‘Tham dự quá mức vào chính trị’ khiến nhiều người lao động rời khỏi các nghiệp đoàn lớn nhất Hoa Kỳ
Các nghiệp đoàn ‘là những nhà tài trợ lớn cho các ứng cử viên và các mục tiêu của Đảng Dân Chủ’
Theo một báo cáo gần đây của một tổ chức giám sát, nghiệp đoàn nhân viên dịch vụ công lớn nhất quốc gia đã chi 1 USD trên mỗi 5 USD doanh thu thu được từ hội phí nghiệp đoàn cho chính trị vào năm 2021.
Theo một cuộc khảo sát với 3,000 thành viên nghiệp đoàn tiềm năng được thực hiện vào năm 2021, “tham dự quá mức vào chính trị là trở ngại số một” ngăn cản họ gia nhập nghiệp đoàn.
Theo báo cáo (pdf) của tổ chức giám sát nghiệp đoàn khu vực công Người Mỹ vì Sự đối xử Công bằng (Americans for Fair Treatment), nghiệp đoàn nhân viên dịch vụ công lớn nhất của Hoa Kỳ — Liên đoàn Nhân viên Tiểu bang, Quận, và Thành phố Hoa Kỳ (AFSCME) — đã chi 28.6 triệu USD cho các hoạt động đại diện cho 1.3 triệu thành viên thuộc khoảng 3,400 địa phương và 58 hội đồng cấp quận trên 46 tiểu bang.
Đối với các khoản chi khác, AFSCME đã chi 25.7 triệu USD cho vận động hành lang và chính trị và 57 triệu USD cho quản lý nghiệp đoàn, chi phí chung, và phúc lợi cho nhân viên. Chủ tịch AFSCME Lee Saunders đã nhận được mức lương và số tiền giải ngân là 367,221 USD. Thư ký-Thủ quỹ Elissa McBride nhận được 303,020 USD.
Ban lãnh đạo AFSCME đã chi thêm 3.4 triệu USD hội phí thành viên cho các khoản đóng góp, quà tặng, và tài trợ cho các nhóm chủ yếu là phái cấp tiến như Trung tâm vì Sự tiến bộ của Hoa Kỳ (CAP).
Thúc đẩy nghị trình chính trị cấp tiến
Mặc dù tự mô tả trên trang web của mình là “một viện chính sách độc lập, phi đảng phái, dành cho việc cải thiện cuộc sống của tất cả người dân Mỹ thông qua những ý tưởng cấp tiến, táo bạo,” nhưng Influence Watch cho thấy CAP là “một tổ chức tư vấn thiên tả có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn” do ông John Podesta thành lập.
Ông Podesta, cựu tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc cho cựu Tổng thống Bill Clinton, còn là một cố vấn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton. Một đơn vị thụ hưởng khác của AFSCME là Hành động Chiến thắng của Tiểu bang (State Victory Action), được tài trợ rất nhiều bởi các tỷ phú xã hội chủ nghĩa cấp tiến Tom Steyer và George Soros, cũng như Quỹ Chiến thắng Chiến lược (Strategic Victory Fund), một Siêu Ủy ban Hành động Chính trị (Super PAC) trực thuộc Liên minh Dân Chủ (Democracy Alliance), cũng do ông Soros tài trợ.
“AFSCME đã chi nhiều tiền hơn cho vận động hành lang và chính trị vào năm ngoái so với việc đại diện cho các thành viên của chính họ,” ông David Osborne, Giám đốc điều hành của Người Mỹ vì Sự đối xử Công bằng (AFT), cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times. “Điều đó cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần biết về các ưu tiên của nghiệp đoàn này. Họ đánh lừa các thành viên của họ bằng cách tự gọi mình là một nghiệp đoàn; sự thật là, AFSCME là một tổ chức chính trị cấp tiến.”
Chi rất nhiều tiền cho chính trị
Bà Suzanne Bates là một cây viết và là nhà nghiên cứu cao cấp của AFT, người xem xét và báo cáo cách các nghiệp đoàn chi tiêu số tiền thu được thông qua hội phí thành viên.
Theo bà Bates, AFSCME đại diện cho khoảng 1.3 triệu nhân viên khu vực công trên khắp Hoa Kỳ. Đây là những công chức, nhân viên cứu hỏa, và cảnh sát của tiểu bang và liên bang. Họ là những người vận hành các cộng đồng địa phương.
“Có một quan niệm sai lầm ở đó, đặc biệt là trong các thành viên nghiệp đoàn, rằng các nghiệp đoàn không thể chi hội phí cho chính trị,” bà Bates nói với The Epoch Times. “Nhưng khi xem xét LM-2 (tờ khai thuế nghiệp đoàn), những mẫu đơn mà các nghiệp đoàn phải nộp cho Bộ Lao động Liên bang, chúng tôi nhận thấy rằng các nghiệp đoàn đang chi rất nhiều tiền cho chính trị.”
Về căn bản, bà Bates cho biết các nghiệp đoàn đã trở thành một nhánh gây quỹ của Đảng Dân Chủ.
“Họ là những nhà tài trợ lớn cho các ứng cử viên và các mục tiêu khác của Đảng Dân Chủ, đồng thời họ có xu hướng tập trung vào phe cấp tiến hơn trong Đảng Dân Chủ,” bà Bates giải thích và nói thêm rằng họ có xu hướng tài trợ cho “chủ nghĩa hoạt động cấp tiến hơn”, điều này chưa hẳn đã phù hợp với mong muốn của các thành viên.
Bà Bates nói: “Đã có rất nhiều cuộc khảo sát về việc các thành viên nghiệp đoàn cảm thấy thế nào về việc nghiệp đoàn của họ tham dự vào chính trị, và nói chung, họ không muốn nghiệp đoàn của mình tham dự nhiều vào chính trị, đặc biệt là về những vấn đề không liên quan đến công việc hàng ngày của họ.”
Sự phát triển của các nghiệp đoàn
Một báo cáo hồi tháng 10/2020 của Strike Wave (xem tại đây) đã trích dẫn dữ liệu từ một cuộc khảo sát do Data for Progress ủy quyền cho thấy cách mà thực tế mới của các nghiệp đoàn “trái ngược hẳn với nhận thức chung của các thành viên nghiệp đoàn là đây là một khu vực bầu cử cấp tiến với số lượng người theo Đảng Dân Chủ áp đảo.”
“Phân tích dữ liệu cuộc thăm dò cho thấy các thành viên nghiệp đoàn đang hoạt động tích cực thực ra là cử tri Đảng Cộng Hòa nhiều hơn so với những người không phải là thành viên nghiệp đoàn, mặc dù cử tri Đảng Dân Chủ chiếm đa số,” báo cáo kết luận, đồng thời cho biết thêm rằng trung bình, các thành viên nghiệp đoàn cũng “có khả năng cao hơn đáng kể so với những người không phải là thành viên nghiệp đoàn trong việc ôm giữ quan điểm tích cực về chủ nghĩa tư bản. Điều này trái ngược với nhận thức của công chúng, đặc biệt là nhận thức của Cánh Tả, rằng nghiệp đoàn và các thành viên nghiệp đoàn có xu hướng thân thiện với chủ nghĩa xã hội hơn và thù địch với chủ nghĩa tư bản hơn.”
Theo một cuộc khảo sát của American Compass hồi tháng 09/2021 với 3,000 thành viên nghiệp đoàn tiềm năng từ 18 đến 65 tuổi (xem tại đây), “tham dự quá mức vào chính trị là trở ngại số một đối với một phong trào lao động mạnh mẽ của Mỹ.”
Với khoảng chênh lệch 3–1, những người trả lời khảo sát cho biết họ sẽ ưa chuộng một nghiệp đoàn chỉ tập trung vào các vấn đề tại nơi làm việc hơn là một nghiệp đoàn cũng tham dự vào chính trường Hoa Kỳ.
Khi được hỏi về các hoạt động khác nhau mà một nghiệp đoàn có thể theo đuổi, một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ thích thương lượng tập thể cùng với việc cung cấp đào tạo và phúc lợi. Chỉ có 3% ủng hộ tập trung vào chính trị.
Phong trào rời nghiệp đoàn bắt đầu với phán quyết trong vụ Janus
Tuy các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn tuyên bố sẽ tập trung các nỗ lực của họ để bảo vệ lợi ích chung của người lao động, nhưng ngày càng có nhiều người rời nghiệp đoàn khi họ thấy hội phí được dùng nhiều hơn nhằm thúc đẩy một nghị trình chính trị ngày càng cấp tiến hơn, thay vì đấu tranh cho các vấn đề mang lại lợi ích trực tiếp cho họ.
Chất xúc tác lớn nhất cho việc rời khỏi nghiệp đoàn của các thành viên là vào ngày 27/06/2018, phán quyết của Tối cao Pháp viện cho vụ Janus kiện AFSCME (pdf) tuyên bố rằng các nhân viên của chính phủ không nằm trong nghiệp đoàn không còn phải trả “phí cơ quan” cho nghiệp đoàn như là một điều kiện khi làm việc trong ngành dịch vụ công.
“Rất nhiều người trong chúng tôi đã phải trả tiền cho các bài diễn văn chính trị và các quan điểm chính sách mà chúng tôi không đồng tình, chỉ để chúng tôi có thể giữ lấy công ăn việc làm của mình,” ông Mark Janus, nguyên đơn trong vụ án này nói sau khi phán quyết được công bố. “Đây là một chiến thắng cho tất cả chúng tôi. Quyền nói ‘không’ với một nghiệp đoàn cũng quan trọng như quyền nói ‘đồng ý’. Cuối cùng thì quyền của chúng tôi đã được phục hồi.”
Ông Janus đã đệ đơn vụ án của mình tại Illinois năm 2015 với đại diện pháp lý miễn phí từ Trung tâm Tư pháp Tự do (Liberty Justice Center) và Tổ chức Bảo vệ Hợp pháp Quyền Làm việc Quốc gia (National Right to Work Legal Defense Foundation).
Theo ông Jeffrey M. Schwab, luật sư chính của Trung tâm Tư pháp Tự do, “một vấn đề mà mọi người phải đối mặt sau phán quyết của vụ Janus là có rất nhiều người không biết về vụ Janus.”
“Rõ ràng là rất nhiều người nghĩ rằng các nghiệp đoàn đều có giá trị và điều đó cũng ổn thôi,” ông Schwab nói với The Epoch Times. “Họ có thể tiếp tục tham gia vào các nghiệp đoàn nếu họ muốn. Điều quan trọng về vụ Janus là nếu quý vị không ủng hộ những gì các nghiệp đoàn đó làm, thì quý vị không cần phải tài trợ cho họ.”
Toàn bộ đều dựa trên sự lựa chọn
Ông Schwab cũng giải thích rằng mặc dù phán quyết của vụ Janus có một điều khoản yêu cầu các nghiệp đoàn và người sử dụng lao động trong khu vực công phải thông báo cho nhân viên rằng họ không bị bắt buộc tham gia và phải trả hội phí, thế nhưng một số nghiệp đoàn và người sử dụng lao động công không tuân theo luật này, do đó mọi người vẫn đang ghi danh tham gia các nghiệp đoàn và trả hội phí vì họ tin rằng họ phải làm như vậy.
Khi những người lao động đó phát hiện ra rằng họ có quyền từ chối, thì họ đều đã bị mắc kẹt trong nghiệp đoàn và phải phải trả phí cho toàn bộ thời hạn của hợp đồng mà họ đã ký, thường là một năm.
Ông Schwab giải thích: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều vụ án sau vụ của ông Janus từ tất cả các loại thân chủ khác nhau với những lý do khác nhau để không muốn tham gia một nghiệp đoàn.”
“Một số người lao động không đồng tình với quan điểm chính trị của nghiệp đoàn,” ông giải thích, và cho biết thêm rằng những người khác “không tin rằng nghiệp đoàn đại diện cho họ đủ tốt.” Mặc dù một số người có thể đồng tình với quan điểm chính trị của nghiệp đoàn, hoặc thậm chí ưu tiên rằng việc tham dự chính trị của nghiệp đoàn phải mạnh mẽ hơn một chút, nhưng những người khác không xem nghị trình chính trị mà nghiệp đoàn ủng hộ là vì lợi ích tốt nhất của họ, vì vậy họ chỉ đơn giản là quyết định rằng họ không muốn tài trợ cho nghiệp đoàn đó nữa.
Ông Schwab nói: “Lợi ích của vụ Janus là nếu quý vị không muốn đóng góp cho một liên minh đóng góp cho các ứng cử viên và các mục tiêu chính trị, thì bây giờ quý vị không cần phải làm thế.”
Sự lựa chọn là rời đi
Năm 2020, Bloomberg Law đưa tin cho hay các nghiệp đoàn đã phải chật vật trong việc chống lại “sự rời đi hàng loạt của các thành viên” trong vòng hai năm sau khi có phán quyết nói trên.
Mặc dù Liên đoàn Nhân viên Tiểu bang, Quận, và Thành phố Hoa Kỳ (AFSCME) đã có thêm 40,000 thành viên toàn thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, nhưng 110,000 thành viên trả phí khác đã rời khỏi nghiệp đoàn này sau phán quyết của vụ Janus. Liên minh Nhân viên Dịch vụ Quốc tế (SEIU) đã mất thêm 55,000 thành viên nghiệp đoàn trong cùng thời gian này.
Theo một báo cáo năm 2021 (pdf) của Cục Thống kê Lao động, số thành viên nghiệp đoàn đã giảm thêm 10.3% trong năm 2021, nghĩa là mất đi 241,000 thành viên. Đó là thêm vào mức giảm 10.8% từng được ghi nhận trong năm 2020.
“Điều này cho thấy tầm quan trọng của vụ kiện Janus,” ông Schwab nói. “Mọi người đang rời bỏ các nghiệp đoàn bởi vì họ không hài lòng với tình trạng của các nghiệp đoàn đó.”
Bà Bates nói rằng các nghiệp đoàn đã trải qua một quá trình thay đổi kể từ vụ kiện Janus. Bà cho biết, mặc dù các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn khu vực tư nhân quan tâm nhiều hơn đến việc đại diện cho các thành viên của họ, nhưng các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn khu vực công có một động cơ rõ ràng để tham dự vào các hoạt động mà sẽ tăng quy mô và chi phí của chính phủ bằng cách thúc đẩy các ứng cử viên và các mục đích mang lại lợi ích cho họ.
“Điều này đã thực sự làm thay đổi những gì các nghiệp đoàn đại diện và những gì họ ủng hộ ở cấp tiểu bang và cấp quốc gia,” bà Bates nói.
Bà cũng lưu ý rằng trước đây AFSCME từng chìm ngập trong nạn tham nhũng.
Hồi tháng 01/2000, The New York Times đã phơi bày các hoạt động tham nhũng của 35 quan chức nghiệp đoàn AFSCME, trong đó một quan chức Hội đồng Địa hạt 37 đã phân bổ sai mục đích 2.2 triệu USD, một quan chức cao cấp của Hội đồng Địa hạt 20 ở Hoa Thịnh Đốn đã biển thủ 51,000 USD, thủ quỹ của Địa phương 366 ở Milwaukee đã biển thủ 96,000 USD, và thủ quỹ của một nghiệp đoàn lao động thành phố địa phương ở Elkhart, Indiana, đã viết một tấm séc trị giá 13,500 USD để hưởng lợi cá nhân.
Ngoài ra còn có 761,000 USD do ông Thomas W. Waters, thư ký kiêm thủ quỹ của Hội đồng Quận 20 ở Hoa Thịnh Đốn, và 73,500 USD do bà Barbara T. Wood, giám đốc tài chính của hội đồng Hoa Thịnh Đốn, biển thủ.
Văn phòng Tiêu chuẩn Quản lý-Lao động liên bang đã ghi nhận hàng chục cuộc điều tra trong nhiều năm đối với các quan chức của Liên đoàn AFSCME ở các địa hạt trên toàn quốc, hầu hết trong số đó đều liên quan đến tội tham ô và các hình thức biển thủ công quỹ khác.
Bà Patricia Tolson là một phóng viên điều tra và nhà bình luận chuyên mục chính trị từng đạt giải thưởng, người đã làm việc cho các hãng thông tấn như Yahoo! U.S. News và The Tampa Free Press. Tại The Epoch Times, các phóng sự điều tra chuyên sâu của bà về bầu cử, giáo dục, hội đồng trường học, quyền của các bậc cha mẹ, và các quy định bắt buộc liên quan đến COVID-19 đã nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Quý vị có thể gửi cho bà những ý tưởng về câu chuyện của mình qua [email protected]