Tập Cận Bình bị cho là hoang đường khi nói luật sư phải “ủng hộ Đảng”
Sau khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì ra sức củng cố vị trí lãnh đạo Trung Cộng của mình. Truyền thông dòng chính của Trung Cộng mấy ngày gần đây tiết lộ, Tập Cận Bình yêu cầu các luật sư phải “ủng hộ Đảng”, sau khi thông tin này xuất hiện trên truyền thông, thì lập tức bị những người hành nghề luật sư chỉ trích, cho rằng phát ngôn này chỉ là ngụy biện, thực chất có ý yêu cầu ủng hộ chế độ toàn trị của Trung Cộng.
Hôm 01/03, tạp chí lý luận chính thức của Trung Cộng “Cầu Thị” (QSTHEORY.CN) đã đăng toàn văn bài diễn văn trong hội nghị bàn về công tác pháp quyền diễn ra vào tháng 11 năm ngoái của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Trong bài diễn văn, Tập Cận Bình có động thái hiếm thấy khi công khai phê bình “một số ít cá nhân hành nghề luật sư có ý thức chính trị yếu kém”, thậm chí phản đối “Chế độ chính trị và chế độ pháp trị” của Trung Cộng. Ông Tập yêu cầu những cá nhân hành nghề dịch vụ pháp lý phải “ủng hộ sự lãnh đạo của Trung Cộng” .v.v…
Ông Tập còn phát biểu, quyết không đi theo con đường “Chính phủ hợp hiến”, “Tam quyền phân lập”, “Độc lập tư pháp” của Tây phương…
Ngày 16-17 tháng 11 năm ngoái, chính quyền Trung Cộng đã tổ chức hội nghị bàn về công tác liên quan đến pháp quyền, khi đó các cơ quan truyền thông của Trung Cộng cũng đăng tải một phần nội dung bài diễn văn của ông Tập, nhưng hoàn toàn không có nội dung mà “Cầu Thị” đăng tải như nói ở trên. Sau khi bài đăng này xuất hiện, lập tức gặp phải sự chỉ trích của giới luật sư và các hãng truyền thông nước ngoài.
Hôm 02/03, đài Á châu Tự do dẫn lời một luật sư người Trung Quốc yêu cầu giấu tên đang sống tại Hoa Kỳ, nói rằng phát ngôn của ông Tập toàn là ngụy biện.
Vị luật sư này nói: “Luật sư là người làm công tác pháp luật, điều đầu tiên phải tuân thủ là pháp luật, căn cứ theo quy định của pháp luật để thực hiện chức trách luật sư của mình. Theo cách nói của ông ấy, luật sư còn phải tuân thủ yêu cầu của Đảng, điều này vốn là mâu thuẫn. Yêu cầu tất cả luật sư đều phải theo yêu cầu của Đảng, phải đặt sự lãnh đạo của Đảng lên trước, vậy vị trí của pháp luật đặt ở đâu?”
“Khi luật sư phải đối mặt với lựa chọn Đảng lớn hay pháp luật lớn, lẽ nào luật sư còn phải đặt quy chế, nội quy của Đảng lên trước? Mục đích của động thái này là để duy trì một nền chính trị biến dị, duy trì một nền chính trị toàn trị.”
Con đường hành nghề của luật sư nhân quyền từ nay trở đi sẽ càng khó khăn hơn.
Luật sư nhân quyền Nhậm Toàn Ngưu, hỗ trợ pháp lý cho 12 cư dân Hồng Kông, nói rằng “một số ít cá nhân hành nghề luật sư” trong phát biểu của ông Tập hiển nhiên là ám chỉ về luật sư nhân quyền.
Ông Nhậm Toàn Ngưu cho rằng, sau này luật sư muốn đại diện cho những trường hợp được coi là nhạy cảm sẽ gặp khó khăn gấp bội. Cho dù có thể đại diện, nhưng có thể sẽ có rất nhiều hạn chế. “Bạn cần chuẩn bị hồ sơ, toàn bộ quá trình đều bị giám sát. Xong việc còn phải viết báo cáo. Ý kiến biện hộ của bạn cũng phải thông qua (văn phòng luật sư) của họ nghiên cứu kỹ càng, rồi báo cáo với Phòng Tư pháp, sau đó lại lấy về rồi đưa tòa án, khẳng định sau này sẽ có rất nhiều trường hợp luật sư không dám làm và cũng không được phép làm.”
Ông Nhậm Toàn Ngưu nói, “Với những trường hợp tương đối nhạy cảm đều sẽ tìm luật sư do chính quyền chỉ định, nói cách khác, luật sư sau này đều sẽ có thể biến thành công cụ chính trị mà thôi, có nghĩa là, không thể độc lập hoặc biện hộ với quan điểm bất đồng với hình thái ý thức hiện nay.”
Ông Nhậm dự đoán rằng, tương lai người dân khó mà thắng được trong các vụ kiện với các cơ quan công quyền.
Ông nói: “Trước đây một số vụ án cá biệt còn có khả năng thắng kiện, cho thấy tòa án còn có mức độ tự do nhất định, nhưng sau này, theo sự thụt lùi của chế độ pháp trị, người dân đi kiện chính phủ thì hầu như không có được kết quả như họ mong đợi. Mấy năm trước tôi từng nghe nói Nội Mông Cổ có địa phương mà tất cả luật sư đều bị chính phủ mời làm cố vấn pháp luật trên danh nghĩa, người dân địa phương muốn khởi kiện hành chính với các cơ quan công quyền thì cơ bản không thể tìm được luật sư. Sau này mà muốn kiện tụng thì cũng không được lập hồ sơ hoặc hoàn toàn không thể kiện được nữa.”
Trên thực tế, sự đàn áp của chính quyền Trung Cộng đối với giới luật sư chưa bao giờ dừng lại, đặc biệt là kể từ ngày 9/7/2015, chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy tháng, chính quyền Trung Cộng đã bắt giữ hàng trăm luật sư nhân quyền, nhân sĩ bảo vệ nhân quyền, những người dân khiếu kiện và thân nhân của họ ở các nơi, đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi từ các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới.
Chính quyền Trung Cộng phản đối độc lập tư pháp khiến trong ngoài Trung Quốc phải kinh ngạc
Ngày 14/1/2017, Chánh án Tòa án Tối cao Trung Cộng Chu Cường tuyên bố: “Chúng ta phải kiên quyết chống lại ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng sai lầm như “dân chủ lập hiến”, “tam quyền phân lập”, và “độc lập tư pháp” từ phương Tây.” Những ngôn luận này đã gây ra sự chỉ trích từ mọi tầng lớp trong xã hội.
Tờ thời báo New York Times đưa tin Chu Cường, Chánh án Tòa án Tối cao Trung Cộng phản đối tư pháp độc lập trong tiêu đề “trong ngoài Trung Quốc kinh ngạc” và đưa tiêu đề “Chánh án Tòa án Tối cao phản đối độc lập tư pháp, khiến trong ngoài Trung Quốc kinh ngạc” đặt trên chỗ nổi bật nhất.
Giáo sư Hạ Vệ Phương của đại học Bắc Kinh đã phê phán gay gắt những phát ngôn của Chu Cường trên trang mạng Weibo.com, ông nói rằng: nói khái niệm tư pháp độc lập là quan niệm của người phương Tây, và cần phải nhanh chóng loại bỏ, “đó quả thực là họa quốc hại dân, hoàn toàn xoay ngược bánh xe của lịch sử.”
Ông Hạ Vệ Phương cho rằng, bất kể quốc gia nào, nếu không có nền tư pháp độc lập, có nghĩa là quốc gia đó sẽ thường xuyên bị can thiệp bởi các yếu tố ngoài tư pháp và sẽ không thể xét xử các vụ án và tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật, và cũng khó để công dân nhận được sự công bằng chính nghĩa trong các vụ án xét xử. Kết quả cuối cùng chỉ có thể là bất công ở khắp mọi nơi, dẫn đến nổi loạn.
Tổng Bí thư Trung Cộng Tập Cận Bình cũng đã nhiều lần công khai phản đối “độc lập tư pháp”. Vào ngày 24/8/2018, ông cũng công khai tuyên bố rằng quyết không được đi theo con đường của phương Tây là “chính trị dân chủ”, “tam quyền phân lập” và “độc lập tư pháp”. Tại cuộc họp ngày 16/11/2020, ông Tập đã một lần nữa nhấn mạnh lập luận này.
Do Zhang Dun thực hiện
Tâm An biên dịch
Xem thêm: