Thầy tướng số nổi tiếng thời Nam Tống đoán mệnh cực chuẩn xác
Thời kỳ Nam Tống, ở đô thành Lâm An (nay là Hàng Châu Chiết Giang) có một vị thầy bói, tên là Hàn Tháo. Ông bình thường mở quầy xem bói tại vùng Tam Kiều. Bởi vì quẻ thuật linh nghiệm, ông xem bói cực kỳ chuẩn xác, có không ít văn nhân sĩ tử đều mộ danh ông mà đến, còn có người đích thân đến tận Hàn gia, để cầu hỏi về vận mệnh quan lộ của mình.
Thời Nam Tống có một nhà nho nổi tiếng tên Lữ Tổ Khiêm (tự là Bá Cung), ông cùng với Chu Hi và Trương Thức được người đời xưng tụng là Tam Hiền Đông Nam. Mùa xuân năm Thiệu Hưng thứ 30 (năm 1160), Lữ Tổ Khiêm dẫn theo Tăng Đãi (tự Trọng Cung) đến thăm nhà Hàn Tháo. Lúc ấy, có một vị dòng dõi vương thất họ Triệu đến Hàn gia trước bọn họ. Thế là, Hàn Tháo lần lượt xem bói cho ba người này.
Ông nói Triệu quan nhân sẽ làm đến chức Quận Thủ, tương lai bởi vì có nhiều con mà càng thêm hiển quý. Tiếp theo, ông nói với Tăng Đãi: “Mệnh số của ngươi khá tốt, không chỉ có gia thế, còn có học vấn cao, tương lai nhất định có thể nhập sĩ làm quan, nhưng đáng tiếc là, ngươi cả đời này đều không trúng được khoa cử”.
Đến phiên Lữ Tổ Khiêm, Hàn Tháo hỏi ông trước: “Ông vì sao muốn đến Lâm An?” Lữ Tổ Khiêm trả lời: “Ta đến để dự thi”. Hàn Tháo lại hỏi: “Ông năm ngoái tham gia thi ở cấp châu không đậu, năm nay có thể nào tham gia thi cấp tỉnh sao?” Lữ Tổ Khiêm trả lời: “Ta tới để thi Bác học hồng từ khoa”. Hàn Tháo nghe xong nói với ông: “Ông thật sự là người mà trong mệnh sẽ trúng Hồng từ khoa, nhưng không phải là năm nay, năm nay đã có người khác. Nội trong vòng ba năm bắt đầu từ năm sau, ông nhất định có thể thi đậu tại khoa thi châu và thi tỉnh, còn có thể thi đậu giáp khoa”. Lữ Tổ Khiêm cúi đầu cảm ơn, nhưng Hàn Tháo trầm mặc thật lâu, cuối cùng nói với ông: “Ông sẽ danh tiếng khắp thiên hạ, chỉ tiếc phúc phận không đủ”.
Về sau, Triệu quan nhân quả nhiên làm tới Thái Thú Nhạc Châu, ông có một con trai làm đến quan Thượng thư, và ba người con trai khác làm tới Khanh giám. Nói đến Tăng Đãi, phụ thân của ông từng cùng ba người anh đều là danh thần một đời, tổ phụ ông từng là bằng hữu tri kỷ cùng danh nho Chu Đôn Di. Đúng như Hàn Tháo nói, Tăng gia ở địa phương đích thật là danh gia vọng tộc, trong nhà mấy đời đều có người đậu tiến sĩ. Duy chỉ có Tăng Đãi, mặc dù làm qua thị tùng, nhưng lại chưa bao giờ đỗ được công danh. Tương lai về sau của Lữ Tổ Khiêm cũng được Hàn Tháo nói trúng, liên tiếp trúng cử ở khoa thi châu và thi tỉnh, đồng thời còn thi đậu Bác học hồng từ khoa, cuối cùng trở thành một bậc thầy nho học. Nhưng đến năm 40 tuổi, ông mắc phải chứng bệnh bại liệt, “Không phải thuốc thang châm cứu mà tự khỏi”, nhưng qua được mấy năm liền mất.
Năm Thiệu Hưng thứ 15 (năm 1145), một hôm Thang Tư Thoái, khi còn chưa gia nhập giới sĩ phu, cùng với Sử Hạo cùng nhau tới thăm Hàn Tháo. Sau khi hỏi thăm tình hình của hai người, Hàn Tháo đã nói với bọn họ: “Hai vị tương lai đều có thể làm đến Tể tướng, từ giờ trở đi sẽ lên như diều gặp gió, từng bước thăng chức”.
Thang Tư Thoái và Sử Hạo nghe xong, đều không dám tin. Nhưng ngay tại năm đó, hai người họ quả nhiên đều thi đậu Tiến sĩ. Về sau, Thang Tư Thoái tham gia thi đình, trúng đầu bảng khoa thi Bác học hồng từ. Mười năm sau (năm 1155), ông từ Lễ bộ Thị lang thăng đến Đoan minh Điện học sĩ, là người kế nhiệm chức Thiêm thư Xu Mật Viện. Hai năm sau (năm 1157), ông lên làm Thượng thư Hữu Bộc Xạ (chức Tể tướng).
Lúc này, Sử Hạo còn đang nhậm chức Thái học chính (là chức quan Cửu phẩm), trong lúc cùng bằng hữu nói chuyện phiếm, không hiểu mà than rằng: “Hàn Tháo đoán trước con đường công danh của Thang Công linh nghiệm như thế, làm sao ta ở đây lại không được nhỉ? Bây giờ nhìn cảnh ngộ của hai người, thật sự là cách biệt một trời!”
Lại nói Tống Hiếu Tông trước kia khi còn là Kiến Vương, Sử Hạo từng ở tại trong phủ đảm nhận việc giảng dạy, thường cùng ông đàm kinh luận đạo. Sau này, khi Hiếu Tông đăng cơ, lập tức cất nhắc ông làm chức Trung thư xá nhân. Cũng tại năm đó, Sử Hạo vì có công minh oan cho cha con Nhạc Phi, nên được thăng làm Tham tri chính sự. Sau đó ông từng bước thăng chức, thẳng cho đến chức Thượng thư Hữu Bộc Xạ (chức Tể tướng).
Con đường công danh của Thang Tư Thoái cùng Sử Hạo giống hệt nhau, so với những điều Hàn Tháo nói không khác bao nhiêu. Hai người đều ở trong quan trường một bước lên mây, đều được Hoàng đế ủy thác trách nhiệm lớn, cuối cùng được phong làm Tể tướng đương triều.
Hàn Tháo tinh thông thuật bói toán, có thể tiên đoán tiền đồ, họa phúc và nhân quả của người khác. Ông không phải mỗi lần đều biết gì nói nấy, nếu có nói cũng không nói hết. Một hôm, có một vị họ Diệp chức quan là cửu phẩm tới nhờ ông xem tiền đồ của mình. Hàn Tháo nói với ông ta: “Dù cho ông không đọc sách, cũng có thể được làm quan. Ông nếu muốn biết vận thế tiền đồ của mình như thế nào, chờ qua ngày 22 lập thu này hãy tới tìm ta! Khi đó ta sẽ nói kỹ càng cho ông”. Diệp quan nhân nghe xong, cảm giác mình bị trêu đùa. Ông ta thẹn quá hóa giận, muốn động thủ đánh Hàn Tháo, cũng may được người bên cạnh khuyên can.
Mười sáu ngày sau, vị quan nhân họ Diệp đột nhiên mắc bệnh nặng, không ngừng thổ huyết. Ông ta nhớ tới lời Hàn Tháo nói, không khỏi lo lắng, sợ hãi. Ông tìm được một người cùng tuổi là Hương Tăng, để ông này viết bát tự của hai người trên giấy, sau đó đưa đến Hàn gia. Hàn Tháo nhìn, chỉ vào bát tự của một trong hai người nói: “Người này đầu tháng ta đã xem qua, ông ta sẽ không sống qua lập thu, nếu qua lập thu còn chưa chết, ta sẽ không xem mệnh cho người ta nữa”. Hương Tăng trở về, không dám đem những lời Hàn Tháo nói cho Diệp quan nhân nghe. Về sau, Diệp quan nhân quả nhiên không sống qua lập thu.
Vị Diệp quan nhân này vốn là người bất hiếu bất nghĩa, hắn từ nhỏ đã mất đi song thân, toàn bộ nhờ một tay tổ mẫu nuôi lớn. Năm hai mươi mốt tuổi, Châu thành nơi ông ta cùng tổ mẫu ở đột nhiên gặp phải quân giặc đánh chiếm. Vì để cho ông ta chạy ra khỏi thành trước, tổ mẫu đem tất cả năm mươi lượng vàng cùng ba mươi thỏi bạc cả đời góp nhặt được đưa hết cho ông ta, căn dặn ông ta ở ngoài thành sau khi ổn định xong, thì quay lại đưa tổ mẫu ra ngoài. Nhưng hắn vong ơn bội nghĩa, không quay trở lại trong thành. Cuối cùng, tổ mẫu của ông ta chết trong tay giặc, ngay cả tro cốt cũng không tìm được.
Từ đó về sau, Diệp quan nhân yên tâm thoải mái tiêu tiền của tổ mẫu. Hắn mua ruộng bán trà, kết giao tôn thất, còn lo được chức quan cửu phẩm. Mãi sau khi mắc bệnh nặng, lúc rơi vào hôn mê, trong miệng ông ta mới lẩm bẩm nói ra: “Nói với tổ mẫu ta, ta nhất định sẽ đem tiền trả lại bà, xin bà để ta về quê sống, đừng để ta bị ngàn vạn đao lóc thịt!” Từ xưa làm nhiều việc bất nghĩa tất tự diệt, Diệp quan nhân chết thảm cũng là do chính ông ta tự gieo nhân ác bất hiếu dẫn đến.
Hàn Tháo khi lần thứ nhất xem mệnh cho ông ta, đã biết kỳ hạn phải chết của ông ta. Ngẫm xem, thế gian hết thảy đều do nhân quả tạo thành, ai cũng không thể vô pháp mà vượt qua thiên lý thiện ác hữu báo được.
Tư liệu tham khảo:
« Tề Đông dã ngữ »
« Di kiên chí » Đinh Chí quyển thứ 6, thứ 7
Do Lí Tinh Thành thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: