Tăng chi tiêu quân sự, Bắc Kinh yêu cầu quân đội giúp ‘duy trì sự ổn định’
Gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành một chỉ thị cho quân đội và cảnh sát vũ trang của Trung Quốc, yêu cầu toàn quân chuẩn bị cho chiến tranh và đồng thời, hỗ trợ các chính quyền địa phương “duy trì sự ổn định” bằng cách ứng phó những tình huống khẩn cấp một cách kịp thời.
Ngoài ra, năm nay, ngân sách quốc phòng dự kiến của Trung Quốc tăng 7.1% so với cùng kỳ năm ngoái — mức cao nhất trong ba năm.
Chiều ngày 07/03, ông Tập đã tham dự một cuộc họp toàn thể của các phái đoàn quân đội và cảnh sát vũ trang trong phiên họp thứ năm của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Toàn quốc lần thứ 13. Ngoài việc nhấn mạnh sự cần thiết phải “giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội”, ông Tập cũng yêu cầu toàn quân đẩy mạnh “chuẩn bị chiến tranh”, hỗ trợ duy trì ổn định xã hội ở địa phương, và hỗ trợ “ứng phó các tình huống khẩn cấp khác nhau” một cách kịp thời.
Hôm 05/03, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã đề nghị trong báo cáo công tác chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – Trung Cộng) rằng các nhiệm vụ kinh tế trong năm nay phải tuân thủ nguyên tắc “ưu tiên sự ổn định và cố gắng đạt được sự phát triển khi bảo đảm được sự ổn định.” Trong bản báo cáo dài 10,000 chữ này, từ “ổn định” đã được đề cập đến 81 lần, thế nhưng hoàn toàn không hề đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
“Ổn định” là nỗi lo canh cánh trong lòng ông Tập, người mà tại cuộc họp Bộ Chính trị tổ chức hôm 25/02, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì ổn định xã hội toàn diện” để bảo đảm “việc tổ chức suôn sẻ Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay.”
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một nhà bình luận chính trị về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 10/03 rằng, với việc vụ bê bối “Người phụ nữ bị xích cổ” ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô bị phơi bày, nỗi oán giận tích tụ đã lâu của người dân Trung Quốc đối với sự bạo ngược của ĐCSTQ có thể đang đạt đến điểm khủng hoảng. Yêu cầu hiếm thấy của ông Tập về việc quân đội trợ giúp chính quyền địa phương “duy trì sự ổn định” cho thấy đỉnh điểm của các cuộc khủng hoảng xã hội nhức nhối từ lâu ở Trung Quốc, trong đó nhà cầm quyền Trung Cộng đang ngồi trên đỉnh một ngọn núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Vụ bê bối trên bắt đầu lan truyền hôm 28/01, khi một video quay cảnh một phụ nữ trung niên bị xích cổ được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Được phát hiện tại một ngôi làng ở huyện Phong, thành phố Từ Châu, người phụ nữ này được cho là đã sinh tám người con. Rất có thể, bà đã bị đem bán và lạm dụng tình dục bởi viên cán bộ đảng ủy của làng và người được gọi là chồng của bà, anh trai, và cha của ông ta. Vụ việc này đã thu hút sự lên án mạnh mẽ từ dư luận.
Ông Lý cho biết ông Tập đã ban hành Quân Lệnh Số 1 vào đầu năm nay, nhấn mạnh rằng quân đội phải bảo vệ “thành công” Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Sau đó, tại hai phiên họp hồi tháng Ba, trong một hành động hiếm hoi, ông Tập yêu cầu quân đội hỗ trợ các chính quyền địa phương “duy trì sự ổn định”, thể hiện sức mạnh quân sự, và ngăn chặn các địch thủ chính trị. Rõ ràng, ông Tập đang kêu gọi quân đội bảo đảm một Đại hội Toàn quốc thành công trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng xã hội.
Chi tiêu quân sự tăng lên 230 tỷ USD
Theo dự thảo báo cáo ngân sách chính phủ do Bộ Tài chính Trung Quốc đệ trình hôm 05/03 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của nhà cầm quyền, thì ngân sách quân sự của ĐCSTQ trong năm nay là 1.45 ngàn tỷ NDT (khoảng 230 tỷ USD) — tăng 7.1% so với năm trước.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, tăng trưởng ngân sách quân sự của ĐCSTQ đã vượt quá 7%, mức tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm qua.
Chuyên gia quân sự Phó Tiền Tiêu (Fu Qianshao) của ĐCSTQ nói với kênh truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc rằng trong hai năm qua, mức tăng chi tiêu quân sự của ĐCSTQ “vẫn còn rất hạn chế”, và “mức tăng này không được coi là cao”. Ông Phó cũng phủ nhận mạnh mẽ rằng việc gia tăng chi tiêu quân sự có liên quan đến việc bùng nổ chiến tranh Nga-Ukraine.
Báo cáo công tác chính phủ của ĐCSTQ năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5.5%, có nghĩa là chi tiêu quân sự của Bắc Kinh sẽ cao hơn cả mức tăng trưởng GDP. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ chi tiêu quân sự thực tế của ĐCSTQ còn cao hơn nhiều so với con số được công bố chính thức.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một học giả tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, gần đây đã nói với The Epoch Times rằng một số tổ chức tư vấn quốc tế tin rằng chi tiêu quân sự được che giấu của ĐCSTQ có thể gấp 1.4 lần so với số liệu được công bố chính thức, vì việc mở rộng quân sự của ĐCSTQ là ưu tiên cao nhất. Ông Tô cho rằng kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần lên 206%. Các khoản chi tiêu quân sự này chủ yếu được sử dụng cho chi phí sinh hoạt của quân nhân, cho sửa chữa, bảo dưỡng, huấn luyện, và đầu tư vào trang thiết bị.
Ông Lý Chính Tu (Lee Cheng-hsiu), một chuyên gia quân sự tại bộ phận an ninh quốc gia thuộc Quỹ Chính sách Quốc gia Đài Loan, cũng nói với The Epoch Times rằng kinh phí quốc phòng của ĐCSTQ luôn không rõ ràng, trong đó nhiều mục chi tiêu bị che giấu khi ĐCSTQ phân bổ chúng ở những nơi khác nhau. Lấy ví dụ, kinh phí phát triển nghiên cứu của một trường đại học được sử dụng để nghiên cứu và phát triển thiết bị quân sự có thể được tính là tài trợ học thuật. Hơn nữa, chi tiêu của Trung Quốc cho việc duy trì ổn định xã hội là rất lớn, và một phần trong số đó có thể đã được sử dụng cho trang bị vũ khí.
Ông Lý tin rằng với việc cuộc chiến Nga-Ukraine đang phát triển thành một cuộc chiến tranh thế giới nửa vời, thì nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Eo biển Đài Loan càng ngày càng cao.
“Đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc. Chính quyền ĐCSTQ đang gặp khó khăn cả trong và ngoài nước, phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng quân sự, khủng hoảng ngoại giao, khủng hoảng kinh tế, và khủng hoảng xã hội. Tất cả những cuộc khủng hoảng này đều gắn bó mật thiết với cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ cấp cao nhất của ĐCSTQ, vốn đã trở nên gay gắt hơn trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20,” ông Lý nhận xét.
“Vào thời điểm nhạy cảm này, ĐCSTQ đã tăng chi tiêu quân sự lên rất nhiều. Ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội ‘đẩy mạnh chuẩn bị cho chiến tranh’. Điều này có nghĩa là ĐCSTQ đang công khai tuyên bố tham vọng quân sự toàn cầu của mình, và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng quân sự ở Eo biển Đài Loan. Điều này sẽ kích hoạt các nền dân chủ do Hoa Kỳ dẫn đầu bắt đầu một chiến dịch toàn diện để kiềm chế ĐCSTQ, bao gồm cả các hành động quân sự,” ông Lý kết luận.
Cô Jessica Mao là một tác giả của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: