Tệ hơn Nhật Bản: Trung Quốc không thể đối phó với khủng hoảng già hóa
Phần 2 của loạt bài gồm 2 phần: Trung Quốc và Nhật Bản đối phó với dân số già hoá
Để tự cứu mình khỏi cuộc khủng hoảng già hóa, Trung Quốc cần tăng số lượng lao động trẻ hoặc nâng cao trình độ học vấn và năng suất của những người lao động hiện tại. Bất cứ lựa chọn nào trong hai chính sách này sẽ đều rất tốn kém và có thể mất nhiều thập kỷ mới có kết quả.
Năm 2016, đối mặt với tình trạng dân số già hoá và lực lượng lao động ngày càng suy giảm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bãi bỏ chính sách một con. Tuy nhiên, sự bùng nổ sinh đẻ được mong đợi đã không bao giờ thành hiện thực.
Chi phí nuôi dạy và giáo dục một đứa trẻ ở Trung Quốc quá cao để có thể khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh nhiều hơn một con. Tại Thượng Hải, một căn hộ 2 phòng ngủ đã qua sử dụng có thể trị giá hơn 1.5 triệu USD, trong khi mức lương trung bình hàng tháng chỉ là 1,700 USD và mức lương tối thiểu là 374 USD. Với tỷ lệ chi phí sinh hoạt so với nhà ở, hầu hết các cặp vợ chồng đã kết hôn không thể tồn tại, nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ và ông bà, loại trừ hoàn toàn khả năng có thể có hai con trở lên.
Năm 2020, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1978. Đáp lại, ĐCSTQ tuyên bố sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con. Chính sách này được cho là sẽ không hiệu quả trong việc kiềm chế khủng hoảng già hóa như giới hạn hai con trước đây.
Phần lớn sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc đến từ việc chuyển lao động từ nông thôn lên thành phố. Đô thị hóa nhanh chóng đã thúc đẩy các số liệu GDP, khi mỗi người dân rời nông trại, đến làm việc trong một nhà máy, đã nâng gấp đôi đóng góp của họ vào GDP. Tuy nhiên, hiện nay, 64% dân số đã được đô thị hóa. Sẽ không còn những bước nhảy vọt về GDP dựa trên sự di cư từ nông thôn ra thành thị nữa.
Nhìn vào Nhật Bản có thể giải thích tại sao Trung Quốc không giải quyết được vấn đề già hóa của mình.
Nhật Bản và Trung Quốc có trải nghiệm tương tự khi họ bước lên bậc thang kinh tế cao hơn. Cả hai đều có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, nợ nần chồng chất, và lĩnh vực địa ốc tăng vọt. Khi nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại đáng kể, cả hai nước đều nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng già hóa. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số bước đi để giảm thiểu cuộc khủng hoảng này. Cho đến nay, ĐCSTQ dường như vẫn không có kế hoạch nào.
Khi dân số Nhật Bản già đi, chính phủ bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí. ĐCSTQ đã không triển khai các chương trình tương tự. Một chính sách khác mà Nhật Bản đã áp dụng là thiết lập một chương trình lương hưu quốc gia, mà tất cả người lao động phải đóng tiền vào.
Hệ số Gini là thước đo sự chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia. Số càng cao thì sự chênh lệch càng lớn. Hệ số Gini của Trung Quốc là 46.5, trong khi của Nhật Bản chỉ là 29.9. Ước tính có khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tức khoảng 40% dân số, kiếm được khoảng 1,000 nhân dân tệ (khoảng 156 USD) mỗi tháng. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 10,500 USD mỗi năm, hay 875 USD mỗi tháng. Điều này cho thấy rằng một nửa dân số đang kiếm được nhiều hơn đáng kể so với phần còn lại.
Các thành phố và thị trấn nhỏ của Nhật Bản đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các gia đình sẵn sàng sinh con thứ ba, từ trả tiền mặt đến các điểm miễn phí ở nhà trẻ, xe hơi miễn phí và đôi khi là nhà ở. Có vẻ như Bắc Kinh, sau khi chỉ bãi bỏ chính sách một con gần đây, sẽ không sẵn sàng thực hiện các biện pháp tương tự. Kết quả là năm ngoái, tỷ lệ sinh của Nhật Bản cao hơn một chút so với Trung Quốc với 1.369 ca sinh trên một phụ nữ, trong khi của Trung Quốc chỉ là 1.3.
Tuổi nghỉ hưu hiện tại của Nhật Bản là 65, nhưng chính phủ đang có kế hoạch nâng lên 70. Trong nhiều thập kỷ, tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc là 55 đối với phụ nữ và 60 đối với nam giới. Không rõ là ĐCSTQ có nâng nó lên hay không.
Lực lượng lao động của Nhật Bản đã giảm tới một triệu người chỉ trong một năm, vào thời kỳ đỉnh điểm của sự suy giảm dân số. Chưa từng có quốc gia nào bị suy giảm lực lượng lao động vì bất kỳ lý do gì, ngoài chiến tranh. Tuy nhiên, một sự khác biệt đáng kể giữa Trung Quốc và Nhật Bản là trong khi Nhật Bản có mức tăng trưởng GDP chung thấp nhất trong số các nước G-7, thì GDP trên mỗi lao động của nước này lại tăng với tốc độ cao nhất. Điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng GDP nhiều hơn với ít lao động hơn.
GDP mỗi giờ làm việc là thước đo năng suất của người lao động giữa các quốc gia. Ở Nhật Bản, mỗi giờ làm việc đóng góp 41.90 USD vào GDP. Ở Trung Quốc, mỗi giờ làm việc đóng góp khoảng 15 USD vào GDP. Không chỉ người lao động Trung Quốc kém hiệu quả hơn người Nhật mà năng suất lao động ở Trung Quốc còn đang giảm xuống. Năng suất lao động của Trung Quốc giảm mạnh từ năm 2010 đến năm 2011 và tương đối ổn định cho đến năm 2018. Kể từ đó, năng suất đã có xu hướng đi xuống.
Một cách để tăng năng suất lao động là thông qua giáo dục. Những người lao động được giáo dục tốt hơn có thể làm những công việc có vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị, đóng góp nhiều hơn vào GDP. Thông qua việc tăng cường giáo dục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, và Hồng Kông đã có thể nâng cao được chuỗi giá trị, trở nên giàu có và sau đó duy trì sự giàu có của họ, bất chấp lực lượng lao động đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với các nước này, đặc biệt là Nhật Bản. Số năm học trung bình của một người trưởng thành ở Trung Quốc là 7.8, trong khi ở Nhật Bản là 12.8.
Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc (HDI) được sử dụng để đánh giá người dân và năng lực của họ ở các quốc gia khác nhau, theo các khía cạnh phi kinh tế, xem xét tới các yếu tố như tuổi thọ và cuộc sống khoẻ mạnh, kiến thức chung và tiêu chuẩn sống. Chỉ số HDI cao có mối tương quan chặt chẽ với một quốc gia giàu có và có năng suất lao động cao. Năm 2020, HDI của Nhật Bản là 0.919, trong khi Trung Quốc chỉ đạt 0.761.
Ma trận Nhân khẩu học Kinh tế phân loại các quốc gia, theo nhân khẩu học về độ tuổi và mức độ giàu có. Nhật Bản được xếp vào nhóm già-giàu, còn Trung Quốc được xếp vào nhóm già-nghèo. Cả hai quốc gia đều đang già đi, nhưng GDP bình quân đầu người ở Nhật Bản đạt hơn 40,802 USD mỗi năm, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 10,143 USD.
Cuộc khủng hoảng già hóa của Trung Quốc sẽ khiến nước này rất khó để thoát khỏi xu hướng kinh tế đi xuống. Hầu hết các biện pháp mà Nhật Bản sử dụng, để đối phó với tình trạng dân số già hoá và vẫn duy trì được GDP, đều tốn kém và mất nhiều thời gian. So với thời điểm Nhật Bản đạt đỉnh cao kinh tế vào năm 1989, phần lớn dân số Trung Quốc nghèo hơn và ít học hơn đáng kể. Chỉ với 70 năm kinh nghiệm điều hành một đất nước và chỉ khoảng 40 năm kinh nghiệm với nền kinh tế thị trường, sẽ rất thú vị khi xem liệu ĐCSTQ có thể đưa ra giải pháp mà các nước phát triển hơn như Nhật Bản đã không thể làm được.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “”A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: