Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P9)
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8
Âm Hán Việt
Viết Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Thử ngũ thường, Bất dung vấn.
Tạm dịch
Rằng: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín,
Ngũ thường này, không cho phép rối loạn.
Dịch nghĩa tham khảo
Nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, đây là năm phép tắc bất biến, là chuẩn tắc (nguyên tắc chuẩn mực) xử sự làm người. Tấm lòng ái nhân lợi vật (yêu quý con người làm lợi cho dân chúng) gọi là “Nhân”; chuyện chính đáng phù hợp lẽ phải gọi là “Nghĩa”; khiêm nhượng lễ độ gọi là “Lễ”; khả năng suy nghĩ thận trọng phân biệt rõ ràng gọi là “Trí”; thái độ và ngôn hành thành thật không lừa dối gọi là “Tín”. Mỗi cá nhân đều nên tuân thủ, không được phép làm rối loạn một chút nào.
Đọc sách luận bút
1. Đạo lý Nhân nghĩa Ngũ thường bây giờ ở đâu?
Bài trước nói về Ngũ hành, bài này sẽ nói về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, đây là năm yếu lĩnh lớn trong truyền thống làm người, đây chính là Ngũ thường trong “Tam cương Ngũ thường”, từng bị Trung Cộng hủy hoại thông qua các cuộc cách mạng, muốn người Trung Quốc chà đạp nó xuống đất, vĩnh viễn không thể ngóc đầu dậy. Người ta không biết Ngũ thường là như thế nào, sợ nó như ma quỷ, rắn độc. Vì bị Trung Cộng kiểm soát nên Tam Tự Kinh đã bị buộc phải rút khỏi chương trình giáo dục, thay thế bằng lý luận giai cấp đầy đấu tranh và hận thù.
Nói đến thật đau lòng, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, đều là đạo lý để làm người tốt, thế nhưng Trung Cộng đã loại bỏ năm chữ này, hỏi trẻ em hay thậm chí hỏi học sinh đại học thế nào gọi là Ngũ thường, hầu như không ai biết. Trẻ em không được tiếp xúc với năm chữ này, trong cuộc sống, trong sách giáo khoa đều không ai nhắc đến, ngày nay người lớn và trẻ em trên miệng chỉ có hai chữ danh lợi. Khi mệnh (mạng) của nền giáo dục truyền thống bị “cách” rồi [1], thì hậu quả chính là đạo đức bị bại hoại toàn diện. Do đó, chúng ta không thể không từ căn bản, một lần nữa bắt đầu từ giáo dục mầm non phục hưng lại văn hóa truyền thống.
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là cốt lõi của giáo dục Nho gia, dù trải qua mấy ngàn năm từ khi Khổng Tử khai sáng, dù là đời sau có xuất ra bao nhiêu luận thuật của các gia (phái), cốt lõi của nó cũng là năm chữ này. Mà cốt lõi của cốt lõi chính là hai chữ “Nhân Nghĩa”, là căn bản mà Khổng Tử đặt ra.
2. Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, đừng quên “Nhân Nghĩa” là gốc
“Nhân” (仁) và “nhân” (人), đồng âm và cũng đồng lý (giống về đạo lý), chữ “nhân” (仁) do chữ “nhân” (人) và chữ “nhị”(二) ghép thành, có nghĩa là khi người với người chung sống, phải thiện đãi với nhau, phải có tâm quý trọng bảo vệ, tâm nhân từ với con người. Triển khai ra rất là phong phú. Bởi vì con người chung sống với nhau, do thân phận, địa vị, lớn nhỏ khác nhau, mà nội dung cụ thể tất nhiên sẽ khác nhau, dù quan hệ giữa người với người có phức tạp đến đâu thì trên thực tế cũng chính là hai chữ “thiện đãi” (đối xử lương thiện). Ví dụ, lúc còn bé tiếp xúc với cha mẹ, anh chị em, ở vai trò cha mẹ mà nói, con cái là thế hệ sau, cha mẹ là bề trên, đối với con cái cần phải dưỡng dục, làm tròn trách nhiệm, cho con ăn mặc đầy đủ, chăm sóc bảo vệ khi ốm đau, chú ý an toàn, làm người gương mẫu, coi trọng giáo dục đạo đức, bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn, v.v, yêu thương và giáo dục về mọi mặt.
Con cái là thế hệ sau, phải biết ơn cha mẹ, thái độ cung kính, ngôn ngữ ôn hòa, đền đáp ân dưỡng dục của cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ hết đời, chăm sóc tận tâm để cha mẹ có thể an hưởng tuổi già.
Bởi vì đặc trưng then chốt nhất của mối quan hệ cha mẹ và con cái chính là trách nhiệm và cảm ân. Trách nhiệm của cha mẹ là sinh thành dưỡng dục con cái, đây là cái Thiện lớn nhất. Con cái có trách nhiệm cảm ân và báo đáp, luôn luôn mang lòng biết ơn, cung kính đối với cha mẹ, báo đáp đại ân mà cha mẹ đã vô tư phó xuất. Quan hệ gia đình là nền tảng của quan hệ xã hội, khi biết hiếu dễ thì cũng biết nhân ái và thiện đãi người khác thế nào, vì vậy ở ngoài xã hội, sẽ thấy rằng cấp trên cần coi trọng trách nhiệm đối với cấp dưới, quan tâm chăm sóc cấp dưới. Người làm quan cũng như cha mẹ của dân, phải chăm lo cho sự sinh tồn và cải thiện nếp sống đạo đức của dân chúng, trở thành tấm gương cho dân. Người dưới chủ yếu cần giữ thái độ khiêm tốn, cung kính và cảm ân. Đây là xã hội chính thường.
“Nghĩa” (義) thường gắn liền với các từ chính nghĩa, nghĩa vụ, nghĩa vô phản cố (làm việc nghĩa không chùn bước; việc nghĩa chẳng từ nan), nghĩa bất dung từ (việc nghĩa chẳng từ chối), xả thân thủ nghĩa (xả thân vì nghĩa), đại nghĩa diệt thân (vì nghĩa lớn quên tình nhà), v.v, chính là nói chiểu theo lẽ phải để làm người, xử lý sự việc. Tuyệt đối không được có bất cứ tư tình nào để xử lý công việc mà không phân rõ đúng sai. Bởi vậy “Nhân Nghĩa” hợp lại cùng nhau, trở thành nhân cách quy phạm hoàn mỹ không mang chút tư tình.
“Lễ” (禮) là biểu hiện hình thức cố định bên ngoài của “Nhân” (仁), thuận tiện biểu đạt tâm thiện ý của mình tốt hơn, vì vậy với thân thế, tuổi tác và trong các hoàn cảnh khác nhau thì ngôn hành lễ nghĩa cũng khác nhau.
Nói đến “Trí” (智), thật ra, trí tuệ lớn nhất ở tầng con người thời cổ đại là biết phân biệt đúng sai, để tự mình trước sau không lạc mất chính đạo, vì vậy mới có câu thành ngữ “đại trí nhược ngu” [2], “lợi lệnh trí hôn” (cái lợi làm tâm trí mờ tối) để khuyên can thế nhân, khôn vặt lại thành ra hại mình, người bất nhân, vì cái nhỏ mà đánh mất cái lớn, cho nên, thông minh quá sẽ bị thông minh hại. Không tham tài, biết đủ, thường có tâm khiêm tốn, cung kính và cảm ân, mới có thể phù hợp thiên đạo, cả đời bình an có phúc.
“Trí” (智) vẫn thuộc về phạm vi của “Nhân đức”.
Đến “Tín” (信), đây là từ mà thời hiện đại đề cập đến nhiều nhất, một người không uy tín thì sẽ mất lòng người, đương nhiên đây rõ ràng là người không tốt; người biết giữ chữ “Tín”, chí ít thì đó là người không làm hại bạn, cũng là người tốt, cũng ở phạm vi của “Nhân”, đây là yêu cầu thấp nhất của “Nhân”, cũng là yêu cầu thường gặp nhất trong giao tiếp xã hội, vì vậy nó được liệt kê sau cùng.
Trung Quốc thời xưa coi trọng sinh mệnh, lấy “Nhân Nghĩa” làm căn bản. Họ không ủng hộ chữ tín ngu trung (trung thành một cách mù quáng), không “trợ Trụ vi ngược” (trợ giúp kẻ xấu là điều trái với đạo lý), nếu đã hứa với người khác, hoặc toàn tâm toàn ý làm việc cho người khác, nhưng lại phát hiện ra việc làm đó là “thương thiên hại lý” (tổn hại thiên lý), làm hại người thì không thể làm, nhất thiết phải lấy “Nhân Nghĩa” làm gốc. Đây cũng là đạo lý Ngũ thường mà người Nhật Bản học từ Trung Quốc, nhưng khác với quan niệm cực đoan và nhỏ hẹp “Trung nghĩa thành tín” trong tinh thần võ sĩ đạo, họ không lấy “Nhân Nghĩa” làm trung tâm mà coi trọng “trung tín” (忠信), thế nên trong giới võ sĩ đạo Nhật Bản xuất hiện những hiện tượng tàn nhẫn, không trân quý sinh mệnh. Ngay cả vậy, mặc dù lý giải còn hạn chế về hai chữ “Lễ” và “Tín”, nhưng cũng đã mang lại lợi ích không nhỏ cho người Nhật Bản ngày nay. Còn ở Trung Quốc hôm nay thì ngay cả điểm này cũng không làm được. Họ coi thường sinh mệnh, tuyên truyền văn hoá đảng tranh đấu hận thù, bạo lực và dối trá khiến người ta thấy mà giật mình kinh sợ.
Câu chuyện “Kẻ bội tín quên nghĩa mất hết tất cả”
Ngu Phù là người bán sơn thuộc nước Việt thời Xuân Thu, cùng thời với Kế Nhiên và Phạm Lãi, anh không cam chịu sống đời nghèo khổ, nhìn thấy bạn bè nhờ buôn bán mà trở nên giàu có, nên cũng nóng lòng muốn thử sức. Đầu tiên anh tìm đến Kế Nhiên để thỉnh giáo cách làm giàu, Kế Nhiên nói với Ngu Phù: “Hiện nay nguồn tiêu thụ sơn rất tốt, sao anh lại không trồng cây sơn để lấy sơn đi mà bán?” Ngu Phù nghe xong trong lòng vui mừng, liền hỏi Kế Nhiên về kỹ thuật trồng sơn, Kế Nhiên trả lời cặn kẽ, kiên nhẫn chỉ bảo. Sau khi trở về nhà, Ngu Phù thức khuya dậy sớm cần cù làm việc, cuối cùng đã khai khẩn được một vườn sơn với quy mô rất lớn.
Sau ba năm cây sơn đã to lớn, Ngu Phù vô cùng vui mừng. Bởi vì nếu thu hoạch được hàng trăm thùng sơn thì có thể kiếm được rất nhiều tiền. Ngu Phù chuẩn bị chuyển những thùng sơn lấy được đến nước Ngô để bán, đúng lúc đó có anh vợ đến thăm và nói với Ngu Phù: “Anh thường đến nước Ngô buôn bán, nên biết được ở đó người ta bán sơn thế nào, nếu làm tốt thì có thể có lãi gấp mấy lần đấy!”
Ngu Phù nóng lòng phát tài, lại hỏi làm thế nào mới kiếm được nhiều tiền hơn, anh vợ Ngu Phù nói: “Ở nước Ngô, sơn bán rất dễ, ta nhìn thấy không ít người nấu lá cây sơn thành cao, rồi dùng cao đó trộn vào sơn để bán, như thế có thể lãi được gấp mấy lần đấy, mà người nước Ngô lại không phát hiện được.” Ngu Phù nghe xong, ngày đêm nhặt lá sơn để nấu cao, xong rồi vận chuyển cao và sơn đến nước Ngô.
Thời đó quan hệ nước Ngô và nước Việt vô cùng căng thẳng, không buôn bán qua lại được, nên sơn ở nước Ngô vô cùng hiếm. Lái buôn sơn ở nước Ngô nghe nói Ngô Phù mang sơn đến bán, họ rất vui mừng chạy cả ra ngoài thành để đón Ngu Phù, lại còn sắp xếp chỗ ăn ở cho anh. Tại chỗ trọ, các lái buôn sơn nước Ngô nhìn thấy sơn của Ngô Phù đúng là loại tốt, bèn thương lượng về giá cả, rồi dán niêm phong và hẹn ngày mai đến giao tiền lấy hàng.
Đợi những người buôn sơn rời khỏi, Ngu Phù tháo dỡ niêm phong, suốt đêm đổ cao sơn nấu sẵn vào trộn lẫn với sơn. Không ngờ do bận tay bận chân nên vẫn để lại dấu vết. Hôm sau, các lái buôn đến, họ phát hiện niêm phong trên thùng sơn có dấu vết bị bóc, họ trở nên nghi ngờ, rồi mượn cớ không đưa tiền và nói vài ngày sau sẽ quay lại.
Ngu Phù ở quán trọ đợi mấy ngày cũng chẳng hề thấy bóng dáng những người buôn sơn quay lại. Thời gian kéo dài, cao sơn bị trộn lẫn trong thùng sơn biến chất và hỏng. Kết quả, Ngu Phù không bán được sơn, cuối cùng phải đổ đi hết. Người buôn sơn nước Ngô nghe tin đều phê bình anh ta rằng: “Người làm buôn bán cần phải thành tín, chất lượng hàng hóa là không thể lừa người, hôm nay anh gặp tình cảnh này, liệu có ai còn thương hại anh chứ?”
Ngu Phù không còn tiền để trở về, đành ở nước Ngô ăn xin mà sống, lại thường bị người ta chế giễu, rồi vì khốn cùng chán nản mà chết nơi đất khách quê người.
Câu chuyện này nhắc nhở rằng thương nhân không thủ tín sẽ chịu hậu quả trực tiếp là mất đi lợi ích, cho nên nói, cho dù buôn bán để kiếm tiền cũng phải chú trọng đến tiêu chuẩn làm người thấp nhất, nếu không, mất đi thành tín liền mất tất cả. Thành tín là mạch sống quý giá nhất của thương nhân. Mặc dù đôi khi có thể gạt được người khác, giành được lợi ích nhất thời, nhưng cũng không thể lâu dài. Nhân nghĩa và lợi ích vốn là nhất thể, đạo lý này vô cùng quan trọng đối với con người hiện đại, vì ngày nay doanh nghiệp làm chủ xã hội. Xã hội Trung Quốc hiện nay đã mất đi thành tín một cách phổ biến, ai có thể giữ vững thành tín, thu được lòng cảm ân của dân chúng, thì sẽ trở thành vật báu hiếm thấy; còn hao tốn tâm lực tìm cách lừa tiền tài của người khác, được chút tiền mà đánh mất cả hai; chi bằng thu được lòng người, thu được tín nhiệm của dân chúng ấy mới là thông minh. Con đường làm giàu chính là đây.
Chú thích:
[1] Chữ cách trong “cách mạng” còn có nghĩa là cắt đứt, loại bỏ, như trong cách chức. Hiểu theo bề mặt chữ nghĩa, cách mạng còn có nghĩa là cắt mất cái mạng, tức là giết chết.
[2] Bậc đại trí trông giống như ngu dốt, ý tứ là người có trí tuệ cao thường rất khiêm tốn, không để lộ tài năng, thoạt nhìn lại có vẻ chất phác, chậm chạp, ngu ngơ.
Do Lưu Như Thực hiệnTheo Chanhkien.orgTham khảo bản gốc tại đây
Xem thêm: