Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.12): Câu chuyện ‘Tình huynh đệ’
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11
Nguyên văn
高曾祖 父而身 身而子 子而孫
自子孫 至玄曾 乃九族 人之倫
父子恩 夫婦從 兄則友 弟則恭
長幼序 友與朋 君則敬 臣則忠
此十義 人所同
Âm Hán Việt
Cao tằng tổ, Phụ nhi thân,
Thân nhi tử, Tử nhi tôn
Tự tử tôn, Chí huyền tằng,
Nãi cửu tộc, Nhân chi luân.
Phụ tử ân, Phu phụ tòng,
Huynh tắc hữu, Đệ tắc cung,
Trưởng ấu tự, Hữu dữ bằng,
Quân tắc kính, Thần tắc trung,
Thử thập nghĩa, Nhân sở đồng.
Tạm dịch
Ông Sơ, Cố, Nội, Cha tới mình
Mình tới con, con tới cháu
Từ con cháu đến chắt chít
Chín thế hệ này là thứ bậc luân thường của con người.
Cha con có ơn, vợ chồng theo nhau,
Anh thì thuận thảo, em thì cung kính,
Lớn nhỏ có thứ bậc, bạn bè ngang nhau,
Vua thì tôn kính, tôi thì trung thành,
Mười nghĩa này, mỗi người đều nên thực hiện.
Dịch nghĩa tham khảo
Cao tằng tổ (ông Sơ) sinh ra tằng tổ phụ (ông Cố), tằng tổ phụ sinh ra tổ phụ (ông Nội), tổ phụ sinh phụ thân (Cha), phụ thân sinh ra chúng ta, chúng ta sinh ra con, con sinh ra cháu, cứ như thế từng đời nối tiếp nhau phát triển.
Người xưa gọi là Cửu tộc tức là từ ông Sơ, ông Cố, ông Nội, Cha, bản thân mình, con, cháu, chắt, chít. Bao gồm bốn thế hệ phía trên và bốn thế hệ phía dưới mình, có quan hệ huyết thống và thân thiết nhất với mình. Cửu tộc đại biểu cho mối quan hệ và trật tự già trẻ lớn bé tôn ti của nhân loại.
Giữa cha con với nhau cần có ân tình, cha đối với con phải từ ái, con đối với cha phải hiếu thuận. Giữa vợ chồng cần phải thông cảm tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa thuận, không rời không bỏ, luôn bên nhau. Còn giữa anh chị em với nhau, làm anh chị cần phải yêu thương chăm sóc em, làm em cũng cần phải cung kính với anh chị. Quan hệ trên dưới cần phải phân biệt rạch ròi, bạn bè chung sống cũng phải thành thật và tin tưởng nhau. Vua tôn trọng bề tôi, lấy lễ mà đối đãi, thì bề tôi tự nhiên cũng sẽ nhất mực trung thành không dám hai lòng. Đây là mười nghĩa lý (Thập nghĩa) làm người mỗi cá nhân đều phải tuân thủ thi hành.
Đọc sách luận bút
Rõ ràng, bài học này nói về Cửu tộc và Thập nghĩa. Cửu tộc, là lấy bản thân là trung tâm, trên dưới 8 thế hệ cùng huyết thống, cộng với thế hệ chính mình, đó là chín thế hệ họ hàng trực hệ, nên được gọi là Cửu tộc. Người xưa dạy con cái về mối quan hệ Cửu tộc này chính là muốn con trẻ ngay từ nhỏ phải biết tôn kính tổ tiên, quan tâm đến con cháu, cho nên kính già yêu trẻ là đạo lý làm người cơ bản nhất định phải hiểu khi còn nhỏ.
Sau Cửu tộc là nói đến mười đạo nghĩa chủ yếu của thân phận làm người. Với các mối quan hệ cha-con, vợ-chồng, anh-em, bạn bè, người lớn tuổi – người nhỏ tuổi, vua-tôi mà trình bày ra đạo lý làm người với 10 loại thân phận khác nhau cần phải tuân theo. Bạn bè, người lớn tuổi – người nhỏ tuổi, chủ yếu nói nhắm vào mối quan hệ trong xã hội. Làm cha có bổn phận và nghĩa vụ của người cha, làm con có nghĩa vụ của người con là phụng dưỡng cha mình, báo đáp ân nghĩa; vợ chồng và anh em cũng vậy. Trong gia đình ai cũng biết cần phải làm như thế nào, chiếu theo thân phận của mình mà hành xử. Như vậy khi ra ngoài, trong quan hệ với người lớn tuổi hơn hay người nhỏ tuổi hơn, quan hệ vua-tôi hay bạn bè cũng đều biết cách đối nhân xử thế như thế nào. Lớn nhỏ cao thấp (tôn ti), chính là chỉ mối quan hệ chức vị trên dưới và vai vế khác nhau, mỗi người tuân theo bổn phận và nghĩa vụ của mình mà thực hiện đạo lý thiện đãi người khác. Ti (thấp) ở đây không có nghĩa là ti tiện (hèn mọn), mà ý tứ là hết sức tuân theo lễ nghi và thuận theo chức trách của cấp dưới và người nhỏ tuổi hơn mà làm người.
Câu chuyện “Tình huynh đệ”
Triều Hán có một người tên Triệu Hiếu, tên chữ là Thường Bình, hai anh em đều rất yêu thương nhau.
Có một năm bị mất mùa, nạn đói khắp nơi. Một nhóm cướp đã chiếm cứ vùng núi Nghi Thu. Một hôm, bọn cướp bắt được Triệu Lễ và chúng muốn ăn thịt anh. Triệu Hiếu chạy đến sào huyệt của bọn cướp, van xin: “Triệu Lễ đang bị bệnh, người lại gầy nữa nên ăn thịt sẽ không ngon. Tôi còn có chút da chút thịt, tôi sẽ thay em trai mình để cho các ông ăn thịt”. Triệu Lễ không chịu, liền nói: “Em bị họ bắt, em chết cũng là số của em, còn anh thì có tội tình gì chứ?” Hai anh em ôm nhau khóc lớn. Bọn cướp bị hai anh em Triệu Hiếu và Triệu Lễ làm cảm động, cuối cùng chúng đã thả họ ra.
Chuyện này về sau truyền đến tai hoàng đế, ông liền hạ chiếu thư phong quan cho cả hai anh em họ. Câu chuyện xưa này chính là nói đến đạo Đễ (悌), huynh hữu đệ cung (anh hữu hảo, em cung kính), anh cho rằng yêu quý bảo hộ em, là trách nhiệm của người anh; em thì rất cảm kích anh, nguyện ý cam chịu vận mệnh, không liên lụy đến anh của mình, đây cũng là tình nghĩa kính yêu anh. Hai bên đều biết quan tâm đến nhau, không có tư tâm, làm cảm động lòng người.
Câu chuyện “Lưu Bị ba lần mời Gia Cát Lượng”
Thời Tam Quốc, Thục vương Lưu Bị vì muốn khôi phục lại nhà Hán nên đã đi khắp nơi tìm kiếm nhân tài. Khi ông nghe nói Gia Cát Lượng là người tinh thông binh pháp, trí tuệ hơn người, nên ông dẫn Quan Vũ và Trương Phi đến Nam Dương để mời Gia Cát Lượng xuống núi giúp mình. Họ đi suốt đêm để đến Nam Dương, đúng lúc Gia Cát Lượng vừa có chuyến đi xa không còn ở nhà, ba anh em Lưu bị đành buồn bã trở về.
Không lâu sau, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về Nam Dương, trong lòng vui mừng, mặc cho trời đang có tuyết lớn ông vẫn cùng Quan Vũ và Trương Phi đi đến Nam Dương. Khi họ đến trước cổng nhà Gia Cát Lượng, người hầu liền nói rằng: “Tối qua tiên sinh lại có việc nên đi ra ngoài rồi”. Cả hai lần đều không mời được Gia Cát Lượng nên Quan Vũ và Trương Phi cảm thấy không thể kiên nhẫn được nữa, nhưng Lưu Bị lại không hề nản lòng.
Vài ngày sau, họ đến nhà tranh của Gia Cát Lượng lần thứ ba. Người hầu nói với họ: “Chủ nhân đang ngủ”. Quan Vũ và Trương Phi muốn lập tức gọi Gia Cát Lượng dậy, nhưng Lưu Bị không muốn thế mà lại lặng lẽ ở bên ngoài đợi. Lúc này lại đúng vào thời gian lạnh nhất trong năm, tuyết lớn làm cái rét như cắt da cắt thịt, ba anh em Lưu Bị lạnh đến cóng người. Quan Vũ và Trương Phi đã không thể nhẫn chịu được nữa, nhưng Lưu Bị vẫn im lặng chờ đợi không nói lời nào. Một lúc sau, Gia Cát Lượng thức dậy, ông vô cùng cảm động khi nghe nói ba anh em Lưu Bị đã đợi rất lâu ở ngoài, ông mời ba người họ vào nhà cùng bàn chuyện quốc gia đại sự.
Lưu Bị thấy kiến giải sâu sắc của Gia Cát Lượng thì mười phần bội phục, Gia Cát Lượng vì cảm kích thành ý và ân tri ngộ (sự trọng dụng nhân tài) của Lưu Bị, vì thế ông đã đồng ý phò tá Lưu Bị thành tựu đại nghiệp. Thậm chí khi Lưu Bị qua đời, nhận lời ủy thác của Lưu Bị, ông tiếp tục phò tá con trai Lưu Bị là Lưu Thiền, cuối cùng vất vả quá mức mà mất, thật đúng là “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ.” (Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi).
Lưu Bị là quân chủ tôn quý, nhưng lại có thể dùng lễ đối đãi hiền sĩ, lấy lòng nhân thiện đối đãi người khác, tấm lòng thành ý yêu chuộng nhân tài. Gia Cát Lượng là bề tôi dưới thấp, nhận được sự tôn trọng và yêu mến của quân chủ, vì cảm ân tri ngộ, cam tâm tình nguyện phò tá quân vương, trung thành báo đáp. Đây cũng là một ví dụ mẫu mực về mối quan hệ thượng hạ tôn ti (trên dưới cao thấp) của quân thần (vua tôi) trong việc làm người.
Do Lưu Như thực hiệnTheo Chanhkien.org
Xem thêm: