Tham vọng xứ băng: Trung Quốc mưu tính biến Bắc Cực thành biên giới mới
Những con tàu chạy cắt xuyên mặt nước như những con cá mập thép khổng lồ, khiến sương của đại dương giá băng phun ra từ thân tàu xám ngoét. Bốn tàu chiến Trung Quốc, trang bị hỏa tiễn, xé toạc lối đi băng qua vùng băng giá của eo biển Bering, cách bờ biển Mỹ quốc chưa đầy 50 dặm. Không ai biết ý đồ của chúng là gì.
Đối với nhiều người Mỹ, tình huống này là một viễn cảnh đáng lo ngại. Tuy nhiên, đó là một thực tế, và có thể sớm trở thành tiêu chuẩn trong mối bang giao Trung-Mỹ.
Hôm 31/08 năm nay, Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã nhận thức ra thực tế đó khi họ bất ngờ đụng phải một tiểu hạm đội của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN), chỉ cách lãnh thổ Hoa Kỳ 46 dặm (khoảng 74km). Đó là cự ly tiếp cận lãnh thổ Mỹ quốc gần nhất kể từ khi PLAN mạo hiểm thăm dò Bắc Cực vào năm 2015.
Lần đó, đội tàu PLAN cuối cùng đã di chuyển cách lãnh thổ Mỹ quốc chỉ có 12 dặm.
Những sự việc này trông thì như đáng báo động, nhưng lại hoàn toàn hợp pháp. Ranh giới lãnh hải Hoa Kỳ chỉ cách bờ 12 dặm và, mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ độc quyền kinh tế dưới nước cho đến mốc 200 dặm, tất cả các phương tiện giao thông đường biển quốc tế đều được phép đi trên mặt biển.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) hiện đang tìm cách lợi dụng chính khuôn khổ pháp lý này trước vũ đài quốc tế. Sự việc đội tàu PLAN gần đây vượt eo biển Bering, một khu vực thắt cổ chai giữa Nga và Alaska, không phải là mối đe dọa hão huyền nào đó, mà là một thông điệp chiến lược được soạn thảo cẩn thận: Các ông đã vươn tới bờ biển của chúng tôi, giờ thì chúng tôi có thể vươn tới bờ biển của các ông.
Nhưng làm thế nào mà Bắc cực lạnh lẽo kia lại trở thành điểm nóng gây mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đến cạnh tranh quốc tế? Và Trung Cộng hy vọng đạt được điều gì ở nơi đó?
Một ranh giới cũ lại trở nên mới
Để trả lời những câu hỏi này, ta không cần tìm đâu xa hơn tình trạng toàn cầu thiếu hụt các nguồn tài nguyên chiến lược và các kho tài nguyên thiên nhiên phong phú xưa nay vẫn ẩn giấu ở Bắc cực cho đến tận thời gian gần đây.
Ông Ryan Burke, một phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Chiến lược & Quân sự tại Học viện Không quân Hoa Kỳ cho biết, “Cho dù quý vị tìm kiếm ở đâu trên khắp thế giới này thì đều thấy các nguồn tài nguyên đang trở nên khan hiếm hơn.”
Theo ông Burke, người cũng là đồng giám đốc của Dự án 6633 chuyên về Bắc Cực tại Viện Chiến tranh Hiện đại của học viện West Point, thì động lực tìm kiếm các nguồn tài nguyên trong một thế giới ngày càng đông đúc và tương quan lẫn nhau đang thúc đẩy các dự án kinh tế và ngoại giao mới khi các quốc gia trên thế giới cảm thấy áp lực phải có được các nguồn lực cần thiết để duy trì và phát triển.
Điều này đúng với Trung Quốc hơn hầu hết các quốc gia, và ông Burke tin rằng động lực khiến Trung Quốc tiến vào vùng biển phía bắc băng dương đó là do nhu cầu gần như hoảng loạn để thỏa mãn sức tiêu thụ của Trung Quốc đại lục.
“Hành động này phần lớn được thúc đẩy bởi động lực tìm kiếm tài nguyên,” ông Burke nói. “Xét về phạm vi lợi ích cụ thể của Trung Quốc, tôi tin rằng Trung Quốc còn xa mới hùng mạnh như nhiều người vẫn nói. Nhung tôi cho rằng đó cũng là lý do tại sao chúng ta nên lo ngại với Trung Quốc và để ý đến ý đồ và sự quan tâm của Trung Quốc.”
Ông Burke giải thích rằng, cho dù phần lớn mọi người nghĩ ra sao, ông tin rằng hầu hết các chỉ số quyền lực đều cho thấy Trung Quốc đang tụt hậu so với các cường quốc khác do khan hiếm các nguồn tài nguyên.
Ông chỉ ra xu hướng của các nhà phân tích là chỉ xem xét tổng năng lực sản xuất của Trung Quốc thay vì so sánh những năng lực đó với sức tiêu thụ và dân số của quốc gia này.
“Họ tiêu thụ tham lam và nhu cầu tiếp tục thỏa mãn tốc độ tiêu thụ của người dân mãnh liệt đến nỗi khiến họ đáng sợ vì một số lý do,” ông Burke nói.
“Họ biết họ cần các nguồn tài nguyên. Họ biết họ cần phải mở rộng sang các khu vực khác trên thế giới để thỏa cơn khát đó.”
Bắc Cực chứa đựng một lượng lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên sống còn đối với một quốc gia ở trong hoàn cảnh như vậy. Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại đất hiếm, kim cương, và các ngư trường hoang sơ đều được tìm thấy trong khu vực này, và chính vì những nguồn tài nguyên này mà Trung Quốc hiện tìm cách thỏa mãn cơn khát của mình.
Đây là lý do tại sao họ đã dấn thân vào cái lò thử thách mới ở Bắc Cực, mặc dù chỉ vài thập niên trước thôi thì một cuộc mạo hiểm như vậy sẽ là không thể tưởng tượng được.
Trong lịch sử, Bắc Cực mang đến cho nhân loại một mối nguy hiểm không thể vượt qua. Hành lang Tây Bắc, xuyên qua Bắc Cực từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, lần đầu tiên được tìm ra vào đầu thế kỷ 20, và hàng năm chỉ có một số ít tàu đi qua cho đến thời gian rất gần đây.
Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, biến đổi khí hậu đã góp phần làm tăng tốc độ tan băng trong những tháng có thời tiết ấm hơn trong năm. Điều này, cùng với các công nghệ phá băng cải tiến, đã cho phép tăng lưu lượng các tàu thương mại, khoa học, và quân sự đi vào khu vực này, làm thay đổi thực tại địa lý và chiến lược ở nơi đây vốn đã tồn tại thời gian dài như chính nhân loại vậy.
Do đó, chính vì muốn thâm nhập vào bên trong biên giới cũ này mà Trung Quốc đang mưu tính dự án mạo hiểm mới nhất, và là nơi mà họ hy vọng có thể giúp họ đạt được viễn cảnh về sự bá chủ toàn cầu trong tương lai.
Cũng chính tại khu vực này ông Burke tin rằng việc hợp tác quốc tế chắc chắn sẽ chuyển thành cạnh tranh, và cạnh tranh chuyển thành xung đột.
Ông Burke nói: “Đây là một khu vực có sự cạnh tranh chiến lược đang gia tăng.”
“Xung đột là điều không thể tránh khỏi ở Bắc Cực, và Trung Quốc sẽ ở tại trung tâm của cuộc xung đột này trong tương lai.”
Một lãnh địa bị tranh chấp
Có những khu vực tranh chấp khác ngoài Bắc Cực, những khu vực đó bao gồm vùng trời, biển cả, và không gian vũ trụ, tất cả đều không có ai quản lý hoặc không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, nơi mà các quốc gia có thể công khai cạnh tranh để giành tài nguyên và vị thế đứng đầu.
“Đó là lý do tại sao [Trung Quốc] đang vươn mình tới những nơi như Bắc Cực,” Ông Burke cho biết. “Đây là những khu vực tranh chấp có tính chiến lược mà chưa được tuyên bố chủ quyền và có thể chẳng bao giờ được tuyên bố chủ quyền dựa trên những thực tế của hoàn cảnh môi trường. Tuy nhiên ở đây tồn tại các nguồn tài nguyên đi kèm với cơ hội khai thác.”
Có lẽ khu vực đáng chú ý nhất là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã thiết lập các cuộc đối thoại và nhiều thỏa thuận an ninh, tất cả đều nhằm duy trì một khu vực “tự do và cởi mở”, bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển quốc tế và thương mại trong không gian chung.
Hầu hết mọi người hiện nay nhận thức ra được sự đối đầu quân sự ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những hiểm họa kèm theo. Nhưng ông Burke tin rằng ở Bắc Cực có nguy cơ xảy ra xung đột thực sự có thể lớn hơn nữa.
Đó là bởi vì, có ít quốc gia có liên hệ bền vững với Bắc Cực, không giống như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay các khu vực thương mại lớn khác.
Thật vậy, chỉ năm quốc gia có đường bờ biển giáp với Bắc Băng Dương, và chỉ ba quốc gia khác có lãnh thổ bên trong Vòng Bắc Cực. Các quốc gia Bắc Cực ven biển là Canada, Đan Mạch, Na Uy, Nga, và Hoa Kỳ, thường được gọi là Năm nước Bắc Cực. Những quốc gia khác là Phần Lan, Iceland, và Thụy Điển.
Điều này có nghĩa là có ít rào cản quốc tế hơn đối với các cuộc leo thang căng thẳng tiềm tàng, vì càng ít người giám sát cũng như lợi ích thì càng có ít sự kiểm soát và cân bằng giữa các quốc gia liên quan trong khu vực này.
Quan trọng là, hầu hết các quốc gia liên quan tới Bắc Cực đều là các quốc gia yếu hơn đồng nghĩa là cơ hội đã chín muồi để khai thác khu vực này thông qua các sáng kiến quyền lực mềm, như ngoại giao, kinh tế, hay khoa học.
Một cách trùng hợp, Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay vào các sáng kiến như vậy trong nỗ lực thâm nhập vào Bắc Cực. Quốc gia này đã xây dựng một số trạm nghiên cứu trên khắp khu vực này, và tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Canada và những nơi khác, mang lại cho bản thân họ những đòn bẩy tiềm năng gây ảnh hưởng trong tương lai.
Một số người đã gọi việc thúc đẩy phát triển các mối bang giao ở Bắc Cực là một “cuộc tấn công mê hoặc”, nhằm cho phép Trung Quốc phát triển các mối bang giao lâu dài trong một khu vực mà họ không có tuyên bố chủ quyền. Những người khác chỉ ra rằng sự hiện diện dân sự của Trung Quốc có thể tăng cường các khả năng quân sự trong tương lai ở khu vực này do cái gọi là chính sách “lưỡng dụng” của Trung Quốc, theo đó tất cả các dự án khoa học và kinh tế cũng là có dụng ý nhằm cải thiện các dự án nhà nước hoặc quân sự.
Để đạt được điều này, Trung Quốc dường như có mặt ở khắp mọi nơi ở Bắc Cực, hoặc ít nhất là muốn được nhìn thấy như vậy. Nhưng vẫn còn một thiếu sót quan trọng trong cách tiếp cận này: Trung Quốc hiện không phải, và cũng chưa bao giờ là một quốc gia Bắc Cực.
Quốc gia tự nhận là quốc gia Bắc Cực
Để tăng sự thành công cho các nỗ lực tiếp cận Bắc Cực và tận dụng sức mạnh mềm của mình, vào năm 2012 Trung Quốc đã tự tuyên bố mình là một “quốc gia cận Bắc Cực”. Đó là một mánh khóe nhằm gây ảnh hưởng, phải rồi, nhưng mánh khóe đó đã khởi tác dụng đủ tốt trong việc mở ra các kênh ngoại giao với một vài quốc gia Bắc Cực đích thực.
“Xét về phương diện lãnh thổ, thì Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực,” ông Burke cho biết. “Họ đã tạo ra một cái mác rởm hợp pháp này và họ tự xưng là ‘quốc gia cận Bắc Cực.’ Đó không phải là một thuật ngữ có thực. Đó là một thuật ngữ tự nhận. Đó là một thuật ngữ hoàn toàn không liên quan và bịa đặt. Đó là bản sắc ngoại giao tốt nhất có thể của quốc gia này.”
“Việc họ tự dán nhãn cho mình là một quốc gia cận Bắc Cực nói lên nhiều điều về các lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của họ và là những gì họ rốt cuộc muốn làm trong khu vực này.”
Ông Alex Gray, thành viên cao cấp về các vấn đề an ninh quốc gia tại Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ và là cựu phó trợ lý cho chủ tịch kiêm chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng các khoản đầu tư và nghiên cứu dân sự của Trung Quốc quả thực đã hướng đến một tham vọng lớn hơn ở Bắc Cực, cũng như là một mối đe dọa tiềm tàng.
Ông Gray cho biết: “Có nghi vấn liệu có yếu tố lưỡng dụng hay không, bởi vì rất nhiều điều Trung Quốc làm về phương diện kinh tế trên khắp thế giới đã trở thành lực lượng hỗ trợ cho hoạt động quân sự.”
“Chúng ta phải nhận thức rõ rằng bất cứ điều gì mà phía Trung Quốc làm về phương diện khoa học sẽ rất có thể có yếu tố kinh tế, và bất cứ điều gì về phương diện kinh tế rất có khả năng có yếu tố quân sự và ngoại giao,” ông Gray cho biết thêm. “Họ thực sự xem những việc này có liên kết với nhau.”
Như một lời cảnh báo tiềm tàng về những gì sắp xảy đến, ông Gray mô tả cách mà trước đây Trung Quốc đã làm để mở rộng ảnh hưởng quân sự trực tiếp sang các vùng biển Âu Châu thông qua các khoản đầu tư kinh tế vào cảng Piraeus của Hy Lạp.
Sau khi mua lại phần lớn cổ phần ở cảng này, PLAN bắt đầu thực hiện các chuyến ghé cảng tại các bến do các nhà quản lý Trung Quốc điều hành, thiết lập hiệu quả sự hiện diện hải quân ở trung tâm của Địa Trung Hải, và tiếp tục tranh thủ Huawei Technologies để thiết lập các hệ thống liên lạc mới ở đó.
Ông Gray nói, “Nếu quý vị nhìn vào hành vi của Trung Quốc trên toàn cầu thông qua Một Vành đai Một Con đường, và hiện họ có con đường tơ lụa ở vùng cực này, dựa trên thành tích mà họ đã thể hiện trên toàn cầu, thì đó chính là hành vi săn mồi.”
“Các vị phải tự hỏi, rằng người Trung Quốc đã hành xử như thế nào ở các đảo Thái Bình Dương? Họ đã cư xử như thế nào ở Phi Châu? Ở Nam Mỹ? Ở Caribe? Khi chúng ta có cái nhìn tổng quan, chúng ta có thể đưa ra các quyết định về cách mà chúng ta nên đối đãi họ [ở Bắc Cực].”
Mối đe dọa do sự can dự của Trung Quốc ở Bắc Cực đặt ra dường như tương tự với ở Hy Lạp. Một bến cảng quá cảnh dành cho các tàu thương mại hôm nay lại có thể sẽ thành một căn cứ hải quân vào ngày mai. Tuần này là một trạm tiếp sóng, thì tuần sau đã có thể là một căn cứ liên lạc hỏa tiễn.
Để ngăn chặn điều này, ông Burke cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ không thể kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này nếu chỉ thông qua việc nói chuyện cứng rắn.
“Trung Quốc đã cho thế giới thấy rằng họ không co rúm trước sự khiển trách ở những nơi khác trên thế giới,” ông Burke nói. “Thì họ cũng sẽ không chùn bước trước lời cảnh cáo ở Bắc Cực.”
“Trung Quốc nhìn thấy một khoảng trống ở Bắc Cực,” ông Burke nói thêm. “Họ nhìn thấy một cơ hội ở Bắc Cực. Họ nhìn thấy một khu vực mà phần lớn được cộng đồng quốc tế tin là một khu vực hòa bình đặc biệt, một không gian chưa ai quản lý thì thành thật mà nói, cơ hội để chiếm đóng, để khai thác, để hiện diện, và để gây ảnh hưởng đã chín muồi.”
“Trung Quốc đang theo đuổi điều đó để đạt được mục đích của họ.”
Một Bắc Cực tự do và cởi mở?
Chính khoảng trống quyền lực đó đã dẫn đến việc tàu quân sự Trung Quốc di chuyển ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ, làm dấy lên lo ngại về một hành động xâm lược bất ngờ hoặc, nhiều khả năng là một sự hiểu lầm tai hại, có thể gây ra một điều gì đó thảm khốc.
Để ngăn điều đó xảy ra, Hoa Kỳ đang tập trung vào một chính sách rất quan trọng: một thế giới tự do và cởi mở.
Phần lớn công chúng Hoa Kỳ nhận thức được cam kết ngày càng tăng của quốc gia này đối với một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhưng sự thôi thúc đó, nền tảng chính sách đó, không bị giới hạn trong phạm vi của bất kỳ một khu vực nào. Thật vậy, các tài liệu chiến lược do Quân đội Hoa Kỳ công bố hồi đầu năm nay cho thấy một động lực tương tự nhằm duy trì một “Bắc Cực tự do và rộng mở”, nhằm mục đích ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Cộng trong việc biến khu vực này thành điểm khởi đầu cho tham vọng thống trị tài nguyên không thể kiềm chế của Trung Quốc.
Sẽ có nhiều trở ngại trên con đường biến ước mơ đó thành hiện thực. Một trong những điều quan trọng hơn trong số các cách thức nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ là việc thành lập các diễn đàn quốc tế để xem xét các mối liên hệ đối tác hiện có của Trung Quốc trong khu vực này. Cụ thể là mối liên hệ đối tác với Na Uy, bao gồm cả trạm nghiên cứu ở Svalbard, một quần đảo nằm giữa Na Uy và Bắc Cực, và một thương vụ cảng đang phát triển ở phía bắc Vòng Bắc Cực, mà ít ai biết đến.
“Không có diễn đàn đa phương nào bắt buộc bất kỳ loại tuân thủ nào với các quy chuẩn quốc tế rộng lớn hơn ở Bắc Cực,” ông Gray cho biết. “Vì vậy, chúng ta thực sự không biết, và chúng tôi không có cơ chế nào để tìm hiểu xem Trung Quốc đang làm gì ở một nơi như Svalbard.”
“Theo như tôi biết, không ai ngoài cộng đồng khoa học và chính phủ Trung Quốc từng đến đó.”
Tuy nhiên, một vấn đề khác là bản thân Hoa Kỳ có nhu cầu phát triển các liên minh của mình và đầu tư vào các mối liên hệ đối tác được đổi mới với các quốc gia Bắc Cực khác như Canada và Đan Mạch, những quốc gia này có quân đội duy trì một nền văn hóa thời tiết lạnh không ai địch nổi mà sẽ là tối cần thiết để chiến thắng bất kỳ cuộc xung đột có cùng tính chất nào ở Bắc Cực.
Ông Burke nói, “Chúng ta cần phải gắn bó hơn với các đối tác và đồng minh ở Bắc Cực.”
“Hoa Kỳ không có sự tinh thông về Bắc Cực như các quốc gia khác như Na Uy và Canada. Mảnh đất đã ăn sâu vào văn hóa của họ. Họ có thời tiết lạnh giá đích thực.”
Tuy nhiên, cuối cùng thì, cuộc xung đột trong tương lai ở Bắc Cực chung quy có thể là Trung Quốc đại lục trở nên đói khát tài nguyên đến mức nào, và mức độ sẵn sàng hay không sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được một giải pháp ngoại giao.
“[Trung Quốc] là một quốc gia chắc chắn nên là nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất hoặc năng suất nhất trên hành tinh này, căn cứ vào nguồn tài nguyên và khả năng sản xuất tiềm tàng với số lượng dân số lớn mà họ có,” ông Burke nói. “Và thực tế là họ không phải là số một, mà việc Hoa Kỳ có quy mô bằng một phần tư dân số của họ lại là số một thì đó chính là điều mà Trung Quốc căm ghét.”
“Họ ghét cái thực tế họ đứng thứ hai sau Hoa Kỳ đó, tuy họ lớn hơn Hoa Kỳ.”
Tham vọng muốn thay đổi hiện trạng đó có lẽ là điều duy nhất mà Trung Quốc rất muốn có được.
Ông Gray cho biết, “Tham vọng đó thực là vô cùng. Thay vì xem xét nó trong các vũ đài biệt lập và riêng biệt, thì mọi người thực sự cần hiểu rằng những tham vọng của Trung Quốc là toàn cầu. Chúng có quy mô toàn cầu mà chúng ta chưa từng gặp phải ít nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.”
“Đây chỉ là một ví dụ về mức độ hung hăng và tham vọng của họ, và mức độ mở rộng của những tham vọng đó.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: