Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P6)
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Nguyên văn
首 孝 弟 次 見 聞
知 某 數 識 某 文
一 而 十 十 而 百
百 而 千 千 而 萬
Tạm dịch
Hiếu thuận trước, tri thức sau.
Biết con số, hiểu được chữ.
Một tới mười, mười tới trăm,
Trăm tới ngàn, ngàn tới vạn.
Dịch nghĩa tham khảo
Làm người quan trọng nhất chính là trước tiên phải học tập đạo lý làm sao để hiếu kính cha mẹ, hòa thuận với anh em; tiếp đó là bắt đầu học tập tri thức trong sinh hoạt hằng ngày. Nội dung kiến thức trong sinh hoạt hằng ngày bao gồm khả năng hiểu rõ sự biến hóa của con số, hiểu được cách tính toán; đồng thời có thể học chữ, đọc văn chương.
Trung Quốc (và cả nước ta) áp dụng phương pháp tính toán thập phân. 1 là con số bắt đầu, 1 cho đến 10 là những con số cơ bản, tiếp sau là theo quy tắc nhân 10, 10 lần 10 là 100, 10 lần 100 là 1,000, 10 lần 1,000 là 1 vạn (tức 10,000). Như vậy cứ thế nhân lên vô cùng vô tận.
Đọc sách luận bút
Rất rõ ràng, hai câu đầu của bài này là tổng kết và nhấn mạnh ý bài trước, nêu rõ tầm quan trọng của việc hiếu kính cha mẹ và hòa thuận với anh em. Thật ra bài học trước là nói về ‘Đễ’ 悌, lấy câu chuyện Khổng Dung bốn tuổi mà đã biết nhường quả lê lớn cho anh để chủ yếu nhấn mạnh lòng cung kính yêu thương của người em nhỏ đối với anh mình. Chữ ‘đễ’ 悌 gồm hai chữ Đệ (弟) và Tâm (心) cấu thành. Ở bài trước có nói “Đễ vu trưởng Nghi tiên tri” rõ ràng nhấn mạnh ý tứ làm em phải cung kính đối với anh chị.
Bởi vì là một cá nhân thụ ân cha mẹ và anh chị, cho nên đầu tiên phải hiểu được một đạo lý, người xưa cho rằng khi cha mẹ không còn, anh cả sẽ đảm đương trách nhiệm người cha, chăm sóc cho em, câu “anh cả như cha” chính là biểu hiện của quan niệm này. Bề mặt câu này dường như chỉ nhấn mạnh tâm kính lễ trong thái độ của người làm em đối với anh, coi đó là yêu cầu đầu tiên và trọng yếu, nhưng trên thực tế nó tự nhiên chứa đựng đạo lý yêu thương kính trọng lẫn nhau. Vì người làm anh chăm sóc cho em trai của mình nói chung là một điều rất tự nhiên, bởi vì lớn tuổi hơn, chắn gió che mưa cho em là tự nhiên, đây là thiên tính, cho nên mới không cần nhấn mạnh chỗ này trước tiên.
Một cá nhân trước hết phải biết cảm ân những thân nhân chăm sóc mình, đó là yêu cầu cơ bản nhất và thấp nhất để sống trên đời. Nếu bạn có thể đạt được bước đầu tiên này, thì khi trải rộng tấm lòng này ra thiên hạ, hướng đến xã hội, hướng đến những người bình thường không thân thuộc, không có ơn nuôi dưỡng và chăm sóc mình, thậm chí cho tới cả những người xa lạ có địa vị thấp hơn bên cạnh mình, khi ấy sẽ thành người quân tử nhân nghĩa, nếu ra làm quan người ấy sẽ thương dân chúng. Đây cũng là lý do tại sao vua, bậc ‘đế vương’ được gọi là ‘quân’ (君),là hình mẫu của các bậc quân tử trong thiên hạ.
Là quân vương, trên nền tảng cơ bản là cái tâm ân nghĩa của hiếu đễ trong gia đình, ông có thể buông bỏ tự ái, khiêm cung mà tôn kính hậu đãi người tài đức, thậm chí còn buông bỏ tư tình, là một phẩm chất đạo đức và tu dưỡng còn cao hơn nữa, người như thế là bậc quân tử chân chính. Nhưng tất cả đều bắt đầu từ việc biết báo ân cha mẹ và anh chị. Thực ra, từ xưa Trung Quốc đã có câu nói “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm điều thiện hiếu là đầu tiên). Chữ ‘hiếu’ 孝 ấy là căn bản của căn bản làm người.
Vì vậy, bài học này nói rất rõ ràng, làm người trước tiên phải làm được hai chữ hiếu đễ, là thể hiện của việc biết cảm ân và làm người, là nền tảng làm người, hiểu được đạo lý căn bản, tiếp đó mới học các loại bản sự, hiểu rõ các loại kiến thức và kinh nghiệm, đó mới là chính đạo. Nếu không, có tài mà không có đức, thì chẳng phải dễ trở thành kẻ tiểu nhân phá hoại. Từ đầu tới cuối vẫn là nhấn mạnh tầm quan trọng của đức.
Câu chuyện về vua Thuấn
Theo câu chuyện truyền thuyết thời thượng cổ, Thuấn là một người vô cùng hiếu thuận. Cha của Thuấn bị mù, tên là Cổ Tẩu, mẹ của Thuấn qua đời từ khi Thuấn còn nhỏ. Sau đó, cha Thuấn lấy thêm một người vợ, chính là mẹ kế của Thuấn, tính tình của mẹ kế rất bất hảo, đối với Thuấn không những không thương yêu còn gây khó khăn đủ đường.
Không lâu sau, mẹ kế sinh được một người con trai và đặt tên là Tượng, cha và mẹ kế hết mực yêu chiều Tượng. Mặc dù thường ngày Thuấn rất hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương em trai, nhưng mẹ kế và em trai lại rất ghét Thuấn, còn cha Thuấn thì chỉ biết nghe theo phía hai mẹ con Tượng, không phân biệt đúng sai mà thường đánh mắng Thuấn.
Do sức khỏe của cha không tốt, lại thêm em trai còn nhỏ tuổi, cho nên khi Thuấn còn rất nhỏ đã làm ruộng một mình ở dưới chân núi Lịch Sơn để nuôi sống cả nhà. Theo truyền thuyết, vì tâm hiếu thảo của Thuấn làm cảm động Trời cao, nên ngay cả voi cũng đến giúp Thuấn làm ruộng, chim bay đến giúp nhổ cỏ. Dù vậy nhưng cha, mẹ kế và em trai vẫn không thích Thuấn, thường tìm cơ hội hãm hại ông, có ba lần suýt chút nữa là Thuấn đã mất mạng.
Thuấn cũng biết rõ cảnh ngộ của mình nên luôn luôn cẩn thận, do đó ông luôn nghĩ được cách tránh khỏi những lần hãm hại của họ, và cũng không để bụng chút nào. Ông không có chút oán hận nào về những chuyện xảy đến với mình, lặng lẽ chịu đựng những đối đãi bất công, ngược lại ông còn luôn nghĩ mọi cách để an ủi cha mẹ và làm cho họ vui vẻ. Bởi vì đức hạnh của Thuấn thực sự đáng quý, cho nên khi ông mới 20 tuổi mà thanh danh đại hiếu đã lan xa.
Về sau, khi vua Nghiêu hiền minh tìm người tài đức để kế vị, mọi người liên tiếp tiến cử Thuấn. Mặc dù vua Nghiêu nhận được lời tiến cử của chư hầu khắp nơi, nhưng vì thiên hạ bách tính, nên ông vẫn muốn đích thân thử thách Thuấn. Thế là vua Nghiêu bèn gả hai người con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn; lại còn để cho Thuấn qua lại tiếp xúc với chín người con trai của ông, đứng bên ngoài quan sát xem Thuấn đối đãi với vợ và chín người anh em hoàng gia ra sao, chính là khảo nghiệm về “Đễ” “悌”, về đức thuận thảo với anh em trong nhà.
Ngoài ra, vua Nghiêu còn để Thuấn lấy mỹ đức hiếu đễ dạy bảo cho bách tính, mọi người dân đều nghe theo mà không làm trái; Thuấn xử lý tất cả chính vụ đều vô cùng thỏa đáng, các quan đều phục tùng; vua Nghiêu lại ra lệnh cho Thuấn tiếp đãi chư hầu bốn phương đến triều đình diện kiến, các chư hầu đều cung kính nghe theo Thuấn. Cuối cùng, vua Nghiêu sai Thuấn bảo vệ rừng núi, mặc dù trong rừng núi Thuấn gặp phải mưa to gió lớn nhưng vẫn có thể phân rõ phương hướng, không bị lạc đường.
Cuối cùng, vua Nghiêu thấy được Thuấn là người có đức hạnh cao thượng và trí tuệ phi phàm, liền nhường ngôi vua lại cho Thuấn.
Đạo hiếu của ông là ‘dĩ đức báo oán’, vô tư vô hối (không vì mình không hối hận), đã thể hiện được đức đại hiếu. Cha mẹ yêu ta, nói hiếu kính cũng không khó, nhưng cha mẹ chán ghét ta, ngược đãi ta, thậm chí hại mệnh ta, hay như đối đãi với người mẹ kế không có quan hệ máu mủ, mà vẫn không mang ý đối địch, chí khí cao như thế, chính là để lưu lại cho dân tộc Trung Hoa phong phạm của bậc quân tử và truyền thống lấy hiếu trị quốc.
Vì vậy, câu chuyện về vua Thuấn thời thượng cổ ở trên đây, cho thấy đạo lý làm người mà Nho gia giảng, đạo lý ‘trì gia trị quốc’ (tề gia trị quốc), đạo lý ‘dĩ hiếu trị quốc’ (lấy hiếu trị quốc), đều xuất phát từ sự hướng dẫn và giáo hóa của các bậc thánh vương thời thượng cổ, chứ không phải bản thân Nho gia bỗng nhiên mà có. Hơn nữa kính trọng người trên thế nào, đối đãi người dưới ra sao, đã nói rất rõ ràng, rất toàn diện, đối đãi bất công thì dĩ đức báo oán, đối đãi với em mình thì hết lòng chăm sóc. Điều được nhấn mạnh ở đây là ý chí và trách nhiệm vô tư to lớn, chứ không phải thứ tình riêng hẹp hòi ‘người tốt với ta, thì ta mới tốt với người’.
Đối với con cái mà nói, khác với bài học trước chủ yếu nhấn mạnh kính ý và cảm ân của con, em đối với cha mẹ và anh chị, bài học này lại là câu chuyện mẫu mực và đáng tham khảo về cách làm người anh, người chị.
Tác giả: Lưu Như Theo Chanhkien.orgVui lòng xem bản gốc tại đây
Xem thêm: