Thẩm phán Alito: Vụ rò rỉ phán quyết phá thai khiến các thẩm phán bảo tồn truyền thống trở thành ‘mục tiêu ám sát’
Ông Alito cũng nhắm vào văn hóa xóa sổ trong trường đại học tại cuộc nói chuyện về nhiều chủ đề tại Quỹ Di Sản
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Samuel Alito cho biết vụ rò rỉ một bản dự thảo ý kiến đảo ngược án lệ Roe kiện Wade hồi đầu năm nay khiến các thẩm phán bảo tồn truyền thống trở thành “các mục tiêu ám sát” và thay đổi bầu không khí tại Pháp viện.
Những bình luận của ông Alito được đưa ra trong một cuộc thảo luận có người điều tiết tại Quỹ Di Sản ở thủ đô của quốc gia hôm 25/10. Vào cuối cuộc thảo luận, ông Alito đã được trao Giải thưởng Người bảo vệ Hiến Pháp của Quỹ Di Sản.
Tại sự kiện này, ông Alito cũng phàn nàn về tình trạng thiếu tự do ngôn luận trong giáo dục đại học, cho biết án lệ được coi trọng quá mức trong vai trò là một phương tiện để phán định các vụ án, và tuyên bố rằng phán quyết của Pháp viện trong vụ Citizens United nhiều năm trước cho phép các tập đoàn tài trợ cho các chiến dịch chính trị đã bị các nhà phê bình hiểu nhầm.
Vụ rò rỉ diễn ra trong lúc các thành viên của Pháp viện đang xem xét cách thức ra phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson.
Một phiên bản trước đó của bản dự thảo ý kiến đa số của ông Alito trong vụ Dobbs đã được hé lộ với truyền thông, một sự rò rỉ chưa từng có của một bản ý kiến đầy đủ từ Tối cao Pháp viện. Politico đã cho xuất bản bản dự thảo đề ngày 10/02 này vào hôm 02/05 mà không tiết lộ nguồn của nó. Trong cả bản dự thảo và phiên bản cuối cùng của phán quyết vụ Dobbs ban hành ngày 24/06, Pháp viện đã lật lại phán quyết Roe kiện Wade, án lệ năm 1973 đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.
Phán quyết của vụ Dobbs, vốn nêu rằng không có quyền phá thai theo Hiến Pháp, đã trao lại quyền quy định về phá thai cho các tiểu bang. Trong vụ Dobbs, Pháp viện cũng đảo ngược một án lệ năm 1992 có liên quan, vụ Planned Parenthood chi nhánh Đông Nam Pennsylvania kiện Casey, vốn tuyên bố rằng một người phụ nữ có quyền phá thai trước khi thai nhi có khả năng tồn tại ngoài tử cung mà không có sự can thiệp quá mức từ tiểu bang này.
Vụ rò rỉ này “là một sự phản bội lòng tin nghiêm trọng của ai đó”, ông Alito nói, không cung cấp bất kỳ thông tin mới nào về cuộc điều tra rò rỉ đang được thực hiện bởi các quan chức tòa án. Dù có rất nhiều các nghi ngờ và giả thuyết, nhưng danh tính của một hoặc nhiều người làm rò rỉ vẫn chưa được biết.
“Vụ việc chắc chắn đã làm thay đổi bầu không khí tại tòa trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ trước. Vụ rò rỉ này cũng khiến những người trong chúng tôi, những người được cho là nằm trong phe đa số ủng hộ việc lật ngược các vụ Roe và Casey này trở thành các mục tiêu ám sát, vì nó cho người ta một lý do hợp lý để nghĩ rằng họ có thể ngăn điều đó xảy ra bằng cách sát hại một người trong số chúng tôi.”
Ông Alito lưu ý rằng một người đàn ông đã bị buộc tội vì âm mưu ám sát Thẩm phán Brett Kavanaugh, nhưng từ chối bình luận thêm vì vụ việc vẫn còn trong quá trình thụ lý.
Sự thù địch đối với tự do ngôn luận
Ông Alito cho biết ông lo ngại về sự thù địch đối với tự do ngôn luận tại các trường cao đẳng và đại học.
Dựa trên các tin tức mà ông đã đọc, tình hình là “khá bi quan và nó thực sự nguy hiểm cho tương lai của chúng ta với tư cách là một quốc gia dân chủ hợp nhất.”
“Chúng ta phụ thuộc vào quyền tự do ngôn luận… [vốn] là điều thiết yếu. Các trường cao đẳng và đại học nên làm gương, và các trường luật nên làm gương cho trường đại học bởi vì hệ thống cạnh tranh của chúng ta dựa trên nguyên tắc rằng cách tốt nhất để tìm ra sự thật là trình bày mạnh mẽ các quan điểm đối lập, vì vậy sinh viên luật nên được tự do nói lên suy nghĩ của mình mà không cần lo lắng về hậu quả.”
“Và họ nên kiểm tra ý tưởng của mình trong cuộc tranh luận hợp lý và nếu các trường luật không làm điều đó và theo những bản tin này, một số trường trong số họ không làm điều đó, thì họ thực sự đang không thực hiện trách nhiệm của mình.”
Bình luận của ông Alito được đưa ra sau khi hai thẩm phán liên bang do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm trong những tuần gần đây tuyên bố sẽ không thuê các lục sự tư pháp từ Trường Luật Yale vì họ nói rằng môi trường của trường này bị chi phối bởi văn hóa xóa sổ. Hai thẩm phán nói trên là ông James Ho của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 5 và bà Elizabeth Branch của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 11.
Ông Ho đã bức xúc trước cách đối xử mà bà Kristen Wagoner đến từ Liên minh bảo tồn truyền thống Bảo vệ Tự do nhận được tại một sự kiện hôm 10/03 tại trường luật này. Các sinh viên đã đe dọa sẽ tấn công và quát tháo bà Wagoner trong một cuộc thảo luận nhóm về vụ Uzuegbunam kiện Preczewski, trong đó Tối cao Pháp viện đã phát hiện rằng một trường cao đẳng khác đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của sinh viên trong khuôn viên trường mình. Bà Wagoner từng là luật sư của bạn sinh viên đó.
Theo National Review, 14 thẩm phán liên bang đã tham gia cuộc tẩy chay Yale.
Ông Alito cũng bảo vệ phán quyết của tòa án trong vụ Citizens United kiện FEC (2010), phán quyết này cho rằng các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất không chỉ áp dụng cho các cá nhân mà còn cho các công ty, tổ chức bất vụ lợi, và liên đoàn lao động.
Bị phe cánh tả tấn công gay gắt trong hơn một thập niên, phán quyết kể trên đã loại bỏ một phần của Đạo luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng năm 2002, vốn cấm “truyền thông thúc đẩy bầu chọn” do các tổ chức như vậy tài trợ chi phí độc lập trong vòng 30 ngày trước ngày diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ hoặc 60 ngày trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử, hoặc thực hiện bất kỳ khoản chi nào ủng hộ việc bầu chọn cho hoặc sự thất bại của một ứng cử viên vào bất kỳ lúc nào.
Vụ việc nảy sinh khi Citizens United, một tập đoàn bảo tồn truyền thống bất vụ lợi, muốn phát sóng một bộ phim mà họ sản xuất để chỉ trích ứng cử viên tổng thống đương thời Hillary Clinton trước cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của Đảng Dân Chủ năm 2008.
Ông Alito cho biết vụ Citizens United “phán quyết rằng một tập đoàn nhỏ, Citizens United, có quyền nói về trình độ của một ứng cử viên cho các chức vụ cao trong giai đoạn ngay trước cuộc bầu cử — điều này đi vào cốt lõi của những gì mà Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.”
“Lời chỉ trích chính phổ biến về phán quyết này mà quý vị nghe được là… quyền tự do ngôn luận áp dụng cho con người. Nó không áp dụng cho các công ty. Cho đến ngày nay, tôi nghĩ rằng quý vị có thể hiểu được những miếng dán mang thông điệp trên thanh chắn xe hơi nhấn mạnh điều này. Và tôi nghĩ với người bình thường, nó thu hút họ ngay lập tức.”
Nhưng nếu các công ty bị từ chối quyền tự do ngôn luận thì sẽ có ý nghĩa gì, vị thẩm phán tự hỏi.
“Chúng ta lấy tất cả tin tức của mình ở đâu? Chúng ta lấy tất cả các bình luận của chúng ta về tin tức ở đâu? Các mạng tin tức truyền hình cáp đều thuộc sở hữu của các tập đoàn — CNN, Fox, MSNBC, các mạng phát sóng thuộc sở hữu của các tập đoàn, các tờ báo lớn, New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, quý vị có thể liệt kê thêm vào danh sách, tất cả đều thuộc sở hữu của các tập đoàn.”
“Các hoạt động giải trí phổ biến đều do các tập đoàn cung cấp. Nếu các công ty không có quyền tự do ngôn luận, và chính phủ có thể quy định tất cả những điều này theo ý muốn — wow, ai muốn… chế độ đó ư?”
Phán quyết này đã “trở thành một loại cột thu lôi cho mọi thứ mà nhiều người không thích về tài chính chiến dịch tranh cử và về cách thức tiến hành các chiến dịch tranh cử. Và chắc chắn, có rất nhiều điều để không thích về cách các chiến dịch tranh cử được tiến hành. Nhưng tất cả những điều đó… không thể quy cho vụ Citizens United.”
Nguyên tắc án lệ: Hãy làm theo án lệ
Ông Alito cũng chỉ ra rằng ông chia sẻ quan điểm với Thẩm phán Clarence Thomas về sự hoài nghi giá trị của nguyên tắc án lệ (stare decisis), học thuyết pháp lý lâu đời về việc tuân theo các tiền lệ tư pháp trong việc phán quyết các vụ án.
Ông nói: “Stare decisis rõ ràng là một phần quan trọng trong hệ thống pháp luật của chúng ta khi Hiến Pháp được thông qua,” và được đưa vào bản thân Hiến Pháp.
Mặc dù nó “vẫn còn quan trọng” cho đến ngày nay, nhưng nó “không phải là một mệnh lệnh bất di bất dịch.”
Ông Alito nói: “Chúng ta tuân theo án lệ hầu như mọi lúc, và điều đó có thể có nghĩa là một tòa án sẽ áp dụng một phán quyết đã được đưa ra ngay cả khi tòa án đó cho rằng phán quyết đó có thể là sai.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times