Thẩm phán Úc rời Tòa án Hồng Kông vì Luật An ninh Quốc gia
Ngày 18/9, đài truyền hình quốc gia của Úc đưa tin, một trong 14 thẩm phán nước ngoài tại tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông đã từ chức do các lo ngại về luật an ninh quốc gia mới có ảnh hưởng sâu rộng mà Bắc Kinh áp đặt lên thành phố này.
Văn phòng của bà Carrie Lam, trưởng đặc khu Hồng Kông đã xác nhận việc ông James Spigelman, thẩm phán người Úc từ chức nhưng không đưa ra lý do.
Ông Spigelman – cựu chánh án của bang New South Wales, Úc là thẩm phán cao cấp đầu tiên từ chức và công khai nguyên nhân là do lo ngại về luật an ninh quốc gia. Luật này được cơ quan lập pháp bù nhìn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua vào ngày 30/6 mà không có bất kỳ sự tham vấn hay quy trình lập pháp nào của Hồng Kông.
Luật gia gốc Ba Lan này nói với hãng tin ABC rằng ông từ chức vì những lý do “liên quan đến nội dung của luật an ninh quốc gia” nhưng không cho biết cụ thể hơn.
Ông Spigelman đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters.
Các giới luật gia trong nước và quốc tế đã tỏ ra lo lắng trước việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh, lo ngại nó làm xói mòn quyền tự trị và quyền tự do của Hồng Kông.
Theo luật an ninh, bà Carrie Lam có quyền lựa chọn thẩm phán cho một hội đồng bồi thẩm để xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, các nghi phạm cũng có thể bị đưa đến Trung Quốc đại lục để xét xử tại các tòa án của nước này, vốn do ĐCSTQ kiểm soát.
Luật cũng trao nhiều quyền lực lớn cho nhân viên từ bộ máy an ninh của Trung Quốc đại lục, những người lần đầu tiên đặt trụ sở ở thành phố này theo như quy định của luật.
“Vào ngày 2/9, Thẩm phán Spigelman đã đề nghị Trưởng đặc khu chấp thuận việc ông từ chức Thẩm phán Không Thường trực của Tòa phúc thẩm cuối cùng; do đó, Trưởng đặc khu đã thu hồi bổ nhiệm của ông ấy theo luật liên quan”, văn phòng của bà Carrie Lam trả lời các thắc mắc về sự ra đi của ông Spigelman qua email.
Năm ngoái, ông Spigelman đã được tái bổ nhiệm một nhiệm kỳ ba năm khác.
Các thẩm phán nước ngoài từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho nền pháp quyền của Hồng Kông, giúp thay thế vai trò của Hội đồng Cơ mật ở London sau khi Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, được gọi là Luật Cơ bản, tôn trọng tính độc lập của cơ quan tư pháp và tuyên bố rằng các thẩm phán có thể đến từ các khu vực pháp lý thông luật (common law) khác.
Nhưng trong những tuần gần đây, bà Lam và các quan chức của bà nhấn mạnh rằng thành phố này không có “tam quyền phân lập”, và các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của thành phố đều xuất phát từ Bắc Kinh.
Ngay cả trước khi các luật mới được ban hành, các thẩm phán cấp cao đã nói với Reuters rằng sự độc lập của hệ thống tư pháp của Hồng Kông đã bị tấn công từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Cũng trong hôm thứ Sáu, ông Simon Young, giáo sư tại trường luật Đại học Hồng Kông và là một luật sư, đã kêu gọi chính phủ nêu tên các thẩm phán đã rời đi vì hoạt động an ninh quốc gia để ngăn chặn suy đoán có thể xảy ra rằng, các luật gia nước ngoài không được hoan nghênh.
Ông nói: “Rõ ràng hiện giờ đến lượt tòa án của chính phủ đảm bảo với công chúng rằng nó vẫn ủng hộ hệ thống các thẩm phán nước ngoài trong tòa án tối cao của Hồng Kông.”
Nhiều luật sư cao cấp cho biết họ tin rằng các thẩm phán cao cấp khác hiện đang cân nhắc tương lai của họ.
Hồi tháng 7, Chủ tịch của Tòa án tối cao Vương quốc Anh cho biết họ đang thảo luận với chính phủ Anh để ước định tương lai của các thẩm phán Vương quốc Anh tại tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông. Ông Robert Reed, cũng phục vụ tại tòa án Hồng Kông, cho biết luật mới “có một số điều khoản làm dấy lên các mối lo ngại”.