Tâm sinh tướng, tướng sinh mệnh
“Tướng do tâm sinh” là quan niệm trong văn hóa Thần truyền, cả trong Phật giáo lẫn Đạo giáo, dẫu trải qua ngàn năm vẫn còn giá trị.
“Tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài; “Tâm” là phẩm chất bên trong; “Tâm” thế nào thì “Tướng” thế nấy; “Tướng” là tùy theo “Tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tùy tâm chuyển”, “tướng tùy tâm sinh”.
Cũng có thể coi “Tâm” là nhân của “Tướng”, “Tướng” là quả của “Tâm”.
Tướng mạo của một người là sự kết hợp giữa “hình” và “thần”
Hình là dung mạo có từ khi sinh ra. Thần thái quyết định bởi quá trình tu dưỡng. Từng ý từng niệm thể hiện trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người, qua năm tháng đều ngưng tụ trên gương mặt của họ, gọi là “những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài”.
Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu tâm bình hòa yên tĩnh, lòng thanh thản bao dung, quang minh chính đại, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, thân thể sẽ khỏe mạnh, nét mặt nhờ đó bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác nhìn vào cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà việc giao tiếp thân thiện, vui vẻ.
Tuân Tử cho rằng: “Tướng hình không bằng tướng tâm, luận tâm không bằng luận đức.” Trong cuốn sách tướng thuật ảnh hưởng nhất thời cổ đại “Thái thanh thần giám” bàn về đức như sau: “Lấy đức làm đầu, biểu hiện trong hành động”, “Đức có trước hình, hình có sau đức”, “Bỏ ác theo thiện, trừ nạn tránh hung”.
Thiện-Ác do mình, tướng do tâm sinh
Truyện kể rằng, ở Sơn Đông có một người thợ điêu khắc rất giỏi, đặc biệt có sở trường khắc họa hình yêu ma quỷ quái. Ngày tháng trôi qua, công việc làm ăn cũng ngày càng phát đạt giúp anh kiếm được rất nhiều tiền. Tuy vậy anh ta vô cùng buồn phiền vì dung mạo xấu xí.
Thấy vị thiền sư trong vùng, dung mạo vô cùng đẹp, anh ta bèn tìm đến bày tỏ nỗi mặc cảm trong lòng, xin thiền sư chỉ giúp làm sao để cải biến dung mạo bất thiện của mình.
Thiền sư nói: “Được, nhưng trước tiên anh hãy điêu khắc cho ta 100 pho tượng Phật, sau khi làm xong thì sẽ có cách hóa giải nỗi khổ tâm của anh.”
Thế là anh ta đi thăm tất cả các ngôi chùa trong vùng, quan sát kỹ lưỡng thần thái biểu cảm của từng bức tượng; sau đó về nhà chuyên tâm vào việc điêu khắc. Hơn năm sau, anh đã điêu khắc xong 100 pho tượng Phật mà thiền sư yêu cầu; pho tượng nào cũng trang nghiêm và toát lên vẻ từ bi, thiện lương, bao dung.
Lúc này, người thợ thủ công cũng bất ngờ phát hiện tướng mạo của anh đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Hóa ra, trong hơn một năm miệt mài điêu khắc tượng, anh đã dồn hết tâm sức cảm nhận và biểu hiện cho bằng được thần thái trang nghiêm, từ bi, thánh thiện của những tượng Phật. Thiện tâm trong anh khi dành toàn tâm toàn ý làm các bức tượng đó đã khiến thần thái của anh thay đổi theo. Anh bỗng tỉnh ngộ ra – đó chính là cách mà vị thiền sư giúp anh thay đổi diện mạo, chứ không phải đợi đến khi hoàn tất công việc mới chỉ cách cho anh.
Từ tướng biết tâm, từ tâm biết mệnh
Cổ nhân thường nói: “Tướng tự tâm sinh”, ý là tướng mạo của một người sẽ thay đổi tùy theo ý niệm thiện ác trong tâm của họ. Phúc tướng, thực ra chính là từ tâm hướng thiện lâu ngày tạo ra, vì thiện hữu thiện báo, tâm thiện, hành thiện có phúc tướng, đắc phúc báo.
Tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu dưỡng tâm tính của một người trong đời.
Người có khuôn mặt hung ác nếu biết khởi tâm từ bi, nuôi dưỡng thiện quả thì tướng xấu đó chẳng bao lâu sẽ trở thành tướng tốt, vận hung cũng hóa cát tường. Ngược lại, người có gương mặt phúc hậu mà không biết hành thiện tích đức, trong tâm thường khởi dục vọng tham lam, oán hận thì phúc tướng cũng sẽ dần tiêu tan. Trong thế gian luôn lưu truyền câu nói rằng: Tâm sinh tướng, tướng sinh mệnh.
Xưa có hai anh xem sinh đôi là Cao Hiếu Tiêu và Cao Hiếu Tích, cử chỉ lời nói và tài trí thông minh đều giống nhau như chỉ là một người. Đạo sĩ Trần Hi Di sau khi xem tướng mạo hai người, nói: “Hai người có lông mày xanh và đôi mắt đẹp đều là người có trong danh sách đỗ đạt. Huống hồ ánh mắt các ngươi bây giờ màu sắc rực rỡ, tất sẽ đỗ đạt cao.”
Đến kỳ thi Hương, hai anh em liền cùng nhau vào Kinh Thành, sống nhờ tại nhà một người thân thích. Hàng xóm có một quả phụ trẻ tuổi xinh đẹp. Cao Hiếu Tiêu một lòng dốc lòng cầu học tâm không động. Cao Hiếu Tích không cầm lòng được, nên tư thông cùng thiếu phụ kia. Sau đó bị người khác phát giác, quả phụ xấu hổ quá nhảy sông tự vẫn.
Kỳ thi mùa thu kết thúc, Trần Hi Di nhìn hai người họ, kinh ngạc nói: “Tướng mạo hai anh em các người thay đổi rất lớn. Lông mày Hiếu Tiêu màu tím, ánh mắt sáng ngời, nhất định là đỗ cao. Mà lông mày Hiếu Tích có thay đổi, hai con ngươi phù, sống mũi ngắn mà đen, thần sắc chán nản tiều tụy, khí lạnh mà tán, đây nhất định là do làm tổn hại đạo đức mà khiến tướng mạo thay đổi. Cuộc thi này chẳng những không đậu, ngược lại có dấu hiệu chết sớm.”
Sau khi yết bảng, Cao Hiếu Tích thi rớt, hậm hực mà chết. Cao Hiếu Tiêu trở thành quan lớn, thanh danh hiển hách, con cháu đông đúc.
Trần Hi Di bởi vậy cảm thán: “Nhìn ra tướng mạo một người là dễ dàng! Nhưng vận mệnh một người lại không dễ mà đoán chuẩn xác được, bởi vì mệnh là Trời định, tướng do hành vi của con người tạo nên. Nếu có thể thuận theo Thiên ý, hòa hợp sự việc với người, ắt đời đời hưng vượng.”
Người có 36 loại “tâm tướng”
Tâm mới là điều then chốt quyết định tướng mạo của một người, vậy nên mới có câu: xem tướng không bằng xem tâm. Người có 36 loại “tâm tướng” này, thì sớm muộn cũng được hưởng phúc báo:
- Biết rõ làm quan sẽ vất vả cực nhọc, nhưng lại nguyện ý vì dân mà làm quan để phục vụ nhân dân.
- Làm việc có tình có lý, cẩn thận.
- Yêu thích làm việc thiện, gần gũi người quân tử.
- Có đồ ăn ngon đều chia cho mọi người.
- Xa lánh kẻ tiểu nhân.
- Thường xuyên tích âm đức, giúp đỡ người khốn khó.
- Từ nhỏ đã có thể giúp đỡ làm việc nhà.
- Gặp người ăn xin không sinh lòng chán ghét.
- Khắc chế bản thân, nhường ích lợi cho người khác.
- Không thích sát sinh, không xúi giục làm việc xấu.
- Khi gặp chuyện, tâm luôn an tĩnh, không rối loạn.
- Cùng người hứa hẹn, không mất chữ tín.
- Không dễ dàng thay đổi hành vi và phẩm hạnh.
- Trước khi đi ngủ thường tĩnh tâm tự xét những sai lầm của mình.
- Dũng cảm tiến lên, không bận tâm chuyện đã qua, cũng không vì chuyện đã qua mà đắc chí.
- Không khiến cho người khác sinh ra lòng oán hận.
- Không che đậy sai trái, không giấu diếm thiếu sót của mình.
- Thái độ làm việc chu toàn, cẩn thận.
- Luôn ghi nhớ ơn nghĩa, sự giúp đỡ của người khác.
- Có tấm lòng rộng lớn.
- Không ức hiếp người hiền, không run sợ trước cái ác.
- Thương xót, giúp đỡ những người bơ vơ, nghèo khó.
- Không trợ giúp những kẻ ỷ mạnh bắt nạt kẻ yếu.
- Không quên bạn cũ tình xưa.
- Làm những việc có ích cho dân chúng, xã hội.
- Lời nói chân thành, ngay thẳng.
- Cảm thấy hổ thẹn khi được người khác khen ngợi.
- Nói năng nhã nhặn, âm thanh nhẹ nhàng dễ nghe.
- Khi những người khác đang nói, không ngắt lời.
- Thường nói về những điều tốt đẹp và khen ngợi ưu điểm của người khác.
- Không chê áo thô cơm dở.
- Lúc nào, ở đâu cũng cử xử thỏa đáng, đúng mực.
- Thích nghe điều thiện, nói việc thiện, không ngại làm việc thiện.
- Hiểu và đồng cảm với sự cực khổ, đói khát của người khác, thường xuyên cứu tế, trợ giúp.
- Không ghi nhớ lỗi lầm và hiềm khích trước đây của người khác.
- Hết sức giúp đỡ khi bạn cũ gặp khó khăn.
‘Người ta là hoa đất’ – con người là tinh hoa của trời đất, tự trong sinh mệnh đã đồng hóa với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ. Bất luận phúc báo nào đều là có căn nguyên, giống như tài phú sẽ đến từ việc năng làm từ thiện, sự tôn quý đến từ sự khiêm nhường, dung mạo xinh đẹp sẽ đến từ tính ôn hòa thuần thiện … Vậy nên cổ nhân mới có câu “Tâm sinh tướng”.
Lam Khanh
Xem thêm: