Thành phố New York sẽ chi 80 triệu USD tiền cứu trợ cho ‘Nghiên cứu Xã hội-Cảm xúc’
Tiểu bang New York đã nhận được gần 9 tỷ USD từ Gói Cứu trợ Khẩn cấp Trường tiểu học và Trung học của Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (ARP) để giúp mở cửa trở lại các trường học sau đợt phong tỏa vì đại dịch. Sở Giáo dục Thành phố New York (NYC) có kế hoạch sử dụng 80 triệu USD của quỹ cứu trợ này trong năm tài chính 2022 để hỗ trợ cho các nhu cầu “Tìm hiểu về mặt Xã hội-Cảm xúc (SEL)” của tất cả các em học sinh, một chương trình [sức khỏe] tâm thần gây tranh cãi mà một số tổ chức cha mẹ người Mỹ gốc Á ở New York đang tẩy chay.
ARP quy định rằng 90% trong số 9 tỷ USD này phải được phân bổ cho các học khu địa phương. Họ cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải bảo đảm các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng để đáp ứng các nhu cầu học tập, xã hội, và cảm xúc (CASEL) của học sinh và giải quyết tác động không đồng đều của đại dịch đối với một số phân nhóm học sinh.
Do đó, Sở Giáo dục NYC gần đây đã đưa ra một hệ thống gọi là Đánh giá Điểm mạnh của Học sinh Devereux để đánh giá “các kỹ năng xã hội-cảm xúc” của học sinh, từ đó phân bổ tiền cho các trường học dựa trên quy mô của học khu, số học sinh nghèo, số người học tiếng Anh, số học sinh người dân tộc thiểu số, v.v. Theo hội phụ huynh, một số cha mẹ đã nhận được thư từ hiệu trưởng yêu cầu họ điền [câu trả lời cho] hơn 40 câu hỏi mang tính xâm phạm, phi học thuật về sức khỏe tâm thần của con em họ mà tất cả học sinh hệ K–12 phải hoàn thành trước ngày 04/12.
Tại sao Gói Cứu trợ Khẩn cấp Trường Tiểu học và Trung học lại được sử dụng cho SEL?
Trong khi nhiều người coi việc bù đắp cho tiến độ học tập đã bị bỏ lỡ trong đại dịch là điều tối quan trọng, thì Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cho rằng các nhu cầu về sức khỏe tinh thần và cảm xúc của trẻ em phải được xem xét trước khi có thể giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề học tập, và việc học gần như là không thể nếu trẻ em cảm thấy không an toàn, chưa nói gì đến chuyện chuyển sang chế độ “đuổi kịp” chương trình.
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, nghiệp đoàn giáo viên lớn nhất quốc gia, cho biết việc thúc đẩy “Tìm hiểu về mặt Xã hội-Cảm xúc” là ưu tiên hàng đầu của các trường học để giải quyết những tổn thương do đại dịch gây ra cho các em học sinh.
Người Mỹ gốc Hoa công khai chỉ trích SEL
Ngay từ ngày 20/06/2019, Thị trưởng New York Bill de Blasio, vợ ông Chirlane Irene McCray, và Bộ trưởng Giáo dục đương thời Richard Carranza đã công bố việc mở rộng SEL và Công lý Phục hồi (RJ) trên quy mô lớn ở khắp các trường học ở NYC.
Theo thông một cáo báo chí của New York, thì thành phố này đang phối hợp với Sanford Harmony để mở rộng SEL đến tất cả các trường tiểu học bằng cách thuê thêm 85 nhân viên xã hội lâm sàng; cũng như cung cấp khoá đào tạo về công lý phục hồi cho tất cả các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở.
Hai năm trôi qua, SEL và RJ giờ đây còn mạnh hơn. Trong năm tài chính 2022, với nguồn kinh phí đáng kể của gói cứu trợ COVID-19, tất cả các trường học sẽ thuê hơn 6,000 nhân viên xã hội, nhà tâm lý học, và nhân viên hỗ trợ gia đình để giải quyết các nhu cầu SEL trên toàn thành phố, bắt đầu với chương trình “Mùa hè Trỗi dậy”, theo trang web của Sở Giáo dục Thành phố New York.
Liên minh Công dân Người Mỹ gốc Hoa ở Đại New York (CACAGNY) chỉ trích các chương trình SEL ở trường học là đã trở thành phương tiện chính cho thuyết tộc sắc trọng yếu (CRT). Nhóm này tin rằng bảng câu hỏi đánh giá là nhằm mục đích tìm kiếm các câu trả lời nhất định để chứng tỏ CRT là các khóa học bắt buộc.
Với tư cách là những bậc cha mẹ đến từ một quốc gia độc tài, những người này cũng nghi ngờ liệu SEL có khả năng là công cụ tuyên truyền mạnh mẽ làm thay đổi cách nghĩ của mọi người hay không.
Công lý phục hồi
RJ là khái niệm cho rằng cần phải giải quyết vấn đề tội phạm không chỉ ở góc độ pháp lý, mà còn ở khía cạnh xung đột xã hội hay xung đột giữa các cá nhân, nhấn mạnh đến việc sửa chữa các mối quan hệ xã hội.
Cách tiếp cận này lập luận rằng không chỉ thủ phạm, mà cả nạn nhân và cộng đồng cần được sửa chữa. Nói đơn giản dễ hiểu, thì nó khuyến khích sự tha thứ, hòa giải giữa nạn nhân và thủ phạm. Đây là sự lặp lại của ý tưởng “phong trào bãi bỏ nhà tù”, vốn tìm cách chấm dứt văn hóa trừng phạt trong tư pháp hình sự.
Khi nói đến các trường học, thì “công lý phục hồi” là một sự chuyển hướng đột ngột khỏi các hình phạt “không khoan nhượng” đối với ma túy và bạo lực học đường vào những năm 1990.
“RJ, trên thực tế có nghĩa là không trừng phạt những học sinh da màu trong trường học, được ông Obama khởi xướng trong bức thư năm 2014 gửi đến các học khu, trong đó ông ấy cảnh báo các trường học rằng nếu họ có các hành động kỷ luật ‘không cân xứng’ như đình chỉ và đuổi học đối với học sinh da màu, thì Văn phòng Dân quyền của ông ấy sẽ truy đuổi họ, vì đã phân biệt chủng tộc,” ông George Lee đến từ CACAGNY cho biết.
SEL ở New York ‘biến tướng’ hơn
Trong hồ sơ xin phép dài 88 trang (pdf) gửi lên Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hồi tháng Sáu, tiểu bang New York đã đề xuất SEL là thần dược mới nhất trong cải cách giáo dục.
Dựa trên các lý thuyết SEL ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập, một số nhóm phản đối việc bố trí cảnh sát trong khuôn viên trường. Họ lập luận rằng đường dẫn “từ trường đến nhà tù” chủ yếu ảnh hưởng đến học sinh da màu và là bằng chứng của chính sách phân biệt đối xử.
Trong bản thảo lời kêu gọi hành động (pdf) có tựa đề “Khuôn khổ về sự Đa dạng, Công bằng, và Hòa nhập ở các Trường học ở New York”, Hội đồng Quản trị NYS đã viết, “Chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử quốc gia. Với sự khẩn trương cao độ, chúng ta không được chỉ dừng lại ở lời nói suông về một lời cam kết công bằng giáo dục mà phải tận dụng thời điểm bất ổn xã hội này để thiết lập lại và hình dung lại hệ thống giáo dục của chúng ta. Về mặt đạo đức, chúng ta có nghĩa vụ phải chớp lấy khoảnh khắc này và xác định lại điều gì là khả thi cho tất cả học sinh của New York.”
Sau đó, Hội đồng Quản trị tiểu bang đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể (pdf) vào tháng Năm: Các học khu nên sử dụng khuôn khổ “Đáp ứng-Duy trì về Phương diện Văn hóa” để “cất cao những tiếng nói từng bị gạt ra ngoài lề trong lịch sử” và “trao quyền cho học sinh với tư cách là những tác nhân làm thay đổi xã hội”. Các quận cũng nên thực hiện các bước sáng tạo để cải thiện sự đa dạng trong các học khu, ngay cả khi các quận được đại diện đồng đều hơn, và thực hiện các hành động và các chính sách kỷ luật không phân biệt đối xử.
Trọng tâm của SEL là liên tục tự kiểm tra
Các bài tập liên tục tự kiểm tra và tự bộc lộ là trọng tâm của SEL. Theo hướng dẫn của SEL (pdf), các viên chức nhà trường sẽ đánh giá tất cả các học sinh, chú ý kỹ đến các phản ứng của học sinh, và sử dụng thông tin thu thập được trong bài đánh giá tâm lý để đánh giá tình trạng “xã hội-cảm xúc” của trẻ để xác định xem các em có đang bị nguy hiểm hay không và xem các em có cần được chuyển sang các biện pháp can thiệp hành vi “chuyên sâu” và “hỗ trợ có mục tiêu” trong một “môi trường thích hợp” hay không. Tất cả việc này được thực hiện dưới danh nghĩa sức khỏe tâm thần.
Thông qua hàng tỷ USD tiền cứu trợ dịch bệnh liên bang, thành phố New York đã phát triển các hoạt động đánh giá tâm lý đến mọi trường học, theo một báo cáo vào tháng Tư của Chalkbeat.
Bà McCray cho biết bà đã dẫn đầu nhiều nỗ lực chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính phủ Bill de Blasio, bao gồm cả nỗ lực này, và bà đã tập trung vào các chương trình sức khỏe tâm thần trong suốt nhiệm kỳ thị trưởng của chồng mình.
Tuy nhiên, Thrive NYC, một chương trình sơ cứu sức khỏe tâm thần do bà McCray đứng đầu, đã bị chỉ trích là tốn kém và thiếu các số liệu rõ ràng, hiệu quả.
Nhiều chi tiết vẫn còn chưa rõ ràng. Các nhóm vận động giáo dục trong cộng đồng người Hoa đặc biệt quan tâm đến quyền riêng tư, sự an toàn, và tính minh bạch. Bốn hội phụ huynh, trong đó có PLACE NYC, gần đây đã đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Sở Giáo dục dừng bài trắc nghiệm SEL cho đến khi tất cả các câu hỏi của các bậc cha mẹ được trả lời.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: