì sự bất hòa không phải là điều mà một cái bắt tay sẽ giải quyết được. Ví dụ, Bắc Kinh khó có thể thay đổi chính sách của mình ở Tây Tạng hoặc Tân Cương, điều mà nhiều nước dân chủ đã lên án.
Nghị trình của Trung Cộng là áp đặt ý muốn của mình lên các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. Họ cũng muốn hạn chế quyền tự do đối với các kênh truyền thông và tổ chức học thuật của các quốc gia khác. Trung Cộng xâm nhập và ảnh hưởng đến các quốc gia khác thông qua tuyên truyền, và cảm thấy bị xúc phạm khi bị yêu cầu dừng lại. Trong Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức thế thới khác, Bắc Kinh đưa ra yêu sách về bộ quy tắc của riêng mình, coi thường các chuẩn mực quốc tế, và lên án khi các quốc gia thành viên khác đáp trả.
Có vẻ như dư luận toàn cầu cuối cùng đang quay lưng lại với Trung Cộng, khi các quốc gia nhận ra rằng họ có thể giảm thiểu mất mát và có được nhiều hơn khi đứng lên phản kháng hành động bắt nạt. Đài Loan là một chiến trường quan trọng đối với các quốc gia không muốn hướng đến Bắc Kinh. Các quốc gia đang chuyển nỗ lực ngoại giao sang Đài Loan, vì nhận ra rằng nếu cho phép Trung Cộng điều khiển mối bang giao của họ với Đài Loan, thì Trung Cộng cũng có thể điều khiển mối bang giao của họ với Hoa Kỳ, Ấn Độ, hoặc bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: