Thăm dò ý kiến: Gần một nửa số ký giả ở Hồng Kông nghĩ đến việc rời đi
Gần một nửa số ký giả và thông tín viên ở Hồng Kông đang cân nhắc đến chuyện rời đi vì môi trường làm việc nơi đây đã “xấu đi đáng kể” dưới luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.
Cuộc khảo sát về quyền tự do báo chí do Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc (FCC) ở Hồng Kông công bố hôm 05/11 đã cho thấy có khoảng 46% số người được hỏi đang cân nhắc hoặc có kế hoạch rời khỏi thành phố này.
Gần 84% trong số 99 ký giả được hỏi cho rằng điều kiện làm việc đã “thay đổi theo chiều hướng xấu hơn” kể từ khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia sâu rộng hồi tháng Sáu năm ngoái (2020).
Đạo luật có ngôn ngữ mơ hồ này trừng phạt các ngôn từ hoặc hành vi bị coi là ly khai, lật đổ, khủng bố, hoặc bị coi là thông đồng với các cá nhân hoặc nhóm chính trị ngoại quốc chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng). Kể từ đó, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 100 nhà bất đồng chính kiến, chủ yếu là đối với các chính trị gia dân chủ, các nhà hoạt động, ký giả, và sinh viên.
“Môi trường chính trị trượt dốc không phanh ở Hồng Kông đã khiến tôi cân nhắc đến việc rút ngắn thời gian lưu trú tại thành phố này,” một người được hỏi nói với FCC. “Mặc dù chúng tôi chẳng hề lên kế hoạch rời đi trong thời gian tới, nhưng bản thân tôi và một số người khác mà tôi biết đang cân nhắc lại các kế hoạch trước đó để lưu lại Hồng Kông trong một khoảng thời gian dài hơn, vì thành phố khi chúng tôi đến là rất khác so với thành phố mà chúng tôi hiện đang sinh sống.”
Không giống với các thành phố đại lục khác, Hồng Kông từng được hưởng quyền tự do báo chí sôi động, được bảo vệ bởi hiến pháp mini của thành phố này, gọi là Luật Căn bản Hồng Kông. Các quyền này đã được bảo đảm trong ít nhất 50 năm theo Tuyên bố Chung Trung-Anh năm 1984, một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý do Bắc Kinh ký kết.
Tuy nhiên, phần lớn các phóng viên được khảo sát, tức hơn 56%, cho biết họ đã tự kiểm duyệt hoặc tránh đưa tin về những gì có thể được coi là những câu chuyện nhạy cảm.
Về “các chủ đề nhạy cảm”, khoảng 48% phóng viên không biết đâu là vị trí của các “lằn ranh đỏ” trong việc đưa tin. Những người tự tin hơn vào định nghĩa của các chủ đề nhạy cảm này đã đưa ra một loạt các vấn đề, trong đó có Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan. Theo FCC, một số người được hỏi đã nói rằng “định nghĩa đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào.”
“Những kết quả này cho thấy rõ ràng là những lời trấn an rằng Hồng Kông vẫn được hưởng quyền tự do báo chí, được bảo đảm theo Luật Căn bản, là chưa đủ,” Chủ tịch FCC Keith Richburg cho biết. “Cần phải thực hiện nhiều bước hơn nữa để khôi phục niềm tin trong giới ký giả và bảo đảm rằng Hồng Kông duy trì danh tiếng hàng thập niên của mình như một nơi chào đón các hãng thông tấn quốc tế.”
Đáp lại, Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông đã cáo buộc tổ chức này là “bàn tay đen” can thiệp vào công việc của thành phố này trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (05/11). Phát ngôn viên của cơ quan này đã cảnh báo FCC phải ngừng ngay việc làm “náo động”.
Tuyên bố này cho biết, “Việc các quốc gia giám sát các hãng thông tấn làm việc theo luật tại đất nước của chính họ là một thông lệ quốc tế phổ biến.”
Cuộc khảo sát này diễn ra trong bối cảnh quốc tế gia tăng lo ngại về quyền tự do báo chí đang ngày một suy giảm của thành phố này sau khi đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc ban hành một loạt các biện pháp, đặc biệt là kể từ sau khi luật an ninh quốc gia hà khắc này [có hiệu lực].
Hồi tháng Bảy, Hoa Kỳ và 20 quốc gia khác đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cuộc tấn công nhằm vào quyền tự do báo chí ở trung tâm tài chính này sau khi Apple Daily bị buộc đóng cửa.
Tờ báo địa phương nổi tiếng Apple Daily, vốn thường xuyên phê phán chính quyền thành phố và Trung Cộng, đã in ấn bản cuối cùng vào tháng Sáu sau khi 500 cảnh sát đột kích vào tòa soạn này, bắt giữ năm giám đốc điều hành, cũng như phong tỏa các tài sản chính. Các nhà chức trách nói rằng hàng chục bài báo của tờ báo này có thể đã vi phạm luật an ninh quốc gia.
Người sáng lập Apple Daily, ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), hiện đang thụ án 20 tháng tù giam và chờ xét xử về ba tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Theo luật này, ông Lê có thể sẽ phải đối mặt với án tù chung thân.
The Epoch Times tại Hồng Kông, một trong số ít các cơ quan truyền thông độc lập còn sót lại trong thành phố này, cũng đã bị bốn kẻ đột nhập thực hiện các cuộc tấn công phá hoại các cơ sở in ấn đồng thời có một ký giả bị bạo hành. Sự việc này đã dẫn đến sự chỉ trích rộng rãi của các nhà chức trách.
Thứ hạng của Hồng Kông trong chỉ số tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã rơi từ vị trí thứ 18 vào năm 2002 xuống còn 80 vào năm 2021.
Một phóng viên nói với FCC rằng, “Theo nhiều cách, tình hình nơi đây đã trở nên tồi tệ hơn cả đại lục vì không một ai biết được những lằn ranh đỏ kia là gì và thực sự lo sợ rằng những bản tin trước đó có thể sẽ bị điều tra.”
Cuộc khảo sát của FCC được thực hiện từ cuối tháng Tám đến cuối tháng Mười năm 2021, và họ chỉ liên lạc với các thông tín viên và ký giả thành viên của mình. Họ đã nhận được 99 phản hồi, với 70 phản hồi từ các thông tín viên làm việc cho các hãng thông tấn ngoại quốc và 29 phản hồi từ các ký giả làm việc cho các hãng thông tấn địa phương.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: