Tập Cận Bình nội ngoại xuất kích, cao giọng lớn tiếng với Biden
Hôm 25 tháng 01, kênh truyền thông Trung Cộng là Tân Hoa Xã đăng tin với tiêu đề “Ông Tập tham dự đối thoại ‘Chương trình nghị sự Davos’ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và có bài phát biểu đặc biệt”, chú thích thêm, “nhấn mạnh giải quyết các vấn đề thời đại, nhất định phải tiếp tục duy trì và thực hành chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy xây dựng thể vận mệnh chung cho nhân loại.” Thực chất nội dung bài phát biểu của ông Tập chủ yếu nhắm thẳng vào quan hệ Mỹ – Trung, hống hách công khai lớn tiếng với Biden.
Ngày 22/01, ông Tập đã có bài phát biểu nội bộ tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19. Ngày 23/01, Tân Hoa Xã đi sâu diễn giải, rằng “Tham nhũng chính trị là loại tham nhũng lớn nhất. Một số phần tử tham nhũng thành lập các nhóm lợi ích nhằm mục đích cướp đoạt quyền lực của đảng và nhà nước, tiến hành các hoạt động phi tổ chức”; cũng nói rằng đây là “cuộc đấu tranh không thể và không được phép thất bại”.
Ngày 11 tháng 01, ông Tập đột nhiên tuyên bố: “Thời thế đang ủng hộ chúng ta. Đây là chỗ dựa cho sức mạnh và sự tự tin của chúng ta.” và nói thêm “Trong đủ loại cuồng phong bão táp, sóng gió nguy nan, dù lường trước hay không lường trước, chúng ta phải tăng cường nội lực sinh tồn.”
Cũng không rõ ông Tập có thực sự cho là bản thân có được cả “thời” lẫn “thế” hay không, chỉ biết ông Tập không những triển khai đấu tranh kịch liệt trong nội bộ, mà còn trắng trợn xuất kích ra bên ngoài, đặc biệt phải nói đến thái độ thay đổi vô cùng lớn trước Hoa Kỳ.
Ông Tập cố gắng thể hiện sức mạnh với Hoa Kỳ
Ngày 22/09 năm ngoái, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khi bị ông Donald Trump trực tiếp quy trách nhiệm, ông Tập đã phát biểu tương đối thấp giọng, chỉ đưa ra khuyến nghị về chủ nghĩa đa phương, thậm chí kể lể “ủy khuất” và kiến nghị các nước khác “chủ trì công đạo”, “không thể hễ bên nào có nắm đấm lớn liền theo bên nấy”.
Giờ đây, đơn giản là ông Tập không còn cho rằng Hoa Kỳ có “nắm đấm lớn” nữa, phát biểu của ông Tập cũng không còn là khuyến nghị mà giống như đưa ra yêu cầu, rằng phải “thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới” và một lần nữa lớn tiếng hô hào “thể vận mệnh chung cho nhân loại,” lại bắt đầu cho mình là lãnh đạo thế giới.
Sau khi tổng thống mới của Hoa Kỳ nhậm chức, thái độ của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ nhanh chóng trở nên cứng rắn. Khi ông Trump còn đương chức, Trung Cộng không dám áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên trong nhóm ông Trump, nhưng ngay sau khi Biden nhậm chức vào ngày 20/01, Trung Cộng đã cho Biden một đòn phủ đầu, công bố các lệnh trừng phạt đối với ông Pompeo và 28 người khác trong một đêm.
Trên thực tế, vừa bước sang năm 2021, ông Tập đã không ngừng có động thái.
Ngày 04/01: Ông Tập nhấn mạnh “chuẩn bị chiến tranh”.
Ngày 05 tháng 01: Trung Cộng tiến hành bắt bớ tại Hồng Kông, bao gồm ít nhất 53 nhân sỹ dân chủ và một luật sư người Mỹ.
Ngày 12/01: Mạng Tân Hoa Xã đăng bài “Bàn về sự sụp đổ của ‘ngọn hải đăng’ Hoa Kỳ: Thật đáng đời!”, trong đó viết “Ngọn hải đăng Hoa Kỳ, vốn tự khoác lác là chuẩn mực của nền dân chủ phương Tây, đã sụp đổ.” Hoa Kỳ đã “trở thành một quốc gia thất bại”, “Hoa Kỳ đang bị đánh bại”, “Hoa Kỳ đã không còn có thể dẫn đầu thế giới”, “thật đáng đời!”
Ngày 14/01: Kênh truyền thông Trung Cộng là Nhân dân Nhật báo đã dẫn lời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị, nói rằng: “Tôi hy vọng chính phủ mới của Hoa Kỳ sẽ quay trở lại chủ nghĩa đa phương”, và một lần nữa tuyên bố “phản đối việc mượn cờ hiệu chủ nghĩa đa phương để tiến hành kiểu chính trị tập đoàn đóng kín”.
Ngày 21/01: Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, người phát ngôn là Hoa Xuân Oánh cho biết: “Trong bài phát biểu nhậm chức, tổng thống Biden đã nhiều lần nhấn mạnh từ ‘đoàn kết’, đây cũng chính là thứ cần thiết cho mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ hiện nay.” “Trong vài năm qua, chính quyền Trump, đặc biệt là Pompeo, đã chôn quá nhiều mìn dưới mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ và cần phải được gỡ ra; quá nhiều cây cầu bị thiêu rụi cần được kiến thiết lại; quá nhiều con đường bị phá hỏng cần được tu sửa phục hồi”, “Tôi hy vọng rằng chính quyền mới của Hoa Kỳ… sẽ giữ vững việc không xung đột và không đối đầu…”
Ngày 23 và 24 tháng 01: Trung Cộng bất ngờ điều động một số lượng lớn máy bay ném bom và máy bay chiến đấu đến gây hấn trong hai ngày liên tiếp tại eo biển Đài Loan.
Gần đây, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Tập đang cố gắng xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh với Biden, sau đó lại đến Dương Khiết Trì đòi viếng thăm Hoa Kỳ. Trên bề mặt, Trung Cộng phủ nhận, nhưng có lẽ chuyện này không phải không có căn cứ, mà khả năng là chính phủ mới của Hoa Kỳ đã không trả lời. Biden vẫn chưa hoàn thành việc thành lập nội các và còn đang bận rộn với các chính sách đối nội, hẳn là không có thời gian để thảo luận một cách hệ thống về chính sách đối với Trung Cộng. Nhưng ông Tập rõ ràng không thể kiên nhẫn ngồi đợi, đã thúc giục Biden trả lời.
Trong khi cố gắng thúc đẩy tiến hành tiếp xúc Trung Quốc – Hoa Kỳ, hẳn là ông Tập cũng đã đồng thời tiến hành ra giá cao, chính quyền Biden tạm thời không sẵn sàng hồi đáp. Vì vậy, ông Tập chỉ có thể mượn dịp ở Diễn đàn Davos để công khai lớn tiếng với Biden.
Ông Tập trực tiếp ra giá
1. Tái tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hóa
Ông Tập tuyên bố “trước sau luôn ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế”, phản đối “lợi dụng đại dịch để phi toàn cầu hóa và đóng cửa cắt đứt quan hệ”, đồng thời hy vọng sẽ “duy trì cung ứng cho chuỗi công nghiệp toàn cầu một cách trơn tru và ổn định”, ngoài ra còn một lần nữa đề cập việc “thúc đẩy việc cùng xây dựng ‘Một vành đai – Một con đường’ chất lượng cao”.
Ông Tập sốt sắng muốn quay lại vị trí “công xưởng của thế giới”. Tất nhiên, thứ mà ông Tập mong muốn có được nhất là chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, tiếp theo là chuỗi cung ứng của Âu Châu. Cái gọi là hiệp định thương mại tự do RCEP Châu Á chỉ là một thủ thuật che mắt và kế sách tạm thời, việc tuần hoàn nội bộ của các nước bên trong hiệp định thậm chí còn vô lý hơn, nói cách khác, sự tăng trưởng tích cực của kinh tế Trung Quốc năm 2020 cũng là một con số bịa đặt. Chỉ khi quay trở lại toàn cầu hóa thì mới có thể mang lại sự tăng trưởng thực sự của kinh tế Trung Quốc.
Mức thuế cao mà ông Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn còn đó và đương nhiên là ông Tập hy vọng rằng Biden sẽ dỡ bỏ chúng càng sớm càng tốt; Trung Cộng đã không chấp hành hiệp định thương mại giai đoạn 1 và ông Tập rất có thể cũng muốn hủy bỏ luôn hiệp định này. Khi đối mặt với ông Trump, ông Tập đã nhiều lần giả ý cầu hòa; nhưng đứng trước ông Biden, ông Tập dường như đến giả vờ cũng không muốn nữa.
2. Yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, ít nhất là trên cơ sở bình đẳng
Ông Tập phát biểu “Bản chất của chủ nghĩa đa phương là các quốc gia cùng nhau thảo luận và xử lý các vấn đề quốc tế, các quốc gia cùng nhau nắm giữ tiền đồ vận mệnh của thế giới.” “Không duy ngã độc tôn”, “không thể chỉ do một hoặc một số quốc gia chỉ tay ra lệnh”, “cải cách và hoàn thiện hệ thống quản trị toàn cầu.”
Ông Tập thực tế đang lớn tiếng với ông Biden rằng ông ta không công nhận Hoa Kỳ là nhà lãnh đạo thế giới. Bất chấp thực tế bị cô lập trên trường quốc tế, ông Tập một lần nữa muốn tranh bá quyền với Hoa Kỳ.
Ông Tập nói, “phản đối ‘vòng tròn nhỏ’ và ‘chiến tranh lạnh mới’”, nhưng lại kêu gọi “khắc phục khoảng cách phát triển giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển… cộng đồng quốc tế cần thực hiện cam kết, đưa ra hỗ trợ cần thiết cho các nước đang phát triển... để người dân các quốc gia đều cùng hưởng lợi từ các cơ hội phát triển và thành tựu đạt được.”
Ông Tập tự coi mình là “minh chủ” của các quốc gia đang phát triển và công khai thách thức Hoa Kỳ, yêu cầu Hoa Kỳ và các nước phương Tây hỗ trợ và chia sẻ thành quả. Nói về loại logic “kẻ cướp” này, ông Tập cũng giải thích rằng: “Khoa học công nghệ nên mang lại lợi ích cho toàn nhân loại chứ không nên trở thành thủ đoạn để quốc gia này hạn chế và kìm hãm sự phát triển quốc gia khác” và “sẽ dùng tư duy và các phương thức cởi mở hơn nữa để thúc đẩy giao lưu hợp tác khoa học công nghệ quốc tế.”
Những lời này của ông Tập cũng bằng như trực tiếp phủ định cái gọi là “đổi mới công nghệ” của chính ông ta, tiếp tục ăn cắp một cách công khai quyền sở hữu trí tuệ từ Hoa Kỳ và phương Tây, hơn nữa còn mang thái độ “đường hoàng thẳng thắn”. Mục đích thực sự đằng sau đoạn phát biểu này là yêu cầu ông Biden dỡ bỏ một loạt các biện pháp trừng phạt do chính phủ Trump áp đặt. Ông Tập nói “không thể cứ động một tí là cắt quan hệ, cắt cung ứng, áp chế tài, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ”.
Ông Tập đang yêu cầu ông Biden quay trở lại các chính sách thời Obama và tiếp tục cho phép Trung Cộng xâm nhập, bành trướng, bán phá giá, ăn cắp…
3. Yêu cầu tiếp tục công nhận chính quyền đảng cộng sản
Ông Tập tuyên bố rằng cần phải loại bỏ “định kiến về hình thái ý thức”, “ngạo mạn” và “cừu hận”, không “áp đặt chế độ xã hội lên người khác”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, “không gây xung đột, đối kháng”, “chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng”…
Chính qhủ Trump đã cắt đứt quan hệ với chính quyền Trung Cộng, phân biệt rõ Trung Cộng và người dân Trung Quốc, về cơ bản ngừng các hoạt động ngoại giao với chính quyền Trung Cộng, trực tiếp vạch trần vấn đề về tính hợp pháp của chính quyền Trung Cộng, khiến cho giới lãnh đạo cấp cao Trung Cộng vô cùng hoảng loạn. Hiện tại, ông Tập yêu cầu ông Biden khôi phục lại một cách rõ ràng việc thừa nhận chính quyền Trung Cộng, cũng yêu cầu Biden từ bỏ sách lược đối kháng với Trung Cộng.
Trung Cộng luôn coi Hoa Kỳ và phương Tây như kẻ địch, trước nay chưa bao giờ ngừng “tuyên truyền chống Mỹ”, tháng 10 năm ngoái, ông Tập đã hai lần tưởng niệm cuộc chiến tranh Triều Tiên được biết đến với tên “Kháng Mỹ viện Triều” (chiến tranh chống Mỹ và trợ giúp Triều Tiên), đầu năm nay đã một lần nữa nhắc đến việc chuẩn bị chiến tranh, và mới đây vừa khiêu chiến ở eo biển Đài Loan, giờ lại công nhiên yêu cầu Mỹ nhượng bộ, đầu hàng, ông Tập ra giá quả là cao.
Ông Tập hiểu rõ rằng có quá ít dự án hợp tác
Mặc dù gây áp lực mạnh mẽ với ông Biden, nhưng ông Tập cũng biết rằng các lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Trung Quốc thực sự có thể hợp tác là rất hạn chế. Ông Tập đề cập đến “Hiệp định khí hậu Paris” mà ông Biden đang chuẩn bị quay trở lại, cố gắng cam kết đạt được mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon dioxide vào năm 2030 (tức là sau năm 2030 thì không tăng nữa) và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060, đây có lẽ là một trong số ít các đề mục mà Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thảo luận.
Ông Tập đã không dám nhắc đến vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên, công khai bài ngửa hát nhép trong một sự kiện quốc tế như vậy sẽ gây ra chỉ trích lớn từ các nước trên thế giới. Mặc dù không cách nào nói trắng ra, nhưng hiển nhiên ông Tập cho rằng đây cũng là một lĩnh vực mà Biden cần hợp tác với Trung Cộng.
Ông Tập cũng bàn về hợp tác chống dịch, vốn là phần chính trong những bài phát biểu trước đây của ông tại các sự kiện quốc tế, nhưng hiện nay dịch bệnh ở các quốc gia đang nghiêm trọng, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục cũng che đậy không nổi nữa, vậy nên nội dung liên quan đến kháng dịch đã rút ngắn rõ rệt. Nhận thấy Biden sắp trở lại Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tập một lần nữa kêu gọi “phát huy vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới” và yêu cầu “tăng cường hợp tác về vaccine”. Thế nhưng, Trung Cộng vẫn phủ nhận việc che giấu tình hình dịch bệnh và chạy đi đổ tội khắp nơi, có thể đoán được rằng khó mà có quốc gia phương Tây nào sẵn sàng hợp tác, chứ đừng nói đến việc Trung Cộng còn muốn thu được công nghệ vaccine.
Ông Tập nói, “Những sự kiện khẩn cấp y tế công cộng tương tự như dịch viêm phổi Covid-19 sẽ tuyệt đối không phải là lần cuối cùng.” Một tuyên bố như vậy từ chính miệng lãnh đạo cấp cao Trung Cộng rõ ràng có đôi chút kỳ lạ, giống như một điềm gở.
Ông Tập còn muốn “thảo luận việc chế định các quy tắc quản trị kỹ thuật số toàn cầu.” Có thể đoán ngay việc này chẳng nhận được mấy hồi đáp.
Việc Biden tạm thời né tránh chính sách đối với Trung Quốc rõ ràng đã khiến lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng mất hết kiên nhẫn, không ngừng phát đi đủ loại tín hiệu, làm ra đủ loại động tác. Ông Tập không thể ngồi yên được nữa, đã vội vã công khai lớn tiếng với Biden. Hẳn là ông Tập đã một lần nữa phán đoán sai, thách giá quá cao, lại bày ra tư thế tấn công cứng rắn, chỉ e ông ta rồi sẽ lại tay không, khó đạt được ý định.
Đủ loại hành vi lộ rõ lo lắng của quan chức cao nhất Trung Cộng đã khiến sự khởi đầu của một chu kỳ mới trong quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ xem ra vẫn rất không thuận lợi. Điều này có thể cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình đấu đá nội bộ của Trung Cộng. Năm 2021 sẽ là năm có không ít chuyện xảy ra.
Cao Nghĩa
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: