Thẩm phán bị bãi nhiệm trước khi phán quyết Liên Hiệp Quốc giúp Bắc Kinh đàn áp người bất đồng chính kiến
Liên Hiệp Quốc đã bị cáo buộc về việc phá hoại độc lập tư pháp và dàn dựng một “cuộc chính biến” hợp pháp sau khi họ sa thải một thẩm phán người Úc phụ trách vụ án mà trong đó một người tố cáo đã tiết lộ vai trò của Liên Hiệp Quốc trong việc hỗ trợ Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
Tháng 07/2019, cơ quan quốc tế này đã bãi nhiệm thẩm phán người Úc Rowan Downing, Luật sư của Nữ hoàng (QC), một cựu thẩm phán tội phạm chiến tranh quốc tế, khỏi vai trò Chủ tịch Tòa án Tranh chấp Liên Hiệp Quốc.
Ông Downing, 69 tuổi, đang giám sát vụ án của cựu nhân viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Emma Reilly, người tiết lộ tổ chức của bà đã đi ngược lại các quy tắc của chính mình khi cung cấp danh tính của những người Duy Ngô Nhĩ và các nhà bất đồng chính kiến người Hoa khác dự kiến sẽ trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho chính quyền Trung Quốc. Bà Reilly cho biết thông tin này cho phép chính quyền Trung Quốc có thể đe dọa, và trong một số trường hợp, tra tấn gia đình của những người bất đồng chính kiến này, vốn vẫn đang sinh sống bên trong Trung Quốc.
Hôm 20/03, theo các bản tin từ The Age và The Sydney Morning Herald, chưa đầy hai tuần trước khi phán quyết cuối cùng về vụ án của bà Reilly được công bố, Liên Hiệp Quốc đã bãi nhiệm thẩm phán Downing, người đã có quan điểm chỉ trích về cách đối xử của Liên Hiệp Quốc đối với bà Reilly.
Trong một cuộc phỏng vấn từ tháng 03/2021 mà đến nay mới được phép công bố rộng rãi, ông đã gọi việc mình bị bãi nhiệm là “loại hành vi có thể xảy ra sau một cuộc đảo chính — một cuộc chính biến – nơi người ta muốn loại bỏ các thẩm phán một cách nhanh chóng.”
Ông nói, “Trên thực tế, đó là một cuộc tấn công nhằm vào sự độc lập của cơ quan tư pháp bởi vì … không quốc gia-nhà nước nào có thể được cho phép làm điều đó,” tờ The Age đưa tin.
Việc bãi nhiệm ông Downing và sa thải bà Reilly xảy ra trong bối cảnh lo ngại Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lợi dụng vai trò lãnh đạo ngày càng mở rộng của mình tại Liên Hiệp Quốc để định hình lại tổ chức này theo những cách thức phục vụ cho lợi ích của họ.
Ví dụ, các công dân Trung Quốc đã giữ chức vụ tổng thư ký cho Vụ Liên Hiệp Quốc về Các Vấn đề Kinh tế và Xã hội (UN-DESA) từ năm 2007. Ngoài ra, kể từ năm 2016, những người đứng đầu UN-DESA tiền nhiệm và đương nhiệm đã ngăn cản ông Dolkun Isa, chủ tịch của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tham gia Diễn đàn Thường trực Liên Hiệp Quốc về Các Vấn đề Bản địa.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy nghị trình địa chính trị của mình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), dưới chiêu bài của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (UN SDGs).
Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã tuyên bố rằng hệ thống Liên Hiệp Quốc sẽ hỗ trợ Bắc Kinh đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Năm 2019, chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc cản trở công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng cách thuyết phục các chế độ chuyên quyền khác như Pakistan, Ả Rập Xê Út, Algeria, và Nga đánh giá tích cực các chính sách áp bức của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đang bị giam giữ và tra tấn.
Hôm 20/03, trong một bài đăng trên Twitter, bà Reilly cho biết việc Liên Hiệp Quốc bãi nhiệm ông Downing là để ngăn chặn ông ra phán quyết có lợi cho bà. Ông Downing trước đó đã cáo buộc ông Guterres báo cáo không chính xác về tình hình, dẫn đến việc bà Reilly bị các thành viên khác tẩy chay. Ông cũng chỉ trích ông Guterres vì đã không giải quyết đơn kiện của bà Reilly một cách chính đáng và trì hoãn bất hợp pháp việc Liên Hiệp Quốc xem xét vấn đề này.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric đã bác bỏ cáo buộc này.
Năm 2013, bà Reilly lần đầu tiên khởi kiện sau khi một nhà ngoại giao Trung Quốc có trụ sở tại Geneva yêu cầu Liên Hiệp Quốc xác nhận danh tính của các cá nhân “phe ly khai chống chính quyền Trung Quốc” sẽ trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cấp trên trực tiếp của bà, ông Eric Tistounet, người đứng đầu Bộ phận Hội đồng Nhân quyền của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), đã yêu cầu nhân viên nêu danh tính cho nhà ngoại giao Trung Quốc để “không làm tăng thêm sự ngờ vực của Trung Quốc đối với chúng ta.”
Bà Reilly đã báo cáo vấn đề này với các cấp trên của bà, nhưng không có gì thay đổi. Khi bà tiếp tục từ chối việc làm này trong nhiều năm, bà Reilly được giữ lại ở Liên Hiệp Quốc với một mức lương trong khi tiến hành các vụ kiện pháp lý về sự đối đãi bà nhận được. Bà đã chính thức bị sa thải vào năm 2012 sau khi một bản tin về trường hợp của bà được đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp.
Cô Nina Nguyen là một phóng viên tại Sydney. Cô đưa tin về Úc với trọng tâm là các vấn đề xã hội và văn hóa. Cô thông thạo tiếng Việt. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: