Tân chiến tranh lạnh Hoa Kỳ-Trung Quốc đã và đang diễn ra
Hoa Kỳ và Trung Quốc hầu như đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới do ĐCSTQ châm ngòi. Trong năm nay, ĐCSTQ đã thực hiện ba hoạt động cho thấy nó là một mối đe dọa nguyên tử.
Đầu tiên là khi ĐCSTQ đưa tàu ngầm nguyên tử đến vùng biển của đảo Midway vào cuối tháng Giêng để tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng và kiểm tra tính toàn vẹn của Chuỗi đảo thứ ba. Chuỗi đảo này được xem là ranh giới chiến lược cuối cùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bắt đầu từ bờ biển Alaska đến Hawaii và sau đó là New Zealand.
Thứ hai là khi một cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ tuyên bố hồi tháng 3 rằng một tàu ngầm nguyên tử với khả năng tiến hành một cuộc tấn công chiến lược vào Hoa Kỳ đã xác định được một vị trí phóng an toàn ở Biển Đông, đặt Hoa Kỳ vào trong tầm tấn công của các mối đe dọa nguyên tử từ ĐCSTQ.
Sự việc thứ ba là vào cuối tháng 6, khi ĐCSTQ tuyên bố rằng Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou của họ, một đối thủ của GPS, đã hoàn tất. Nó sẽ cung cấp tầm nhìn cho các hỏa tiễn nguyên tử của ĐCSTQ và cho phép chúng thực hiện các cuộc tấn công chuẩn xác trên khắp Hoa Kỳ.
Sự kết hợp của ba mối đe dọa này tương đương với Cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba trong chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Ba mươi năm sau, Hoa Kỳ hiện phải đối mặt với mối đe dọa từ một cường quốc nguyên tử đỏ khác.
Hoa Kỳ – buộc phải tự vệ – đã bước vào một cuộc đối đầu toàn diện theo kiểu chiến tranh lạnh với ĐCSTQ.
Nước này bắt đầu phản ứng công khai vào tháng 7 và đã có bốn bài phát biểu quan trọng liên tiếp, trình bày chi tiết chính sách đối ngoại mới của mình đối với ĐCSTQ.
Một trang về quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua đã được lật sang. Kể từ bây giờ, Hoa Kỳ sẽ coi ĐCSTQ là đối thủ và thực hiện các biện pháp đối phó toàn diện để duy trì an ninh quốc gia, đồng thời làm suy yếu Bắc Kinh.
Cuộc đối đầu này đã thể hiện trên bốn lĩnh vực, theo thứ tự quan trọng, là quân sự, gián điệp, kinh tế và chính trị. Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô chỉ là một cuộc đối đầu trên mặt trận quân sự, và không có toàn cầu hóa kinh tế vào thời điểm đó.
Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay đang diễn ra trong thời kỳ toàn cầu hóa và Hoa Kỳ đã trải qua sự xâm nhập toàn diện của ĐCSTQ, tạo ra một thách thức cực kỳ khó khăn cho Hoa Kỳ.
Vào cuối tháng 9, đã có một cuộc đối đầu ngắn với tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc khi Hoa Kỳ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Kênh Bashi, ngay phía nam Đài Loan.
Hôm 02/10, trước khi Tổng thống Trump của Hoa Kỳ nhập viện do COVID-19, hai phi cơ chỉ huy nguyên tử Boeing E-6B Mercury (phi cơ ngày tận thế) của Hoa Kỳ đã được nhìn thấy trên không phận Hoa Kỳ, gửi đi một cảnh báo rõ ràng cho các đối thủ không nên hành động thiếu suy nghĩ.
Chiến lược toàn cầu của ĐCSTQ đã thâm nhập sâu rộng vào các quốc gia dân chủ.
Về hành vi của ĐCSTQ, tôi đã cảnh báo chính phủ Úc ngay từ năm 2003, nhưng không nhận được hồi đáp.
Cùng với việc không đề phòng ĐCSTQ, chính sách thỏa hiệp kéo dài hơn ba thập kỷ đã giúp đẩy mối đe dọa từ ĐCSTQ lên tầm cao toàn cầu.
Nếu tiếp tục chính sách để ĐCSTQ tự do phát triển và giàu có, thì không khó để tưởng tượng tương lai sẽ thảm hại và nguy hiểm như thế nào.
Toàn cầu hóa kinh tế đã dẫn đến những bước thụt lùi nghiêm trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, và nó cũng tạo cho ĐCSTQ khả năng thâm nhập mạnh mẽ để chống lại Hoa Kỳ.
Ngày nay, hoạt động của “trụ cột thứ năm” của ĐCSTQ ở Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác đang diễn ra mạnh mẽ và tràn lan, với sự hỗ trợ cả công lẫn tư từ những người nổi tiếng như Henry Kissinger và các nhà tài phiệt Wall Street, những người rất sẵn sàng theo phía ĐCSTQ.
Chắc chắn là cùng một loại người ở Úc đã làm công việc tương tự như Kissinger. Nhưng đây không phải là lúc để “nêu tên và làm xấu hổ” họ.
Hiện tại, vấn đề đáng chú ý nhất là khi nào Hoa Kỳ có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Chúng tôi mong đợi điều này xảy ra.
Tôi tha thiết hy vọng rằng Úc sẽ giúp đỡ Hoa Kỳ trong vấn đề đặc biệt này, và tích cực tìm cách tăng cường quan hệ với Đài Loan để giúp Đài Loan thoát khỏi sự cô lập về ngoại giao.
Miễn là Hoa Kỳ và Đài Loan có thể thiết lập quan hệ ngoại giao, điều này sẽ đẩy ĐCSTQ vào một cuộc khủng hoảng tổng hợp về ngoại giao lẫn chính trị, và làm suy yếu sự ủng hộ từ công chúng. Nếu lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phát động một cách trắng trợn cuộc chiến qua eo biển Đài Loan nhằm tạo ra một bước đột phá về chính trị, thì Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ có thể cùng nhau chống lại ĐCSTQ, và ĐCSTQ sẽ ngay lập tức bị đánh bại và sụp đổ.
Kết quả này sẽ buộc Trung Quốc phải trải qua sự thay đổi chính trị mạnh mẽ và quá trình dân chủ hóa sẽ được khởi động.
Tân chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ đang diễn ra trong hiện tại – không phải ở đâu đó trong tương lai.
Hoa Kỳ đang bị buộc phải tham chiến với ĐCSTQ nhưng họ phải tìm ra cơ hội chuẩn xác và lý do chính đáng. Có vẻ như Hoa Kỳ hiện đang mong muốn khôi phục quan hệ ngoại giao trước đây với Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), nhưng Đài Loan hiện cũng tỏ ra lo lắng.
Hoa Kỳ không muốn nổ súng trước; họ muốn ĐCSTQ bắn phát súng đầu tiên. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ có đủ tính hợp pháp để tham chiến với tư cách là bên tự vệ. Do vậy, việc Đài Loan và Hoa Kỳ thiết lập mối bang giao là cách tốt nhất để buộc ĐCSTQ phải nổ phát súng đầu tiên.
Nhưng Đài Loan cũng lo lắng. Mặc dù hiện giờ là thời điểm tốt nhất để Đài Loan khôi phục mối bang giao với Hoa Kỳ và có thể trở lại Liên Hiệp Quốc, nhưng chính phủ bà Thái Anh Văn rất thận trọng về việc liệu họ có thể chịu được cuộc tấn công phủ đầu của một chế độ đại lục ngày càng tuyệt vọng hay không. Cái giá của việc này, theo ước tính, có thể là sự thương vong của hàng trăm ngàn người.
Đội ngũ cố vấn gồm các chuyên gia về Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ luôn ủng hộ việc khôi phục mối bang giao với Đài Loan, để buộc Bắc Kinh phải nổ phát súng đầu tiên. Điều này sau đó sẽ cần sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc để giải quyết sự xâm lược đầy tham vọng của chế độ ĐCSTQ, một lần và mãi mãi.
Nếu ĐCSTQ của Tập Cận Bình có đánh giá sai lầm và không chịu phản ứng, khả năng thiết lập mối bang giao giữa Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ được tăng lên rất nhiều.
Tôi được biết rằng giáo sư Miles Yu, trưởng cố vấn về hoạch định chính sách đối với Trung Quốc cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã có một chuyến thăm nhỏ đến Đài Loan liên quan đến vấn đề này.
Do đó, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 không chỉ liên quan đến Hoa Kỳ mà còn liên quan nhiều hơn đến vận mệnh của thế giới.
Nếu TT Trump thắng, sự sụp đổ của Liên Xô ngày hôm qua sẽ là ngày mai của ĐCSTQ. Nếu ông Biden thắng, tôi tin rằng cuộc chiến tranh lạnh mới giữa ĐCSTQ và Hoa Kỳ rất có thể sẽ mất đà, và ĐCSTQ sẽ yên tâm và tiếp tục tiến bước để cuối cùng đánh bại Hoa Kỳ và thống trị thế giới.
Tôi hy vọng rằng Úc sẽ tiếp tục đứng vững với Hoa Kỳ để tham gia vào liên minh công lý của các nền dân chủ vào thời điểm quan trọng này trên chính trường quốc tế, cho đến khi chế độ ĐCSTQ bị đánh bại hoàn toàn và các chế độ dân chủ tiên tiến hơn (mặc dù còn sai sót) chiếm ưu thế.
Tiến sĩ Chin Jin tại Úc là chủ tịch toàn cầu của Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ. Nhóm này ủng hộ việc dân chủ hóa Trung Quốc thông qua việc phản đối ĐCSTQ và ủng hộ nhân quyền. Nhóm được thành lập sau cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.