Thất bại của Didi đã vĩnh viễn thay đổi các đợt IPO ở ngoại quốc của Trung Quốc
Trung Cộng giám sát chặt nhằm làm chậm lại trào lưu IPO ở Hoa Kỳ của các công ty Trung Quốc
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bắt đầu thống nhất về một điều—rằng việc các công ty công nghệ Trung Quốc bán cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ có thể không hiệu quả.
Chỉ vài ngày sau khi công ty gọi xe Trung Quốc Didi Global Inc.—chi nhánh được niêm yết tại Hoa Kỳ của Didi Chuxing—được IPO tại New York vào đầu tháng này, cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về công ty này và xóa ứng dụng của nó khỏi các cửa hàng ứng dụng di động tại Trung Quốc. Cuộc điều tra của Cục Không gian mạng của Trung Quốc là để “bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia.”
Hậu quả của việc này là ngay tức thì và nghiêm trọng. Cổ phiếu niêm yết trên sàn NYSE của Didi đã giảm xuống dưới mức giá IPO. Hai vụ kiện ở New York và Los Angeles của các nhà đầu tư đã buộc tội các giám đốc điều hành Didi cùng các ngân hàng bảo lãnh phát hành hàng đầu của hãng này vì đã không công bố thông tin về các cuộc điều tra đang diễn ra trước khi Didi niêm yết. Các chuyên gia đầu tư từ ông Kyle Bass đến ông Jim Cramer đều công khai chỉ trích thông tin này và đặt câu hỏi liệu chứng khoán Trung Quốc có thể là tài sản đầu tư được hay không.
Có rất nhiều thứ cần phải làm rõ ra ở đây. Nhưng có một điều chắc chắn là: từ nay trở đi, chứng khoán Trung Quốc sẽ không bao giờ được nhìn nhận như trước nữa.
Để bắt đầu, cuộc trấn áp đối với Didi và những đại công ty công nghệ khác của Trung Cộng không có gì đáng ngạc nhiên. Sau khi Trung Cộng đánh chìm vụ IPO của Ant Group vào năm ngoái (2020), các nhà đầu tư ủng hộ Didi hoặc đã không chú ý hoặc đã không rút ra bài học cho mình.
Chúng ta phải quay trở lại năm 2000 để hiểu bối cảnh. Năm đó, Sina.com (sở hữu Weibo) đã trở thành hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đầu tiên IPO tại Hoa Kỳ.
Trung Cộng cấm sở hữu ngoại quốc trong các ngành mà họ coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ. Sina đã sử dụng một cấu trúc pháp lý phức tạp liên quan đến một loạt các tổ chức có mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) để lách các quy định của Trung Quốc về sở hữu ngoại quốc. Về bản chất, các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ mua cổ phần của một công ty vỏ bọc có đăng ký tại Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh (VIE), những công ty này đến lượt mình nắm giữ các lợi ích kinh tế tổng hợp trong các công ty Trung Quốc thực sự thông qua một loạt các thỏa thuận pháp lý. (Variable interest entity, VIE: một cấu trúc kinh doanh hợp pháp tại Trung Quốc, trong đó một nhà đầu tư có lợi ích kiểm soát mặc dù không có đa số quyền biểu quyết).
Nói cách khác, điều này giống như thể tôi sở hữu một công ty và quý vị muốn mua lại công ty của tôi. Nhưng thay vì mua thôn tính tôi và để quý vị thực sự sở hữu công ty, quý vị và tôi ký kết một hợp đồng giấy, nơi tôi hứa sẽ chuyển cho quý vị tất cả lợi nhuận trong tương lai của công ty một cách vĩnh viễn. Điều đó không hoàn toàn đơn giản nhưng là một ví dụ minh họa dễ hiểu.
Kể từ sau đợt IPO mang tính bước ngoặt của Sina, thông lệ này đã trở thành tiêu chuẩn trong các đợt IPO ra ngoại quốc của các hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc, bao gồm Alibaba, JD.com, Baidu và gần đây nhất là Didi.
Như vậy, các cổ đông Hoa Kỳ không thực sự sở hữu công ty và không có tiếng nói thực sự hoặc quyền biểu quyết trong công ty đang kinh doanh ở Trung Quốc. Trường hợp điển hình: các cổ đông lớn của Alibaba là Yahoo và SoftBank đã không có tiếng nói gì khi Alibaba chia tách mảng rất có giá trị là Alipay vào năm 2011. Hai cổ đông này đã đặc biệt khó chịu vì hành vi được cho là tước đoạt tài sản của ông Jack Ma, nhưng họ cũng chẳng thể làm gì.
Đó không phải là vấn đề nếu các nhà đầu tư biết rõ họ đang ký kết điều gì khi mua các đợt IPO của Trung Quốc. Nhưng thực tế vẫn là cấu trúc VIE này, về mặt kỹ thuật, là bất hợp pháp ở Trung Quốc; chúng là sự vi phạm trắng trợn luật pháp Trung Quốc. Trung Cộng đã bỏ qua điều này trong nhiều năm vì nhiều lý do, nhưng thật ngớ ngẩn khi các nhà đầu tư tin rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ trấn áp.
Tuy nhiên, chính những lý do khiến các nhà đầu tư Hoa Kỳ rơi vào thế bất lợi về mặt pháp lý cũng khiến các nhà quản lý Bắc Kinh phải bất lực. Trung Quốc không có quyền tài phán đối với Cayman hoặc BVI, và những người sáng lập và giám đốc điều hành của những hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc có thể tạo ra các pháp nhân ngoại quốc khác do họ sở hữu cá nhân để nhận cổ tức và các khoản thanh toán thoát khỏi sự theo dõi của Bắc Kinh, có khả năng né tránh các biện pháp kiểm soát vốn và thuế.
Có tin đồn cho rằng Bắc Kinh đang xem xét kỹ lưỡng cấu trúc VIE. Bloomberg đưa tin cho biết Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc đang yêu cầu các công ty đang cân nhắc cấu trúc niêm yết ra ngoại quốc kiểu VIE cần có được sự chấp thuận theo quy định trước khi IPO.
Nhìn vào trường hợp của Didi một cách cụ thể, Trung Cộng dường như quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu.
Trung Cộng khao khát việc giám sát và kiểm soát công chúng của mình. Và trong thời đại thông tin, dữ liệu là vua. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh giới thiệu đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Họ không thể theo dõi tiền mặt, và ngay cả dữ liệu thanh toán di động qua Alipay cũng không do nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp—về mặt kỹ thuật, chúng thuộc sở hữu của hãng này.
Didi là ứng dụng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc, và nó thu thập dữ liệu khổng lồ như nơi người Trung Quốc sẽ đi và khi nào họ đi. Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Của Các Công ty Ngoại quốc yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ phải tuân theo những cuộc kiểm toán theo quy định của Hoa Kỳ, điều này có thể khiến dữ liệu đó rơi vào tay người Mỹ.
Đừng bận tâm rằng đã có vài cuộc đàm phán diễn ra giữa các cơ quan quản lý tài chính của Hoa Kỳ và Trung Quốc để hợp tác về việc chia sẻ báo cáo kiểm toán. Nhưng đây là một trong những lý do chính thức của Bắc Kinh để kìm hãm các công ty công nghệ.
Có một số phỏng đoán rằng Didi đặc biệt ít cởi mở với các cơ quan quản lý Trung Quốc trước khi IPO tại Hoa Kỳ. Tờ South China Morning Post đưa tin cho biết cơ quan quản lý bảo mật dữ liệu của Trung Quốc đã yêu cầu công ty trì hoãn việc IPO, điều này đã bị bỏ qua.
Chúng ta sẽ không đi sâu vào những mưu kế có thể đã hoặc không diễn ra trong phòng họp của Didi. Bất kể lý do đằng sau cuộc trấn áp là gì, rõ ràng là việc huy động vốn ngoại quốc sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều đối với các công ty công nghệ Trung Quốc trong tương lai.
Điều này đã gây ra chút khiếp đảm cho các đại gia công nghệ Trung Quốc khi xem xét niêm yết tại Hoa Kỳ. Vào ngày 07/07, LinkDoc—một nhà cung cấp dữ liệu y tế của Trung Quốc do Alibaba hậu thuẫn—đã rút lại kế hoạch niêm yết của mình sau khi đã dựng sổ đặt hàng IPO từ các nhà đầu tư tiềm năng.
Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ Hoa Kỳ, quan điểm hiếu chiến hơn của Trung Quốc về các đợt IPO ra ngoại quốc được xem như trong cái rủi có cái may. Nhưng đối với các công ty đầu tư mạo hiểm (VC, venture capital) và công ty cổ phần tư nhân (PE, private equity)—chẳng hạn những công ty hậu thuẫn Didi lúc đầu như Uber, SoftBank và Mirae Asset Management của Nam Hàn—họ đột nhiên thấy khó rút khỏi các khoản đầu tư này hơn. Và nếu không có lợi ích được bảo đảm từ việc IPO ở cuối con đường, liệu các VC và PE có đổ xô sang Trung Quốc ngay từ đầu như vậy nữa không?
Các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã đang xem xét việc hủy niêm yết một số công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Giờ đây dường như Bắc Kinh đang làm công việc này thay cho họ.
Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Fan Yu thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: