Thế giới cần điều gì lúc này? Hồng ân, hòa hợp, và danh họa Raphael
Đích đến cuối cùng của nghệ thuật là nâng cao tâm hồn của con người bằng cách nhắc nhở về ý nghĩa của việc trở nên hoàn mỹ, chân chính và tốt đẹp nhất có thể.
‘Triển lãm Credit Suisse: Raphael’ sắp diễn ra tại Phòng trưng bày Quốc gia London
Khi bóng tối dường như muốn nuốt chửng cả thế giới, thì nghệ thuật truyền thống có thể cứu giúp chúng ta. Vai trò cuối cùng của nghệ thuật là nâng cao tâm hồn con người bằng cách gợi nhắc chúng ta về ý nghĩa của việc trở nên hoàn mỹ, chân chính và tốt đẹp nhất có thể. Khi các nghệ sĩ truyền thống cần mẫn tạo nên những kiệt tác nghệ thuật bền vững vượt thời gian, chúng có khả năng đánh thức giá trị thiện lương bên trong mỗi chúng ta. Các tác phẩm của bậc thầy thời kỳ Phục Hưng của Ý, Raffaello Sanzio (thường được gọi với cái tên Raphael) là đại diện cho đỉnh cao của lịch sử nghệ thuật. Hơn năm thế kỷ sau khi ông qua đời, nghệ thuật của Raphael giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết.
Một cuộc triển lãm mới mẻ và hoành tráng đang diễn ra tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London, đã làm nổi bật những tuyệt tác của Rapheal và mang ra công chúng mức độ cảm nhận nhạy bén cũng như kỹ pháp nghệ thuật tài tình của bậc danh họa thông qua các tác phẩm vượt thời gian.
“Triển lãm Credit Suisse: Raphael,” khai mạc vào ngày 09/04, là một trong những triển lãm đầu tiên tập trung vinh danh toàn bộ sự nghiệp của danh họa Raphael. Nhiều người nhớ đến Raphael như một họa sĩ, nhà xây dựng và kiến trúc sư, nhưng có thể một số người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ông còn là một nhà thơ, nhà khảo cổ học, nhà lưu giữ cổ vật và nhà thiết kế các bản tranh in, điêu khắc, thảm và nghệ thuật ứng dụng.
Triển lãm sẽ có 90 tác phẩm được trưng bày. Trong đó có nhiều tác phẩm của Raphael và một số tác phẩm được xây dựng từ ý tưởng đã phác họa của ông. Chúng được thể hiện trên các chất liệu khác nhau mà ông không phải là người hoàn thiện, chẳng hạn như tranh đồng. Các bức tranh và vật phẩm dường như cùng kể lại câu chuyện cuộc đời, cũng như đặc điểm nghệ thuật và các thiết kế của Raphael, và cả quá trình phát triển nghệ thuật mà người họa sĩ đã trải qua.
Tam kiệt Phục Hưng Leonardo, Michelangelo, và Raphael
Họa sĩ Raphael, Michelangelo và Leonardo da Vinci từ lâu đã được coi là ba danh họa xuất chúng nhất của thời kỳ Thượng Phục Hưng. “Điều mà Raphael làm tốt hơn những người khác là việc theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng,” ông Matthias Wivel, đồng giám đốc cuộc triển lãm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Chủ nghĩa hoàn hảo của Raphael không chỉ đơn thuần là ca ngợi tôn giáo. Ông khuyến thiện chúng ta cả về giác độ cá nhân lẫn tập thể. Theo Wivel, đó là lý do tại sao Raphael được coi là trung tâm của nghệ thuật thị giác Tây phương hơn cả Michelangelo và Leonardo. Đây được coi là một thành tựu đáng nể khi Raphael chỉ sống vỏn vẹn có 37 năm và sự nghiệp của ông chỉ kéo dài qua hai thập kỷ. Trong khi chẳng hạn như Michelangelo đã làm việc cần mẫn cho đến khi ông qua đời ở tuổi 88.
Đầu tiên Raphael theo học nghệ thuật với Leonardo da Vinci và Michelangelo ở Florence. Tại đó, ông đã làm việc chăm chỉ để trau dồi những kỹ pháp của họ. Raphael có thể đã quan sát và đúc kết từ thành quả của những đồng sự lớn tuổi và có thâm niên kỳ cựu hơn mình. Leonardo lớn hơn Raphael 31 tuổi, còn Michelangelo hơn Raphael 8 tuổi.
Những họa sĩ cùng thời với Raphael có nhiều phong cách hội họa khác nhau. Nhìn chung, Leonardo vẽ bức tranh của mình với góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học, quan sát thiên nhiên và cố gắng khống chế chặt tính chủ quan trong khi làm việc. Mặt khác, như Wivel giải thích, cách làm việc của Michelangelo lại ngược lại. Với nguồn cảm xúc tột độ, các tác phẩm của ông đã họa thành hình từ những chiêm nghiệm, suy tư về thân phận con người trên thế giới và những vấn đề theo sau.
Ngoài việc quan sát phong cách nghệ thuật và kỹ pháp của những đồng sự thâm niên, ông còn học hỏi cách mà Leonardo quan tâm đối với tâm lý con người và cách mà Michelangelo diễn đạt rành mạch cảm xúc của thông qua các bức tranh.
Họa sĩ Raphael đã kết hợp thành công ý tưởng của các họa sĩ khác vào các tác phẩm của mình, đến nỗi chúng đã mang đậm dấu ấn của riêng ông. Cũng bởi sự xuất chúng đó mà ông đã có nhiều đối thủ, đặc biệt là Michelangelo. Chẳng hạn, trước khi Michelangelo có cơ hội vẽ nên kiệt tác “Chúa Trời tạo ra Adam” tại nhà nguyện Sistine, thì Raphael đã phỏng theo bản phác họa chuẩn bị của Michelangelo và đưa nó vào bức bích họa “The Parnassus” của ông ở Vatican. Hẳn là Michelangelo đã rất tức giận.
Ông Wivel nhận thấy rằng Leonardo là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến Raphael. Khách tham quan triển lãm có thể chứng kiến bản phác họa “Leda và con thiên nga,”- bản sao trực tiếp duy nhất còn sót lại mà Raphael đã sao chép từ tác phẩm của Leonardo (ngoại trừ các bản phác họa thô sơ hơn như vậy trên cùng trang với các nghiên cứu khác.) Tư thế đứng kiểu contrapposto của nàng Leda bắt nguồn từ nghệ thuật cổ điển, đặc điểm của tư thế này là cần tập trung trọng lượng cơ thể vào một bên chân. Cũng trong buổi triển lãm, trong bức tranh “Thánh Catherine thành Alexandria”, Raphael đã đồng thời kết hợp [phong cách] nghệ thuật cổ đại và hình tượng nàng Leda trong bản vẽ của Leonardo.
Bí ẩn về Đức Mẹ dịu dàng của Raphael
Họa sĩ Raphael được nhiều người chú ý với bức tranh vẽ Đức Mẹ đầy dịu dàng và kiệt tác “Trường học Athens” được đặt tại Vatican. Hình tượng Đức mẹ trong tranh của Raphael như nắm giữ chiếc chìa khóa trả lời cho câu hỏi tại sao nghệ thuật của ông lại có sức hút rộng lớn đến vậy.
Raphael đã miêu tả dáng vẻ đầy tự tin của Chúa Hài Đồng trong bức tranh “The Garvagh Madonna.” Đức mẹ Mary như vừa buông Chúa ra để Ngài có thể tặng một bông hoa cẩm chướng cho đứa trẻ mới biết đi, trong tương lai sẽ trở thành Thánh John the Baptist. Mary kéo John lại gần, khích lệ đứa trẻ cầm lấy bông hoa. Nếu không có sự xuất hiện của những bộ trang phục kiểu La Mã cổ điển, có thể chúng ta chỉ đơn thuần là đang thưởng lãm một khung cảnh gia đình đầy tình yêu thương của một người mẹ và những đứa con kháu khỉnh.
Nguồn cảm xúc toát ra từ tranh của Raphael đã khiến chúng trở nên gần gũi với chúng ta hơn, nhưng tính hình tượng còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Điều này vượt qua sự giao thoa giữa trời và đất. Trong tranh của ông có rất nhiều khoảnh khắc gần gũi ấm áp giữa người mẹ và đứa con thơ, đồng thời củng cố thông điệp của Cơ đốc giáo. Wivel giải thích: “Đó là cách truyền tải thông điệp Cơ đốc thông qua một trải nghiệm gần như mang tính phổ quát mà mọi người đều cảm thấy quen thuộc. Và điều đó mê hoặc tình cảm của người xem hơn bất cứ thứ gì khác.”
Chúa Hài Đồng xuất hiện với vẻ thông tuệ hơn so tuổi của mình. Cậu bé hiểu rằng mình đến Trái đất vì sứ mệnh vĩ đại hơn. Cậu ngồi trong lòng mẹ, nhưng người mẹ lại không dồn sự quan tâm đến đứa trẻ. Trong khi John mặc áo lông ấm áp, thì Chúa Hài Đồng lại không mặc gì. Ngài không truy cầu gì ở thế giới này ngoài việc răn dạy mọi người hãy nghe theo Chúa.
Rõ ràng, tác phẩm “The Garvagh Madonna” của Raphael họa lên một khung cảnh đậm chất tôn giáo. Tuy nhiên nét đặc biệt toát lên từ trong tác phẩm này, cũng như rất nhiều tác phẩm của ông, chính là hồng ân của Chúa cũng như mối dung hiệp của những mâu thuẫn nội tại về những điều thuộc về tâm linh với những điều nơi thế tục, giữa thượng thiên và thế gian con người.
Sức hút trong nghệ thuật của Raphael
Raphael đã tạo ra vẻ đẹp mà trong đó hội tụ hài hòa những hình tượng chứa đầy ân điển. Cho dù ông vẽ các hình tượng độc lập, trong các nhóm nhỏ hoặc phức tạp hơn, mỗi bức tranh đều toát lên vẻ tôn nghiêm khiến người ta phải dừng lại chiêm nghiệm. Nghệ thuật của ông tràn ngập sự cảm ân và bình hòa. Cả hai phẩm chất quý giá này đều được truyền thừa từ đặc tính tự nhiên của vạn vật. Người ta chỉ cần quan sát tự nhiên cũng có thể nhận ra điều này.
Theo Wivel, Raphael đã vận dụng nét duyên dáng và bình hòa xuyên suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình, dù ở cương vị kiến trúc sư, nhà thiết kế hay họa sĩ. Điều đó khiến cho nghệ thuật Raphael để lại mang tính hấp dẫn rộng khắp và sức sống lâu dài.
Đối với các Tín hữu Cơ Đốc, “Chúa Kitô là hiện thân của hồng ân,” Wivel nói. Nhưng hồng ân theo nghĩa chung là xoa dịu, hài hòa và hợp lý. “[Rapheal] đã thực sự thành thạo trong việc làm cho mọi thứ trông tự nhiên, ngay cả khi chúng thực sự rất giả tạo,” ông nhận xét.
Một khía cạnh khác của hồng ân được Wivel đề cập đến là “khái niệm về phong thái lịch thiệp và những hành xử nên có trong một quý ông lý tưởng.” Mặc dù mồ côi cha mẹ từ năm 11 tuổi, nhưng Raphael đã từng thấm nhuần phong thái quý ông trong dinh thự Urbino của cha mình. Cha ông là một họa sĩ hoàng gia, người đã giáo dục ông về triết lý nhân văn của hoàng tộc. Cung điện được xem là trung tâm học tập và khát vọng nhân văn. Ông cũng là bạn thân thiết với cận thần và học giả Baldassare Castiglione, người đã viết “Cuốn sách của Quan cận thần.”
Sức cuốn hút và tính cách hòa hảo của Raphael thể hiện qua tất cả các biên niên sử trong cuộc đời ông. Raphael được ca ngợi nhiều nhất bởi họa sĩ và nhà sử học nghệ thuật Giorgio Vasari, người khoảng lên năm 9 tuổi thì Raphael đã qua đời. Raphael thích cộng tác với nhiều họa sĩ cùng thợ thủ công, và có vẻ như họ rất ngưỡng mộ ông. “Ông chưa bao giờ ra khỏi cung điện mà không có khoảng 50 họa sĩ theo cùng, tất cả đều có tay nghề cao và xuất sắc. Những người đồng hành này đã mang lại vinh dự cho Raphael. Nói tóm lại, ông sống như một hoàng tử hơn là một họa sĩ,” Vasari nhận xét.
Có rất ít tài liệu trực tiếp nói về Raphael. Duy chỉ có hai bức thư tay của ông còn sót lại. Cả hai đều gửi đến chú ruột của Raphael, người đã nuôi dưỡng ông. Qua hai bức thư này, hình ảnh về một chàng trai rất tham vọng và có năng lực xã hội nơi Raphael được hiển lộ, Wivel nói.
Các bức tranh của Raphael đã thể hiện sự trang nhã trong nghệ thuật bằng cách không quá phóng đại cảm xúc. “Ông không biểu đạt cảm xúc giống như cách mà Michelangelo làm. Ông khá dè dặt,” Wivel nói thêm.
Một số người cho rằng nghệ thuật của Raphael là quá ủy mị. Tuy nhiên Wivel nhận ra tình chừng mực của Raphael trong suốt tác phẩm của mình, điều mà danh họa có được từ phong cách nghệ thuật truyền thống. Tính chừng mực của Raphael là thể hiện tình cảm ngay chính trong các tác phẩm của mình hơn là với mục đích lôi kéo cảm xúc. Để chạm được trái tim của người xem được như vậy, thì nghệ thuật của ông phải thật sự chân thực.
Theo Wivel, Raphael xuất sắc trong việc tạo ra các chủ đề đòi hỏi sự chừng mực, chẳng hạn như bức vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng hoặc các nhóm nhân vật phức tạp trong tác phẩm “Học viện Athens”. Điều này trái ngược với Michelangelo, người xuất sắc trong các sáng tác đầy tính biểu cảm. Sức ảnh hưởng của Michelangelo đối với Raphael có thể quan sát được qua tác phẩm “Cuộc tàn sát những người vô tội” của ông. Cả bản thảo và bản vẽ hoàn thiện này đều được đưa vào trưng bày. Đối với Wivel, tác phẩm “Cuộc tàn sát những người vô tội,” là một kiệt tác ấn tượng, nhưng nhìn chung Raphael có một chút gì đó vượt ra ngoài nguyên tắc của ông.
Nghệ thuật của ông hấp dẫn vì luôn khơi gợi những điều tốt đẹp nhất sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta, đồng thời giúp chúng ta khao khát sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai. “Ông đưa ra cho chúng ta một lý tưởng văn minh mà chúng ta có thể mong ước hướng tới. Bức bích họa “Học viện Athens” của Raphael là một minh chứng cho điều này,” theo Wivel. “Đó thật sự là một tác phẩm nâng tầm trí tuệ, nhờ khai sáng bằng nghệ thuật giao tiếp sâu rộng và sự sẻ chia… Và, cuối cùng, đó là những gì chúng ta nương nhờ để tồn tại.”
Buổi triển lãm được mong chờ từ lâu – “Triển lãm Credit Suisse: Raphael” – sẽ diễn ra tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Buổi triển lãm đã được dự kiến mở cửa vào năm 2020 để đánh dấu 500 năm kể từ ngày mất của Raphael vào năm 1520, nhưng sau đó đã bị hoãn lại vì dịch bệnh. Buổi triển lãm sẽ khai mạc từ ngày 09/04 và kéo dài đến ngày 31/07. Truy cập NationalGallery.org.uk để biết thêm thông tin.
Triển lãm được giám tuyển bởi giáo sư David Ekserdjian, giáo sư giảng dạy lịch sử nghệ thuật và điện ảnh tại Đại học Leicester; Giáo sư Tom Henry, giảng dạy lịch sử nghệ thuật (Danh dự) tại Đại học Kent; và Matthias Wivel, người giám tuyển các bức tranh Ý thế kỷ 16 của Aud Jebsen tại Phòng trưng bày Quốc gia tại London.
Chú thích của dịch giả:
*Contrapposto: là một từ tiếng Ý mô tả cách một người đứng chỉ đặt trọng lượng của họ lên một chân, điều này khiến vai và cánh tay của họ hơi lệch về phía giữa. Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất là bức tượng David của Michaelangelo.
Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: