Thận là cơ quan thầm lặng, 4 triệu chứng cần cảnh giác
Mọi người thường rất khó phân biệt đau thắt lưng do các bệnh liên quan đến thận và đau thắt lưng do các cơ và dây thần kinh dẫn đến. Làm sao để phân biệt? Ngoài đau thắt lưng, những triệu chứng nào của bệnh thận cần chú ý hơn?
Tại phòng khám ngoại trú của bác sĩ Cổ Giai Cù (Gu Jiaqu), giám đốc Phòng khám Hậu Phong tại Đài Loan, thường có những bệnh nhân bước vào và nói một cách khó chịu, “Thận của tôi rất đau!”. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, hầu hết những bệnh nhân này đều là do các yếu tố như căng cơ tạo thành.
Triệu chứng đau thắt lưng luôn khiến người bệnh lo sợ rằng có vấn đề gì đó xảy ra với thận. Kỳ thực, thận là cơ quan hoạt động thầm lặng, và bệnh thận kinh niên hầu như không gây đau thắt lưng. Tuy nhiên, các bệnh như sỏi thận xác thực sẽ khiến vùng thắt lưng có cảm giác đau.
Mọi người thường rất khó phân biệt đau thắt lưng do các bệnh liên quan đến thận và đau thắt lưng do các cơ và dây thần kinh dẫn đến. Làm sao để phân biệt? Ngoài đau thắt lưng, những triệu chứng nào của bệnh thận cần chú ý hơn?
Đau thắt lưng hay là đau thận? 3 cách để phân biệt
Bác sĩ Cổ Giai Cù cho biết, khi bệnh nhân phản ánh đau thắt lưng, nguyên nhân sẽ được chẩn đoán từ vị trí, tính chất, thời gian của cơn đau và các yếu tố gây ra hoặc giảm bớt nó.
- Cơn đau không giảm khi thay đổi tư thế
Khi bị đau thắt lưng, thay đổi tư thế có dễ chịu hơn không? Nếu là vậy, đó có thể là cơn đau do tổn cơ. Ví dụ, đau thắt lưng do căng cơ hầu hết là do tư thế không đúng và dùng lực không phù hợp, dẫn đến nhóm cơ chính của lưng bị căng. Vì vậy, đôi khi tránh tư thế xấu hoặc điều chỉnh cách dùng lực là có thể làm giảm cơn đau.
Ngược lại, “cơn đau thắt lưng do viêm thận gây ra là dai dẳng và thậm chí có những cơn đau quặn, không thể thuyên giảm bằng cách điều chỉnh tư thế”, bác sĩ Cố Giai Cù nói. Các nguyên nhân khác nhau sẽ khiến cơn đau ở thắt lưng có triệu chứng khác nhau, và phải hỏi thăm bệnh sử cẩn thận thì mới có thể có phương pháp điều trị thích hợp.
- Đau dữ dội khi gõ nhẹ vào thắt lưng
Thận nằm ở vị trí lưng dưới, gõ nhẹ vào lưng dưới chính là phương pháp kiểm tra vật lý thường được áp dụng trên lâm sàng.
Nếu là đau thắt lưng do thận bị viêm, khi gõ nhẹ vào thắt lưng bệnh nhân sẽ có cảm giác đau dữ dội như bị điện giật, bởi vì chấn động đã truyền đến vị trí thận bị viêm.
Ngược lại, nếu bạn bị đau lưng hoặc đau thắt lưng do căng cơ thì khi gõ sẽ không có cảm giác đau rõ ràng, mà khi ấn vào bộ phận bị tổn thương thì mới có cảm giác đau cục bộ. Thông qua phương thức kiểm tra thể chất đơn giản này là bước đầu tiên có thể xác định được nguồn gốc của cơn đau.
- Cơn đau thắt lưng đến vừa nhanh vừa dữ dội
Bản chất của các cơn đau có thể được chia thành mãn tính và cấp tính. Đau mãn tính chẳng hạn như căng cơ sẽ thường xuyên tái phát, đôi khi tốt hơn đôi khi tệ hơn, còn đau thắt lưng do viêm thận thì thường cấp tính và đau dữ dội. Bác sĩ Cổ Giai Cù cho biết, vì quá đau nên “bệnh nhân thường đến thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện”. Do đó những bệnh nhân đến phòng khám ngoại trú để khám đau thắt lưng thì phần lớn là do căng cơ.
Có 3 nguyên nhân chính gây đau thắt lưng cấp tính có liên quan đến thận
Các nguyên nhân cấp tính liên quan đến thận gây đau thắt lưng bao gồm sỏi, tắc nghẽn mạch máu và nhiễm khuẩn. Ba loại này đều sẽ kết hợp với các triệu chứng khác nhau.
- Sỏi
Bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ vì lo lắng đau thắt lưng là vấn đề về thận, mà trong những căn bệnh thận gây ra đau thắt lưng thì phổ biến nhất là sỏi đường tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vị trí của sỏi như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, v.v.
Khi sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu, nước tiểu sẽ không thể chảy tiếp, thêm với việc thận vẫn không ngừng tạo nước tiểu, lúc này đường tiết niệu phía trên sỏi sẽ ngày càng phình to làm co thắt cơ bàng quang của niệu quản, từ đó tạo thành cơn đau quặn.
Cơn đau do sỏi gây ra thường dữ dội, hơn nữa không thể thuyên giảm khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận cũng sẽ bị đau dọc theo các dây thần kinh kết hợp với đau ở háng và đùi trong, đồng thời kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn do đau tạo thành.
Bác sĩ Cổ Giai Cù nhắc nhở rằng đôi khi bệnh sẽ cải thiện sau khi uống thuốc giảm đau, nhưng tình trạng tắc nghẽn không cải thiện có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, vì vậy nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng liên quan.
- Tắc nghẽn mạch máu
Tắc mạch cấp tính do cục máu đông trong mạch máu của thận cũng có thể gây đau thắt lưng, hơn nữa còn tiểu ra máu.
Phình mạch cũng có thể làm tắc nghẽn mạch máu, bệnh nhân thông thường sẽ kèm theo cao huyết áp.
Ngoài ra, các khối u ác tính trong quá trình phì đại cũng có thể xâm lấn vào mạch máu hoặc gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Nếu khối u chảy máu thì sẽ có thể gây tiểu ra máu hoặc hình thành cục máu đông làm tắc đường tiết niệu và gây đau.
- Nhiễm khuẩn
Triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân là cảm giác nóng rát và đau khi đi tiểu, đồng thời kèm theo sốt. Bệnh nhân bị viêm bể thận do nhiễm vi khuẩn cũng sẽ đau dữ dội khi bị gõ vào vùng thắt lưng.
Bác sĩ Cổ Giai Cù giải thích rằng nhiễm trùng do vi khuẩn thường bắt đầu từ nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như viêm niệu đạo. Nếu điều trị chậm trễ, nhiễm trùng có thể lan đến bàng quang hoặc thậm chí bể thận, từ đó dẫn đến cơn đau thắt lưng. Khi bệnh tiến triển, vị trí đau của bệnh nhân sẽ khác nhau, sốt cũng sẽ ngày càng trầm trọng.
Xuất hiện 4 triệu chứng này, cẩn trọng thận đã bị tổn thương
Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể con người, vì vậy những cơn đau thắt lưng quả thực dễ khiến mọi người có những liên tưởng bất an: Có phải thận gặp vấn đề không?
Trên thực tế, thận là một “cơ quan thầm lặng”, trừ khi bệnh nặng đến mức trở thành bệnh thận kinh niên, nếu không sẽ rất khó cảm giác thấy những bất thường. Ngược lại, các bệnh liên quan đến thận gây ra cơn đau cấp tính phần nhiều có thể giải quyết bằng cách điều trị.
Vì vậy, ngoài đau thắt lưng, bạn nên chú ý đến 4 triệu chứng của bệnh thận kinh niên và đi khám nếu xuất hiện:
- Tiểu ra bọt và ra máu.
- Lượng nước tiểu giảm đột ngột.
- Kết hợp với tăng huyết áp.
- Dễ mệt mỏi.
Bác sĩ Cổ Giai Cù cho biết, những triệu chứng này chủ yếu là do thận bị tổn thương ở một mức độ nhất định, dẫn đến không thể đào thải chất thải ra khỏi cơ thể.
Ông nhắc nhở rằng các vấn đề về thận thường gặp trên lâm sàng phần lớn là do các bệnh kinh niên (như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì, v.v.). Do đó để chăm sóc thận, tốt nhất nên bắt đầu từ đầu nguồn, chẳng hạn như kiểm soát tốt “tam cao” (huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao).