Tập Cận Bình đưa vấn đề an ninh lương thực lên mối lo ngại ‘an ninh quốc gia’
Gần đây, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vấn đề về an ninh lương thực, nói rằng an ninh ngũ cốc phải được nâng lên thành mối lo ngại “an ninh quốc gia.”
Ngày 09/07, ông Tập đã chủ trì Hội nghị lần thứ 20 của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương, thừa nhận rằng việc bảo đảm độc lập và kiểm soát hạt giống là “cấp bách hơn bao giờ hết,” “chuỗi an ninh lương thực cần được thắt chặt hơn bao giờ hết,” và thậm chí nâng tầm quan trọng của an ninh ngũ cốc lên “cấp độ chiến lược của an ninh quốc gia.”
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), nhà bình luận và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng việc cá nhân ông Tập đưa vấn đề an ninh lương thực lên tầm chiến lược của an ninh quốc gia là một minh chứng cho thấy vấn nạn lương thực đang hiện hữu tại Trung Quốc.
Vài ngày trước bài phát biểu của ông Tập, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Cộng đã đăng một bài báo nổi bật với tựa đề “Câu chuyện về mức sống tốt của ông Tập Cận Bình: Bát cơm của người Trung Quốc mọi lúc đều phải nằm trong tay chúng ta.” Bài báo này cũng được các phương tiện truyền thông, cơ quan ngôn luận khác ở Trung Quốc lan truyền.
Các vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng về nguồn cung lương thực
Ông Lý Yến Minh cho biết: “Trung Quốc phụ thuộc vào nhập cảng lương thực và hạt giống.” Năm ngoái, bên cạnh dịch viêm phổi Vũ Hán, rất nhiều khu vực ở Trung Quốc phải hứng chịu lũ lụt, bao gồm các khu vực sản xuất lương thực chính ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử. Ông nói thêm: “Nhập cảng lương thực đã tăng mạnh vào năm ngoái,” và mức độ thậm chí còn cao hơn nhiều so với các năm trước đó.
Ông Li cho hay, “Người ta ước tính rằng năm ngoái Trung Quốc đã thiếu lương thực. Tuy nhiên rõ ràng là Trung Cộng sẽ không thừa nhận rằng họ đã không nói thật, cũng như không cho phép các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc nói lên sự thật”.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, nhập cảng thực phẩm của Trung Quốc lần đầu tiên vượt quá 140 triệu tấn. Trong đó, ngô và lúa mỳ nhập cảng chạm mức cao kỷ lục lần lượt là 11.3 và 8.38 triệu tấn, gấp đôi so với hai năm trước đó.
Tháng 05/2021, Trung Quốc đã nhập cảng 6.07 triệu tấn ngũ cốc và bột ngũ cốc, tăng 143.9%. Từ tháng 01 đến tháng 05, tổng nhập cảng ngũ cốc và bột ngũ cốc lũy kế là 27.11 triệu tấn, tăng 190.5%, trong đó:
ngô là 11.73 triệu tấn, tăng 322.8%;
lúa mì 4.61 triệu tấn, tăng 88.9%;
lúa mạch 4.65 triệu tấn, tăng 139.1%;
lúa miến 3.69 triệu tấn, tăng 237%.
Việc nhập cảng lương thực liên tục của Trung Quốc đang đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao. Tờ Financial Times của Anh Quốc đưa tin hôm 03/06 và trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia, cho biết “nhu cầu tăng cao của Trung Quốc đối với ngũ cốc và đậu nành đang tạo thêm áp lực về giá cả, cùng với hạn hán nghiêm trọng ở Brazil và nhu cầu dầu thực vật cho nhiên liệu diesel sinh học ngày càng gia tăng.”
Theo một báo cáo do Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố ngày 03/06, Chỉ số Giá Lương thực của FAO đạt trung bình 127.1 điểm vào tháng 05/2021, cao hơn 4.8% so với tháng 04/2021 và cao hơn 39.7% so với tháng 05/2020.
An ninh ngũ cốc là một vấn đề dài hạn đối với CCP
Ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư và chuyên gia ngoại thương Trung Quốc, nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng khi đề cập đến vấn đề khủng hoảng lương thực, trong ngắn hạn, khẩu phần lương thực của Trung Quốc có thể không phải là vấn đề lớn nếu xét theo các tiêu chuẩn quốc tế để cân nhắc một cuộc “khủng hoảng an ninh lương thực” xảy ra khi các gia đình bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng hoặc phải dành toàn bộ thu nhập để đáp ứng các nhu cầu lương thực căn bản nhất.
Tuy nhiên, nhập cảng lương thực của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ năm ngoái (2020), bao gồm ngũ cốc và khẩu phần thức ăn chăn nuôi như lúa mỳ. Ông Mike Sun cho biết, “Điều này cho thấy sự thiếu hụt lương thực lớn ở Trung Quốc”.
Ông Sun nói thêm: “Có thể thấy từ giọng điệu trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình, an ninh ngũ cốc hiện đang là mối lo ngại lớn nhất vì Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào hạt giống nhập cảng cho phần lớn các hoạt động nông nghiệp của họ và nếu không có hạt giống nhập cảng, việc sản xuất một số sản phẩm nông sản sẽ gần như bị tê liệt.”
Ngày 08/03, Tạp chí Fortnightly Chat của Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo nói rằng ngành hạt giống của Trung Quốc yếu kém trong đổi mới và quá lệ thuộc vào hạt giống ngoại quốc. Hạt giống nhập cảng chiếm đến hơn 80% tổng lượng hạt giống và điều này dẫn đến nguy cơ “hạt giống bị ngưng sản xuất,” nghĩa là nguồn cung hạt giống rất có thể bị gián đoạn.
Ớt, hành tây, cà rốt, cà chua, bông cải xanh và nhiều loại rau khác của Trung Quốc dựa vào hạt giống ngoại quốc để nhân giống. Bài báo dẫn số liệu của Hiệp hội Thương mại Hạt giống Trung Quốc cho biết, trong năm 2019, Trung Quốc đã nhập cảng 224 triệu USD hạt giống rau, chiếm hơn một nửa lượng hạt giống nhập cảng của nước này. Sự phụ thuộc vào hạt bông cải xanh nhập cảng là hơn 80%, và sự phụ thuộc vào hạt giống củ cải đường và lúa mạch đen là hơn 95%.
Do Winnie Han thực hiện
Hồng Ân và Alice biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: