Tập thơ: Anh hùng Đất Việt
Thay lời mở đầu
Nước ta lịch sử mấy nghìn năm
Mấy nghìn năm chống giặc xâm lăng
Bắc thuộc ngàn năm ngàn dâu bể
Độc lập thiên niên thiên sử vàng
Muôn dân lành hy sinh xương máu
Các anh hùng dâng hiến trí năng
Tinh hoa văn hóa, lo gìn giữ
Rồng Tiên cơ nghiệp vững âu vàng (1).
- ‘Vững âu vàng’ là từ câu thơ của vua Trần Nhân Tông: ”Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu” nghĩa là “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non song nghìn thuở vững âu vàng”
Tiểu sử tác giả/dịch giả Họ và tên: Phạm Công Tú Bút danh: Đông Quan Năm sinh: 1956 Quê quán: Thôn Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Praha, CH Czech (CVUT) năm 1980. Từ năm 1983-1990 làm Công trình sư và Trưởng phòng Thiết kế của Tập đoàn Điện tử TESLA Roznov, Tiệp Khắc (nay là CH Czech) Từ năm 1991 đến nay: Kinh doanh trong mảng công nghệ cao và công nghệ đặc biệt. Các tác phẩm: Thơ:
Sách (dịch từ tiếng Czech sang tiếng Việt)
|
Trưng Nữ Vương
An Dương Vương mất nước đau thương (1)
Giặc Hán xâm lăng diệt Triệu Vương (2)
Hồng Lạc giống nòi thành Di, Địch (3)
Bách Việt non sông hóa quận, phường (4)
Thù nhà vung kiếm trừ Tô quỉ (5)
Cứu quốc dương cờ chống Mã cuồng (6)
Nghìn năm, sáu chục thành Nam Lĩnh (7)
Ai sánh anh hùng – Trưng Nữ Vương?
- An Dương Vương mất nước Âu Lạc về tay Triệu Đà (Triệu Vũ Vương), vua lập ra nhà Triệu (207 TCN-111 TCN) của nước Nam Việt. Nước Nam Việt của nhà Triệu bao gồm các quận ở Đông Nam Trung Quốc và miền Bắc nước ta ngày nay.
- Triệu Thuật Dương Vương là vua cuối cùng của nhà Triệu bị nhà Hán diệt.
- Các triều đại Trung Hoa thường coi các dân tộc láng giềng nên hay gọi là Di, Địch.
- Các triều đại Trung Hoa sau khi chinh phục được các nước láng giềng đều đổi các nước này thành châu, quận. Nước ta thời Bắc thuộc bị gọi là Giao châu hay quận Giao Chỉ.
- Tô Định, thái thú Giao chỉ là kẻ tàn ác và tham lam. Tô đã giết Thi Sách – chồng của Trưng Trắc và nhiều người Việt yêu nước.
- Mã Viện, đại tướng tài ba của nhà Đông Hán đã cầm quân xâm lăng nước ta và đàn áp đẫm máu Hai Bà Trưng.
- Hai Bà Trưng đã giải phóng 65 thành trì ở Lĩnh Nam (Các quận Nam Hải, Hợp Phố, Giao Chỉ Cửu Chân và Nhật Nam). Sự nghiệp của Trưng Vương vĩ đại có một không hai ở nước ta trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc.
Ngô Quyền
(Ngô Vương)
Đất Việt sinh ra đại anh hào
Trí dũng ngời ngời, tiếng nức cao
Đại La lừng lẫy trừ Công Tiễn (1)
Bạch Đằng nổi tiếng diệt Hoằng Thao (2)
Non nước từ đây giành độc lập
Dân tộc mai sau được mạnh giàu
Ngô Vương xứng bậc “Trung Hưng Tổ” (2)
Bắc thuộc nghìn năm rũ sạch làu.
- Năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ. Nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng. Bị cô lập, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Nam Hán. Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn
- Ngô Quyền đã chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán. Trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 938 quân ta đã đánh bại quân Nam Hán. Chủ tướng giặc là hoàng tử nhà Nam Hán – Lưu Hoằng Thao (có sách chép là Lưu Hoằng Tháo hay Lưu Hồng Tháo) đã bị tiêu diệt.
- Sử gia Ngô Sĩ Liên ca tụng ông là mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua. Phan Bội Châu tôn vinh ông là “vua Tổ phục hưng dân tộc”.
Lý Công Uẩn(1)
(Lý Thái Tổ)
Mẹ nhờ tinh túy của thần linh(2)
Cổ Pháp sinh thành bậc thánh minh
Chữ thần trên gạo điềm linh ứng(3)
Hạt mận trong lê mộng rõ rành(4)
Lên ngôi trị nước, nhà Nam vượng
Cầm quân dẹp loạn, xứ Man bình(5)
Ban chiếu dời đô, rồng cất cánh(6)
Thăng Long muôn thuở đất Kinh Thành.
- Lý Công Uẩn tức là vua Lý Thái Tổ (974 – 1028 d.l.), là vị vua sáng lập ra nhà Lý, trị vì từ năm 1009 đến năm 1028.
- Theo truyền thuyết mẹ Lý Công Uẩn họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn, đi lại với người thần rồi có mang, sinh Lý Công Uẩn vào năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974 d.l.). Lúc lên 3 tuổi ông được Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Từ nhỏ ông đã thông minh, tuấn tú khác thường. Nhà sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
- Thời vua Lê Long Đĩnh, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, có cây gạo bị sét đánh, có chữ trên ấy. Vị sư Vạn Hạnh Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nỗi nữa…”
- Có lần Lê Long Đĩnh mơ ăn qủa lê lại thấy hạt mận (mận còn gọi là lý), mới tin lời sấm là họ Lý sẽ lên thay họ Lê, bèn ngầm tìm người họ Lý giết đi nhưng Lý Công Uẩn không bị hại. Long Đĩnh qua đời, con trai Lý Công Uẩn còn nhỏ, ông được các đại thần Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn ngôi vua, miếu hiệu là Lý Thái Tổ.
- Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng Hai năm Tân Hợi (1011), tức là năm Thuận Thiên thứ hai, vua Lý Thái Tổ mang quân đi phạt quân Cử Long ở Ái Châu, đánh bại Cử Long. Tháng 10 năm Thuận Thiên thứ 4 (Quý Sửu 1013), vua lại thân chinh đánh quân Man ở châu Vị Long và giành chiến thắng. Năm Thuận Thiên thứ 11 (Canh Thân 1020), ông lệnh cho con đem quân đi đánh Chiêm Thành, và giành chiến thắng. Các vương quốc láng giềng như Chiêm Thành và Chân Lạp đều sang triều cống nhà Lý, nên việc bang giao thời bấy giờ được yên trị.
- Năm Thuận Thiên thứ hai (1010) ông cho dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Khi khởi sự dời đô, thuyền vua đến đậu ở dưới thành thì thấy có Rồng vàng bay lên, nhân thế đổi tên thành là Thăng Long. Vua cũng đổi tên thành Hoa Lư thành phủ Tràng An.
Lý Thường Kiệt
Quốc tính vua ban Thượng tướng quân (1)
Dùng binh như chớp, kế như thần
Khâm Ung mấy trận Trương, Tô gục (2)
Như Nguyệt nhiều phen Quách, Triệu tàn (3)
Nam phương chinh phục, xiềng Vua Chế (4)
Xã tắc xây bền, giúp Ỷ Lan (5)
Tam Giang đền ấy đêm trăng tỏ (6)
“Nam Quốc Sơn Hà“ mãi ấm vang.
- Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn. Vì có nhiều đại công nên ông được phong là Phụ quốc Thượng tướng quân tước Khai quốc công và được vua Lý ban quốc tính – họ Lý.
- Trong chiến dịch đánh vào các châu Khâm, Liêm và Ung của nhà Tống, quân nhà Lý đại thắng. Các tướng nhà Tống là Trương Thủ Tiết và Tô Giám đã bị tiêu diệt.
- Quách Quì và Triệu Tiết là chánh và phó tướng quân Tống sang xâm lược nước ta và bị chặn đứng bên sông Như Nguyệt (sông Cầu).
- Lý Thường Kiệt đã đánh Chiêm Thành và bắt sống vua Chiêm là Chế Củ.
- Lý Thường Kiệt đã giúp hoàng hậu Ỷ Lan trị vì đất nước.
- Đền Tam Giang thờ hai anh hùng Trương Hống và Trương Hát, tướng thời Triệu Việt Vương. Trong chiến dịch chống giặc Tống, Lý Thường Kiệt đã cho đọc bài Nam Quốc Sơn Hà trong đền để động viên tướng sỹ.
Trần Khâm
(Trần Nhân Tông)
Kim Tiên đồng tử khác người trần (1)
Sắc thái như vàng rõ thánh nhân
Trọng đãi nhân tài vì nước thịnh
Thương yêu bách tính cốt yên dân
Nguyên Mông hung bạo lo trừng phạt (2)
Chiêm Lào phên dậu gắng chiêu an (3)
Xem nhẹ lợi, danh, tình cũng đoạn
Bỏ cõi mê hướng đến Phật Thần.
- Trần Nhân Tông húy là Trần Khâm, khi mới sinh ra, ông được tả là “tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”, và cha mẹ ông gọi ông là Kim Tiên đồng tử.
- Dưới thời Trần Nhân Tông quân đội Đại Việt dưới sự chỉ huy của vua, Thượng hoàng và Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã hai lần đánh bại đại quân Nguyên Mông. Nổi tiếng nhất là trận Bạch Đằng, nơi thủy quân Nguyên Mông hoàn toàn bị tiêu diệt, các đại tướng Nguyên Mông như Ô Mã Nhi, Tíc Lệ Cơ, Phàn Tiếp bị bắt sống.
- Vua chủ động việc hòa hiếu với Chiêm Thành và Ai Lao. Vua đã gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Quân Ai Lao thường hay quấy nhiễu biên giới, bởi vậy năm 1290 vua phải thân chinh đi đánh dẹp và thu phục.
Trần Quốc Tuấn
(Hưng Đạo Vương)
Đức Thánh trời Nam, đệ nhất hùng (1)
Văn võ toàn tài, trọn hiếu trung
Bốn đời vì nước yên Thiên tử (2)
Ba lần phá giặc cứu non sông (3)
Hàm Tử, Chương Dương dìm Thát Đát (4)
Bạch Đằng, Vạn Kiếp quét Nguyên Mông
Nghìn năm lời hịch (5) còn văng vẳng
Với bầy xâm lược quyết không dung.
- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được tôn vinh là Đức Thánh Trần. Năm 1257 ông được vua Trần Thái Tông phong làm Tiết chế (Tư lệnh) quân nhà Trần cho cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ I. Năm 1283 ông được vua Trần Thánh Tông phong làm Quốc công Tiết Chế (Tổng Tư lệnh quân đội) cho cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ II và thứ III.
- Trần Quốc Tuấn đã phục vụ cho bốn đời vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Ngày xưa vua xưng là “thiên tử” – nghĩa là con của Thượng Đế.
- Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân đội nhà Trần trong cả ba cuộc chiến tranh chống quân Nguyên. Hàm Tử quan, Chương Dương độ, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng là tên những chiến dịch lớn mà quân Trần đã từng bước đánh bại và hoàn toàn tiêu diệt đại quân nhà Nguyên.
- Thát Đát là tên gọi chung các bộ tộc gốc Thổ và gốc Mông Cổ. Thời nhà Trần gọi giặc Nguyên Mông là giặc Thát.
- Bài Hịch Tướng sĩ được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết và công bố toàn quân trước khi quân Nguyên sang đánh Đại Việt lần thứ 2.
Lê Lợi
(Lê Thái Tổ)
Phất cao cờ nghĩa đất Lam Sơn (1)
Muôn hiểm nghìn nguy dạ chẳng sờn
Lũng Nhai nguyện, xả thân cứu nước (2)
Đông Quan thềtha giặc cứu dân (3)
Trăm trận lừng danh trang tuấn kiệt
Đời đời nức tiếng bậc anh quân
Quét sạch quân Minh, hưng đất Việt
Nước mất nhờ Vua nước lại còn (4).
- Lê Lợi là vua đầu của nhà Lê Sơ. Ông phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa và trải qua mười năm chiến đấu gian khổ và kiên cường. Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi nước ta ông lên làm vua, miếu hiệu là Lê Thái Tổ.
- Hội thề Lũng Nhai: Năm 1416, Lê Lợi đã cùng các hào kiệt cùng thề ở Lũng Nhai nguyện đánh đuổi giặc Minh cứu nước.
- Hội thề Đông Quan: quân Minh thề từ bỏ dã tâm xâm lược và rút về nước và nghĩa quân Lam Sơn thề tha không tiêu diệt quân Minh trên đường rút quân khỏi nước ta.
- Nhà Hồ làm mất nước ta vào tay giặc Minh. Lê Lợi, bậc đại anh hùng đã cứu nước ta ra khỏi ách đô hộ của giặc và chấm dứt 20 năm Bắc thuộc.
Lê Tư Thành
(Lê Thánh Tông)
Thông minh, cao sáng tựa tiên đồng (1)
Xứng vào ngôi báu đất trời mong
Hồng Đức pháp quyền nghiêm nước mạnh (2)
Quốc Âm giáo dục chọn người năng (3)
Lào, Chiêm chinh phạt toàn thắng lợi
Tây, Nam mở cõi vẹn thành công (4)
Tao đàn lỗi lạc ngời Nguyên súy (5)
Thời hoàng kim cường quốc Á Đông(6).
- Hoàng đế Lê Thánh Tông, tên húy là Lê Tư Thành. Thời trẻ hoàng tử Lê Tư Thành đẹp tựa tiên đồng với tư chất và tính khí cao sáng, ham học, tay không rời sách; kinh sử, lịch số, toán, chương đều tinh thông. Thời kỳ của vua được đánh dấu sự hưng thịnh của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung với tên gọi là Hồng Đức Thịnh Thế, một trong những thời kỳ hưng thịnh nhất của triều đại phong kiến Việt Nam.
- Hồng Đức là niên hiệu của Lê Thánh Tông, có nghĩa là đức lớn.Bộ luật Hồng Đức là Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã được hoàn thiện trong thời Lê Thánh Tông. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sớm trên thế giới.
- Hoàng đế Lê Thánh Tông chủ trương giáo dục dân sử dụng chữ Nôm (Quốc âm) thay cho chữ Hán để đề cao dân tộc.
- Các nước láng giềng Ai Lao và Chiêm Thành đã xâm lấn Đại Việt. Hoàng đế Lê Thánh Tống đã chinh phạt các nước này thắng lợi và mở rộng lãnh thổ Đại Việt về Tây và Nam.
- Lê Thánh Tông là một nhà thơ và phê bình văn học nổi tiếng. Ông đã lập ra tao đàn gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời và được tôn là Tao đàn Nguyên súy.
- Thời Lê Thánh Tông nước Đại Việt trở thành cường quốc ở Á Đông. Thời Hồng Đức được nhiều sử gia đánh giá là thời hoàng kim của Đại Việt.
Nguyễn Hoàng(1)
(Chúa Tiên)
Hiểu ý sâu xa của Trạng Trình (2)
Hoành Sơn xa tít lên đường nhanh
Mở mang đất Việt: phương Nam tiến
Khôi phục nhà Lê: hướng Bắc chinh (3)
Trả oán bằng ân: hòa Trịnh – Nguyễn (4)
Dùng tình diệt địch: chiến Minh Linh (5)
Hùng tài, mưu lược và nhân ái
Nguyễn triều Thái Tổ nước Nam mình (6).
- Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên, cũng là người có công lớn nhất mở mang đất nước về phía Nam, được gọi là Chúa Tiên. Ông là con trai út của Nguyễn Kim, thủ lĩnh khởi nghĩa chống lại nhà Mạc và phục hưng nhà Lê.
- Sau khi anh trai của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông bị anh rể là Trịnh Kiểm lúc đó đang nắm binh quyền của nhà Hậu Lê giết, ông sợ lại bị sát hại. Ông đã cho người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin lời khuyên, Trạng Trình không trả lời mà chỉ nhìn hòn non bộ và ngâm rằng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” có nghĩa là “Một dải núi Hoàng Sơn là chỗ dung thân muôn đời”. Hiểu ý đó ông đã xin vào làm trấn thủ Thuận Hóa để lánh nạn.
- Nguyễn Hoàng là người có công lớn nhất trong việc mở mang bờ cõi nước ta về phía Nam.
Để khôi phục nhà Lê ông đã cầm quân ra Bắc đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở Ngọc Sơn. Năm 1593, ông lại đưa quân ra Bắc Hà giúp chúa Trịnh (Tùng) đánh dẹp họ Mạc trong 8 năm trời.
- Ông bị chúa Trịnh (Tùng) nghi ngờ và dọa dẫm. Để làm dịu tình hình và tăng hòa hiếu Nguyễn Hoàng đã viết thư nhận lỗi, lấy thóc lúa vàng bạc ra Bắc cống nộp cho Trịnh Tùng, và hẹn kết nghĩa thông gia. Mùa đông năm 1600, Nguyễn Hoàng đã gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, con cả của Trịnh Tùng.
- Nhà Mạc sai đem tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền đánh vào Thuận Hóa, đổ bộ lên làng Hồ Xá và ở làng Lạng Uyển (thuộc huyện Minh-Linh) để tấn công Nguyễn Hoàng nhưng Chúa (Nguyễn Hoàng) đã thân chinh đi đánh lại. Ông đóng giữ bên bờ sông Ái Tử rồi dùng mỹ nhân kế để để tiêu diệt Lập Bạo.
- Hoàng đế Gia Long nhà Nguyễn đã truy phong cho Nguyễn Hoàng miếu hiệu là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế.
Nguyễn Huệ(1)
(Hoàng đế Quang Trung)
Sấm rằng “khởi nghĩa Bắc thu công”(1)
Phá tan chúa Nguyễn cướp Đàng Trong
Mượn tiếng Phù lê Lê nơi thành Bắc (2)
Dẹp yên Phủ Trịnh phía sông Hồng
Giặc Xiêm: dìm xuống sông Xoài Mút (3)
Quân Thanh: quét sạch đất Thăng Long (4)
Hoàn thành sứ mệnh Thiên thời định
Giang sơn phó mặc kế anh hùng(5).
- Nguyễn Huệ là em của Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh của khởi nghĩa Tây Sơn.
- Lấy cớ diệt quyền thần Trương Phúc Loan để bảo vệ chúa Nguyễn ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã khởi nghĩa ở Tây Sơn, Bình Định. Tương truyền câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” là của Trương Văn Hiến thầy dạy của họ.
- Dùng mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh (tướng nhà Trịnh hàng Tây Sơn) – mượn danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đã cầm quân Bắc tiến, nhanh chóng đánh bại nhà Trịnh. Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông. phong làm Nguyên súy Dực chính phù vận Uy quốc công và gả con gái là công chúa Ngọc Hân.
- Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784) vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Huệ đã dùng mưu của tướng Lê Xuân Giác (trước theo Nguyễn Phúc Ánh) bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút (ở phía trên Mỹ Tho) để tiêu diệt. Trận quyết chiến diễn ra trong không đầy một ngày đã tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm.
- Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, cầu viện. Hoàng đế nhà Thanh là Càn Long đã sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Thanh hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa “phù Lê” và chiếm đóng Thăng Long. Vua Quang Trung lên ngôi ở Phú Xuân rồi chia quân làm 5 đạo tiến đánh, tiêu diệt gần như toàn bộ quân Thanh ở Thăng Long. Sĩ Nghị và Chiêu Thống phải bỏ chạy sang Trung Quốc.
- Người đời sau thường tiếc cho sự nghiệp ngắn ngủi của vua Quang Trung, nhưng nhìn sâu hơn ta thấy vua đã hoàn thành sứ mệnh Thiên định của mình. Lịch sử đã sang trang mới và giang sơn được giao phó cho người anh hùng kế tiếp (kế anh hùng).
Nguyễn Phúc Ánh(1)
(Hòang đế Gia Long)
Tây Sơn nổi dậy, Nguyễn nguy nan(2)
Nhà Trịnh thừa cơ chiếm Phú Xuân
Mười bảy tuổi phục hưng cơ nghiệp (3)
Hai nhăm năm thống nhất giang san (4)
Gia Định, Thăng Long về triều Việt
Hoàng Sa, Phú Quốc thuộc nhà Nam (5)
Biển trời nghìn dặm Đông Nam Á
Mãi mãi ghi công Thế Tổ Hoàng (6).
- Nguyễn Phúc Ánh – con của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
- Khi triều đình của chúa Nguyễn bị Tây Sơn đánh phá thì nhà Trịnh đã đưa quân vào chiếm Phú Xuân – kinh đô của Chúa Nguyễn. Anh em Tây Sơn nhanh chóng hàng nhà Trịnh để tranh thủ thế lực tiêu diệt các chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương. Nguyễn Phúc Ánh sống sót chạy vào Gia Định.
- Năm mười bảy ông tuổi được các tướng tôn lên ngôi Chúa (Nguyễn Vương) để khôi phục cơ đồ.
- Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) đã bền bỉ chiến đấu chống Tây Sơn hai mươi nhăm năm. Sau khi dẹp được nhà Tây Sơn ông lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long.
- Hoàng đế Gia Long đã thống nhất đất nước sau 3 thế kỷ nội chiến và chia cắt. Đất nước Việt Nam thống nhất từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong và biển đảo bao la, kể cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Phú Quốc. Sau khi thống nhất đất nước Vua đã xây dựng chính quyền quân chủ mạnh giàu và độc lập. Triều đại của Gia Long được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ thống nhất rộng lớn nhất cho đến thời đó.
- Nhà Nguyễn đặt thụy hiệu cho ông là Hoàng đế Nguyễn Thế Tổ.
Có nhiều ý kiến khác nhau về công cuộc khôi phục nhà Nguyễn và thống nhất đất nước của vua Gia Long nhưng thực tế là vua đã dẹp triều Tây Sơn đã hoàn toàn mục nát và mất đoàn kết để thu đất nước về một mối.
Đông Quan