Tập Cận Bình tuyên bố “Thoát nghèo toàn diện” Chuyên gia: Thật nực cười
Việc tuyên truyền của Trung Cộng về “thoát nghèo toàn diện” ngày càng cao. Hôm 25/02, ông Tập Cận Bình thậm chí còn tuyên bố “thoát nghèo toàn diện” là “kỳ tích nhân gian,” thậm chí không hề nhắc lại đến “đánh cường hào, chia ruộng đất.” Các học giả nói rằng “thoát nghèo” của Trung Cộng chỉ là giả tạo, thậm chí còn là một trò đùa. Chính Trung Cộng đã đưa Trung Quốc vào vực thẳm của đói nghèo.
Các tiêu chuẩn thoát nghèo của Trung Cộng là thấp và có nhiều yếu tố hư giả
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Epoch Times hôm 26/02, ông Hồ Bình, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc và là nhà bình luận chính trị Trung Quốc nổi tiếng, đã cho biết “Các tiêu chuẩn về xóa đói giảm nghèo của Trung Cộng thực sự thấp hơn so với các tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo được quốc tế công nhận. Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng Trung Quốc vẫn còn 600 triệu người có thu nhập trung bình và dưới trung bình. Mức thu nhập trung bình hàng tháng ở Trung Quốc vào khoảng 1,000 NDT, vì vậy dựa theo tiêu chuẩn này, trên thực tế, nghiêm túc mà nói, Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa mới tới thoát khỏi đói nghèo.”
Theo các tiêu chuẩn thoát nghèo do Trung Cộng đặt ra, một cá nhân có thu nhập 1 năm khoảng 4,000 NDT được coi là “thoát nghèo.”
Mà theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018: “Thu nhập hàng ngày của một người dưới 5.5 USD” được xếp là thuộc diện người nghèo. Hiện nay trên thế giới vẫn còn một bộ phận dân số có thu nhập hàng ngày dưới 3.2 USD và 1.9 USD. Còn theo chuẩn nghèo năm 2020 của Hoa Kỳ: người có thu nhập 1 năm ở mức 12,760 USD thì thuộc diện nghèo.
Theo tiết lộ của một người dân Trung Quốc đại lục với phóng viên Epoch Times hôm 25/02 rằng, theo mặt bằng giá cả hiện nay của Trung Quốc, ngay cả thu nhập hàng tháng 1,000 NDT cũng khó có thể trang trải cuộc sống.
Ông Hồ Bình cho rằng “thoát nghèo toàn diện” của Trung Cộng phần lớn áp dụng các biện pháp có tính tạm thời, chứa rất nhiều yếu tố thổi phồng và yếu tố giả tạo. Ông lấy ví dụ, ở rất nhiều khu vực nghèo đói, [Trung Cộng] vì để có được con số mong muốn, tạm thời phát một số tiền, khiến mọi người nhìn thấy con số trên giấy tờ dường như tăng lên, tương đương với việc “thoát nghèo” rồi. Nhưng điều này là do dựa vào con số giả tạo và bơm máu tạm thời tạo thành thôi, năm sau không cấp tiền sẽ quay lại trạng thái ban đầu, tức là chưa thực sự đạt đến mức thoát nghèo.
Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa của Đại học Công nghệ Sydney, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với phóng viên Epoch Times: “Hiện nay cái gọi là xóa đói giảm nghèo là lấy tiền đem phát, sau đó sử dụng công nghệ chuyển dịch khiến cho số tiền trên sổ sách trông tươm tất và đẹp mắt. Nhưng khi người ta vừa rời đi, thì năm sau anh ta lại nghèo lại, đây là điều họ [Trung Cộng] đã làm hàng chục năm nay, và các quan chức địa phương đã vì chiếc mũ ô sa của mình mà cứ làm giả mãi.”
Hồ Bình: Trung Cộng đã gây ra đói nghèo ở Trung Quốc trong mấy chục năm, nay lại nói “thoát nghèo” thật là nực cười
Sau khi Trung Cộng tuyên bố “thoát nghèo toàn diện” vào cuối năm ngoái (2020), thì đến 25/02 năm nay lại tiến hành tổ chức “Hội nghị tổng kết và khen thưởng về công tác thoát nghèo toàn quốc” tại Bắc Kinh. Tại hội nghị này ông Tập tuyên bố rằng việc xóa đói giảm nghèo của Trung Cộng là “Sáng tạo kỳ tích ở nhân gian.”
Ông Hồ Bình nói thẳng: “Đây hoàn toàn không phải kỳ tích, điều này thật nực cười.” Ông nói rằng trong vài thập kỷ qua, sự nghèo đói mà Trung Cộng đã tạo ra là lớn nhất thế giới, cái gọi “Kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc” là bởi vì con người đã bị thống trị dẫn đến mức khởi điểm quá thấp, thấp đến mức kinh người, hiện nay cái gọi là “thoát nghèo” hoàn toàn không đáng nhắc đến.
Ông Hồ Bình nói: “Bốn mươi năm trước, sự nghèo đói của Trung Quốc thực sự khiến thế hệ sau này và người nước ngoài nhìn vào không thể tin được. Với sự siêng năng và lịch sử lâu đời của Trung Quốc, cơ bản không thể nghèo đến mức như vậy. Điều đó chứng tỏ ở thời đại Mao trước đây, toàn bộ chế độ kinh tế chính trị đã tồi tệ đến mức nào, cộng với việc lãnh đạo mù quáng của những người đứng đầu, như cuộc đại nhảy vọt, ba ngọn cờ đỏ, và công xã nhân dân, nên thật bất ngờ, trong năm tháng có thời tiết mưa thuận gió hòa, mà lại xảy ra nạn đói lớn khiến 30 đến 40 triệu người chết bất thường, điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử.”
Ông nói rằng chính Trung Cộng đã phát động cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu dẫn đến cái chết của hàng triệu địa chủ, cũng như Phong trào phản hữu, Cách mạng Văn hóa và Phong trào lục tứ, nếu không Trung Quốc đã sớm trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới. “Trên thực tế, cái gọi là xóa đói giảm nghèo thành công của họ hoàn toàn không đáng được nhắc đến, bởi vì chính những gì mà Trung Cộng làm ra trong quá khứ, mới khiến người dân Trung Quốc rơi vào cảnh nghèo đói lớn như vậy.” Ông Hồ Bình nói, “Cải cách của Trung Cộng là khôi phục lại chính những thứ mà Cách mạng Cộng sản đánh đổ, điều này chứng tỏ cuộc cách mạng của Trung Cộng thật sự là thất bại hoàn toàn.”
Ngoài ra, tại cuộc họp hôm 25/02, Ông Tập Cận Bình không hề đề cập đến việc Trung Cộng đánh đổ cường hào, phân chia đất đai, ông tuyên bố là “giành được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân.”
Ông Hồ Bình nói: “Đây chính là kiểu ăn càn nói bậy, chính là vì họ năm đó đánh đổ cường hào, phân chia ruộng đất, cho nên mới khiến người dân Trung Quốc nghèo đến như vậy, nếu như Trung Quốc năm đó không tiến hành cái gọi là cải cách ruộng đất đẫm máu, thì Trung Quốc ngày nay sẽ giàu có hơn bây giờ rất nhiều. Nếu cứ tiếp tục kéo dài việc đánh địa chủ, chia ruộng đất, thì Trung Quốc ngày nay chắc chắn vẫn còn rất nghèo nàn.”
Ủy ban Trung ương Trung Cộng tuyên bố “Thoát nghèo” và chính quyền địa phương kêu gọi “Thắt lưng buộc bụng”
Cùng thời điểm mà Ủy ban Trung ương Trung Cộng công bố “Thoát nghèo toàn diện,” chính quyền nhiều nơi ở Trung Quốc đại lục đã liên tục kêu gọi “Thắt chặt chi tiêu.” Ví dụ, hôm 24/02 tờ “Thiên tân Nhật báo” có bài “Kiên trì thắt chặt chi tiêu”; hôm 22/02 chính quyền Ninh Ba tuyên bố “Thành phố chúng ta sẽ kiên trì thực hiện chỉ thị thắt chặt chi tiêu của Chính phủ”; hôm 19/02 tờ “Giang tây Nhật báo” cho biết “Tất cả các đơn vị trong tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu “Thắt chặt chi tiêu” v.v.
Về vấn đề này, ông Hồ Bình cho rằng, một mặt nhà cầm quyền đang ca ngợi bản thân và tuyên bố rằng họ đã hoàn toàn thoát khỏi đói nghèo; mặt khác, họ không thể không đưa ra một số cảnh báo, nói rõ tình hình thực tế ở Trung Quốc, đặc biệt là tình hình thực tế ở nông thôn.
Ông nói, “Lương thực của Trung Quốc cũng không dồi dào lắm, kể cả một số mặt hàng nông sản, Trung Quốc vẫn còn thiếu hụt rất lớn, cộng với dịch bệnh và lũ lụt năm ngoái, ảnh hưởng đến nông nghiệp của Trung Quốc là tương đối lớn.”
Ông Hồ Bình lấy ví dụ, các vấn đề ở nông thôn Trung Quốc vẫn còn rất nghiêm trọng, rất nhiều vùng nông thôn còn rất nghèo. Hiện nay “Trào lưu trở về quê hương” và việc “Trẻ em bị bỏ lại ở quê” là bức tranh sinh động về các vấn đề xã hội Trung Quốc, đây là một hiện tượng mà không thấy được ở các nước khác.
Ông nói rằng nhiều nông dân tại Đại lục đến các thành phố để làm việc, nhưng vì vấn đề hộ khẩu, vấn đề kỳ thị và nhiều hạn chế khác, cũng như khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, họ buộc phải để con cái và cha mẹ của mình ở lại nông thôn, chính quyền Trung Cộng đã không giải quyết được những vấn đề này.
“Mặc dù [Trung Cộng] đang tuyên bố thoát khỏi đói nghèo, nhưng lại có rất nhiều trẻ em bị bỏ lại ở quê và rất nhiều công-nông dân như thế không thể đoàn tụ với những người ruột thịt của mình. Đây là một vấn đề xã hội rất nghiêm trọng và bản thân nó cũng chứng minh rằng mô hình phát triển kinh tế này của Trung Cộng là một vấn đề chí mạng.”
Do Zhou Yiqian thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: