Thần Tài bảo hộ ai?
Trong các vị Thần, có lẽ người Việt quen thuộc nhất với Thần Tài, dù kinh doanh hay không, người Việt thờ cúng Thần Tài quanh năm suốt tháng. Đặc biệt là đầu năm, sau Tết là người người đi khắp đền nọ phủ kia để cầu tài cầu lộc. Phát tài dường như là mục đích lớn nhất của đời người.
Thần Tài là ai?
Thần Tài có nguồn gốc Trung Hoa. Đại phu Phạm Lãi là danh sĩ thời Xuân thu Chiến quốc. Người bình thường biết đến Phạm Lãi không nhiều lắm, nhưng ai cũng biết Tây Thi. Tây Thi là vợ của Phạm Lãi. Câu chuyện về Tây Thi phổ biến trong các nước văn hóa Đông Á. Nàng đã theo kế của Phạm Lãi, từ nước Việt đến nước Ngô để mê hoặc Ngô vương là Ngô Phù Sai, giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, khiến nước Ngô hùng mạnh bị diệt vong.
Phạm Lãi là người thông tuệ, học thức và có vai trò quan trọng giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Sau khi Việt Vương trở thành bá chủ thời hậu Xuân Thu, Phạm Lãi thoái lui đi đến nước Tề khai hoang buôn bán. Nhờ sự thông minh, trí tuệ hơn người ông trở thành đại phú. Buôn bán được mấy năm bèn phát tài, sau khi phát tài bèn đem của cải cứu giúp nhân dân đói nghèo, tức là tán tài, đi khắp nơi kết duyên, bố thí, cúng dường. Bố thí hết rồi, từ món vốn nhỏ nhoi lại buôn bán, sau hai ba năm lại phát tài, người xưa gọi ông “tam tụ, tam tán” có nghĩa là ba lần đại phát tài, ba lần phân chia hết tài sản. Mấy năm sau lại phát đạt, lại còn phát tài nhiều hơn trước, phát tài rồi lại tán tài, tam tụ, tam tán. Vì thế, người Trung Quốc coi ông ta là Tài Thần, trong quá khứ thờ Tài Thần là thờ Phạm Lãi.
Như vậy trong quan niệm cổ nhân thờ Thần Tài là việc thể hiện lòng biết ơn một người có tâm đại Thiện, rộng lượng, sẵn lòng xả bỏ của cải để cứu giúp người khác không hề so đo toan tính, thờ Phạm Lãi là để nhắc nhở thương nhân ý nghĩa của việc kinh doanh, mục đích của sự giàu có là để có thể hành thiện giúp người.
Tôn giáo chủ nghĩa vật chất
Từ một tập tục mang ý nghĩa nhân văn, ngày nay người ta chẳng quan tâm đến nguồn gốc đạo lý sâu xa mà cải biến nó theo thói quen mưu cầu vật chất vốn đã trở thành một thứ tôn giáo mới. Thần Tài đã bị biến tướng trở thành một ông thần có thể ban phát tiền vàng của cải, thế rồi người ta mua vàng để xin ‘vía’ may mắn tiền bạc. Mấy ai trong số họ biết đến nguồn gốc của ông Thần Tài không phải là mưu cầu mà là xả bỏ?
Lòng tham đã biến tập tục giàu tính nhân văn thành một hành vi mê tín, một câu chuyện giáo dục đạo hạnh sâu sắc của người xưa bỗng trở thành một trào lưu thể hiện sự suy thoái về văn hóa, những chuyện tương tự như thế này ngày nay đã trở thành vô cùng phổ biến. Bởi vì ngay cả những chùa chiền, giờ cũng kêu gọi Phật tử làm những việc trái đạo như cúng dường để thoát nghèo, rồi cúng online, nhà chùa mở tài khoản cho người dân thanh toán bằng ví điện tử.
Câu chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ danh gia vọng tộc quyền quý giàu sang nơi cung điện để đi tìm Đạo, mong muốn chúng sinh thoát khổ hẳn không còn là bí mật xa lạ gì. Vậy nhưng người ta dường như chẳng quan tâm đến câu chuyện đó. Giờ đây, chùa chiền trở thành nơi cho chúng sinh tha hồ cầu tài cầu lộc, chùa chiền còn thế nói gì đến chúng sinh mê muội. Có lẽ bởi thế nên Thích Ca Mâu Ni đã nói 2,000 năm sau khi ông không còn tại thế thì nhân loại bước vào thời mạt Pháp?
Người ta lấy bụng phàm trần để đo lường tâm Phật, cho Thần thánh cũng chẳng khác gì mấy ông quan tham ở hạ trần nên dễ dàng hối lộ cho một ông thần sẵn sàng thiên vị, ban phát tiền tài cho cho những kẻ biết luồn cúi, và mang quà cáp tới cùng những lời đường mật. Chẳng lẽ Thần, Phật cũng “bán mình” để lấy những đồng tiền lẻ, mấy chỉ vàng lẻ mà con người dâng cúng để rồi cấp tiền tài phúc lộc cho họ mà không căn cứ gì vào sự cố gắng lao động cần cù chăm chỉ, chân thật, thiện tâm của người?Thế thì đạo lý của Phật ở đâu?
Trào lưu cầu tiền phát tài là biểu hiện của sự sùng bái vật chất, đó không phải là thờ Thần mà là thờ Tiền, đã sai lầm lại còn đắc thêm tội với Thánh Thần, biến Thần thành biểu tượng cho Tiền, hóa ra Thần thánh cũng tham lam như con người sao?
Thứ tôn giáo mà ngày nay người ta thực sự thờ là tiền bạc, chứ không phải Thần thánh, vì tiền bạc thì Thần thánh cũng được cải biến để phù hợp với lòng tham vô đáy của con người, thế nên người ta cũng chẳng ngại ngần dùng mọi thủ đoạn để có được tiền bạc, địa vị, danh vọng…
Quan Công vì saođược thờ như Thần Tài
Ở Đài Loan cũng thờ thần tài nhưng không phải Phạm Lãi mà là Quan Công. Quan Vũ xuất thân từ võ tướng, không làm ăn kinh doanh, vậy thì tại sao lại trở thành Thần tài?
Ông được gọi là “Trung Nghĩa thần Vũ, Linh Hữu Nhân Dũng, Uy Hiểm Quan Thánh đại đế”. Quan Công không liên quan gì đến phát tài. Quan Công tượng trưng cho nghĩa khí. Người Đài Loan thờ ông như Thần Tài là với ý nghĩa ban đầu vì sự kính ngưỡng chữ Tín, chữ Nghĩa của một bậc chính nhân quân tử, để nhắc nhở người làm ăn dù bán buôn cũng phải luôn tôn trọng Tín Nghĩa.
Thời xưa, người thương nhân chân chính đều rất xem trọng uy tín và danh dự. Họ coi việc giữ gìn chữ tín chính là sinh mệnh của mình. Trong 4 nguyên tắc đạo nghĩa của người xưa, có một đạo dành cho người kinh doanh, đó là: “Thương Đạo thù Tín”, tức là đạo kinh doanh đền đáp cho người biết giữ chữ Tín.Cũng như người Trung Hoa thờ Phạm Lãi làm Tài Thần như biểu tượng cần học tập của doanh nhân, biết nghĩ đến lợi ích của người khác thì mới có thể phát tài.
Khổng Tử đã giảng, “Thấy lợi xét nghĩa”, “Làm giàu bất nghĩa đối với ta cũng tựa phù vân”, và “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi.” Những thương nhân thời xưa ở Trung Quốc quý trọng lời dạy của Nho giáo vốn tin vào nguyên tắc “Người quân tử muốn của cải sẽ kiếm nó bằng con đường ngay chính”.
Phạm Lãi của nước Việt
Những doanh nhân chân chính đều thực sự noi theo tấm gương của Thần Tài Phạm Lãi, hay Quan Công. Trong lịch sử Việt, Lương Văn Can được coi như người thầy đầu tiên của giới doanh thương. Tinh thần xả bỏ, dùng tài năng kinh doanh của mình để giúp người khác của Thần Tài Phạm Lãi thể hiện chính trong triết lý kinh doanh của Lương Văn Can, kinh doanh chính là phụng sự xã hội.
Cách đây ngót một thế kỷ, Lương Văn Can khẳng định: nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới. “Thương đức, thương tài”, buôn bán là một nghề lương thiện và chân chính – đó là một nguyên tắc, một cái đạo cao nhất của nghề kinh doanh.
Lương Văn Can bày tỏ quan điểm không được coi đồng tiền làm mục đích duy nhất trong kinh doanh, vì nếu tham lợi sẽ nảy sinh những mánh trá, thiệt hại tới người tiêu dùng và lâu dài thì đó là hành động hủy diệt chính mình. Trong việc buôn bán, không phải bao giờ cũng chăm chắm vào mối lợi cho mình mà phải biết nghĩ đến cái lợi cho người. Cụ viết: “Việc gì có ích cho người mà không tổn đến mình thời nên vui lòng mà làm, việc gì có ích cho người dẫu hơi tổn đến mình cũng nên miễn cưỡng mà làm, việc gì có tổn đến mình mà không ích cho người thì quyết không nên làm, việc gì không ích cho mình mà có tổn đến người lại không nên làm lắm.”
Như vậy, kinh doanh không chỉ là thu về nguồn lợi cho cá nhân mà còn là đem lại những lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Những quan điểm về nghề kinh doanh của cụ có thể khái quát thành một cái Đạo: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội.
Cụ Cử Lương khuyên các nhà buôn phải biết dùng đồng tiền đã kiếm được để phục vụ xã hội. Người làm kinh doanh cần phải cần kiệm, song lại cũng phải biết tiêu tiền – tức là biết biến những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình thành những giá trị. “Mình thời kiệm mà chu cấp cho người, chỗ nên tiêu thì dẫu nhiều tiều cũng đừng tiếc, chỗ không nên tiêu thì dẫu ít cũng đừng hoang phí, thế thời cơ nghiệp chẳng nát mà ân đức mới rộng, như cứu người nạn, giúp người ngặt, cho người nghèo, thương người khổ, những việc thiện đó là chỗ nên tiêu tiền đó, như phồn hoa tốt đẹp kiêu xa dâm đắm những việc ác ấy là chỗ không nên bỏ tiền đó, hay chứa của mà lại hay bỏ của thế là ta sai khiến được của…”
Của cải và sự giàu có, ban đầu phải đến từ lao động và trí tuệ của con người. Đó là một thứ nhân – quả, là đạo của tự nhiên. Nó nhắc ta tự lực, tự tin, tự chủ. Và đạo lý kinh doanh cao nhất không bao giờ là vì mình mà là vì người, không phải cầu cho mình mà ở việc cho người. Nếu như không vì lòng tham mà biến đổi ý nghĩa của những câu chuyện đạo hạnh của người xưa, hẳn là ngày nay người ta đã biết Thần Tài thực sự bảo hộ ai.
Mời các bạn nghe bài viết qua giọng đọc Tiểu Anh Đào
Đan Thư
Xem thêm: