Tân Đại sứ Hoa Kỳ phù hợp với thay đổi thế giới quan về Trung Quốc
Chính phủ Hoa Kỳ có quyền “mở rộng việc cung ứng vũ khí của chúng ta cho Đài Loan”, ông Nicholas Burns, ứng cử viên được Tổng thống Joe Biden đề cử vào vị trí Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết.
Trong phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện hôm 20/10, ông Burns đã đả động đến gần như tất cả các yếu điểm của Trung Quốc — những chủ đề khó chịu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) muốn thế giới ngừng hỏi về, bao gồm các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông, nguồn gốc của COVID-19, quốc phòng, và thương mại.
Ông Burns đi xa tới mức gọi việc sát hại và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”. Ông nói về các vụ lạm dụng ở Tây Tạng, cũng như các chiến thuật mạnh tay của Trung Cộng đối với Đài Loan, tuyên bố rằng tất cả những điều này phải dừng lại.
Trong năm năm qua, Liên minh Âu Châu và các quốc gia khác đã dần dần trở nên cứng rắn hơn trong lập trường về chế độ Trung Quốc. Nghị viện Âu Châu và các đồng minh khác đã lên án các hành động tàn bạo của Trung Cộng ở Tân Cương, những đe dọa quân sự đối với Đài Loan, và việc tước đi các quyền tự do ở Hồng Kông. Các đồng minh toàn cầu khác cũng đang yêu cầu điều tra về nguồn gốc của COVID-19, điều mà họ từng gọi là thuyết âm mưu của Dark Web.
Giờ đây, có vẻ như thông điệp của ông Burns về chế độ Trung Quốc như một “địch thủ nguy hiểm” có thể được thế giới đón nhận nhiều hơn. Đây là một tin tốt cho chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ sẽ không còn bị coi là “một mình một phách” khi đưa ra các quyết định đơn phương về ngăn chặn Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu này, ông Burns kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đồng minh của mình, bao gồm cả Âu Châu và Nhật Bản, để có đòn bẩy kinh tế thực sự chống lại Trung Quốc. Xây dựng các liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một mục tiêu khác, mà ông Burns xác định là rất quan trọng để chống lại chế độ Trung Quốc. Ông ca ngợi hiệp ước AUKUS và Bộ Tứ đã làm hồi sinh các mối bang giao của Hoa Kỳ với Úc và Ấn Độ, đồng thời củng cố hơn nữa các mối bang giao của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Anh Quốc.
Về quốc phòng, ông Burns ủng hộ việc duy trì sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Nhật Bản, Nam Hàn, và Guam như một phần của chiến lược Trung Quốc, một vị thế được các đồng minh của Hoa Kỳ là Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Ấn Độ, và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ủng hộ. Ông cũng cảnh báo về mối đe dọa từ việc Trung Quốc tích trữ vũ khí hạt nhân, vốn vi phạm cam kết mà Trung Cộng đã đưa ra để giảm thiểu kho dự trữ hạt nhân của họ. Mới đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẽ mở rộng trọng tâm của mình nhằm chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.
Thể hiện thái độ cứng rắn về thương mại, ông Burns nói rằng Hoa Kỳ nên yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới bắt đầu, các cường quốc thế giới đã cáo buộc Hoa Kỳ theo chủ nghĩa trọng thương. Họ chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump vì đã mở rộng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan liên bộ của liên bang, chuyên điều tra các thương vụ mua lại của ngoại quốc đối với các ngành công nghiệp nhạy cảm của Hoa Kỳ. Theo kết quả của các cuộc điều tra và khuyến nghị của CFIUS, chính phủ Tổng thống Trump đã chặn một số giao dịch mua lại lớn của các công ty Trung Quốc.
Chỉ vài năm sau, Nghị viện Âu Châu kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Người đứng đầu chính sách ngoại giao của Đảng Lao Động Anh Quốc Lisa Nandy đã kêu gọi tăng cường hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc, nói rằng Anh Quốc phải nhận thức được rủi ro mà Trung Cộng gây ra. Ngoài ra, chính phủ Hà Lan đã cấm các công ty Trung Quốc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Hà Lan.
Tuy nhiên, các hành động hướng tới các lệnh cấm đầu tư lớn hơn cho đầu tư từ Trung Quốc diễn ra trong khi các công ty Trung Quốc đang tham gia vào một dự án hạt nhân ở Anh Quốc. Tương tự, Hoa Kỳ đã cho phép một công ty Trung Quốc, có liên kết với Trung Cộng, mua một phần cổ phần lớn trong một mỏ khoáng sản đất hiếm và vận chuyển khoáng sản này về Trung Quốc để chế biến. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, EU, và Anh Quốc đã bày tỏ lo ngại về những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Điều này thể hiện một lĩnh vực nữa mà lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc có thể nhận được sự ủng hộ của quốc tế, và là nơi mà Hoa Kỳ và các đồng minh có thể hợp tác.
Phản ứng của Bắc Kinh đối với phiên điều trần xác nhận là như dự kiến. Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đáp lại những tuyên bố của ông Burns bằng một lời đe dọa bóng gió: “Chúng tôi khuyên ông Burns nên nhận thức sâu sắc về xu hướng chung của thế giới… tìm hiểu các tình huống thực tế… và tránh đánh giá thấp ý chí, quyết tâm, và năng lực mạnh mẽ của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi của họ”.
Theo ước tính của ông Burns, những hành động gây hấn gần đây nhất của chính quyền Trung Quốc đã khiến nước này bị xa lánh. Có vẻ như nhiều quốc gia đang hướng tới lập trường của Hoa Kỳ, giúp mở rộng không gian hợp tác và ngoại giao giữa các nền dân chủ.
Ông nói: “Chúng ta nên tự tin vào sức mạnh của mình” trong việc chống lại Trung Quốc. “Chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta xây dựng sức mạnh này của Hoa Kỳ xung quanh chính sách ngoại giao của chúng ta”.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: