‘Thảm kịch’ gia đình: người phụ nữ mất mẹ và em gái trong cuộc bức hại của Trung Cộng
NEW YORK – Bị nhà cầm quyền Trung Cộng bức hại chỉ vì đức tin của mình, gia đình bốn người của cô Dương Xuân Hoa (Yang Chunhua) đã bị chia cắt, dày vò và bị đối xử tàn bạo.
Cả mẹ và chị gái cô đều đã qua đời vì những thương tích và bệnh tật do phải chịu đựng sự tra tấn trong khi bị giam cầm tại Trung Quốc.
Chị gái của cô Dương tên Xuân Linh (Chunling), một phiên dịch viên, là thành viên của một nhóm tám người – gồm cả chị dâu của hai người, một giáo viên trung học – những người đã chiếm sóng truyền hình hồi tháng 09/2005 để phát một bộ phim về sự cai trị tàn bạo của Trung Cộng đối với đất nước.
Chỉ trong vài tuần, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ và tuyên án nặng cho tất cả bọn họ.
Tháng 04/2014, hơn một năm sau khi được ra tù, chị gái của cô Dương được phát hiện đã qua đời trong một căn hộ cho thuê. Cô đã qua đời trong cô độc vào sinh nhật lần thứ 40 của mình.
Cô Dương hồi tưởng lại cảnh người cha già của mình, ông Dương Tông Huệ (Yang Zonghui), thông báo tin buồn này cho cô qua điện thoại.
“Chị con mất rồi,” ông nói.
Lúc một người bạn cố gắng xoay sở để vào bên trong căn phòng, thi thể chị gái cô đã co cứng. Thời điểm đó, chị ấy đã sống trong cảnh đơn độc vì chồng chị vẫn bị giam giữ trong tù.
Chị gái cô Dương không để lại gì ngoài một tập hồi ký cá nhân được viết tay về những tra tấn và bức hại mà cô đã phải chịu đựng khi bị giam cầm, được phác thảo hai tháng trước khi cô qua đời.
‘Tôi ước mình có thể bay đến bên ông’
Vào thời điểm chị cô qua đời, cô Dương đang ở cách xa gia đình ở Đại Liên, một thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc, hàng ngàn dặm. Cô đã rời bỏ quê nhà để đến Indonesia với tư cách là một người tị nạn Liên Hiệp Quốc ba năm trước. Cô Dương hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Giống như chị gái và chị dâu, cùng những người đã thực hiện việc chiếm sóng truyền hình, cô Dương là một học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị nhà cầm quyền Trung Cộng bức hại từ năm 1999.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ truyền thống Trung Hoa cổ xưa. Pháp môn này được phổ biến rộng rãi [trên khắp Trung Quốc] vào những năm 1990, thu hút ước tính khoảng 70 đến 100 triệu người theo học khi đó. Sau đó Trung Cộng đã coi việc thực hành môn tu luyện này là một mối đe dọa đối với sự cai trị chuyên chế của Đảng và đã phát động một chiến dịch xóa sổ vào năm 1999.
Mặc dù rất muốn, cô Dương đã không thể trở về quê nhà để giúp người cha già của mình vượt qua nỗi mất mát này. Nếu làm vậy, cô Dương sẽ lập tức bị bắt giữ và cầm tù, y như nhiều lần trước đó mà cô đã trải qua trước khi thoát khỏi [Trung Quốc], cô cho biết.
“Cha luôn trông thấy con và chị con quanh quẩn bên mình,” cha của cô Dương nói qua điện thoại.
Ông ấy vừa mới tự tay tổ chức đám tang cho người con gái lớn của mình.
“Nghĩa là sao cha ơi?” cô Dương hỏi lại.
“Cha thấy cả hai đứa đang đùa giỡn bên bờ sông.”
Cô Dương cùng chị gái mình rất thích chơi đùa bên bờ sông khi còn nhỏ. Cha của họ đứng gần đó để trông nom hai con. Đó là chuyện đã xảy ra bốn thập kỷ về trước.
“Trông hai đứa thật hạnh phúc,” ông nói.
Ở độ tuổi bảy mươi, cha cô Dương đã lâm bệnh nặng không lâu sau đám tang và được chẩn đoán mắc ung thư gan.
Cô Dương cho hay, sau nhiều năm bị nhà cầm quyền Trung Cộng sách nhiễu nhắm vào gia đình ông, cha cô đã bị tổn thương nặng cả về tinh thần lẫn thể chất.
“Suốt nhiều năm, cha tôi đã luôn phải mang theo thuốc trợ tim bên mình. Bất kể lúc nào thình lình nghe thấy tiếng động lớn, ông đều hoảng sợ và nghĩ đó là cảnh sát đến gõ cửa nhà,” cô Dương viết trong một hồi ký năm 2017 được xuất bản trên Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng.
“Tôi ước mình có thể mọc một đôi cánh rồi bay đến bên ông. Tôi muốn chăm sóc cho cha như ông đã chăm sóc tôi khi tôi ốm hồi còn bé.”
Hồi ức về cuộc bức hại
Mười năm trước khi chị cô qua đời, mẹ của cô Dương cũng qua đời theo cách như vậy.
Mẹ cô Dương là bà Đổng Bảo Tân (Dong Baoxin) cũng tu luyện Pháp Luân Công. Ba người nhà họ thường đến các điểm luyện công tại các công viên địa phương ở Đại Liên để luyện các bài công pháp cùng nhau.
Bà Đổng, một người đã về hưu, đã bị đưa vào một “trung tâm chuyển hóa” vào năm 2001, đây là một bộ phận của một trại lao động cưỡng bức. Các cai ngục đã đánh đập và cấm không cho bà ngủ. Hễ bà nhắm mắt, một cai ngục sẽ dùng tăm nhọn đâm vào người bà, về sau bà đã kể lại cho gia đình sự việc này.
Việc tra tấn diễn ra trong một tháng, và bà vẫn không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Một ngày nọ, các cai ngục nói với bà Đổng rằng, “Chúng tôi đã nâng cấp khẩu phần cho bà.” Sau đó, họ đã tẩm độc vào món thịt.
Sau khi nuốt xuống, bà cảm thấy khó thở, ngã quỵ xuống sàn nhà, sùi bọt mép rồi bất tỉnh, cô Dương kể lại.
Cuối cùng bà Đổng đã được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch dù đã qua nhiều lần súc rửa dạ dày. Lo sợ hậu quả pháp lý, các cai ngục đã để cha của cô Dương đưa bà về nhà sau khi ông nộp một khoản tiền để bà được “phóng thích vì lí do y tế,” cô Dương cho biết.
Từ đó, mẹ cô Dương không bao giờ hồi phục hoàn toàn được nữa. Bà đã qua đời tại nhà năm 2004.
Cả hai cô con gái đều không thể ở bên cạnh bà trong phút lâm chung – thời điểm đó họ đều đang bị giam giữ.
‘Cố lên nhé’
Hai năm trước khi mẹ cô qua đời, cảnh sát đã ập vào căn hộ của cô Dương và chị gái ở Đại Liên, nơi họ in các tờ rơi vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vì cô Dương kháng cự việc bắt bớ này, một cảnh sát đã xô cô ngã xuống cầu thang, làm cô bị gãy xương hông.
Cô Dương bị đưa vào một trại tạm giam, và bị xích trên một chiếc giường trong 30 ngày và bị bức thực qua một ống cao su đâm qua lỗ mũi của cô và đi sâu xuống dạ dày.
“Mỗi khi cai ngục không thể rót thức ăn vào được, họ lại rút chiếc ống ra và đút nó vào lại nhiều lần. Máu chảy ra từ mũi tôi, ướt đẫm cả mặt và người tôi,” cô Dương viết trong hồi ký.
Một cai ngục đổ thẳng cháo đang sôi qua đường ống. Dạ dày của cô Dương phỏng nặng, cô nôn mửa một cách không kiểm soát.
Sau đó cô Dương đã bị chuyển đến một trại lao động cưỡng bức. Trong hai năm, cô đã phải trải qua vô số hình thức tra tấn về thể xác, bị biệt giam trong phòng vệ sinh nhiều ngày liền và bị bắt lao động khổ sai lên đến 15 tiếng mỗi ngày.
Chị gái cô Dương cũng bị giam giữ tại trại giam này nhưng là ở một phòng giam tách biệt.
“Tôi thoáng nhìn thấy chị ấy từ xa một đôi lần,” cô Dương hồi tưởng lại. “Chúng tôi không được phép nói chuyện hay đến gần nhau. Chúng tôi lặng lẽ giơ nắm tay về phía nhau. Ý nói là ‘cố lên nhé.’”
Trong tập hồi ký cá nhân mà chị cô Dương để lại, chị ấy đã tiết lộ một số hình thức tra tấn mà chị đã phải chịu đựng vì không từ bỏ đức tin của mình.
Trong hồi ký viết rằng một cai ngục đã túm tóc và đập đầu chị vào tường. Một bên mặt chị sưng lên. “Mày muốn giữ vững đức tin của mày chứ gì?” hắn ta quát tháo, hồi ký kể lại.
Các cai ngục trói hai chân chị lại bằng dây thừng và xích chị vào một ống đồng bị đốt nóng. Chị bị buộc ở trong tình trạng này nhiều ngày liên tục, nửa tỉnh nửa mê giữa lúc các cai ngục đá và đánh đập chị. Chị được trả tự do sau hai năm bị giam cầm trong trại lao động cưỡng bức này, nhưng đã bị bắt giam trở lại khi chiếm sóng truyền hình năm 2005.
Cô Dương nói rằng, ngực của chị gái mình phát triển nhiều khối u do bị đánh đập. Mặc cho bác sĩ trại giam khuyến nghị rằng chị gái cô Dương nên được điều trị kịp thời, các cai ngục đã từ chối và buộc chị phải thụ án đủ 7 năm, cô nói.
‘Chỉ còn lại mình tôi’
Sau khi được trả tự do và rời trại lao động cưỡng bức vào năm 2004, cô Dương đã mất liên lạc với chị gái mình.
Bởi cô không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, nên thỉnh thoảng cảnh sát vẫn theo dõi cô, cô Dương cho hay. Nhưng sau sự kiện chèn sóng truyền hình năm 2005, sự giám sát đã đột ngột tăng mạnh.
“Luôn có ít nhất hai cảnh sát mặc thường phục cao lớn bám theo tôi bất kể nơi nào tôi đi tới,” cô Dương nói.
Cô không muốn dẫn họ về nhà, vì vậy cô đã ở nhiều khách sạn, ngủ nhờ phòng của bạn bè và ngủ ở ga tàu.
Đến cuối cùng, cô Dương đã hết sạch tiền nhưng cảnh sát vẫn truy lùng cô.
Cô buộc lòng phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ người cha già, ông đã đưa cô lên một chuyến tàu để đi khắp Trung Quốc. Họ đã ở nhiều tỉnh thành, trông cậy vào sự trợ giúp của những người họ hàng xa.
Ông đã để cô ở lại một ngôi làng hẻo lánh ở miền trung Trung Quốc, chuyện rình rập cũng vì thế mà chấm dứt. Sau đó ông trở về nhà một mình.
Cô Dương kể, “Nếu cha không che chở cho tôi, có lẽ tôi đã bị bắt giam một lần nữa.”
Cha của cô Dương đã qua đời năm 2015 vì bệnh ung thư gan.
Cô nhớ một người bạn đã báo tin buồn cho cô qua điện thoại, “Cha cô đã không thể nhắm mắt vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Ông ấy nói rằng ông ấy rất muốn gặp cô.”
“Gia đình tôi, cả bốn người chúng tôi, chúng tôi từng rất hạnh phúc bên nhau. Giờ đây chỉ còn lại mình tôi,” cô Dương viết trong hồi ký.
Năm 2016, cô Dương được tái định cư ở Hoa Kỳ [theo diện tị nạn]; cô hiện đang sinh sống tại New York.
“Cảm giác thật tuyệt khi được tự do,” cô Dương nói. Trong những năm qua, cô đã tham dự nhiều hội nghị về nhân quyền, và kể lại câu chuyện bị bức hại của mình.
“Khi rời khỏi Trung Quốc, tôi có một mong ước,” cô Dương nói. “Tôi muốn trở thành tiếng nói thay cho các bạn đồng tu Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại của mình. Tôi muốn giảm bớt nỗi đau của họ.”
“Tôi không muốn để thảm kịch của gia đình mình tái diễn thêm một lần nào nữa.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: