Tẩy não trẻ em Mỹ: Mối nguy hiểm của thuyết sắc tộc trọng yếu
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất từ trước đến nay, điều quan trọng là phải đặt ra những câu hỏi sau: Hai quốc gia này đang nhào nặn ra kiểu trẻ em gì? Trong hai nhóm trẻ em này, ai sẽ được trang bị tốt nhất để chống chọi với những nghịch cảnh trong tương lai?
Giáo dục ở Trung Quốc, nói sao nhỉ, hơi khác một chút. Nặng về hư cấu và coi nhẹ sự thật, trẻ em từ bảy tuổi có thể phải đọc những cuốn sách giáo khoa nói về nhà lãnh đạo đất nước là “Ông Tập”. Mà thực ra, từ tiểu học đến đại học, [hệ thống] sách giáo khoa thể hiện hình ảnh vô cùng tích cực của ông Tập Cận Bình đã trở nên rất phổ biến.
Ở Hoa Kỳ, đang diễn ra một kiểu tuyên truyền rất khác lạ. Có thể nhận thấy ảnh hưởng của nó ở khắp các bậc giáo dục, từ tiểu học cho đến đại học. Được tạo ra nhằm hủy hoại sự ngây thơ của trẻ em, nó được gọi là Thuyết Sắc tộc Trọng yếu, một loại triết lý mới theo chủ nghĩa Marx, mà như tờ Wall Street Journal đã diễn tả quá chuẩn xác là, nó đã “loại bỏ bình đẳng về cơ hội, công lao và tính khách quan.”
Giờ thì, tôi xin hỏi, kiểu tuyên truyền nào là tệ hại hơn, cuộc tẩy não đang diễn ra ở Trung Quốc hay cuộc tẩy não đang diễn ra ở Hoa Kỳ? Cả hai đều đáng ghê tởm. Dù sao đi chăng nữa, trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai.
Trước khi tiếp tục, tôi có điều này phải nói: Bài viết này không so sánh trực tiếp giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Một bên là quốc gia được cai trị bởi một chế độ độc tài; một bên thì không. Ở Hoa Kỳ, người dân tương đối tự do. Ở Trung Quốc, tự do là không tồn tại: người dân bị giám sát chặt chẽ; những tiếng nói bất đồng đều nhanh chóng bị bịt miệng.
Bài viết này là một sự so sánh về những học thuyết nguy hiểm ở hai quốc gia rất khác biệt, cũng như ảnh hưởng của những học thuyết nguy hiểm này. Không ai cảm thấy kinh ngạc hay bất ngờ về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, một quốc gia mà tuyên truyền là điều đương nhiên. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, việc đẩy mạnh tuyên truyền cho trẻ em gần đây đã gây kinh ngạc lẫn bất ngờ.
Trước khi cho là tôi đang phóng đại, hãy để tôi hỏi quý vị câu này: tuyên truyền là gì? Nó không gì khác hơn là quá trình dạy một người hoặc một nhóm người chấp nhận một tập hợp các niềm tin mà không có sự suy xét. Giáo dục, ở dạng thuần túy nhất, nhấn mạnh đến tư duy phản biện. Tuy nhiên, thông qua tuyên truyền, mong muốn tư duy phản biện đã bị coi là lỗi thời. Trẻ em được yêu cầu ngưng sự hoài nghi của mình vô thời hạn.
Ở Trung Quốc, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã trở thành một bộ phận cốt lõi của Hiến pháp Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2017. Lấy cảm hứng từ sự sùng bái Mao Trạch Đông, ông Tập đang cố gắng nuôi dưỡng một thế hệ mới gồm những tín đồ trung thành cuồng nhiệt.
Theo Ủy ban Sách giáo khoa Quốc gia của đất nước này, mỗi cuốn sách giáo khoa, từ cấp tiểu học đến bậc đại học, phải “phản ánh ý chí của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và quốc gia, đồng thời tác động trực tiếp đến phương hướng và chất lượng của việc đào tạo nhân tài”. Đặc biệt, các trường tiểu học “cần nuôi dưỡng tình yêu và nhận thức đúng đắn về đảng, đất nước và chủ nghĩa xã hội ở học sinh”.
Ở Hoa Kỳ, không có gì ngạc nhiên khi việc tuyên truyền cũng đang gây những tác hại đối với thanh thiếu niên.
Hồi tháng Tư năm nay, một bà mẹ đầy lo âu ở tiểu bang Tennessee đã cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm của thuyết sắc tộc trọng yếu. Một ngày nọ, cô con gái bảy tuổi của người phụ nữ ẩn danh này đi học về và tuyên bố rằng cô bé “hổ thẹn” khi là người da trắng. Bé gái sau đó hỏi mẹ tại sao nhiều người ghét cô bé vì cô bé sở hữu làn da trắng. Cảm thấy tuyệt vọng và “chán nản”, bé gái này sau đó tuyên bố rằng mình không muốn đi học nữa.
Ở quận Cam, California, các bậc phụ huynh đang bị chia rẽ gay gắt vì thuyết sắc tộc trọng yếu. Họ cũng bất đồng về việc liệu một môn học được gọi là dân tộc học có nên hiện diện trong lớp học hay không. Đầu năm nay, California đã làm nên lịch sử khi trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ đưa môn dân tộc học trở thành yêu cầu bắt buộc để tốt nghiệp trung học.
Đối với những người không rành về nó, thì môn dân tộc học bao gồm nghiên cứu về chủng tộc và sắc tộc, cũng như tình dục và giới tính. Thật ra, nó dường như là phiên bản mở rộng hơn của thuyết sắc tộc trọng yếu, một nỗ lực trực tiếp để lồng ghép tư tưởng giới tính vào các cuộc trò chuyện về chủng tộc. Bằng cách đưa nhiều hơn các chủ đề gây tranh cãi vào các lớp học của Mỹ, giáo dục ngày càng đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của nó. Thay vì gắn kết trẻ em thông qua cảm giác thích thú và khám phá, thuyết sắc tộc trọng yếu tìm cách chia rẽ mọi người và phủ nhận sự thật khách quan.
Nhà triết học Ludwig Wittgenstein đã từng nói rằng “một từ mới giống như một hạt giống tươi mới được gieo vào mảnh đất của cuộc thảo luận.” Nếu là một loạt các từ mới thì sẽ thế nào đây? Nếu là một thứ ngôn ngữ mới định nghĩa cách nhìn thế giới cho hàng triệu người dễ bị ảnh hưởng thì sẽ thế nào đây?
Sau khi thấy rằng có cả một cuốn từ điển dành riêng cho việc mô tả về các bản dạng giới khác nhau, người ta cho rằng trẻ em ở California có rất nhiều thứ để học.
Từ giờ trở đi, các kiểu tuyên truyền khác nhau đang diễn ra trong các lớp học ở Trung Quốc và ở Mỹ sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý, tinh thần, cảm xúc, và kinh tế.
Thuyết sắc tộc trọng yếu được tạo ra, là có dụng ý nhằm gây ra sự chia rẽ nhiều hơn, chia mọi người thành các nhóm như “kẻ áp bức và người bị áp bức”, “người có đặc quyền và kẻ chịu thiệt”. Hoa Kỳ đã bị chia rẽ; một số tác giả đã cảnh báo rằng đất nước này có thể tiến tới một cuộc nội chiến mới. Những gì đang diễn ra trong các lớp học ở Mỹ chỉ làm thổi bùng lên những ngọn lửa thù hận.
Hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ, hệ thống tuyên truyền của Trung Quốc là nhằm mục đích thống nhất dân chúng. Liệu nó có thành công hay không thì vẫn còn phải chờ xem.
Nhà văn Haruki Murakami đã từng viết như sau: “Tâm hồn trẻ em rất dễ nhào nặn, nhưng một khi chúng đã định hình rồi thì rất khó khiến chúng trở lại như trước đây.”
Còn tâm trí của trẻ em thì sao? Đương nhiên rồi, chúng dễ nhào nặn. Nhưng đến khi một đứa trẻ tốt nghiệp trung học, sau một thập niên bị tuyên truyền không ngừng nghỉ, thì tổn hại đó quả là rất khó, nếu không muốn nói là không thể cứu chữa được nữa.
Ở Trung Quốc, thực chất là Trung Cộng đang cố gắng tạo ra một khối đoàn kết hơn, trong đó tất cả các em học sinh cùng có quan điểm đồng nhất về một vấn đề. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, nhiều học sinh đang tham gia vào một hình thức tự dùng roi đánh mình, nuôi dưỡng lòng hận thù sâu sắc đối với cả bản thân và đất nước mà các em đang lớn lên.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: