Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ đạt mức cao nhất lịch sử: 864 tỷ USD trong tháng 6
Trong tháng 6/2020, chính phủ liên bang đã gánh chịu một khoản thâm hụt ngân sách hàng tháng lớn nhất lịch sử, do khoản chi dành cho các chương trình cứu trợ chống suy thoái do virus Trung Cộng gây ra. Trong khi đó, hàng triệu người mất việc làm khiến nguồn thu thuế bị cắt giảm.
Hôm thứ Hai ngày 13/7, Bộ Tài chính đã báo cáo rằng thâm hụt đã ở mức 864 tỷ USD vào tháng 6, mức báo động vượt hầu hết các khoản thâm hụt hàng năm trong lịch sử quốc gia và cao hơn mức thâm hụt trước đó là 738 tỷ USD hồi tháng 4/2020. Số tiền đó cũng được gắn với hàng nghìn tỷ USD mà Quốc hội đã cung cấp để giảm bớt tác động của việc đóng cửa kinh doanh nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch virus Trung Cộng.
Trong chín tháng đầu của năm 2020, cho tới 01/10, thâm hụt tổng cộng là 2,74 nghìn tỷ USD, là một con số kỷ lục.Hiện trạng này sẽ đặt đất nước vào cảnh vượt mốc thâm hụt ngân sách vốn đã được CBO (Congressional Budget Office – Văn phòng Ngân sách Quốc Hội) dự báo là 3,7 nghìn tỷ USD cho cả năm.
Con số này sẽ vượt qua mốc kỷ lục cũ 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2009, khi mà chính phủ đang chi mạnh tay để đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra.
Thâm hụt tháng 6 ở mức cao hơn do các khoản chi tiêu của nhiều chương trình cứu trợ khác nhau của chính phủ như: thêm 600 USD mỗi tuần cho các khoản trợ cấp thất nghiệp, và Chương trình Bảo vệ Tiền lương hỗ trợ cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên.
Báo cáo cho thấy chi phí của Chương trình Bảo vệ Tiền lương vào tháng 6/2020 là 511 tỷ USD. Con số này là một khoản chi được tính vào ngân sách chính phủ cho tất cả những khoản tiền mà doanh nghiệp vay ngân hàng nằm trong chương trình, dù rằng chính phủ chưa thực sự chi tiền, cho đến khi các ngân hàng xác định liệu các doanh nghiệp này có đáp ứng đủ các tiêu chí để bãi nợ các khoản vay này hay không. Những yêu cầu đó bao gồm ít nhất 60% số tiền được vay dùng để trả cho người lao động, 40% còn lại dùng để trả cho các chi phí hoạt động như tiền thuê nhà, điện, nước…
Một lý do khác góp phần vào sự tăng thâm hụt trong tháng 6 vừa qua là quyết định dời thời hạn khai thuế đến 15/7. Quyết định đó đồng nghĩa với việc các khoản quyết toán hàng quý của người nộp thuế và các công ty sẽ được gia hạn đến ngày 15/7 thay vì 15/4.
Trong ngân sách năm nay, tổng doanh thu dự tính khoảng 2,26 nghìn tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong khi tổng số chi tiêu lên đến khoảng 5 nghìn tỷ USD, tăng 49,1% so với năm trước.
Ước tính của CBO về thâm hụt 3,7 nghìn tỷ USD trong năm nay có thể cao hơn, tùy thuộc vào sự diễn biến của nền kinh tế. Đất nước rơi sâu vào suy thoái hồi tháng 2 năm nay, chấm dứt sự tăng trưởng kéo dài kỷ lục trong gần 11 năm. Chính phủ TT Donald Trump dự đoán rằng nền kinh tế sẽ quay trở lại khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, nhiều nhà dự báo lo ngại rằng việc tái nhiễm các ca virus Trung Cộng có thể khiến cho người tiêu dùng vốn chiếm 70% nền kinh tế, lại lo sợ khi tiếp tục chi tiêu.
An Nam