Thái độ của người cha quyết định việc chọn bạn đời của con gái
Vài ngày trước khi đang nói chuyện với cô bạn thân, chúng tôi chợt nhắc lại chuyện quan điểm chọn người bạn đời của hai đứa thời còn trẻ…
Tôi và cô ấy đều xuất thân từ những gia đình phổ thông, thời thiếu nữ đều là những đứa ngốc nghếch đam mê thể loại văn học tình yêu lãng mạn, cũng xem rất nhiều sách và cho rằng mình hiểu biết mọi chuyện trên đời. Mỗi đứa cũng từng trải qua một vài mối tình mù quáng, nhưng rồi sau này phải hối hận vì bản thân đã không sáng suốt hơn.
Tôi cảm thán: “Hình như từ nhỏ đến lớn mình gần như không biết phải chung sống với người khác giới thế nào. Thấy ai đó đối xử với mình tốt một chút, dù họ không phù hợp, vẫn luôn bị động lòng, lúc nào cũng day dứt vì mình không báo đáp được người ta…”
Cô bạn gật đầu: “Đúng vậy, đúng vậy! Chỉ cần người ta hơi tốt một chút là không biết làm thế nào rồi. Đợi đến khi mình thích người ta, thì lại cảm thấy mình không xứng, luôn chạy theo lấy lòng, thậm chí liều mình thay đổi tính cách thuận theo đối phương. Kết quả là họ cảm thấy mình quá nhàm chán rồi quay đi!…”
Tôi nói tôi có một người bạn đồng nghiệp, trong tình yêu cô ấy rất phân minh. Có người theo đuổi cô ấy, dù họ rất cưng chiều cô nhưng cô ấy vẫn từ chối. Bởi cô ấy hiểu rằng họ không hợp nhau. Đối với cô, tình cảm phải đến từ hai phía, được xây dựng trên sự đồng điệu trong tâm hồn. Một mối quan hệ bền vững lâu dài sẽ cần nhiều yếu tố hơn là những cử chỉ đẹp đến từ một phía.
Bao năm đã qua đi, nhưng lời nói đầy tự tin của cô ấy khiến tôi suy nghĩ. Rõ ràng, trong sâu thẳm nội tâm tôi luôn cảm thấy tự ti, vậy nên đứng trước người khác giới luôn ở thế bị động mà không hiểu mình thực sự cần gì.
Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra vai trò quan trọng của gia đình đối với vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân của con gái. Sự lo lắng thái quá của mẹ và việc thiếu thốn sự gần gũi của người cha đã trở thành kiểu giáo dục thường thấy trong xã hội, đặc biệt là trong quá trình nuôi dạy và giáo dục con gái.
Người bố thường hoặc vì bận công việc, hoặc vì không biết chăm sóc con gái nên thường cho rằng: “Không phải bổn phận của mình”. Nhưng các nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra, ngay từ khi còn bé, trẻ đã bắt đầu học cách làm thế nào để chung sống cùng người khác giới thông qua hình ảnh người cha.
Bố là người khác giới mà bé gái được tiếp xúc sớm nhất. Từ kinh nghiệm trong quá trình sống cùng bố mà con gái tích luỹ những kinh nghiệm sống cùng người khác giới sau này. Những bé gái được bố chăm sóc nhiều, khi chung sống cùng chồng sẽ tự nhiên, thuận lợi và tự tin hơn. Những bé gái thiếu sự chăm sóc của người bố, sẽ càng dễ xuất hiện tình trạng yêu sớm hoặc gặp phải những người đàn ông không tốt.
Vì vậy, chúng ta không nên cho rằng khi còn nhỏ thì bé gái không cần sự chăm sóc của người bố, hoặc việc bố chăm sóc con gái là một chuyện kỳ lạ. Hãy gạt công việc và điện thoại sang một bên, và quan tâm tới con cái nhiều hơn. Điều bạn có thể làm cho chúng chính là một cuộc đời hạnh phúc với những tích luỹ, trải nghiệm dồi dào.
Thái độ của bố quyết định “số phận” hôn nhân của con gái
Chúng ta đang nói về việc người bố thiếu sự gần gũi, quan tâm đến con gái. Điều này dẫn đến việc khi con gái đối diện với vấn đề quan hệ với người khác giới sẽ không đủ tự tin, nội tâm mất đi cảm giác an toàn. Hoặc họ chấp nhận bản thân chịu thiệt thòi để đi lấy lòng người khác, hoặc họ dễ bị dụ dỗ bởi những lời đường mật của những kẻ xấu.
Khi người bố có thể mang lại cho con gái đủ tình yêu thương và sự hiểu biết thì sau khi trưởng thành, con gái sẽ không vì thiếu thốn tình cảm lúc trước mà vội vàng đi tìm nơi nương tựa để bù đắp. Cô ấy sẽ biết bản thân đáng được yêu thương, đủ tự tin và niềm kiêu hãnh để phân biệt rõ mong muốn về nửa còn lại của mình, hiểu rõ thế nào là người đàn ông chân thành và càng không dễ bị những lời đường mật hoặc vài món quà nhỏ làm cho mê mờ, hấp tấp. Con gái cũng đủ năng lực để xử lý những vấn đề gặp phải trong tình yêu, vậy nên tỉ lệ thuận lợi trong hôn nhân sẽ cao hơn.
Trong nghiên cứu về tâm lý, có một hiện tượng rất kỳ lạ: Nếu một bé gái được lớn lên trong một gia đình với người cha có những hành vi bạo lực, cho dù cô ấy rất muốn thoát khỏi môi trường đó, nhưng khi trưởng thành, tỉ lệ gặp phải bạo lực của người khác giới vẫn cao hơn so với những phụ nữ bình thường, hơn nữa họ vẫn sẽ có xu hướng chịu đựng những hành vi bạo lực đó giống như mẹ mình.
Trong một gia đình, nếu tình yêu của cha mẹ là chính diện, gia đình hoà thuận, thì con cái có thể từ đó mà cảm thấy được hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Chúng cũng hiểu rõ thế nào là tình yêu, thế nào là một hôn nhân viên mãn, cũng hiểu được phần trách nhiệm của bản thân trong gia đình và những phương thức tốt để kết nối với các thành viên.
Có câu: “Băng dày ba tấc chẳng phải bởi cái lạnh một ngày”, nhân cách và quan niệm của một người là sự đúc kết của quá trình trưởng thành, và hôn nhân của cha mẹ cũng chính là tấm gương cho con cái noi theo. Người cha mà đối xử với người vợ không đúng mực ắt con gái sẽ có cái nhìn không được thiện cảm về đàn ông. Tương tự, nếu như nhân cách của người mẹ không được theo chuẩn “công dung ngôn hạnh” cũng sẽ làm nhân cách con gái bị ảnh hưởng sai lệch. Thế nên, đức tại mẫu, phúc tại cha. Cha mẹ có vuông tròn thì con cái mới vẹn toàn đó là điều tất yếu.
Thu Hà