Tập đoàn Logistics của nhà nước Trung Quốc ra mắt nhằm tăng thống trị nguồn cung toàn cầu
Trung Quốc đang thành lập một tập đoàn logistics toàn cầu lớn thuộc nhà nước Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn. Cách bố trí mới này sẽ giúp chính quyền này nâng cao vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì vị thế độc quyền trong và ngoài Trung Quốc, một chuyên gia cho biết.
Theo cơ quan ngôn luận Tân Hoa xã, mới được thành lập hôm 06/12, Tập đoàn Logistics Trung Quốc là một doanh nghiệp trung ương chịu sự giám sát trực tiếp của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện, dựa trên sự hợp nhất của Tập đoàn Vật liệu Đường sắt trước đây và Tập đoàn Chengtong. Các nhà đầu tư của tập đoàn mới bao gồm Tập đoàn Hàng không Phương Đông của Trung Quốc, Tập đoàn Vận tải biển COSCO và Tập đoàn Thương Gia.
Trong khi đó, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã được chấp thuận thành lập tại tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo Wall Street Journal trích dẫn từ các nguồn tin giấu tên khác nhau hôm 07/12, Tập đoàn sẽ bao gồm Tập đoàn Minmetals thuộc sở hữu nhà nước, Tập đoàn Nhôm và Tập đoàn Đất hiếm Ganzhou.
Ông Mike Sun, một cố vấn đầu tư cao cấp sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã có một vị trí tương đối độc quyền trên thị trường quốc tế về đất hiếm, và giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã một lần nữa hợp nhất một tập đoàn logistic toàn cầu, nên họ sẽ có thêm tiếng nói và sức mạnh xác định giá cả trên trường quốc tế.
Ngoài ra, ông Mike nói thêm, không thể loại trừ khả năng đất hiếm sẽ được chính phủ của Trung Quốc sử dụng để thực hiện các giao dịch với các nước phương Tây trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nơi mà Trung Quốc đang tụt hậu so với các nước phương Tây.
Khoáng sản đất hiếm là nguyên liệu cơ bản cho các ngành công nghiệp chiến lược hoặc mới nổi như công nghiệp quốc phòng, thông tin điện tử, sản xuất cao cấp, hàng không vũ trụ và các phương tiện năng lượng mới. Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn, và trữ lượng của Trung Quốc là 44 triệu tấn, chiếm 36.67% tổng trữ lượng. Năm 2019, Trung Quốc có 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy từ năm 2016 đến năm 2019, 80% kim ngạch nhập cảng đất hiếm của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc.
Vào tháng Hai, Tổng thống Biden đã xác định đất hiếm là một trong bốn lĩnh vực quan trọng cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để giảm rủi ro chuỗi cung ứng. Reuters đưa tin hôm 18/02, trong số 2 ngàn tỷ USD luật cơ sở hạ tầng được Biden công bố hôm 31/03, 15 tỷ USD được lên kế hoạch cho việc phân tách nguyên tố đất hiếm, xe điện, máy tính lượng tử, và một số dự án R&D trình diễn khác.
Trong những năm gần đây, sự độc quyền của ĐCSTQ đối với đất hiếm đã trở thành trọng tâm trong các mối quan hệ quốc tế và sự phụ thuộc của các nước vào chuỗi công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc được coi là một rủi ro chiến lược.
Nikkei Á Châu, một phương tiện truyền thông Nhật Bản, báo cáo hôm 24/10 rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm như “một con át chủ bài ngoại giao,” đề cập rằng trong năm 2010, khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, Bắc Kinh gây áp lực lên nước này bằng cách ngăn chặn xuất cảng đất hiếm đến Nhật Bản.
Theo ông Sun, việc chế độ sử dụng tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc như một hành động chính nhằm độc quyền chuỗi cung ứng hậu cần toàn cầu, thể hiện xu hướng quay trở lại hệ thống “kinh tế kế hoạch.” Nếu quay trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch của Mao, các doanh nghiệp có thể phát triển lớn hơn và vững chắc, điều này có thể mang lại lợi ích cho ĐCSTQ; nhưng “đối với nền kinh tế thị trường, nó [nền kinh tế kế hoạch] là sự độc quyền.”
Ông Sun nói, trong nền kinh tế kế hoạch, các doanh nghiệp nhà nước sẽ thiếu sức sống và hiệu quả, và các doanh nghiệp càng lớn, thì chúng càng lãng phí tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Do Ruth Lee thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: