Thái Lan đình chỉ kế hoạch tránh đi qua eo biển Malacca của Trung Quốc
Hiện nay, một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tránh đưa tàu của mình đi qua vùng nước hẹp của eo biển Malacca, bằng cách xây dựng kênh đào xuyên qua Thái Lan đã bế tắc. Đối mặt trước sự phản đối trong nội bộ, chính phủ Thái Lan đã đình chỉ dự án vào ngày 3/9.
Kênh đào [xuyên qua] Thái Lan không phải là một đề xuất mới – trong quá khứ, Anh Quốc, Nhật Bản và Pháp đã muốn xây dựng con kênh cắt qua phần hẹp nhất của bán đảo Mã Lai, bắt đầu từ eo đất Kra. Kế hoạch đã được đặt ra từ năm 1677, khi vua Ramathibodi III yêu cầu các kỹ sư Pháp kiểm tra tính khả thi của việc [xây dựng] này.
Trung Quốc đang thúc giục chính quyền Thái Lan thực hiện dự án này trong khuôn khổ dự án Một vành đai Một con đường (BRI) của họ, nhằm xây dựng một tuyến đường [để] tránh [đi qua] eo biển Malacca, nơi gánh gần một nửa tổng sản lượng thương mại trên đường biển của [toàn] thế giới.
Theo một báo cáo của ông Ian Storey, Nghiên cứu viên cao cấp và là Biên tập viên về Đông Nam Á Đương đại tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, giới phân tích Trung Quốc coi kênh đào này như là một phương tiện để đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc “thông qua việc giảm thiểu nhu cầu quá cảnh qua eo biển Malacca do Hoa Kỳ ‘kiểm soát’ cho các tàu chở dầu treo cờ Trung Quốc”.
Lưu ý đến các yếu tố trong nước, kinh tế và địa chính trị, Thủ tướng [Thái Lan] Prayut Chan-ocha đã thận trọng khi phản ứng với dự án này, ông Storey nói.
Giáo sư Bogdan J. Góralczyk, Cựu Đại sứ Ba Lan tại Thái Lan, nói với The Epoch Times trong một email rằng, hồi tháng Giêng, ông Chan-ocha đã yêu cầu một nghiên cứu mới [về] tính khả thi của kênh đào và một cuộc thảo luận trong quốc hội Thái Lan cũng đã diễn ra. Một số tướng lĩnh và các nghị sỹ của miền Nam Thái Lan đang gây áp lực để thúc đẩy khoản đầu tư này.
“Trung Quốc dự định đưa Kênh đào Kra vào tầm nhìn BRI của mình, kết hợp nó với một số khoản đầu tư vào Myanmar và Ấn Độ Dương (ví dụ như một cảng biển sâu ở Khawpheu)”, theo Giáo sư Góralczyk, đồng thời là giám đốc của Trung tâm Châu Âu thuộc Đại học Warsaw.
Ông cho biết thêm rằng trong khi các cuộc đàm phán ngoại giao về dự án đang diễn ra giữa Trung Quốc và Thái Lan, thì đại dịch virus Vũ Hán đã làm giảm giá trị của dự án. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, kênh đào đã được đưa tin nhiều hơn do những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa [chính phủ] Ấn Độ và [chính phủ] Trung Quốc.
Sau cuộc xung đột ngày 15/6 ở Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng, [chính phủ] Ấn Độ đã triển khai các chiến hạm tiền tiêu dọc eo biển Malacca, và các phương tiện truyền thông Ấn Độ bắt đầu nói về việc con kênh Thái Lan sẽ trở thành một tài sản chiến lược và kinh tế đối với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương như thế nào.
Trong thời gian này, phản đối dữ dội từ phe đối lập – Đảng Vì nước Thái và công chúng, cộng thêm những lo ngại rằng dự án khổng lồ dài 75 dặm này sẽ đe dọa chủ quyền của Myanmar và Campuchia và gia tăng sự can thiệp của Trung Quốc vào khu vực, đã đẩy chính phủ Thái Lan đến chỗ đình chỉ dự án vào ngày 3/9 như tờ Asia News đưa tin.
Đồng thời, Thái Lan cũng lùi lại thương vụ mua hai tàu ngầm S26T lớp Nguyên trị giá 724 triệu USD từ Trung Quốc.
Ông Ted Malloch, tác giả của cuốn sách “Trump’s World: Geo Deus” (tạm dịch: “Thế giới của Trump: Geo Deus”) và nhiều cuốn sách khác, nói với The Epoch Times trong một email rằng “lợi lộc (lucre)” hẳn sẽ là lý do chính đáng cho dự án kênh đào Thái Lan.
Ám chỉ đến Trung Quốc, ông Malloch nói, “Việc một quốc gia và/hoặc các tổ chức tài chính của nó (được nhà nước hậu thuẫn hoặc không) cố gắng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn giống như một số tài phiệt Cecil Rhodes thời hiện đại chỉ có thể bị phản đối nếu trong gói đầu tư không có các phương sách thích hợp về chấp nhận và tôn trọng chủ quyền quốc gia.”
Ông cũng nói thêm: “Cho đến nay hồ sơ [về cách triển khai] của Trung Quốc khá là thúc ép, cả về mặt huy động tài chính cho dự án lẫn các tranh chấp ngoại giao khác – thậm chí ngay cả với các quốc gia như Thái Lan, những nước thiết yếu đối với tương lai lâu dài của loại dự án này”.
Bà Shankari Sundararaman, phó giáo sư và là chuyên gia về Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, đã nói với The Epoch Times trong một email rằng sẽ là “quá sớm” để nghĩ rằng dự án kênh đào [Thái Lan] đã hoàn toàn bị loại bỏ.
“Tình hình chính trị hiện tại ở Thái Lan không có lợi cho bất kỳ đại thương vụ trị giá hàng tỷ USD nào cả. Cả hai dự án tàu ngầm và kênh đào này đều đang bị đình trệ”, bà Sundararaman cho biết.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob nói rằng chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch xây dựng một con đường hành lang trên bộ kết nối hai cảng, với hai đầu là Vịnh Thái Lan và biển Arabain. Tờ Tin tức Xây dựng Thái Lan dẫn lời ông Saksiam cho biết một nghiên cứu về tính khả thi của cây cầu trị giá 3,3 triệu USD đã được phê chuẩn.
The Epoch Times đã liên hệ với chính phủ Thái Lan về tuyên bố liên quan đến quyết định này nhưng [thời báo] vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trong khi các nghiên cứu như vậy về tính khả thi của con kênh đã được thực hiện nhiều lần trong vài thế kỷ qua, nền chính trị của Thái Lan, [đang] trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng và tình hình địa chính trị đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong [khu vực] Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã mang lại cho nó một ý nghĩa mới.
Nội chính của Thái Lan
Bà Sundararaman cho biết dự án kênh đào của Thái Lan đã nhận được sự ủng hộ của cựu thủ tướng [Thái Lan] Thaksin Shinawatra, người đã cân nhắc việc chuyển đổi các thành phố lớn xung quanh kênh đào, thành các cảng lớn như Singapore.
“Tuy nhiên, với sự phản đối “vết nhơ chính trị” (brand of politics) của ông Shinawatra, sau cuộc đảo chính vào năm 2006 ở Thái Lan, sự ủng hộ tiềm năng đối với con kênh đào đã bị giảm xuống,” bà Sundararaman nói và cho biết thêm rằng vị vua hiện tại Maha Vajiralongkorn đã thể hiện “ra mặt” là ủng hộ phục hồi dự án.
“Thay vì coi [dự án này] như là khả năng để chính phủ Trung Quốc can thiệp vào chính trị Thái Lan, cần phải hiểu rằng chính trị Thái Lan và chủ nghĩa tư bản thân hữu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đã dẫn đến việc các tập đoàn thúc ép [thực hiện] dự án kênh đào Kra. Quốc vương đương nhiệm Maha Vajiralongkorn gần đây đã cố gắng hết sức để có được đòn bẩy lớn hơn cho một số dự án, và kênh đào Kra có thể là một trong số đó”, bà nói.
Mặt khác, ông Chan-ocha đã lên tiếng khẳng định rằng dự án không có khả năng tiếp tục.
Bà Sundararaman cho biết, “Tuy nhiên, nếu nhà vua tiếp tục thúc đẩy [dự án] dựa trên cơ sở các tập đoàn kinh doanh, điều đó có thể dẫn đến bất ổn chính trị hơn nữa ở đất nước vốn đang có những đòi hỏi phải thay đổi”.
Chuyên gia New Delhi cho biết sự phản đối trong nước đối với dự án đến từ những người lo lắng về sự suy thoái môi trường xung quanh kênh đào, trong khi những người ủng hộ cho rằng những ưu điểm của dự án lớn hơn những nhược điểm của nó.
“Mối đe dọa thực tế sẽ là chủ quyền của Thái Lan và các vấn đề về quyền tự chủ chiến lược mà mỗi quốc gia phải bảo vệ. BRI không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế mà còn có những hàm nghĩa quan trọng về địa chính trị sẽ tác động đến các quốc gia vừa và nhỏ nhiều hơn các quốc gia [lớn] khác”, bà nói.
Ông Malloch cho biết ông đã đến thăm Thái Lan nhiều lần với tư cách là một nhà ngoại giao và ông rất ngưỡng mộ đất nước và người dân ở đó.
“Điều tôi không muốn nhất là đất nước này bị hủy hoại hoặc bị tàn phá bởi chế độ ĐCSTQ hám lợi và độc tài độc đảng”, ông nói.
Vấn đề địa chính trị
Ông Malloch nói rằng nếu [dự án] kênh đào Thái Lan được thông qua, nó sẽ dẫn đến việc nhóm tác chiến hải quân Trung Quốc tràn qua Thái Lan vào Ấn Độ Dương.
“Nếu muốn có sự … cân bằng lớn về góc độ quyền lực, Bhutan và Nepal là những quốc gia đệm duy nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ lúc này. Có những vấn đề ở đó, nhưng lập luận chiến lược – động cơ chính trị thuần túy – của những quốc gia vùng đệm đó là buộc một trong hai cường quốc xâm lược một quốc gia trung lập trên đường băng qua dãy Himalaya”, ông Malloch nói.
Ông nói nếu con kênh được xây dựng, nó sẽ tạo ra vùng đệm thứ ba giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên biên giới hàng hải, giống như cách mà hai [vùng đệm] còn lại tồn tại cùng với dãy núi Himalaya đồ sộ.
Bà Sundararaman cho biết những thay đổi địa chính trị đang xảy ra trong khu vực đã tạo ra một hệ thống hàng hải đặc biệt ngoài khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và kênh đào Thái Lan cần được nhìn nhận trong bối cảnh này.
“Lý do cho cách tiếp cận mới này là vì kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hoa Kỳ đã là một trong những cường quốc chiếm ưu thế trong phân tích cấp hệ thống lớn hơn khi nói đến trật tự toàn cầu thực chất”, bà nói khi đề cập đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà Hoa Kỳ công bố vào năm 2017.
Bà nói rằng sự thống trị liên tục của [chính phủ] Hoa Kỳ trong trật tự toàn cầu hiện tại đang bị thách thức bởi Trung Quốc.
“Điều đáng lo ngại hơn là khi Trung Quốc trỗi dậy, cách tiếp cận của họ đối với hệ thống quốc tế và tuân thủ pháp quyền dường như cũng thay đổi – đặc biệt rõ ràng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng các đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền lịch sử của mình đối với khu vực, ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia láng giềng khác trong khu vực theo luật pháp quốc tế”, bà nhận định và cho biết thêm rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cũng mong muốn duy trì trật tự quy chuẩn.
“Đặc biệt là về vấn đề ‘tự do hàng hải’ và ‘tôn trọng chủ quyền’, vốn gây căng thẳng cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ [cảm thấy] cấp bách [phải] giải quyết sự khác biệt giữa các đối tác khác nhau, để tìm ra cách tiếp cận khả thi hơn cho [khu vực] Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bà nói.
Đe dọa đối với Singapore
Ông Malloch cho biết kênh đào nếu được xây dựng sẽ giáng một đòn mạnh vào tính hợp lý về kinh tế và địa chính trị của Singapore.
“Tôi không thể không nhắc đến Singapore một lần nữa, đối với ASEAN họ đóng vai trò giống như Luxembourg đối với Liên minh Châu Âu, họ chịu trách nhiệm duy trì các mục tiêu dài hạn – Singapore làm tốt hơn Luxembourg”, ông Malloch nói.
“Trong chừng mực con kênh này làm suy yếu Singapore, điều đó có thể là một điều tiêu cực cho các lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của các nền dân chủ trong khu vực. Có rất nhiều thành viên của liên minh các nền dân chủ mới nổi sẽ bị ảnh hưởng nếu kênh đào này được xây dựng”, ông nói thêm.
Ông Malloch tin rằng kênh đào Thái Lan cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào doanh thu thuế hải quan của Singapore vì nó sẽ tạo ra một tuyến đường ngắn hơn đến eo biển Malacca mà Singapore nằm ở mũi của [eo biển].
Eo biển Malacca và Singapore, cùng nhau tạo nên “tuyến đường thủy vận chuyển” quan trọng nhất trên thế giới từ khía cạnh kinh tế và địa chính trị và được Ủy ban Liên Chiến tranh (Joint War Committee – JWC) thuộc Hiệp hội Thị trường của công ty bảo hiểm Lloyd liệt vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao [về chiến tranh, các cuộc tấn công, hành động của khủng bố và những hiểm họa khác].
Tác giả: Venus Upad Hayaya