Thâm hụt thương mại Hoa Kỳ trong tháng 8 cao nhất trong vòng 14 năm
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng vọt vào tháng 8 lên mức cao nhất trong vòng 14 năm do nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, với thâm hụt hàng hóa ở mức cao kỷ lục.
Bộ Thương mại [Hoa Kỳ] cho biết trong một báo cáo hôm thứ Ba (6/10) rằng thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ đã tăng 5.9% lên 67.1 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ tháng 8/2006.
Tổng kim ngạch nhập cảng của cả hàng hóa và dịch vụ tăng 7.4 tỷ USD lên 239 tỷ USD, trong khi xuất cảng tăng 3.6 tỷ USD lên 171.9 tỷ USD.
Sự gia tăng thâm hụt thương mại phản ánh sự đi lên đồng thời trong thâm hụt hàng hóa và giảm thặng dư dịch vụ. Thặng dư dịch vụ đã giảm 700 triệu USD trong tháng 8 xuống còn 16.8 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2012.
Thâm hụt hàng hóa trong tháng 8 ở mức 83.9 tỷ USD, là mức cao nhất từng được ghi nhận. Nhập cảng trong tháng 8 các loại thực phẩm, thức ăn và đồ uống (13.5 tỷ USD), nhập cảng các sản phẩm phi dầu mỏ (192.6 tỷ USD) và nhập cảng hàng tiêu dùng (57.9 tỷ USD) đều ở mức cao kỷ lục. Thâm hụt trong tháng 8 với Mexico chạm mốc 12.8 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Thâm hụt thương mại được theo dõi chặt chẽ với Trung Quốc đã giảm 1.9 tỷ USD xuống còn 26.4 tỷ USD trong tháng 8. Xuất cảng sang Trung Quốc đạt 11 tỷ USD, là mức cao nhất kể từ tháng 3/2018.
Thâm hụt thương mại nhỏ hơn góp phần làm cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn trong ba quý vừa qua, vì GDP tăng khi thâm hụt thương mại giảm hoặc khi thặng dư thương mại tăng lên. Do vậy, sự gia tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ dường như là một lực cản của GDP trong quý III.
Tính đến thời điểm hiện tại, xuất cảng đã giảm 296.1 tỷ USD, tương đương 17.6%, so với cùng thời kỳ năm 2019, trong khi nhập cảng giảm 273.5 tỷ USD, tương đương 13.1%, phản ánh tổn thất về thương mại do gián đoạn gây ra bởi sự bùng phát của virus Vũ Hán.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm Nhật Bản hôm Thứ Ba (6/10) nhằm củng cố sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Á, kêu gọi sự hợp tác sâu sắc hơn nữa với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc như một bức tường thành chặn đứng tham vọng khu vực của Trung Quốc.
Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao của bốn quốc gia thuộc nhóm Quad, Ngoại trưởng Pompeo lên án lãnh đạo Trung Quốc về các chiến thuật của họ trong khu vực.
“Với vai trò là thành viên trong nhóm Quad, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta [phải] hợp tác [cùng nhau] để bảo vệ công dân và đối tác của chúng ta khỏi sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức của Trung Quốc”.
Chúng ta đã thấy điều đó tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông, vùng Mekong, dãy Himalaya, eo biển Đài Loan”, ông Pompeo nói.
Một vấn đề gây khó khăn cho các đồng minh châu Á của Washington là sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc về thương mại. Theo số liệu thống kê về thương mại của IMF do Refinitiv tổng hợp, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho hàng hoá xuất cảng của Úc trong năm 2019, điểm đến lớn thứ hai cho hàng xuất cảng của Nhật Bản, và là điểm đến lớn thứ ba đối với hàng xuất cảng từ Ấn Độ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu trong hàng loạt vấn đề, bao gồm cả phương thức Bắc Kinh xử lý sự bùng phát của dịch virus Vũ Hán, việc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông và tham vọng quân sự ở biển Đông.
Reuters đóng góp vào bản tin này.