Thẩm phán bác bỏ yêu cầu hoãn xét xử của ông Steve Bannon
Hôm 11/07, một thẩm phán liên bang đã bác bỏ yêu cầu của ông Steve Bannon về việc trì hoãn phiên tòa xét xử ông về cáo buộc tội coi thường Quốc hội. Thẩm phán này đã bác bỏ lý lẽ của cựu cố vấn của ông Trump rằng việc phiên tòa nổi tiếng và được công chúng theo dõi sát sao sẽ khiến bồi thẩm đoàn khó công bằng.
“Tôi thấy không có lý do gì để kéo dài vụ án này thêm nữa,” Thẩm phán Địa hạt Carl Nichols cho biết sau một phiên điều trần kéo dài nhiều giờ tại tòa án liên bang. Ông nói rằng ông sẽ xem xét lại việc cho phép trì hoãn nếu hoàn cảnh chứng tỏ là không thể chọn được một bồi thẩm đoàn không thiên vị.
Vị thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm này đã đẩy ông Bannon vào một loạt tình thế bất lợi tại phiên điều trần khi ông Bannon chuẩn bị đối mặt với phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 18/07 tới, với các cáo buộc hình sự về tội coi thường quốc hội khi từ chối trát đòi hầu tòa của Ủy ban 06/01 vào mùa thu năm ngoái (2021).
Ông Bannon đã bị ông Nichols kháng biện nhiều lời biện hộ, trong đó có yêu cầu nêu lên đặc quyền hành pháp và ban trát hầu tòa đối với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và một số thành viên khác của Ủy ban 06/01.
Các luật sư của ông Bannon cũng sẽ không thể lập luận rằng Ủy ban 06/01 của Hạ viện đã vi phạm các quy tắc trong việc triệu tập ông Bannon ra làm chứng. Thay vào đó, những lời biện hộ của nhóm ông Bannon chủ yếu giới hạn ở việc ông Bannon có hiểu hoặc có thể đáp ứng thời hạn cho các yêu cầu của Ủy ban 06/01 hay không.
Các phán quyết của ông Nichols khiến một trong những luật sư của Bannon đặt câu hỏi liệu người đàn ông 68 tuổi này còn có thể tự bào chữa cho mình chút nào hay không.
“Có ích gì khi xét xử ở đây nếu không có những lời biện hộ?” ông David Schoen, một luật sư đại diện cho ông Bannon, chất vấn trong thất vọng khi ông tìm kiếm sự giải thích từ ông Nichols.
Ông Nichols trả lời: “Đồng ý.”
Ông Bannon đã không hiện diện tại phiên tòa. Trình bày với các phóng viên sau đó bên ngoài tòa án, ông Schoen cho biết họ sẽ kháng cáo.
“Ông ấy là thẩm phán,” ông nói về ông Nichols. “Đó là lý do tại sao họ có một tòa phúc thẩm.”
‘Nỗ lực ở phút chót’
Phán quyết của ông Nichols được đưa ra một ngày sau khi ông Bannon đồng ý làm chứng công khai trước Ủy ban 06/01 sau khi nhận được thư từ cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ đặc quyền hành pháp đối với lời khai của ông Bannon.
“Mặc dù ông Bannon luôn kiên định với những lý lẽ của mình, nhưng hoàn cảnh giờ đây đã thay đổi,” ông Robert Costello, luật sư của ông Bannon, viết trong bức thư gửi cho Ủy ban Hạ viện hôm 09/07. Ông Bannon sẵn sàng, và thực sự muốn làm chứng tại phiên điều trần công khai của quý vị.”
Bộ Tư pháp đang tìm cách ngăn không cho bồi thẩm đoàn biết về nỗ lực “cuối cùng” của ông Bannon để làm chứng trước Ủy ban 06/01 trước phiên tòa sắp tới của mình.
Trong một hồ sơ tòa án được nộp lên tòa sơ thẩm liên bang ở Hoa Thịnh Đốn, được đệ trình vào nửa đêm ngày 11/07, các công tố viên lập luận rằng việc ông Bannon đột ngột thay đổi ý kiến “gần chín tháng sau khi ông vắng mặt” là “không liên quan” đến phiên tòa.
Cũng trong hồ sơ này, các công tố viên cho biết: “Những nỗ lực ở phút chót không có tác dụng gì để khắc phục việc ông ấy không xuất hiện để làm chứng.”
“Việc điều chỉnh thời gian của Bị cáo cho thấy rằng điều duy nhất thực sự thay đổi kể từ khi ông ấy từ chối tuân thủ trát đòi hầu tòa hồi tháng 10/2021 là cuối cùng ông ấy sắp phải đối mặt với hậu quả của quyết định vắng mặt,” bà Vangn viết. Bà lập luận rằng “mong muốn bất ngờ được ra làm chứng của ông Bannon không phải là một nỗ lực thực sự để đáp ứng các nghĩa vụ của ông ấy mà là một nỗ lực cuối cùng để né tránh trách nhiệm.”
The Epoch Times đã liên lạc với ông Costello để yêu cầu bình luận về hồ sơ của Bộ Tư pháp.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].