The Epoch Times ra mắt trang web ‘Hồng Kông & Thế giới’
Hồng Kông, nơi đong đầy những điều kỳ diệu, từ một nơi chật hẹp nhỏ bé đã vươn lên thành một đại thành phố quốc tế nổi tiếng. Hơn bảy triệu người dân Hồng Kông, mỗi người đều mang trong mình niềm tự hào hãnh diện, đang chăm chỉ làm lụng nơi phúc địa không có thiên tai này, tạo nên một xã hội phồn vinh với sự tụ hội của hai nền văn hóa Trung-Tây.
Đáng buồn thay, ĐCSTQ đã phản bội lời hứa của mình. Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc đang thâu tóm toàn bộ quyền cai trị Hồng Kông, vi phạm nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Xã hội dân sự của thành phố đã sụp đổ và quyền tự do báo chí đã không còn nữa. Hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã di cư ra hải ngoại tìm cầu một cuộc sống mới; nhưng nhiều người khác đã chọn ở lại quê hương, kiên trì tín niệm và chờ đợi ánh bình minh.
Hồng Kông cần được sự quan tâm chú ý của người dân trên toàn thế giới. Vậy nên, chúng tôi đã tạo dựng một trang web riêng có tên là “Hồng Kông và Thế giới” (Hong Kong & the World, 世界的香港) để đưa tin tức về Hồng Kông và người dân Hồng Kông, với hy vọng cứu vãn viên minh châu quý báu và lấp lánh một thời này của thế giới thoát khỏi bể trầm luân.
Là một trung tâm kinh tế và tài chính của thế giới, Hồng Kông là một trong những nền kinh tế tự do nhất với nền tư pháp độc lập, thuế suất thấp, nhân tài chuyên nghiệp, và hệ thống thương mại tự do. Trung tâm tài chính Á Châu này đã đứng đầu về chỉ số tự do kinh tế của Quỹ Di sản trong 25 năm tính đến năm 2021. Thành phố này đã nhiều lần được Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) có trụ sở tại Lausanne, Thụy Sĩ trao tặng danh hiệu nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.
Hồng Kông cũng là một thành viên của khoảng 50 tổ chức quốc tế, bao gồm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Năm 2021, Chỉ số Tự do Kinh tế của Quỹ Di sản đã loại trừ Hồng Kông vì các chính sách kinh tế của thành phố này đều “đang nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh,” Quỹ Di sản cho biết. Trong năm tháng đầu năm nay, việc gây quỹ IPO của Hồng Kông đã chạm mức thấp nhất trong 12 năm. Trích dẫn một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Âu Châu tại Hồng Kông, báo cáo của IFC cho biết, gần một nửa số công ty Âu Châu tại Hồng Kông có kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động và nhân viên ra khỏi thành phố này. Thành phố Thế giới của Á Châu đang mất dần các chuyên gia và dòng vốn ngoại quốc; sự hấp dẫn của trung tâm tài chính chủ đạo của Á Châu cũng đang dần tàn lụi.
Hồng Kông, một trung tâm hậu cần và vận tải quốc tế, mang hình ảnh của một trung tâm vận tải đẳng cấp thế giới với Phi trường Quốc tế Hồng Kông, các cảng container, và bến du thuyền. Hồng Kông là sự lựa chọn hàng đầu cho các văn phòng khu vực và trụ sở của nhiều công ty lớn trên thế giới. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế, đóng vai trò tích cực và quan trọng trên vũ đài thế giới.
Thế nhưng, Hồng Kông ngày nay, vì thực thi mù quáng chính sách zero COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc Cộng sản, nên thành phố này đã đánh mất đi vị thế quan trọng của mình.
Hồng Kông, trung tâm pháp lý của quốc tế và khu vực Á Châu Thái Bình Dương, là cơ quan tài phán duy nhất ở Trung Quốc thực thi luật phổ thông. Hệ thống tư pháp độc lập và các thẩm phán không thường trực của Chung Thẩm Pháp viện đến từ các quốc gia khác nhau đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng pháp lý quốc tế. Các pháp viện này có thể thực hiện quyền tư pháp độc lập mà không bị can thiệp.
Kể từ khi phong trào chống luật dẫn độ nổ ra trong hàng triệu người dân Hồng Kông vào năm 2019, chính quyền Hồng Kông đã bắt giữ hơn 10,000 người Hồng Kông, bao gồm cả học sinh trung học. Việc bỏ tù mà không cần xét xử đã trở thành một chuẩn tắc nhắm vào những người ủng hộ dân chủ và những người biểu tình. Hiện có đến 1,014 tù nhân chính trị ở Hồng Kông, tăng theo cấp số nhân trong ba năm kể từ khi cuộc biểu tình trong quần chúng nổ ra vào ngày 09/06/2019. Vào thời điểm đó chỉ có một số ít tù nhân chính trị. Theo báo cáo mới của HKDC (Hội đồng Dân chủ Hồng Kông), “Hồng Kông là một trong những quốc gia có số lượng tù nhân chính trị tăng nhanh nhất trên thế giới, sánh ngang với Belarus, Miến Điện, và Cuba.” Việc một thẩm phán Úc và hai thẩm phán Anh của Chung Thẩm Pháp viện từ chức đang gửi đi một thông điệp về sự mất lòng tin vào sự công bằng trong tư pháp của thành phố này.
Hồng Kông đã từng là một trung tâm thông tin với hệ thống liên lạc phát triển tốt và luồng thông tin tự do, được hưởng quyền tự do báo chí ở mức độ cao. Ngành công nghiệp truyền thông đã phát triển mạnh mẽ với các ký giả đoạt giải thưởng và đưa tin tức đa dạng. Theo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, trong số 180 quốc gia và khu vực trên thế giới, thứ hạng của Hồng Kông đã giảm từ thứ 18 năm 2002 xuống thứ 148 vào năm 2022, và hiện đang đứng ở giữa Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ báo ủng hộ dân chủ lớn nhất Hồng Kông, Apple Daily, và trang web tin tức nổi tiếng Stand News (Lập trường Tân văn) đã bị buộc phải đóng cửa. Các hãng thông tấn quy mô nhỏ đã tự nguyện đóng cửa vì rủi ro pháp lý, và các ký giả bị bắt giữ vì tội làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. ĐCSTQ đàn áp các tổ chức văn hóa độc lập, bóp nghẹt không gian sinh tồn và phát triển của họ, sau đó lũng đoạn quyền diễn ngôn văn hóa ở Hồng Kông.
Hồng Kông, là một trung tâm giao lưu và hội nhập đa văn hóa, nơi hội tụ của nền văn hóa Trung Hoa và nền văn hóa Tây phương. Thế giới nên ghi nhớ và nuôi giữ hy vọng dành cho Hồng Kông — nơi vun đắp nên sự trù phú độc đáo của truyền thống vốn bảo lưu, gìn giữ được tinh thần và văn hóa Trung Hoa truyền thống, những thứ chưa bị ĐCSTQ hủy hoại hay làm hoen ố, cũng như tiếp thu các giá trị phổ quát của phương Tây.
Hồng Kông, một cái tên từng được người đời ngưỡng mộ và yêu mến, giờ đây đang giãy giụa trong tuyệt vọng. Lịch sử và những lợi thế mà người Hồng Kông tự hào, đã biến mất chỉ sau một đêm, cùng với chính sách “một quốc gia, hai chế độ,” sau khi ĐCSTQ vi phạm Tuyên bố Chung Trung-Anh bằng cách cưỡng chế ban hành “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, và chuyển sang quản lý Hồng Kông một cách toàn diện và trực tiếp.
Trong một môi trường khó khăn như vậy, ít nhất 110,000 người Hồng Kông đã di cư sang Vương quốc Anh sau khi chính phủ Anh khai triển chương trình cấp hộ chiếu Công dân Anh ở Hải ngoại (gọi tắt là BNO). Số lượng người di cư từ ngày 01/07/2020 đến ngày 02/04/2022, lên đến 325,497 người. Lành thay, vô luận người Hồng Kông có đi đến đâu, thì họ vẫn giữ được cốt cách tôn nghiêm. Trong khi sinh sống hòa thuận với người dân địa phương, nhiều người Hồng Kông vẫn đang không ngừng cố gắng vì nền dân chủ và tự do của Hồng Kông.
Hồng Kông, Hòn ngọc Phương Đông và là một trong Tứ Tiểu Long (bốn con rồng kinh tế) của Á Châu, không nên bị gò ép bó buộc thành một trong những thành phố nằm dưới ách thống trị trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ý nghĩa độc đáo của Hồng Kông nên được bảo tồn, trước khi nó hoàn toàn biến mất trên trường quốc tế. Người dân Hồng Kông nên bảo vệ trung tâm tài phú của thế giới, nơi họ đã vun đắp và phát triển, cũng như chú ý đến người dân Hồng Kông trong và ngoài nước.
Hồng Kông thuộc về thế giới này với những giá trị cốt lõi được thừa hưởng từ sự giao thoa của hai nền văn hóa Trung-Tây. Đây là một trong những tiền đề để chúng tôi tạo nên trang Web này:
https://theepochtimes.com/c-hong-kong-the-world
Trong quãng thời gian đặc biệt này, chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục giúp đỡ Hồng Kông cho đến khi văn minh của Hồng Kông một lần nữa nở rộ ánh hào quang. Chúng tôi cũng hy vọng rằng các ký giả và những người ôm chí lớn ở Hồng Kông sẽ cùng chung sức giúp chúng tôi hoàn thành sự nghiệp đại nghĩa này.
Hồng Kông đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. “Trong gió mưa, nỗi đau này có đáng kể gì? Hãy gạt đi những giọt nước mắt. Đừng sợ. Ít nhất thì chúng ta vẫn có những giấc mơ.”* Vì thế hệ mai sau, “Hồng Kông của thế giới” vẫn đang tiếp bước ở hải ngoại. Chúng ta hãy cùng nhau ghi chép lại Hồng Kông.
Chú thích: (*) Ca từ trong một nhạc phẩm của Đài Loan do ca sĩ Trịnh Trí Hoa thể hiện.