Tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc thấp nhất trong 1 năm, gia tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một năm trong quý thứ ba, bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung và bùng phát COVID-19 lác đác ở các nơi, làm gia tăng sức ép đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh khu vực bất động sản gia tăng căng thẳng.
Dữ liệu công bố hôm thứ Hai (18/10) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 4.9% trong giai đoạn tháng Bảy đến Chín, tốc độ thấp nhất kể từ quý 3 năm 2020 và chậm lại từ 7.9% trong quý 2.
Điều đó đánh dấu sự giảm tốc hơn nữa so với mức mở rộng 18.3% trong quý đầu tiên, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm được cải thiện rất nhiều do so sánh với mức rất thấp trong đợt sụt giảm do COVID gây ra vào đầu năm 2020.
Một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters đã dự đoán GDP sẽ tăng 5.2% trong quý thứ ba.
Dữ liệu cho thấy, tính theo hàng quý, tăng trưởng giảm xuống 0.2% trong giai đoạn tháng 7-9 từ mức đã điều chỉnh giảm trong quý thứ hai là 1.2%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi sau đại dịch nhưng sự phục hồi đang mất dần đi, bị đè nặng bởi hoạt động của các nhà máy chững lại, tiêu dùng thấp liên tục và lĩnh vực bất động sản chậm lại do chính sách hạn chế.
Ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế Á Châu tại Oxford Economics, cho biết: “Trước những con số tăng trưởng xấu mà chúng tôi dự tính trong những tháng tới, chúng tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện nhiều bước hơn để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm đảm bảo thanh khoản dồi dào trên thị trường liên ngân hàng, tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng và nới lỏng một số khía cạnh của chính sách tín dụng và bất động sản tổng thể.”
Những lo lắng toàn cầu về nguy cơ rủi ro tín dụng có thể lan truyền từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sang nền kinh tế rộng lớn hơn cũng gia tăng khi nhà phát triển bất động sản lớn China Evergrande Group phải vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
Các nguồn tin về chính sách và nhà phân tích cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lo sợ rằng bong bóng bất động sản dai dẳng có thể làm suy yếu sự đi lên lâu dài của đất nước, có khả năng duy trì các biện pháp hạn chế cứng rắn đối với lĩnh vực này ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng họ cũng có thể làm dịu một số chính sách chiến thuật khi cần thiết.
Hôm thứ Năm (15/10), Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết rằng Trung Quốc có nhiều công cụ để đối phó với những thách thức kinh tế bắt chấp tăng trưởng chậm lại và chính phủ tự tin đạt được các mục tiêu phát triển cả năm.
Các nhà phân tích do Reuters thăm dò dự kiến PBOC sẽ giữ nguyên tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng trong quý IV, trước khi đưa ra mức cắt giảm (lãi suất) 50 điểm cơ bản khác trong quý đầu tiên của năm 2022.
Sản lượng công nghiệp tháng Chín tăng 3.1% so với một năm trước đó, không đạt kỳ vọng và giảm so với mức 5.3% của tháng Tám. Doanh số bán lẻ tăng 4.4% trong tháng Chín, tăng từ 2.5% trong tháng Tám.
Kevin Yao thực hiện tại Reuters
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: