Tay cầm bằng đồng thời La Mã khắc họa cảnh người đàn ông bị bầy sư tử ăn thịt
Một di tích về lịch sử tàn bạo của Anh thuộc La Mã đã được khai quật dưới sàn của một ngôi nhà thị trấn có từ thời La Mã ở Leicester — một tay cầm ổ khóa bằng đồng được trang trí công phu, mô tả cảnh một người đàn ông “Man Di” bị sư tử ăn sống, với bốn đứa trẻ trần truồng, vô cùng kinh hãi xúm xít bên dưới.
Các nhà khảo cổ học từ Ngành Khảo cổ Đại học Leicester (ULAS) đã phát hiện ra vật thể độc nhất vô nhị này trong ngôi nhà thị trấn có từ cuối thời La Mã được khai quật vào năm 2016. Chiếc tay cầm bằng đồng này đã được nghiên cứu tại Đại Học King’s College London, và phát hiện trên vừa được công bố trên tạp chí Britannia.
“Khi người ta lần đầu tiên phát hiện ra [nó], chiếc tay cầm này trông giống như một vật thể bằng đồng không thể phân biệt được, nhưng sau khi chúng tôi cẩn thận làm sạch hết đất, chúng tôi phát hiện một vài khuôn mặt nhỏ đang nhìn lại chúng tôi, điều đó thực sự đáng kinh ngạc,” Tiến sĩ Speed, trưởng nhóm khai quật tại khu vực khai quật bên kia Great Central Street ở Leicester, nói với trường đại học.
“Trước đây không một thứ gì tương tự như thế này đã được phát hiện ở bất kỳ đâu thuộc về Đế chế La Mã.”
Đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ John Pearce, từ Đại học King’s College London, nói thêm, “Vật thể độc đáo này mang đến cho chúng ta mô tả chi tiết nhất về hình thức hành quyết được tìm thấy ở Anh thuộc La Mã. Là phát hiện đầu tiên thuộc loại này, nó làm sáng tỏ đặc điểm tàn bạo của chính quyền La Mã ở khu vực này.”
Hiện vật bằng đồng này mô tả cảnh một người đàn ông để râu đang vật lộn với một con sư tử quấn quanh thân thể và cắn vào đầu ông; bên dưới, bốn đứa trẻ trần truồng tròn xoe mắt đang ôm chặt lấy nhau, hai đứa lớn đang dỗ dành những đứa nhỏ hơn, một đứa đang cầm một hòn đá.
Theo trường đại học này, hình phạt xử tử khắc nghiệt dành cho tội phạm và tù nhân trong đấu trường ở nơi công cộng như trên được cho phép theo luật pháp La Mã, và được định nghĩa bằng thuật ngữ Latinh “damnatio ad bestias”.
Tay cầm ổ khóa này là một trong số ít các bằng chứng trực tiếp cho thấy hình phạt khắc nghiệt mà những người chống lại sự cai trị của La Mã phải đối mặt. Một ví dụ hiếm hoi khác bao gồm xương chậu của một bộ xương được khai quật tại Roman York có vết cắn thủng của răng động vật.
Tất cả những bộ lạc tồn tại bên ngoài sự thống trị của Đế chế La Mã đều bị gọi chung là “Các Tộc Người Man Di”, và thường được người La Mã miêu tả là để râu, mặc quần dài, với nửa thân trên trần trụi.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chiếc tay cầm ổ khóa này có khả năng được tạo ra một thế kỷ hoặc hơn sau khi Anh Quốc bị La Mã chinh phục. Trường đại học đặc biệt lưu ý rằng bản thân tổ tiên gần đây của những người từng bị coi là Man Di đã có cùng sự khinh miệt và sợ hãi của người La Mã đối với những người tồn tại bên ngoài Đế chế.
Các thị trấn và thành phố của La Mã thường có khán đài hình vòng cung hay nhà hát, nơi sẽ tổ chức các cuộc hành quyết như vậy. Đáng chú ý, mới đây một nhà hát La Mã đã được phát hiện bên cạnh ngôi nhà thị trấn nơi tay cầm ổ khóa bằng đồng ở Leicester được khai quật. Dễ hình dung là chủ nhân của chiếc tay cầm bằng đồng đặc biệt này đã tận mắt chứng kiến những cảnh tượng man rợ như vậy.
Các ổ khóa La Mã khác có hình sư tử đã được tìm thấy ở Anh thuộc La Mã; con thú này được cho là một dấu hiệu của sự an toàn cho gia đình, và các vật dụng này không chỉ đơn thuần mang lại tiện ích, vì chiếc tay cầm đã được đặt thẳng đứng bên trong sàn nhà như thể để cung cấp một số hình thức bảo vệ.
Vật thể nổi bật của lịch sử Anh Quốc-La Mã này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Jewry Wall ở Leicester sau khi công trình tân trang lớn hiện tại hoàn thành vào năm 2023.
Ông Michael Wing là một nhà văn và là biên tập viên ở Calgary, Canada, nơi ông sinh ra và theo học lĩnh vực nghệ thuật. Ông chủ yếu viết bài về văn hóa, thị hiếu của mọi người, và tin tức đang thịnh hành.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: