Thánh nhân nghĩ ngàn việc ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc ắt có một việc đúng
Thời Xuân Thu, Tướng quốc của nước Tề là Yến Anh[1] rất có tài ăn nói, điều đáng quý hơn nữa là ông còn là một người lãnh đạo tài giỏi. Ông khéo dùng lời lẽ dễ hiểu nhưng nội hàm sâu sắc để thuyết phục đối phương, mọi người tôn kính gọi ông là Yến Tử.
Yến Tử lúc phò tá Tề Cảnh Công đã lưu lại không ít những câu chuyện ấn tượng sâu sắc. Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện Yến Tử sử dụng đạo lý trong câu nói “Thánh nhân nghĩ ngàn việc, ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng” để khước từ phần thưởng nghìn vàng của Tề Cảnh Công.
Yến Tử chủ trương tiết kiệm, tự mình làm mọi việc, chi phí ăn uống sinh hoạt trong nhà rất ít. Trong thời gian Yến Tử đảm nhiệm chức Tướng quốc của Tề Cảnh Công, có một hôm, khi ông vừa bắt đầu bữa cơm thì sứ giả của Cảnh Công đột nhiên đến nhà. Yến Tử nhanh chóng mời sứ giả vào bàn ăn, khoản đãi và cùng ăn cơm với sứ giả. Bởi vì sứ giả đến thăm đột ngột, nên thức ăn trong nhà không còn bao nhiêu. Yến Tử bèn chia phần thức ăn của mình với sứ giả, kết quả cả sứ giả và Yến Tử đều ăn không no. Sứ giả về cung bẩm báo sự việc với Tề Cảnh Công.
Cảnh Công nghe xong thì cười lớn mà rằng: “Nhà của Yến Tử hóa ra lại bần cùng như vậy! Quả nhân không hay biết, đây là lỗi của Quả nhân”. Sau đó, Cảnh Công liền phái quan sai đem nghìn vàng đến nhà ban thưởng cho Yến Tử, để ông dùng vào việc tiếp đãi khách quý.
Kết quả, quan sai đến ba lần thì cả ba lần đều bị Yến Tử khước từ. Sau đó, Yến Tử vào cung diện kiến Cảnh Công, lại một lần nữa ông ở trước mặt Cảnh Công khước từ, đồng thời cảm tạ sự hậu ái của Cảnh Công đối với mình.
Yến Tử nói:
“Nhà của Yến Tử không hề nghèo. Những thứ ngày thường được hoàng thượng ban thưởng, ân trạch đến ba đời phụ, mẫu, thê tử, hơn nữa bằng hữu của thần và bách tính cũng được thọ ích, hoàng thượng đã ban thưởng nhiều lắm rồi ! Nhà của Yến Tử không hề nghèo!
Thần nghe nói, được nhiều ban thưởng từ Quân vương mà đem đi bố thí cho nhân dân thì chính là hành vi vượt quyền, là việc mà một người trung thần không nên làm. Nếu được nhiều ban thưởng từ Quân vương mà không bố thí cho nhân dân thì chính là cất giữ riêng, đây là việc mà một người có lòng nhân ái không nên làm. Được lợi ích từ Quân vương thì sẽ đắc tội với các bậc khanh sĩ khác, mà con người lúc ra đi chỉ có một thân này, tiền tài cũng không mang theo được, đến lúc lâm chung thì đều sẽ là của người khác, đây chỉ là cất giữ của cải thoáng qua mà thôi, không phải là việc làm của bậc trí giả. Áo cơm đủ ăn đủ mặc là được rồi”.
Cảnh Công tuy đã nghe hiểu rồi nhưng vẫn muốn thuyết phục Yến Tử tiếp nhận ban thưởng, do đó liền lấy một ví dụ về việc Tề Hoàn Công ban thưởng cho Tướng quốc Quản Trọng, nói rằng: “Ngày trước tiên quân của ta là Hoàn Công đã ban thưởng đất phong của 500 xã [2] cho Quản Trọng, Quản Trọng không hề từ chối. Ngươi nay sao lại khước từ như vậy?”.
Yến Tử đáp lại một cách điềm tĩnh, cơ trí và khẩn thiết rằng: “Yến Tử nghe nói, Thánh nhân nghĩ ngàn việc, ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng. Đó có thể là Quản Trọng nghĩ ngàn việc, cũng có một việc sai, Yến Tử nghĩ ngàn việc, cũng có một việc đúng chăng?”
Nói xong, Yến Tử bái tạ nhưng vẫn không nhận ban thưởng.
Câu nói “Thánh nhân nghĩ ngàn việc, ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng” (Hán việt: “Thánh nhân thiên lự, tất hữu nhất thất; ngu nhân thiên lự, tất hữu nhất đắc”) chính là đến từ câu chuyện này. Về sau, người đời sau giản lược thành câu thành ngữ “thiên lự nhất đắc”, trong đó thể hiện được sự cơ trí của Yến Tử. Điều đáng trân quý hơn cả cơ trí, đó chính là đức hạnh của ông, nhân trí dũng vẹn toàn, lại thêm nhún nhường, tự biết tiết chế bản thân, đạm bạc vô dục, nhìn thấu sự mê hoặc của tiền bạc, tiết kiệm thủ đức.
“Kẻ ngu nghĩ ngàn việc, ắt có một việc đúng”, một việc đúng của bậc “đại trí nhược ngu” như Yến Tử quả thật phi phàm. Câu thành ngữ khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn về ngộ tính của một người có đức hạnh cao như Yến Tử.
Chú thích:
[1] Yến Tử chủ trương tiết kiệm tự mình nỗ lực, nhiều lần khước từ quyền vị, nhưng quyền vị lại tự động tìm đến ông. Vào thời Chiến quốc, ông đã liên tiếp được ba đời Tề quốc Linh Công, Trang Công và Cảnh Công trọng dụng phong làm Tể tướng, làm tốt công việc cai trị Quốc gia. Trong “Sử ký” có một đoạn đối thoại rằng: “Yến Anh, Quốc tướng của Cảnh Công, ăn không xem trọng thịt, thê thiếp không mặc tơ lụa”.
[2] xã:một “xã” gồm 25 nhà.
Nguồn tư liệu: “Yến Tử Xuân Thu – Tạp thiên”
Tác giả: Dung Nãi Gia
Lý Mai biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: