Thành kiến của những người tự do
Thẩm phán Amy Coney Barrett đang làm cho phe tự do thấy khó khăn. Nhiều lãnh đạo và nhà hoạt động của Đảng Dân Chủ luôn thù địch với các niềm tin của Cơ Đốc Giáo, đặc biệt là Cơ Đốc Giáo La Mã. Nhóm “tôn giáo” lớn nhất trong số các thành viên của Đảng Dân Chủ là “không tôn giáo”, những người không thuộc bất cứ tổ chức tôn giáo nào.
Tuy nhiên, những người không tôn giáo này chỉ chiếm 28% số thành viên Đảng Dân Chủ, theo một khảo sát của Pew năm 2014, trong khi có tổng cộng 64% người theo Cơ Đốc Giáo, nhưng được chia ra thành Cơ Đốc Giáo La Mã (21%), Tin Lành Phúc Âm (16%), Tin Lành dòng chính (13%), hoặc thành viên của các dòng Tin Lành của người da đen trước đây (12%). Ngoài ra, còn có 8% số thành viên là từ những tôn giáo ngoài Cơ Đốc Giáo. Một tinh thần chống Cơ Đốc Giáo và chống Cơ Đốc Giáo La Mã có thể được biểu lộ mạnh mẽ giữa những nhà hoạt động và lãnh đạo của đảng, nhưng nó không được nhiều người khác đồng tình.
Đảng này đã dùng việc ủng hộ phá thai một cách vô điều kiện như là một phép thử cho những quan chức đang tại vị. Đảng Dân Chủ muốn khôi phục lại việc tài trợ cho phá thai ở các nước khác và hủy bỏ Tu chính án Hyde tại Hoa Kỳ. Trong hầu hết sự nghiệp chính trị gần nửa thế kỷ của mình, ông Joe Biden luôn phản đối dùng ngân sách liên bang cho phá thai và ủng hộ Tu chính án Hyde, một đạo luật được ước chừng đã cứu sống khoảng 60,000 sinh mệnh mỗi năm. Nhưng trong năm 2019, dưới áp lực của những nhà hoạt động và đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ, ông Biden đã đột ngột từ bỏ nguyên tắc cốt lõi này trong sự nghiệp hoạt động chính trị của mình.
Đảng Dân Chủ đang ngày càng thù địch với các miễn trừ cho tôn giáo và các điều khoản tôn trọng lương tâm đang bảo vệ những nhà cung cấp dịch vụ y tế. Đảng Dân Chủ muốn ép buộc bác sĩ, y tá và bệnh viện phải làm trái lương tâm và phải thông đồng hoặc tham dự vào việc cố ý sát hại những đứa trẻ chưa chào đời hoặc người già và người bệnh. Đảng này muốn duy trì và thi hành gắt gao một chế độ phá thai cực đoan hơn hầu hết các quốc gia khác, ngoại trừ một vài nước như Trung Quốc và Bắc Hàn.
Trên phương diện này và các phương diện khác, Đảng Dân Chủ năm 2020 đang lỗi nhịp với niềm tin của hầu hết người dân Hoa Kỳ cũng như đa số người có xu hướng bầu cho nó. Một khảo sát gần đây của Gallup cho thấy trong năm 2020, 70% số người tham gia cho rằng phá thai nên bị hạn chế và nên là bất hợp pháp dưới một vài hoặc bất cứ tình huống nào. Chỉ có 29% cho rằng nó nên được hợp pháp trong mọi tình huống. Đây là lập trường của Joe, Đảng Dân Chủ, cùng với Bắc Hàn và Trung Quốc.
Đây là một ví dụ điển hình cho việc đảng này đang đi theo hướng ngày càng cực đoan hơn. Trong trường hợp này, nó có vẻ như được giật dây bởi nhà tài trợ hào phóng, Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình, hơn là do ý kiến của các thành viên trong đảng.
Những “nhà hoạt động cấp tiến”, theo một nghiên cứu năm 2018 về “Những bộ lạc Ẩn mình” trong bối cảnh phân cực của Hoa Kỳ, là những người trẻ hơn, đang tức giận, theo chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa thế giới. Họ chỉ chiếm 8% trong mẫu đại diện của toàn dân số. Họ là nhóm ít lo lắng nhất về tự do ngôn luận, phản đối nhiều nhất đối với bất cứ hạn chế nào về nhập cư, ủng hộ nhiều nhất cho cách mạng tình dục dưới mọi hình thức, và tin vào khái niệm “da trắng thượng đẳng”. Họ là những người tỉnh thức, những người “đúng đắn chính trị”.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng phát hiện rằng 80% số người được hỏi cho rằng “đúng đắn chính trị” là có vấn đề.
Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy có 47% số cử tri của Đảng Dân Chủ là theo khuynh hướng tự do hoặc rất tự do, trong khi có 52% là trung hòa, bảo thủ, hoặc rất bảo thủ. Mặc dù hầu hết người da đen bầu cho Đảng Dân Chủ, chỉ có 29% trong số họ xem mình là thuộc khuynh hướng tự do. Trong số những người tự nhận là theo Đảng Dân Chủ, người gốc Phi và Mỹ La tinh thường ít nhận mình theo khuynh hướng tự do hơn người da trắng.
Những người tự do, giai cấp, và thành kiến
Đảng Dân Chủ dựa vào số lượng 8% những người cấp tiến trong báo cáo “Những bộ lạc Ẩn mình” để làm tư tưởng cốt lõi cho các nhà hoạt động của mình. Họ đại diện cho nhóm những người da trắng giàu có và trí thức trong đảng.
Như Yascha Mounk đã tóm tắt trong bài thảo luận năm 2018 về nghiên cứu “Những bộ lạc Ẩn mình” trên tờ Atlantic:
“So với phần còn lại của mẫu (đại diện cho cả nước) được thăm dò, những nhà hoạt động cấp tiến thường có rất nhiều khả năng là giàu có và được giáo dục cao hơn, và là người da trắng. Tỷ lệ người có thu nhập cao hơn 100,000 USD/năm của họ cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ người có bằng cấp sau đại học cao gần gấp ba lần tỷ lệ trung bình. Và trong khi 12% số người được khảo sát là người gốc Phi, chỉ có 3% số người cấp tiến là gốc Phi.”
Sức mạnh của tầng lớp tinh anh giàu có này trong xã hội không nằm ở việc chi phối chính kiến của cử tri, mà ở việc nắm giữ các doanh nghiệp lớn, học viện, ngành giải trí, ngành thể thao chuyên nghiệp, bộ máy công chức, và truyền thông. Tuy nhiên, họ cũng cần phải thắng cử và vì vậy phải thuyết phục đủ những người có tư tưởng tự do truyền thống (11% số mẫu), tự do thụ động (15%), những người không tham gia chính trị (26%), và những người trung hòa (15%), để họ bầu cho Đảng Dân Chủ. Việc phơi bày sự thù địch một cách đặc hữu và cực đoan của đảng này đối với những người Cơ Đốc giáo, vốn tuân theo các giáo huấn về đức tin hơn là một ý thức hệ tỉnh thức và tự do tình dục, là một bước đi nguy hiểm.
Đó là bởi vì có hàng triệu người “Cơ Đốc giáo do văn hóa”, những người nhận mình là Cơ Đốc giáo nhưng không tuân theo các cơ sở và giáo huấn nghiêm khắc của Giáo Hội trong các vấn đề về đức tin và đạo đức. Nhưng những người Cơ Đốc giáo do thói quen và văn hoá (cũng như do đã rửa tội) này cũng không muốn thấy những người Cơ Đốc giáo ngoan đạo khác bị quấy rối, sa thải, hay loại trừ khỏi đời sống cộng đồng vì đức tin của họ. Giống như những người tốt ngoài Cơ Đốc giáo khác, họ ghê tởm việc xúc phạm các nhà thờ, việc phá hủy các tượng thánh, cũng như phản đối các chiến dịch căm thù chống lại cảnh sát cùng với sự bạo lực, phá hoại và đốt phá các khu dân cư cũng như các cửa hàng kinh doanh.
Đảng Dân Chủ có một tiêu chuẩn kép cho những người Cơ Đốc giáo. Trong cuộc bầu cử này, họ đã cố gắng nhấn mạnh rằng ông Biden là một người Cơ Đốc giáo, thông qua những hình tượng tôn giáo truyền thống và nói về việc ông Biden được giáo dục trong tôn giáo, thậm chí ông ta được “dẫn dắt bởi đức tin” như thế nào. Như William McGurn đã viết trong tờ Wall Street Journal: “Nói một cách ngắn gọn, tám năm sau khi các đại biểu trong hội nghị Đảng Dân Chủ la ó phản đối Thượng Đế, Thượng Đế đã trở lại. Và đức tin bây giờ được thể hiện như là một điều truyền cảm hứng cho người ta trở nên tốt hơn.”
Thách thức của Thẩm phán Barrett
Việc bà Barrett theo Cơ Đốc giáo, tuy nhiên, lại là một chuyện khác. Những lãnh đạo Đảng Dân Chủ và truyền thông của họ có thể không phản đối những người “Cơ Đốc giáo do văn hóa”, nhưng những người Cơ Đốc giáo nghiêm túc và sống với niềm tin của họ lại là một vấn đề khác.
Ngay cả với những người theo tôn giáo do văn hóa và thói quen, họ cũng không muốn thấy bà bị xúc phạm và phân biệt đối xử. Bà là một người Cơ Đốc giáo nghiêm túc. Là mẹ của bảy người con, bà là một phụ nữ đã đạt đến đỉnh điểm của sự nghiệp mà không phải hy sinh gia đình như lý lẽ của nhiều nhà hoạt động nữ quyền. Bà cũng là một thẩm phán cực kỳ hợp cách.
Tại các buổi điều trần để đề cử bà vào Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ Số 7 chỉ ba năm trước đây, thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California) đã tra hỏi bà Barrett về tôn giáo của bà, và bày tỏ lo ngại rằng “giáo lý đó thể hiện rõ ràng” trong bà. Bà Feinstein không chỉ bày tỏ một sự “thô lỗ vô tri”, như tổng giám mục Charles Chaput đã viết trên tạp chí Những Điều Đầu Tiên, mà bà ta còn gần như đã đặt ra một bài kiểm tra tôn giáo cho một chức vụ trong chính phủ, một điều bị cấm trong Mục 6 của Hiến Pháp. Sự kiện trên đã cho thấy thành kiến sâu sắc trong Đảng Dân Chủ đối với những người Cơ Đốc Giáo.
Ứng cử viên phó tổng thống Kamala Harris đã cho thấy một cách rõ ràng thành kiến chống lại Cơ Đốc giáo của bà ta vào năm 2018 khi đặt vấn đề liệu luật sư Brian Buescher của tiểu bang Nebraska có thích hợp để trở thành một thẩm phán liên bang, do tín ngưỡng Cơ Đốc giáo của ông cũng như việc ông là thành viên của một tổ chức từ thiện Cơ Đốc giáo 137 năm tuổi (mà John F. Kennedy cũng là thành viên), tổ chức Knights of Columbus. Tất cả các thượng nghị sĩ Dân Chủ đều bỏ phiếu chống lại ông Buescher. Tuy nhiên, việc tấn công vào tín ngưỡng của ứng cử viên này đã bị phản tác dụng, và bà Harris cùng với thượng nghị sĩ Mazie Hirono (Dân Chủ-Hawaii) đã bị khiển trách một cách gián tiếp cho vai trò của họ ở cuộc điều trần. Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã mô tả bà Harris như là một “người công khai có thành kiến chống Cơ Đốc giáo nhất trong danh sách ứng cử viên quốc gia của thời hiện đại”.
Bà Harris không phải là một trường hợp riêng lẻ hay một kiểu ngoại lệ lúng túng có thể thấy ở mọi đảng phái lớn. Đây là người mà ông Biden đã chọn để cùng ra tranh cử, là lựa chọn của ông ta và đảng của ông ta cho vị trí phó tổng thống, và chỉ cách chức vụ tổng thống một gang tay.
Thách thức cho Đảng Dân Chủ
Thách thức cho Đảng Dân Chủ, hiện là đảng phái của những người giàu có và tỉnh thức, là làm sao có thể níu giữ được những cử tri nền tảng, những người có truyền thống thuộc tầng lớp lao động, theo văn hóa Cơ Đốc giáo, xem trọng gia đình và yêu nước, trong khi tiếp tục đi sang cánh tả trong nền chính trị bản sắc của mình.
Nhiệm vụ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), theo như một lá thư nhắc nhở từ những mục sư nổi tiếng người da đen, là phải kiểm soát những người lớn tiếng với thành kiến chống Cơ Đốc giáo cũng như những người phản đối tự do tôn giáo, vốn không chỉ còn chiếm thiểu số mà là đang lãnh đạo đảng của họ. Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã nhắc nhở lãnh tụ thiểu số Thượng viện Schumer về “cuộc tấn công cá nhân thô bạo vào tín ngưỡng Cơ Đốc giáo của Thẩm phán Barrett” của bà Feinstein trong các cuộc điều trần phê chuẩn trước đây, và yêu cầu ông ta phải cam kết “không thực hiện những đả kích chống lại Cơ Đốc giáo và tín ngưỡng kiểu đó trong các buổi điều trần kế tiếp”.
Các cuộc bầu cử là những lời nhắc nhở cho giới tinh hoa cấp tiến rằng, mặc dù họ giàu có, quyền lực và có học thức, hay có thể họ là một số ít những người đã “giác ngộ”, họ chỉ là một phần nhỏ trong toàn dân số, ngay cả khi so sánh giữa những người tự do, thiểu số, và cử tri của Đảng Dân Chủ.
Cho dù Tổng thống Donald Trump có lên án nạn phân biệt chủng tộc và số ít các nhóm cánh hữu cực đoan bao nhiêu lần đi nữa, những nhà lãnh đạo và giới truyền thông của Đảng Dân Chủ luôn muốn nhiều hơn, đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý khỏi thủ đoạn lên sẵn kế hoạch, im lặng, và chối bỏ thường dùng của họ. Bây giờ là lúc mà Đảng Dân Chủ phải chịu trách nhiệm cho các nhóm khủng bố và hành động của phe cánh tả, tình trạng lộn xộn, bạo loạn và bạo lực mà họ không muốn hoặc không thể kiểm soát, hay thậm chí là không muốn thừa nhận chứ đừng nói đến việc lên án, tại các thành phố mà họ quản lý.
Họ sẽ đề xuất như thế nào để khôi phục và duy trì luật pháp cũng như trật tự mà một thành phố và xã hội cần có để người dân được thịnh vượng?
Liệu những nhà lãnh đạo của Đảng Dân Chủ có cự tuyệt những cuộc tấn công tồi tệ vào tín ngưỡng của bà Barrett ngay cả trước khi bà được đề cử? Liệu họ có cam kết sẽ loại bỏ các thành kiến với tôn giáo đang tràn ngập hàng ngũ của họ từ trên xuống dưới, dù cho đó là chống Cơ Đốc giáo, chống Do Thái Giáo, hay chống Tin Lành?
Paul Adams là giáo sư danh dự ngành công tác xã hội tại Đại học Hawaii và là giáo sư kiêm phó chủ nhiệm về các vấn đề học thuật tại Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả của cuốn sách “Công bằng xã hội không phải như bạn nghĩ” và đã có nhiều bài viết về chính sách phúc lợi xã hội cũng như đạo đức nghề nghiệp và luân lý.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.