Thẩm phán từ chối yêu cầu chống dẫn độ đến Hoa Kỳ của bà Mạnh Vãn Châu
Thẩm phán của Tòa án Tối cao British Columbia của Canada đã bác bỏ yêu cầu của Giám đốc điều hành Huawei là bà Mạnh Vãn Châu về việc hủy bỏ ngay lập tức lệnh dẫn độ bà, nhưng cho phép bà Mạnh trình bày trước phiên tòa một số lập luận mà Chính phủ Canada muốn ngăn chặn.
Trong phán quyết hôm 28/10/2020, Phó Chánh án [Tòa án Tối cao] Heather Holmes đã viết rằng bà Mạnh khẳng định rằng Hoa Kỳ có “nghĩa vụ phải chứng minh” khi đưa ra bằng chứng sai về vụ lừa đảo được cho là của bà trong yêu cầu chính thức dẫn độ bà với Canada.
Bà thẩm phán cũng đồng ý rằng bà Mạnh có quyền đưa ra một số bằng chứng bổ sung trong hồ sơ vụ án “ở một mức độ nhất định”.
Bà Mạnh, 48 tuổi, đã bị Cảnh sát Canada bắt giữ theo lệnh của Hoa Kỳ vào tháng 12/2018 khi đang dừng chân tại Vancouver, trên đường đến Mexico.
Hoa Kỳ cáo buộc bà có hành vi lừa đảo ngân hàng khi lừa dối ngân hàng HSBC về các giao dịch kinh doanh của Công ty TNHH Công nghệ Huawei ở Iran, khiến ngân hàng này vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ [đối với Iran].
Không lâu sau vụ bắt giữ bà Mạnh, Bắc Kinh đã đưa ra những lời cảnh cáo mạnh mẽ đến Canada để yêu cầu trả tự do cho bà, và đã tùy tiện bắt giam hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig đang sống tại Trung Quốc, sau đó buộc tội họ là gián điệp.
Bà Mạnh nói rằng bà vô tội và đang đấu tranh chống lại những cáo buộc từ Vancouver, nơi bà đang bị quản thúc tại gia ở một trong những dinh thự của bà.
Bình luận về diễn biến sự việc, David Mulroney, cựu Đại sứ của Canada tại Trung Quốc, cho biết trên Twitter rằng Trung Quốc đã “bắt cóc” Kovrig và Spavor và giam cầm họ “trong những điều kiện hoàn cảnh tương đương với tra tấn”, nhưng Canada thì “đang tiến hành một phiên tòa hoàn toàn công bằng đối với một phụ nữ được tự do đi lại trong dinh thự của cô ta.”
Just to remind: China has kidnapped 2 Canadians, imprisoned them in conditions amounting to torture, denied them any form of help or hope, because we're giving an impeccably fair hearing to a woman who's free to come and go from her mansion https://t.co/DsQZSHoCic
— David Mulroney (@David_Mulroney) October 30, 2020
Nội dung đoạn Twitter: “Chỉ xin nhắc rằng: Trung Quốc đã bắt cóc hai công dân Canada, tống giam họ trong những điều kiện hoàn cảnh tương đương với tra tấn, từ chối cho phép họ có được bất kể hình thức trợ giúp hay hy vọng nào, bởi vì chúng ta đang tiến hành một phiên tòa hoàn toàn công bằng đối với một phụ nữ được tự do đi lại trong dinh thự của cô ta”.
Bằng chứng mấu chốt
Một bài thuyết trình PowerPoint mà bà Mạnh đã trình bày với một chủ ngân hàng HSBC ở Hồng Kông vào năm 2013 cho thấy mối quan hệ của Huawei với Công ty TNHH Công nghệ Skycom, một công ty hoạt động tại Iran, đã được Hoa Kỳ viện dẫn là bằng chứng mấu chốt chống lại bà.
Bà thẩm phán Holmes đồng ý với bà Mạnh rằng yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ cần phải đưa ra những câu nói cụ thể từ bài thuyết trình trên để tăng thêm “độ chính xác” đối với những tuyên bố của bà Mạnh về quan hệ kinh doanh của Huawei với Skycom tại Iran.
Bà Holmes đã lấy một ví dụ về việc Hoa Kỳ có khả năng đưa ra bằng chứng sai, khi chỉ ra rằng trong bằng chứng không có cụm từ “hợp tác kinh doanh của Huawei với Skycom là bình thường và nằm trong tầm kiểm soát, và điều này sẽ không thay đổi trong tương lai.”
“Trước đó, trong bản tóm tắt [bằng chứng] cũng có một câu nói tương tự như trên nhưng đã bị lược bỏ từ “nằm trong tầm kiểm soát” (controllable), và viết thành “hợp tác kinh doanh của Huawei với Skycom là bình thường,” bà Holmes nói.
Bà Holmes đồng ý rằng những lập luận của bà Mạnh không đủ mạnh để bảo đảm hủy bỏ lệnh dẫn độ ngay lập tức, nhưng bà cho biết họ “có thể có khả năng làm vậy khi cân nhắc thêm các cáo buộc từ các bên thứ nhất hoặc thứ hai,” đề cập đến những cáo buộc khác về việc lạm dụng quy trình mà bà Mạnh đã đưa ra.
Lời khai của nhân chứng
Trong suốt buổi lấy lời khai của nhân chứng hôm 29/10/2020, Scott Kirkland, một viên chức của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) đã khai với tòa án rằng việc bà Mạnh sắp sửa xuất hiện tại một sân bay Canada vào hai năm trước có nghĩa là cần phải thảo luận nhanh chóng về cách tốt nhất để tóm được bà ta.
Trước đó, ông Kirkland đã từng nói với tòa án rằng ông đã lo lắng về những cáo buộc vi phạm quyền công dân nếu cơ quan của ông chặn đường và phỏng vấn bà Mạnh trước khi cảnh sát Canada bắt giữ bà.
Nhưng ông đã không nêu ra mối lo ngại này với những người khác, một phần vì họ có không tới một giờ đồng hồ trước khi chuyến bay của bà Mạnh hạ cánh để quyết định xem làm thế nào để giải quyết việc chặn bà lại [ở sân bay].
Quá trình lấy lời khai nhân chứng tập trung vào chuỗi sự kiện trong quá trình Cơ quan dịch vụ biên giới kiểm tra bà Mạnh. Bị cáo cho rằng việc ông Kirkland viết mật mã điện thoại di động của bà ra một tờ giấy thay vì viết vào sổ ghi chép của ông là không đúng, nhưng ông khẳng định rằng đó là quy trình chuẩn.
Các luật sư của bà Mạnh lập luận rằng những lạm dụng trong quy trình [bắt giữ] đã diễn ra trong gần ba giờ đồng hồ kể từ khi CBSA chặn bà lại cho đến khi RCMP bắt giữ bà, trong quá trình đó bà không có đại diện pháp lý nào.
Cảnh sát Winston Yep của RCMP, người đã bắt giữ bà, là nhân chứng đầu tiên trong quá trình lấy lời khai kéo dài một tuần. Ông Yep khẳng định RCMP đã làm đúng phận sự của mình và không chỉ đạo CBSA điều tra bà Mạnh.
Các công tố viên của chính phủ Canada đã cố gắng chứng minh cuộc bắt giữ bà Mạnh là đúng luật, và bất kỳ sự sai sót nào trong thủ tục tố tụng hợp pháp sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc dẫn độ bà.
Quá trình lấy lời khai nhân chứng của vụ dẫn độ bà Mạnh dự kiến kết thúc hôm 30/10/2020. Các luật sư biện hộ sẽ kết thúc cuộc thẩm vấn của họ với ông Kirkland, và họ sẽ nghe thêm từ một nhân chứng khác sau cuộc thẩm vấn ông ấy.
Các phiên tòa về vụ dẫn độ bà Mạnh dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 04/2021, mặc dù khả năng kháng cáo có nghĩa là vụ việc có thể kéo dài trong nhiều năm.