Thầy trò Huyền Trang và hòa thượng Tam Xa tinh thông ngoại ngữ
Trong số những nhân tài tinh thông ngoại ngữ trong giới dịch thuật xưa thì các nhà sư chiếm một tỉ lệ rất lớn.
Cao tăng Huyền Trang thời nhà Đường đã tây du Thiên Trúc trong suốt 17 năm. Khi ông quay về Đại Đường thì đã tinh thông ngôn ngữ của 5 nước Thiên Trúc. Khả năng ngoại ngữ của ông lúc đó đã đạt đến trình độ đọc tiếng Phạn không khác gì đọc tiếng Hán, không một chút chướng ngại hay sai sót. Đường Tăng đã thỉnh về hơn 600 bộ Kinh Phật,để dịch những bộ Kinh này trong thời gian nhanh nhất có thể, Đường Thái Tông đã đặc biệt tuyển chọn những nhân tài thông thạo ngoại ngữ và tinh thông Kinh Phật, không phân biệt tăng tục, quan dân, dốc sức hỗ trợ Đường Tăng.
Khuy Cơ, vốn là một thiếu niên dòng dõi quý tộc, dưới sự chăm sóc bồi dưỡng của Đường Tăng, cũng trở thành một cao thủ của viện dịch thuật. Một vị vương tôn công tử dòng dõi quý tộc xưa vì duyên cớ gì mà bước chân vào Phật môn? Ở đây có lưu lại một giai thoại.
Đường triều Cao Tăng Khuy Cơ là cháu ruột của danh tướng Đại Đường, Uất Trì Cung. Mẫu thân của Khuy Cơ là Bùi thị, lúc mang thai đã từng nằm mộng thấy trong tay mình một vầng trăng tròn sáng ngời, bà tò mò đưa vầng trăng sáng lên cao nhìn, không ngờ lại nuốt trăng sáng vào bụng. Đến ngày sinh nở, Bùi thị hạ sinh một cậu bé. Tả Kim Ngô tướng quân Uất Trì Tông đặt tên cho cậu bé là Uất Trì Khuy Cơ, tự là Hồng Đạo. (Tống Cao Tăng truyện, quyển 4).
Khuy Cơ xuất thân trong gia đình vương hầu quý tộc, thuở nhỏ đã sống trong cảnh giàu sang quyền quý, quần là áo lượt. Một hôm, cậu cùng những anh em dòng dõi quý tộc khác ra khỏi thành Trường An chơi. Bất ngờ, con ngựa của Khuy Cơ đột nhiên chạy hướng về phía một nhà sư. Cậu sợ hãi siết chặt giây cương, con ngựa chồm lên và hí lớn, theo đó cậu từ trên lưng ngựa ngã xuống ngay trước mặt nhà sư. Nhà sư này chính là Pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang vừa trông thấy cậu thiếu niên thì trong lòng có một sự kinh động, cảm giác như thể đã từng gặp qua cậu thiếu niên.
Khuy Cơ tuy xuất thân dòng dõi quý tộc, nhưng từ nhỏ đã theo phụ mẫu lễ bái Phật, nên đối với tăng nhân cũng vô cùng kính trọng. Cậu chắp tay đảnh lễ Huyền Trang. Huyền Trang hỏi cậu: “Cậu là công tử nhà ai?” Khuy Cơ nói, con là con trai của Tả Kim Ngô tướng quân Uất Trì Tông. Huyền Trang thấy cậu vô cùng quen thuộc, nhưng nhất thời không nhớ đã từng gặp cậu bé ở đâu. Ông vẫy tay chào và để cậu rời đi.
Trở về tu viện, Huyền Trang nhập tĩnh đả tọa, mới hiểu ra cậu thiếu niên này là ai.
Huyền Trang trên đường đi Thiên Trúc, khi đến miền Bắc Ấn Độ, chuẩn bị vượt qua những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng. Ở nơi hoang vắng băng tuyết ngập trời, Huyền Trang gặp một vị sư già đang nhập định đã tọa. Bởi vì vị sư già này đã nhập định trong thời gian quá lâu, đến nỗi thân thể phủ một lớp bụi dày. Huyền Trang làm sạch bụi trên thân thể vị sư già xong thì lấy ra một cái chuông gõ lên một tiếng.
Tiếng chuông thanh khiết này đã đánh thức vị sư già đang nhập định. Ông lão hỏi Huyền Trang, tại sao lại quấy rầy việc tu hành của mình. Huyền Trang nói rằng mình là nhà sư đến từ Đông thổ Đại Đường đang trên đường đến Thiên Trúc thỉnh Kinh của Đức Phật Thích Ca. Vị sư già nghe đến đây, mắt ông sáng lên, ông kinh ngạc nói: “Lẽ nào Đức Phật Thích Ca đã ra đời?”
Lúc này đến lượt Huyền Trang ngạc nhiên: “Phật Thích Ca đã viên tịch hơn một ngàn năm rồi” .Vị sư già tiếc nuối nói rằng ông là tì kheo vào thời Đức Phật Ca Diếp, vì biết rằng Đức Phật Thích Ca sẽ hạ thế nên ông đã nhập định chờ đợi Đức Phật. Nhưng không ngờ đã bỏ lỡ hơn một ngàn năm. Vì vậy, ông chuẩn bị tiếp tục nhập định một lần nữa chờ đợi Pháp của Đức Phật Di Lặc. Huyền Trang lo sợ rằng ông sẽ lại bỏ lỡ cơ duyên một lần nữa, nên khuyên ông tốt nhất bây giờ nên chuyển sinh đến Đại Đường. Đợi đến lúc Huyền Trang thỉnh Kinh trở về thì sẽ truyền cho ông, như vậy cũng không uổng công hơn ngàn năm chờ đợi của ông.
Huyền Trang dặn dò ông nhất định phải đến ngôi nhà màu vàng lợp ngói lưu ly để chuyển sinh, cũng tức là chuyển sinh vào hoàng cung Đại Đường, để kết duyên cùng Đường Thái Tông. Vị sư già đồng ý.
Vào thời nhà Đường, văn thần võ tướng rất nhiều, bọn họ theo Thái Tông tạo dựng sự nghiệp, đều được phong hầu phong vương. Dinh phủ của một vài vị Vương hầu quý tộc cũng được lợp ngói lưu ly. Vị tăng già không để ý đến những chi tiết này, ông nhìn thấy ngôi nhà màu vàng lợp ngói lưu ly thì liền chuyển sinh vào đó, đó chính là phủ của Uất Trì tướng quân.
Chính vì vậy mà có cuộc gặp gỡ ngoài thành Trường An, con ngựa của Khuy Cơ rất có linh tính, nó trực tiếp đưa Khuya Cơ bay về phía Huyền Trang. Điều này có lẽ chính là duyên phận.
Huyền Trang đã dành thời gian đích thân đến phủ của Uất Trì tướng quân thăm viếng. Từ sau khi Đường Tăng từ Thiên Trúc trở về, thành Trường An từ trong ra ngoài, bất kể tăng tục đều vô cùng kính trọng ông. Uất Trì tướng quân nghe Huyền Trang đến phủ thì đích thân ra nghênh tiếp.
Trong lúc trò chuyện, Huyền Trang nói: “Tiểu công tử tướng mạo đường đường, khí chất bất phàm, nếu có thể xuất gia làm tăng thì tương lai nhất định sẽ là long tượng trong Phật Pháp”. Uất Trì tướng quân đáp: “Khuyển tử tính tình thô lỗ, hành vi lỗ mãng, chỉ e Pháp sư khó mà giáo hóa được nó”. Huyền Trang nói: “Nếu cậu ấy chẳng phải là con của tướng quân thì cậu ấy cũng sẽ không như vậy, ngoại trừ bần tăng thì không ai có thể phát hiện ra tài năng của cậu ấy”.
Huyền Trang ngày thường cử chỉ thanh tao, hành vi nho nhã. Nhưng một khi mở miệng thì lời nói lưu loát, ý văn mẫn tiệp. Năm Trinh Quan thứ 16 (năm 642) Huyền Trang ở tại Thiên Trúc đã dùng Tiếng Phạn thể hiện tài hùng biện của mình, một mình đấu lại tăng chúng của 5 nước, trở thành người chiến thắng trong cuộc hùng biện, danh tiếng chấn động cả 5 nước Thiên Trúc. Sau khi Huyền Trang nói chuyện với Uất trì tướng quân xong thì Uất Trì Tông hoàn toàn bái phục và đồng ý để Khuy Cơ xuất gia.
Tuy nhiên, Khuy Cơ lại kịch liệt phản đối. Cậu nói, nếu muốn cậu xuất gia thì phải đồng ý với cậu 3 việc: không đoạn tình dục, không đoạn rượu thịt, có thể ăn quá ngọ. Huyền Trang vì để giáo hóa cậu nên đã tạm thời đồng ý với yêu cầu của cậu.
Người xuất gia thường phải từ bỏ các loại sở thích ham muốn. Nhưng ngày Khuy Cơ xuất gia, theo sau cậu là ba xe lớn, một xe chứa đầy rượu, một xe toàn là mỹ nữ và một xe chứa Kinh Phật, dương dương tự đắc. Trường An là một đô thị quốc tế lớn, phồn vinh thịnh vượng, người dân trong thành gặp qua không biết bao nhiêu tăng nhân cư sĩ các nước, những chuyện kỳ lạ nghe được cũng không ít. Nhưng cách thức xuất gia khác lạ của Khuy Cơ đã trở thành nội dung trong các câu chuyện phiếm trên bàn trà quán rượu ở thành Trường An lúc bấy giờ. Mọi người đều gọi cậu là “Tam xa hòa thượng” (Tống Cao Tăng truyện, quyển 4).
Một ngày nọ, Khuy Cơ phụng mệnh đến Thái Nguyên truyền Pháp, ba chiếc xe theo cậu như hình với bóng. Trên đường, một lão ông nhìn thấy ba chiếc xe được trang trí hết sức lộng lẫy bèn hỏi: “Những xe này là của ai?”. Có người đáp: “Đây là hành trang gia quyến mang theo của một vị hòa thượng xuất gia”. Lão ông thở dài, làm gì có vị hòa thượng tinh thông Phật Pháp nào mà lại mang theo gia quyến khi xuất gia chứ? Đây mà là hành vi của đệ tử Phật Đà sao?
Khuy Cơ nghe những lời đó xong thì chợt tỉnh ngộ, bỏ lại xe một mình đến Thái Nguyên. Từ đó về sau, cậu nghiêm trì giới luật, tinh tấn học Pháp, dưới sự chỉ dạy của ngài Huyền Trang, cậu nghiên cứu học tập ngôn ngữ 5 nước Thiên Trúc. Năm Khuy Cơ 25 tuổi, phụng chỉ giúp đỡ Huyền Trang phiên dịch Kinh Phật, trở thành một vị cao tăng đại đức.
Do Hoàng Phủ Dung thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch times Hoa ngữ
Xem thêm: