Thẩm phán Barrett – Sự an bài của Chúa giúp Tổng thống Trump bảo vệ Hiến pháp Mỹ?
“Tôi, Donald John Trump, trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ.”
“Vì thế xin Chúa giúp tôi.”
(Lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45)
Mỹ là quốc gia đứng đầu về pháp trị. Pháp luật có quan hệ mật thiết với các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, giáo dục v.v. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, việc thực thi pháp luật theo tiêu chuẩn của cánh tả đang lật đổ nền tảng đạo đức và tín ngưỡng truyền thống của pháp luật, làm biến dị tiêu chuẩn thiện, ác.
Khuynh hướng “tân cấp tiến” (neo-liberal) thúc đẩy phong trào xét lại Hiến Pháp Mỹ cho rằng đó là tài liệu lỗi thời, một thứ chủ nghĩa xét lại nhằm lật đổ truyền thống như Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ, đồng điệu với những cuộc bạo loạn nhằm phá hủy lịch sử Mỹ, lật đổ các tượng đài những vị Cha lập quốc…
Thẩm phán căn cứ theo quy định của pháp luật để phán xử, mà quy định pháp luật căn cứ theo Hiến pháp. Vì thế, sách lược của những người theo chủ nghĩa cấp tiến cánh tả là thông qua việc giải thích Hiến pháp để thay đổi nội hàm nguyên gốc trong Hiến pháp. Cách làm này thực chất là biến tướng của việc phá bỏ Hiến pháp, cũng đồng nghĩa với đi ngược lại Hiến pháp.
Tinh thần căn bản của pháp luật là ”kính Thần” và đạo đức truyền thống. Pháp luật bắt nguồn từ tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều có tính thần thánh, nhưng khi người đại diện pháp luật thúc đẩy thuyết vô thần thì điều gì sẽ xảy ra?
Phyllis Schlafly đã nêu ra chín vấn đề suy thoái đạo đức do thẩm phán gây ra. Đó là: 1) Sửa lại Hiến pháp; 2) Cấm ca ngợi Thần; 3) Định nghĩa lại khái niệm kết hôn; 4) Xâm phạm chủ quyền nước Mỹ; 5) Khởi xướng các tác phẩm có nội dung khiêu dâm; 6) Khuyến khích chủ nghĩa nữ quyền; 7) Cản trở nghiêm trọng việc thi hành pháp luật; 8) Can thiệp vào bầu cử; 9) Tăng thuế.
Thẩm phán tự do thay đổi cơ sở đạo đức truyền thống Mỹ
Trong cuộc sống của người Mỹ, Thần có mặt ở khắp mọi nơi. “Chúng ta tin vào Chúa” (In God We Trust) không chỉ xuất hiện trong quốc ca Mỹ mà còn được in trên tờ tiền giấy mà người Mỹ sử dụng hàng ngày. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ gọi Thần là Sáng Thế Chủ và nhận định rằng nhân quyền của con người chúng ta là do Sáng Thế Chủ ban cho. “Xin Chúa giúp đỡ con” (So help me God). “Chúa ban phước cho nước Mỹ” (God bless America) được sử dụng phổ biến khi tuyên thệ hoặc trong các bài diễn văn. Nước Mỹ là “quốc gia ở dưới Chúa” (One nation, under God).
Những truyền thống này đã được duy trì hơn 200 năm qua, xuất hiện cùng với lịch sử thành lập nước Mỹ. Vậy mà từ năm 1980, Tòa án tối cao Mỹ đã từng cấm “Mười điều răn” xuất hiện trong giảng đường của các trường học công lập. Phán quyết này đã dẫn đến trào lưu xóa bỏ “Mười điều răn” trên toàn nước Mỹ. [1]
Một phán quyết ngày 26/6/2002 của tòa phúc thẩm Mỹ đã cấm nghi lễ “Lời tuyên thệ cống hiến” tại các trường học công lập, vì trong đó có dòng chữ “Ở dưới Thần”. [2] Tòa án tối cao đã đưa ra rất nhiều phán quyết có tầm ảnh hưởng sâu sắc, bao gồm cả việc cầu nguyện trong các trường học công lập bị coi là bất hợp pháp. [3]
Dùng pháp luật để cấm con người ca ngợi Thần một cách cực đoan ở một quốc gia có tín ngưỡng sâu sắc như Mỹ đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự thâm nhập của chủ nghĩa xã hội vô thần vào lĩnh vực pháp luật.
Trong “Sáng thế ký – Kinh Thánh” có giảng về sự hủy diệt của thành Sodom. Một trong những tội ác nghiêm trọng nhất của nó chính là đồng tính luyến ái. Vì thế mà cái tên Sodom của thành này đã trở thành từ sodomy – chỉ hành vi “đồng tính”. Bất kỳ ai có chút hiểu biết về tôn giáo phương Đông hay phương Tây đều biết đồng tính đi ngược lại giới lệnh của Thần.
Tháng 6 năm 2015, Thẩm phán theo quan điểm tư do Tòa án tối cao Mỹ đã đưa ra phán quyết hôn nhân đồng tính là “hợp pháp”. [4] Tổng thống khi đó đã thay đổi hình ảnh của Nhà trắng trên Twitter thành lá cờ sáu màu tượng trưng cho đồng tính luyến ái. Phán quyết của Tòa án tối cao cũng khiến lệnh cấm ở 14 bang cấm hôn nhân đồng tính trở nên vô hiệu lực.
Sau khi Tòa án tối cao thông qua phán quyết “hợp pháp” hóa hôn nhân đồng tính, cựu thống đốc Arkansas và cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa – Mike Huckabee đã so sánh đây là một “nền tư pháp bạo chính”. [5]
Đạo luật Cải cách Luật Gia đình năm 1969 ở Mỹ đã bật đèn xanh cho tình trạng ly hôn. Năm 1973, án lệ “Roe – Wade” hợp pháp hóa việc phá thai. Năm 2010, tòa án đã loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn. Sau phán quyết của Tòa án tối cao, năm 1966 Hollywood đã xóa bỏ quy định hạn chế các nội dung khiêu dâm trong quy định sản xuất phim. Số lượng các bộ phim khiêu dâm tăng lên nhanh chóng, đến ngày nay đã trở nên phổ biến khắp nơi. Rất nhiều bang đã thông qua việc hợp pháp hóa cần sa – một cách thức hủy hoại nhân phẩm con người và làm suy yếu nước Mỹ vô cùng nhanh chóng.
Đó là những cách mà tòa án tối cao thay đổi hoàn toàn văn hóa truyền thống của người Mỹ. Những đạo luật đi ngược lại đạo đức truyền thống đến mức không tưởng này vẫn có thể được thông qua và thi hành, chứng tỏ rằng nền tảng đạo đức truyền thống của pháp luật đã bị làm lung lay, pháp luật đã lệch rất xa khỏi việc tuân thủ những giáo huấn của Thần và tín ngưỡng đạo đức. Đạo đức xã hội đã và đang đối mặt với nguy cơ toàn diện.
Do bị cắt đứt nguồn gốc với tín ngưỡng, tinh thần của pháp luật bắt đầu thay đổi, từ duy hộ sự công bằng, chính nghĩa, người đại diện pháp luật mang theo quan niệm, lối tư duy biến dị, khiến pháp luật lệch sang hướng thuận theo quan niệm và dục vọng của con người.
“Pháp luật cần phải dựa vào tín ngưỡng, nếu không nó sẽ chỉ như thùng rỗng kêu to”
(Nhà tư tưởng người Pháp Tocqueville)
Việc tổng thống Trump đề cử bà Barret cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện làm dấy lên làn sóng chỉ trích tấn công từ phe Dân chủ về niềm tin Công giáo của nữ giáo sư luật. Điều vô cùng phi lý, bởi Hiến Pháp Mỹ xác quyết quyền năng tối thượng và luật cao nhất chính là luật của Tự Nhiên và của Đấng Sáng Thế. Tinh thần cao nhất của luật pháp là lòng kính Thần và đạo đức truyền thống và tôn giáo là cội nguồn của đức hạnh, là kim chỉ nam để con người phân biệt thiện ác. Và một vị Thẩm phán Mỹ, không thể và không bao giờ nên là một người vô Thần, phản lại các lời răn của Chúa.
Nhà bình luận Timothy Head có bài trên Fox news nói: “Thẩm phán Barrett bị chỉ trích vì quá “sùng đạo”? Từ khi nào mà tin vào Chúa quá nhiều lại trở thành một khuyết điểm của nhân vật? Niềm tin vào Chúa là điều đáng ngưỡng mộ và noi theo chứ không phải là điều đáng lên án. Quốc gia của chúng tôi được xây dựng trên các giá trị Cơ đốc giáo. Trên thực tế, trong tất cả 50 hiến pháp của các bang, Chúa hoặc đấng thiêng liêng được đề cập ít nhất một lần. Tôi ngưỡng mộ niềm tin không hối lỗi của Barrett vào Chúa.”
Phải chăng phe cánh tả đang hoảng hốt trước viễn cảnh một trật tự pháp lý mới dựa trên nền tảng đạo đức và kính Thần do bà Barret khôi phục sẽ lật lại những điều luật của chủ nghĩa vô Thần lan làn và thay đổi toàn bộ xã hội Mỹ nhiều thập kỷ qua.
Tổng thống Trump: Hiến Pháp phải được hiểu đúng như nó được viết ra
Tổng thống Trump hiểu rằng Hiến pháp Hoa Kỳ chính là cội nguồn tạo sức mạnh và sự vĩ đại của Hoa Kỳ. Ông chia sẻ trong buổi lễ Độc lập Hoa Kỳ hôm 4/7/2020:
“Hào quang và vẻ đẹp của hệ thống hiến pháp của chúng ta mang lại các công cụ để chống lại những điều bất công, hàn gắn chia rẽ và tiếp tục công việc của những tiền nhân lập quốc bằng cách nhân rộng và mở ra phép màu của nước Mỹ. Nếu bạn tin tưởng vào công lý, vào tự do, hòa bình, bạn phải yêu quý những nguyên tắc lập quốc và những câu chữ trong hiến pháp của chúng ta, do nền tảng lập quốc của ta là hiến pháp. Đó là lý do vì sao nước ta lại hùng mạnh, bất chấp những điều tồi tệ vẫn xảy ra hết thế hệ này đến thế hệ khác…” (Bài phát biểu Chào nước Mỹ của TT Trump).
Vì thế, tổng thống Trump từng nói, ông muốn tìm kiếm người có thể hiểu Hiến Pháp đúng như những gì nó được viết ra. Bởi hơn ai hết ông hiểu rõ mánh khóe diễn giải Hiến pháp của phe Dân chủ tự do đã thay đổi toàn diện văn hóa và các giá trị nền tảng Mỹ như thế nào trong mấy chục năm qua.
Đó là lý do mà Amy Coney Barrett trở thành ứng cử viên duy nhất mà Tổng thống Trump đề cử để thay thế chiếc ghế của cố Thẩm phán Ginsburg. Ông Trump mô tả bà Barrett là “một người phụ nữ của những thành tích vô song, trí tuệ cao vời, bằng cấp đáng tin cậy và lòng trung thành kiên định với Hiến pháp”.
Đối với tổng thống Trump, trung thành kiên cường bảo vệ Hiến Pháp là tiêu chuẩn quan trọng nhất cho vị trí Thẩm phán.
Tổng thống Trump nói trong buổi đề cử thẩm phán: “Amy Coney Barrett sẽ quyết định các trường hợp dựa trên văn bản của hiến pháp như đã viết. Như Amy đã nói, “Làm thẩm phán cần có sự can đảm. Các bạn không ở đó để quyết định các trường hợp tùy thích. Các bạn ở đó để thực hiện nghĩa vụ của mình và tuân theo luật pháp bất cứ trong mọi tình huống nào do dòng đời đưa đẩy đến. Đó chính xác là những gì Thẩm phán Barrett sẽ làm tại tòa án tối cao Hoa Kỳ.”
Đó cũng chính là triết lý luật pháp mà bà Barrett theo đuổi.
“Tôi yêu nước Mỹ và tôi yêu Hiến pháp Mỹ”, bà Barrett tuyên bố trong buổi đề cử Thẩm phán. Bà nói rằng nhờ bà làm thư ký cho Thẩm phán Antonin Scalia nên chịu ảnh hưởng của ông và ảnh hưởng này vẫn vang vọng trong cuộc sống của bà:
“Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là triết lý của tôi: một thẩm phán phải áp dụng luật như bộ luật đã được viết thành văn.”
“Các thẩm phán không phải là những nhà hoạch định chính sách nên họ phải quyết tâm gạt sang một bên bất kỳ quan điểm chính sách nào mà họ tin theo.”
Thượng nghị sĩ John Cornyn nhận xét về bà Barrett: “Thẩm phán Amy Coney Barrett là chuyên gia tư pháp hàng đầu và luôn tôn trọng pháp luật và nguyên tắc lập quốc của quốc gia. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà ấy đã duy trì tầm quan trọng của một chuyên gia tư pháp độc lập. Bà diễn giải luật và Hiến pháp đúng như bản gốc, và làm việc mà không bị áp lực chính trị”, theo The EpochTimes.
Bà là một người Công giáo sùng đạo, bà tin tưởng rằng “cuộc sống bắt đầu từ lúc thụ thai”. Điều này khiến bà trở thành người được yêu thích trong số những người theo tôn giáo bảo thủ muốn lật ngược quyết định mang tính bước ngoặt năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.
Bà cũng đã bỏ phiếu ủng hộ các chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump và bày tỏ quan điểm ủng hộ các quyền mở rộng về súng.
Quyền lực của tòa tối cao trải dài từ quyền phá thai đến bầu cử, từ phân biệt chủng tộc đến các vấn đề liên quan cộng đồng đồng tính. Một cuộc bổ nhiệm thành công là bước ngoặt trọng đại ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách xã hội Mỹ một vài thế hệ sau. Và đó có thể sẽ là di sản quan trọng nhất của Tổng thống Trump đối với nước Mỹ, tạo ra sự ảnh hưởng vượt xa nhiệm kỳ của một tổng thống.
Sự an bài của Chúa?
Là một người bảo vệ đến cùng các giá trị Mỹ với mục tiêu lớn nhất trong vai trò tổng thống của mình là làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tổng thống Trump chỉ có thể thực hiện được ước nguyện của mình khi ông có sự đồng hành của một thẩm phán Tối cao có thể “hiểu Hiến pháp đúng như các vị Quốc phụ đã viết ra”, bằng cách đó ra những phán quyết định hình lại các giá trị vốn làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ hơn 200 năm qua, đã bị lật đổ trong nhiều thập kỷ vừa qua bởi sự thao túng của phe cánh tả với mục tiêu đưa nước Mỹ theo chủ nghĩa xã hội. Đó là cách tốt nhất để nước Mỹ có thể thiết lập lại “Pháp luật và Trật tự” (LAW & ORDER) – khẩu hiệu mà ông luôn hướng tới.
Trong buổi lễ nhậm chức ngày 20/1/2017, tổng thống Donald Trump đặt tay lên quyển Kinh thánh và đọc lời thề trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ:
“Tôi, Donald John Trump, trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ.”
“Vì thế xin Chúa giúp tôi.”
Phải chăng Chúa đã sắp đặt mọi thứ để giúp ông thực hiện được hoài bão “Khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ” (“Make America Great Again”- MAGA) – Sự vĩ đại được tạo nên bởi Bộ Hiến Pháp kinh điển làm mẫu mực cho các quốc gia muốn theo đuổi một nền dân chủ tự do thực sự, và trên hết, bộ Hiến Pháp bảo vệ nước Mỹ như một quốc gia “ở dưới Chúa” (Under God) và vĩnh viễn trong sự bảo hộ của Ngài.
Trong diễn văn “Đế chế tà ác” nổi tiếng nhất của mình, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã nhắc lại điều Tocqueville từng nói: “Hoa Kỳ là cái thiện [(good) – đối lập với cái ác (evil)]. Và nếu Hoa Kỳ không còn thiện nữa, thì Hoa Kỳ cũng không còn vĩ đại nữa.”
Cuộc chiến Hiến Pháp và những nỗ lực của tổng thống Trump cho những giá trị Mỹ, là cuộc chiến giữa Thiện và Ác. Và như Tocqueville đã nhận ra, sự vĩ đại của Hoa Kỳ là sự vĩ đại của cái Thiện.
“Nước Mỹ vĩ đại trở lại” – đó là trở về với các giá trị Mỹ và tinh thần lập quốc trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến Pháp Mỹ, những văn bản soi đường chỉ lối để Hoa Kỳ trở thành một nhà nước Cộng hòa lập ra bởi nhân dân, bảo vệ các quyền con người được Đấng Sáng Thế ban cho, một nhà nước của tôn giáo và đức hạnh, giữ gìn các giá trị truyền thống – sợi dây gắn kết con người với Thượng Đế, đó chính là sức mạnh tinh thần vô song làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.
Đan Thư
Chú thích:
[1] Phyllis Schlafly, “Pots of Gold Behind Crosses and Ten Commandments,” The Eagle Forum Report, June 4, 2004,
[2] “The U.S. Pledge of Allegiance: Circuit Court Decision, Reactions, etc.,” Religious Tolerance,
[3] Phyllis Schlafly, The Supremacists: The Tyranny of Judges and How to Stop It, 58.
[4] Ariane de Vogue and Jeremy Diamond, “Supreme Court Rules in Favor of Same-sex Marriage Nationwide,” CNN News, June 27, 2015,