Tập san khoa học xuất bản bài viết ủng hộ phong tỏa, kiểm duyệt nghiên cứu phản đối phong tỏa
Giáo sư Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Toàn bộ quá trình đánh giá khoa học về bất kỳ điều gì liên quan đến COVID-19 đều không còn trong sạch và bị chính trị hóa nặng nề.”
Việc kiểm duyệt COVID dường như đang quay trở lại — nếu mà chủ đề này từng được bỏ qua.
Rất nhiều bác sĩ và học giả cho biết họ vẫn đang không ngừng nỗ lực công bố các nghiên cứu cho thấy rằng việc phong tỏa gây tổn thất rất lớn và không đem lại lợi ích gì đáng kể, nhưng họ nhận thấy nhiều cánh cửa đã bị đóng lại.
Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins và là cựu thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Reagan, nói với The Epoch Times: “Toàn bộ quá trình đánh giá khoa học về bất cứ điều gì liên quan đến COVID-19 đều đã không còn trong sạch và bị chính trị hóa nặng nề.” Ông Hanke nói rằng ông nằm trong số những người từng bị kiểm duyệt vì chỉ trích việc phong tỏa.
Trong khi nhiều người có thể xem việc đóng cửa các trường học, doanh nghiệp, và nhà thờ vì đại dịch là phá hoại, xâm phạm, và trong một số trường hợp bị xem là những thất bại nặng nề của chính phủ, thì việc phong tỏa đang ngày càng nhận được những đánh giá tích cực trong cộng đồng y tế, còn các báo cáo chỉ trích việc phong tỏa lại đang bị giấu nhẹm.
Điều này xảy ra vào thời điểm có tiết lộ rằng chính phủ TT Biden đã dựa vào các công ty công nghệ và truyền thông để bịt miệng những tiếng nói bất đồng quan điểm với các báo cáo chính thức về COVID.
Hồi tháng Chín, một tòa phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết rằng Tòa Bạch Ốc, Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, CDC và FBI “có thể đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất” khi gây áp lực buộc các công ty truyền thông xã hội phải kiểm duyệt quan điểm của những người chỉ trích luận điệu đưa tin chính thức của chính phủ về COVID. Tòa án đã ra lệnh cho các cơ quan và cá nhân trong chính phủ TT Biden không được “ép buộc hoặc khuyến khích đáng kể các quyết định kiểm duyệt nội dung của nền tảng,” hoặc nói cách khác là gây ảnh hưởng đến các công ty truyền thông xã hội để ngăn chặn ngôn luận được bảo vệ.
“Vấn đề không phải là ý tưởng đó sai hay đúng,” Tiến sĩ Bhattacharya nói sau phán quyết. “Câu hỏi đặt ra là ai có quyền kiểm soát xem những ý tưởng nào thì được bày tỏ ở nơi công cộng, và ý tưởng nào thì không.”
Chính phủ TT Biden đã kháng nghị quyết định này, mà cuối cùng có thể sẽ do Tối cao Pháp viện quyết định. Câu hỏi trọng tâm là mức độ vi phạm của các công ty tư nhân đối với các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người Mỹ nếu họ kiểm duyệt theo lệnh của các quan chức chính phủ.
‘Công trình nghiên cứu của chúng tôi thực tế đã bị kiểm duyệt’
Báo cáo của ông Hanke, Lars Jonung và Jonas Herby (nhóm HJH), có tiêu đề “Liệu phong tỏa có hiệu quả không? Phán quyết về các hạn chế COVID,” kết luận rằng việc phong tỏa là “một thất bại chính sách toàn cầu trên một phạm vi rất lớn.” Nghiên cứu này đã phải đối mặt với sự từ chối từ các nhà xuất bản y khoa chính thống, trong khi các nghiên cứu tán dương việc phong tỏa đang lại được xuất bản và được các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá rộng rãi.
Trong khi Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN), nhà xuất bản hàng đầu về y học và các nghiên cứu khoa học khác do nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan điều hành, đã bác bỏ báo cáo cuối cùng của nhóm các nhà nghiên cứu HJH, nhưng họ đã xuất bản các bài báo chỉ trích báo cáo của nhóm HJH.
“SSRN cho phép các tác giả của bài báo được liên kết tải công trình nghiên cứu của họ lên, trong khi thực tế là tác phẩm của chúng tôi đã bị kiểm duyệt,” ông Hanke bày tỏ. “Tại sao? Phải chăng kết quả (nghiên cứu) của chúng tôi đã đi ngược lại luận thuyết của bộ máy quan liêu.”
Ông Hanke cho biết, một bài viết của ông Hanke và các đồng nghiệp để hồi đáp những người chỉ trích họ cũng bị SSRN từ chối.
Trong cả hai trường hợp, SSRN đều tuyên bố rằng việc từ chối là do “cần phải thận trọng khi đăng nội dung về y tế.” Đây dường như là một tiêu chí mới và không phù hợp với các nguyên tắc của SSRN, vốn loại trừ tài liệu “bất hợp pháp, tục tĩu, phỉ báng, đe dọa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền riêng tư hoặc gây tổn hại hoặc bị phản đối.”
Ngược lại, một báo cáo do SSRN công bố hồi tháng Chín, có tiêu đề “Việc xâm nhập và lan truyền SARS-CoV-2 đã giảm sau các biện pháp can thiệp phi dược phẩm,” đã đưa ra đánh giá thuận lợi cho chính sách phong tỏa. “Các biện pháp can thiệp phi dược phẩm” (NPIs) là lối nói giảm nói tránh cho các biện pháp như phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, cấm đi lại, và những biện pháp đình chỉ quyền công dân khác trong thời kỳ đại dịch.
“Cuối cùng, SARS-CoV-2 đã bị loại bỏ trong thời gian nghiên cứu nhờ các biện pháp truy tìm dấu vết tiếp xúc và cách ly bắt buộc,” báo cáo nêu rõ, đề cập đến các hạn chế của nhà nước ở Hồng Kông. Tại Thụy Sĩ, các tác giả viết, “việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt cùng với lệnh phong tỏa một phần vào năm 2020 có hiệu quả trong việc kiểm soát sự xâm nhập của các biến thể [COVID] mới vào đất nước.”
Một báo cáo do SSRN công bố hồi tháng Sáu, có tiêu đề “Ước tính về Mức độ Hiệu quả trong Dân số của các Biện pháp Can thiệp Chống COVID-19 ở Pháp,” cho biết rằng “kết quả của chúng tôi nêu bật tác động đáng kể của NPI, bao gồm cả lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm, trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19” và rằng “lần phong tỏa đầu tiên là hiệu quả nhất, giảm lây nhiễm đến 84%.”
Đặt nền móng cho các đợt phong tỏa trong tương lai
Những báo cáo như thế này dường như đang đặt nền móng cho việc hợp pháp hóa các đợt phong tỏa và các biện pháp NPI khác của chính phủ như một phản ứng chính sách trong tương lai đối với đại dịch.
Một báo cáo hồi tháng Tám có tiêu đề “COVID-19: kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp can thiệp phi dược phẩm” do Hiệp hội Hoàng gia, một “hiệp hội” của các nhà khoa học nổi tiếng, công bố: “Một trong những bài học quan trọng nhất từ đại dịch này đó là việc áp dụng các biện pháp NPI hiệu quả ở chỗ cách làm này giúp ‘câu giờ’ để tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển và sản xuất thuốc men và vaccine. Có mọi lý do để nghĩ rằng việc khai triển các biện pháp NPI sẽ rất quan trọng đối với đại dịch trong tương lai.”
Một nhóm có tên Factcheck.org đã làm riếng một bài phân tích về công trình nghiên cứu của ông Hanke, viện dẫn các học giả khác đã chỉ trích ông và nhấn mạnh rằng nghiên cứu của nhóm HJH không được bình duyệt.
Ông Factcheck cho biết: “Đã có rất nhiều nghiên cứu đánh giá liệu cái gọi là ‘phong tỏa’ và các biện pháp NPI khác nhau có hiệu quả hay không và ở mức độ nào, đồng thời nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng các biện pháp này có thể hạn chế việc truyền nhiễm, hoặc giảm số ca nhiễm bệnh và tử vong.”
Inquiry, một tập san y khoa, cũng từ chối xuất bản bài nghiên cứu chỉ trích phong tỏa của nhóm HJH. Theo như thư từ qua lại giữa Inquiry và các tác giả, ban đầu tập san này đã đề nghị ba chuyên gia về chủ đề liên quan bình duyệt.
Ông Hanke cho biết, là bước tiếp theo trong quá trình xuất bản, bài nghiên cứu của nhóm HJH đã nhận được ba đánh giá tích cực từ những người bình duyệt của Inquiry. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được các bài bình duyệt này, chủ bút của Inquiry đã thu hồi lại ý kiến đánh giá của đội ngũ chuyên gia.
Ông Hanke nói: “Trong sự nghiệp học thuật dài gần 60 năm của mình, tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện như vậy. Quả thực, tôi chưa bao giờ nghe nói đến chuyện như vậy. Đây thực sự là điều chưa từng có và quá đáng.”
Trong một bài bình luận chung trên Econ Journal Watch, Tiến sĩ Bhattacharya và ông Hanke đã tuyên bố rằng “về việc tạo ra nỗi sợ hãi thì không có gì sánh bằng một đại dịch đang rình rập, còn về việc đẩy nhanh tiến trình kiểm duyệt thì không có tác nhân nào sánh được với sự sợ hãi.”
Các tác giả gợi ý về một mô hình hợp tác giữa chính phủ và truyền thông để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.
“Đầu tiên là ‘những người kiểm chứng sự thật’ chuyên đưa ra những lời dài dòng vô căn cứ, không liên quan, thiếu ý thức phê phán hoặc tư duy phân tích sâu sắc,” họ viết. “Tiếp theo là những tác phẩm đình đám của [phương tiện truyền thông] lặp lại tuyên bố của những người được gọi là người kiểm chứng sự thật.”
Họ cho biết kết quả cuối cùng là thiếu vắng các quan điểm khác biệt từ các ấn phẩm chính thống.
Một chủ đề ‘quá nhạy cảm’ để được xuất bản
Tiến sĩ Vinay Prasad, một bác sĩ, nhà dịch tễ học, giáo sư tại trường y khoa Đại học California ở San Francisco và là tác giả của hơn 350 bức thư và bài báo học thuật, cũng trình bày chi tiết “một mô hình kiểm duyệt đáng kinh ngạc và các tiêu chuẩn không đồng nhất từ máy chủ lưu trữ sơ bộ” đã từ chối xuất bản nghiên cứu của ông vì chỉ trích vaccine COVID và quy định đeo khẩu trang, đồng thời vẫn thường xuyên xuất bản nghiên cứu của ông về bệnh ung thư và lĩnh vực ung thư học.
Các máy chủ lưu trữ sơ bộ là kho lưu trữ trực tuyến đăng các bài báo học thuật.
“Đặc biệt, MedRxiv và SSRN đã miễn cưỡng đăng các bài báo chỉ trích CDC, các quy định về khẩu trang và vaccine cũng như các chính sách chăm sóc sức khỏe của chính phủ TT Biden,” tiến sĩ Prasad viết. “Các máy chủ lưu trữ sơ bộ không được xem là tập san — các máy chủ này không được phép từ chối các bài báo chỉ vì những người điều hành cơ sở dữ liệu này không đồng ý với các lập luận bên trong đó.”
Ông nói, khi Tiến sĩ Prasad và đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ Alyson Haslam viết một báo cáo rằng công trình nghiên cứu liên quan đến COVID của họ bị kiểm duyệt, SSRN cũng từ chối công bố bài báo đó.
Tiến sĩ Bhattacharya tuyên bố rằng ông cũng đã bị MedRxiv kiểm duyệt liên quan đến bài phân tích chỉ trích phong tỏa. Hồi năm 2020, ông cùng hai đồng nghiệp là Christopher Oh và John Ioannidis, một nhóm do giáo sư bệnh truyền nhiễm Eran Bendavid của Đại học Stanford dẫn đầu, đã tiến hành so sánh các quốc gia như Thụy Điển và Nam Hàn vốn không áp dụng lệnh phong tỏa như các quốc gia đã thực hiện, và không tìm thấy lợi ích đáng kể về mặt thống kê nào từ các sắc lệnh bắt buộc đối với sự lây lan của COVID.
Theo Tiến sĩ Bhattacharya, “MedRxiv từ chối đăng bài viết đó, và nói với các tác giả rằng chủ đề này quá nhạy cảm để cho phép công bố trước dưới dạng sơ bộ, mặc dù trang web có rất nhiều phân tích mô hình nhằm mục đích chứng minh tính hiệu quả của việc phong tỏa trong việc hạn chế sự lây lan của COVID.”
Ông cho biết, sau khi công bố phiên bản mở rộng về những phát hiện của họ dưới dạng sách, ông Hanke và các đồng tác giả đang tiếp tục nỗ lực chia sẻ nghiên cứu của họ trên các tập san y khoa chính thống.
Ông Hanke nói: “Chúng tôi dự đoán rằng bài nghiên cứu này sẽ nhận được sự đánh giá công bằng cũng như thuận lợi, và sẽ được xuất bản.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times