Tăng trưởng đáng thất vọng cho thấy lợi ích giảm dần của chính sách kích thích chi tiêu
Nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi với tốc độ 6.5% hàng năm trong quý 02/2021, và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện đã cao hơn mức trước đại dịch. Điều này nên được coi là một tin tốt, cho đến khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh của đợt kích thích tài chính và tiền tệ lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang mua 40 tỷ USD chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS) và 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng, và mức thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ vượt quá 2 ngàn tỷ USD, một điều rõ ràng là: Tác động giảm dần của các chương trình kích thích chi tiêu không chỉ đáng kinh ngạc, mà tác động ngày càng ngắn của các chương trình này cũng đáng báo động.
Con số GDP thậm chí còn tồi tệ hơn nếu xét theo kỳ vọng. Wall Street đã dự kiến mức tăng trưởng GDP là 8.5%, và hầu hết các nhà phân tích đã cắt giảm kỳ vọng của họ trong những tháng qua. Phần lớn các nhà phân tích đã chắc chắn rằng GDP thực tế sẽ dễ dàng vượt trội các ước tính được đồng thuận. Số liệu GDP đã công bố là rất thấp.
Vấn đề là gì?
Trong thời gian gần đây, các nhà kinh tế chính thống chỉ thảo luận về các ưu điểm của các kế hoạch kích thích chi tiêu dựa trên quy mô của các chương trình. Nếu có quy mô không lớn hơn 1 ngàn tỷ USD, thì thậm chí chương trình kích thích chi tiêu đó không đáng bàn. Chính phủ tiếp tục công bố các gói hàng ngàn tỷ dollar như thể bất kỳ sự tăng trưởng nào với bất kỳ giá nào cũng có thể được chấp nhận. Lãng phí bao nhiêu, những phần nào đang không có tác dụng, và quan trọng hơn, gói chi tiêu nào tạo ra lợi nhuận âm cho nền kinh tế là những vấn đề không hề được bàn thảo.
Nếu khu vực đồng euro tăng trưởng chậm hơn Hoa Kỳ, sự tăng trưởng chậm này luôn bị đổ lỗi do quy mô được cho là nhỏ hơn của các kế hoạch kích thích chi tiêu, ngay cả khi thực tế của các số liệu cho thấy không phải vậy, vì bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương Âu Châu lớn hơn nhiều so với bảng cân đối của Fed nếu tính tương đối theo GDP của mỗi nền kinh tế, và chuỗi kế hoạch kích thích tài khóa vô tận trong khu vực đồng tiền chung Âu Châu được ghi lại đầy đủ.
Tại Hoa Kỳ, chúng ta nên hết sức quan tâm đến tác động ngắn hạn và đang giảm dần của các kế hoạch kích thích chi tiêu đồ sộ. Ông Paul Ashworth tại Capital Economics cảnh báo rằng đây là bằng chứng bổ sung thêm cho thấy việc kích thích chi tiêu có hiệu quả thấp đáng ngạc nhiên, khi nói rằng “với tác động từ kích thích tài khóa đang suy yếu, giá cả tăng cao làm suy yếu sức mua, biến thể virus delta mất kiểm soát ở khu vực phía nam và tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn chúng tôi nghĩ, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ chậm lại ở mức 3.5% hàng năm trong nửa cuối năm nay.”
Hiện còn nhiều nghi vấn đối với cái gọi là sự bùng nổ tiêu dùng mà nhiều người mong đợi vào năm 2021 và 2022, sau khi mức tiết kiệm cao tăng lên trong thời gian phong tỏa.
Tiêu dùng thực tế có thể giảm trong tháng 05/2021 và tháng 06/2021, ước tính đồng thuận đã đưa ra các điều chỉnh giảm đối với dự báo tăng trưởng thu nhập, và dự báo tỷ lệ tiết kiệm đã giảm xuống 10.9% trong quý thứ hai, rất gần với mức trung bình theo xu hướng là 9%.
Hơn nữa, đầu tư vào nhà ở đã giảm 9.8% và chi tiêu phi quốc phòng của Liên bang giảm 10.4% (pdf) ngay cả khi có chi tiêu ngân sách [thâm hụt ngân sách] lớn.
Mức tăng 0.8% hàng tháng của các đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền hàng đầu trong tháng 06/2021 cũng nhỏ hơn rất nhiều so với dự báo đồng thuận. Nếu không tính đến giao thông, chỉ số còn tệ hơn, chỉ tăng 0.3% so với tháng trước đó (pdf).
Ngoài ra, lạm phát đang làm xói mòn sức mua của người dân và làm suy yếu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này, một lần nữa, là bằng chứng cho thấy các chính sách “chi tiêu bằng mọi giá” của trường phái Tân Keynes tạo ra một cơn sốt ép tăng trưởng rất ngắn hạn, sau đó là một dấu vết nợ dài hạn và tạo thành tình trạng doanh nghiệp xác sống. Mức tăng GDP hàng năm 6.5% đáng thất vọng này trong quý hai, thấp hơn nhiều so với mức [dự báo] đồng thuận 8.5%, thậm chí còn tệ hơn nếu xét đến quy mô đồ sộ của kích thích tài chính và tiền tệ, với sự sụt giảm đầu tư vào lĩnh vực địa ốc và lực cản lớn hơn từ hàng tồn kho.
Có điều gì đó rất sai khi GDP của Hoa Kỳ đang tăng ở mức 6.5% nhưng lương chỉ tăng ở mức 3.5% (pdf), với lạm phát ở mức 4% hàng năm và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ở mức 6%, số đơn xin trợ thất nghiệp hàng tuần ở mức 400,000, và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục là 3.3 triệu (pdf). Vào tháng 03/2020, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp là khoảng 220,000 một tuần.
Với những con số này, không có gì ngạc nhiên khi thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng vào tháng 07/2021 của Đại học Michigan đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 81.2, từ 85.5 vào tháng 06/2021, bởi cả chỉ số điều kiện kinh tế hiện tại và chỉ số kỳ vọng của người tiêu dùng, trong đó chỉ số đầu giảm từ 88.6 xuống 84.5, và chỉ số sau cho thấy một sự sụt giảm từ 83.5 xuống 79.0.
Mức tăng 0.6% của doanh số bán lẻ trong tháng 06/2021 là một sự sụt giảm thực (điều chỉnh theo lạm phát), do giá tiêu dùng tăng 0.9% (pdf). Ngoài ra, sự sụt giảm doanh số trong tháng 05/2021 đã được điều chỉnh xuống một con số thấp hơn, -1.7% so với -1.3% được công bố trước đó. Đây có phải là một nền kinh tế lành mạnh? Không.
Toàn bộ kế hoạch kích cầu không làm gì để cải thiện khả năng phục hồi việc làm hoặc tạo ra sự cải thiện kinh tế thực. Nền kinh tế thực sụp đổ do các đợt phong tỏa và đang phục hồi nhờ chương trình chích ngừa và mở cửa trở lại; hầu như tất cả phần còn lại của hàng ngàn tỷ dollar được chi cho các chương trình có vấn đề đều không tạo ra hiệu quả thực sự. Thậm chí, chúng ta có thể nói rằng các đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ là một nửa so với hiện tại trong điều kiện phục hồi bình thường, và sự can thiệp lớn của chính phủ thì đang làm chậm quá trình cải thiện.
Gần đây tôi đã thảo luận trong chuyên mục này rằng sự phục hồi sẽ mạnh hơn nếu không có sự kích thích chi tiêu lớn như vậy và nợ sẽ không tăng theo cấp số nhân. Điều không thể phủ nhận là chính phủ và các nhà kinh tế cần bắt đầu xem lại các chương trình kích thích chi tiêu này và theo dõi kết quả của chúng, chứ không chỉ thêm một số 0 nữa vào chương trình kích thích chi tiêu tiếp theo và hy vọng có được kết quả tốt nhất.
GDP quý đáng thất vọng cũng là một vấn đề đáng lo ngại vì đà giảm tốc có thể sẽ diễn ra đột ngột và để lại dấu vết nợ khó cắt giảm. Tuy nhiên, nếu các chính phủ có thể chi tiêu tất cả những gì họ muốn, họ sẽ luôn đổ lỗi kết quả yếu kém là do chi tiêu không đủ.
Lập luận này có nghĩa là lẽ ra không nên làm gì cả? Không. Để bảo đảm sự phục hồi mạnh mẽ và giảm lạm phát, chính phủ lẽ ra đã nên thực hiện các biện pháp từ phía cung, giảm thuế, và hỗ trợ tạo việc làm bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải mở rộng các chương trình liên bang không liên quan gì đến COVID-19 với cái cớ là vì đại dịch.
Đây là bằng chứng rõ ràng hơn rằng quý vị không thể in và chi tiêu thoải mái để đạt được sự thịnh vượng. Bài học rút ra là GDP và lạm phát phình to một cách giả tạo luôn làm tổn hại nền kinh tế về lâu dài, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, những người vừa mất sức mua vừa khó tiết kiệm.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Freedom or Equality” (“Tự Do hoặc Bình Đẳng”), “Escape from the Central Bank Trap” (“Thoát khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”) và “Life in the Financial Markets” (“Cuộc Sống trong Thị Trường Tài Chính”).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: