Thăm triển lãm Chiến tranh Triều Tiên, ông Tập Cận Bình khơi gợi tình cảm chống Hoa Kỳ
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã dẫn đầu các quan chức cấp cao và tướng lĩnh quân đội tới thăm một triển lãm về Chiến tranh Triều Tiên và có bài phát biểu vào ngày 19/10 với chủ đề ngụ ý chống Hoa Kỳ.
Ông Tập, cùng với 6 thành viên khác của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất ra quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã đến thăm một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên.
Một số quan chức chủ chốt cũng đi cùng họ, như Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Chủ tịch Tòa án Tối cao Trung Quốc Chu Cường.
Kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin rằng ông Tập đã ca ngợi vai trò của ĐCSTQ để “bảo vệ hòa bình và chống lại sự xâm lược”, đồng thời đã tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc “đã giành được một chiến thắng vĩ đại”.
Ông Tập tuyên bố rằng Hoa Kỳ xâm lược Triều Tiên trước và quân đội Trung Quốc đã hy sinh bản thân để chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ.
Chế độ Trung Quốc gọi Chiến tranh Triều Tiên là “cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ và viện trợ Triều Tiên.”
Ông Tập nói: “Tinh thần vĩ đại được rèn luyện trong cuộc chiến tranh này… sẽ khích lệ nhân dân Trung Quốc và đất nước Trung Quốc vượt qua mọi khó khăn và trở ngại, cũng như đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Tập không đề cập cụ thể những căng thẳng leo thang gần đây với Hoa Kỳ. Nhưng ông này nói rằng những kẻ thù hiện tại của chế độ này rồi cuối cùng sẽ giúp nó đạt được những mục tiêu của mình.
Tuyên truyền về chiến tranh Triều Tiên
Lịch sử theo phiên bản của ĐCSTQ là Hoa Kỳ hỗ trợ Hàn Quốc xâm lược Bắc Hàn, vì thế đã buộc chế độ Trung Quốc phải gửi quân đội của mình để hỗ trợ chế độ Bắc Hàn.
Trên thực tế, xung đột bùng nổ khi các lực lượng Bình Nhưỡng bất ngờ tấn công Hàn Quốc vào tháng 6/1950. Nhiều tuần sau đó, Liên Hợp Quốc đã tham chiến theo phe Hàn Quốc cùng với binh lính từ 21 quốc gia.
Quân đội Trung Quốc sau đó đã viện trợ cho quân đội Bắc Hàn. Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 498 vào ngày 1/2/1951 để thúc giục ĐCSTQ chấm dứt các hành động thù địch và rút khỏi bán đảo này nhưng không có kết quả.
Cuộc chiến kết thúc trong bế tắc, sau đó Trung Quốc và Bắc Hàn ký hiệp định đình chiến với Hoa Kỳ vào tháng 7/1953.
Trong những năm gần đây, giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã tuyên truyền rầm rộ về cuộc Chiến tranh Triều Tiên, chẳng hạn như định kỳ yêu cầu tất cả các kênh truyền hình phát sóng các bộ phim và các chương trình truyền hình có chủ đề chiến tranh, nhằm khơi dậy tình cảm chống Hoa Kỳ của người Trung Quốc.
Tại buổi dạ tiệc mừng Quốc Khánh năm nay vào ngày 1/10, kênh truyền thông nhà nước CCTV đã sắp xếp cho ca sĩ Đài Loan Ouyang Nana hát bài hát tuyên truyền, “Quê Hương Tôi (My Motherland)”.
Đây là bài hát chủ đề của một bộ phim tuyên truyền chống Hoa Kỳ nổi tiếng năm 1956 về Chiến tranh Triều Tiên, có tựa đề [tạm dịch] “Trận chiến trên núi Shangganling (Battle on Shangganling Mountain)”.
Nhà bình luận thời sự Trung Quốc tại San Francisco, Jiang Feng, đã bình luận trên chương trình trò chuyện trực tuyến của ông rằng ĐCSTQ thực hiện động thái này để tạo cảm giác rằng người Đài Loan muốn thống nhất với Đại Lục và cùng với Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ.
Chế độ Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, bất chấp thực tế [quốc đảo này] là một quốc gia tự chủ, với chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội và tiền tệ riêng biệt. [Chính quyền] Bắc Kinh đã và đang tuyên bố sẽ đưa hòn đảo tự trị này về dưới quyền kiểm soát của mình.
Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Đài Loan để tự vệ.
Bài hát này là nguồn gốc của cuộc tranh cãi hồi tháng 1/2011, khi nghệ sĩ piano Trung Quốc Lang Lang chơi giai điệu của bài hát trong một bữa tiệc tối cấp nhà nước tại Toà Bạch Ốc với Tổng thống Hoa Kỳ Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Đấu đá phe phái
Việc ông Vương Kỳ Sơn tham gia cùng ông Tập trong chuyến công du đã được giới truyền thông hải ngoại chú ý. Ông Vương trước đây là cánh tay phải của ông Tập, trợ giúp ông Tập tiêu diệt nhiều kẻ thù chính trị thông qua việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng.
Nhưng sau khi ông Vương mất các chức vụ chủ chốt trong Đảng cách đây 5 năm, quan hệ giữa hai người dường như đã nguội lạnh. Vị trí Phó Chủ tịch hiện tại của ông hầu như là vai trò mang tính hình thức.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc đang sống tại Hoa Kỳ Zhong Yuan đã nhận xét rằng ông Tập có khả năng mời ông Vương đi cùng “để chứng tỏ rằng ông không có vấn đề gì với ông Vương và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị”.
Đảng này gần đây đã cách chức cựu trợ lý thân cận của ông Vương là ông Đổng Hồng hôm 2/10. Bạn thân của ông Vương là ông trùm Trung Quốc và Thái tử Đảng Nhậm Chí Cường cũng đã bị kết án 18 năm tù hôm 22/9; và cấp dưới lâu năm của Vương, trùm Đảng của tỉnh Hồ Bắc, ông Tưởng Siêu Lương cũng bị cách chức vào hồi tháng Hai.
Trong các bức ảnh Tân Hoa Xã công bố hôm 19/10 về chuyến công du, ông Vương đang né tránh ông Tập và nhìn về hướng ngược lại với hầu hết các quan chức khác có mặt. Điều này càng làm tăng thêm suy đoán rằng mối quan hệ của hai người đã trở nên xấu đi.