Để trẻ học tốt nhất (Phần 3): Tầm quan trọng của âm nhạc đối với trẻ em
Loạt bài về ‘Để trẻ học tốt nhất’ được viết bởi bà Pat Kozyra, một giáo viên người Canada có kinh nghiệm dạy học hơn 50 năm. Trong loạt bài này, bà sẽ đề cập đến một loạt các chủ đề có thể được cả phụ huynh và giáo viên quan tâm. Các chủ đề bao gồm: Phong cách học tập của trẻ em, Đa trí thông minh, Tầm quan trọng của Âm nhạc, Tầm quan trọng của Vui chơi và các chủ đề khác.
Bà Pat đã dạy các lớp tiểu học, thanh nhạc, nghệ thuật, và giáo dục năng khiếu. Bà cũng đã từng là điều phối viên mầm non, giáo viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và đã giảng các khóa học về Giáo dục Đặc biệt tại Đại học Lakehead ở Thunder Bay, Ontario, Canada.
Bà đã từng là khách mời nhiều lần của chương trình phát thanh ở Hồng Kông dựa trên các chủ đề trong cuốn sách của bà “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho phụ huynh và giáo viên”.
Phần 1: Làm thế nào để trẻ học tốt nhất?
Phần 2: Sự đa dạng của trí thông minh
Trong bất kỳ chương trình giáo dục mẫu giáo nào, âm nhạc luôn chiếm một phần rất lớn, nhưng ngày nay với ngân sách eo hẹp, thật không may có trường học đã cắt giảm hoặc thậm chí bỏ các môn học âm nhạc. Món quà âm nhạc là một trong những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho trẻ em.
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa của chúng ta. Âm nhạc đã hiện diện khắp mọi nơi từ thuở ban sơ: Tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, tiếng lửa tí tách, tiếng mưa rơi rào rạt, tiếng gáy độc tấu vào buổi sáng của chú gà trống, điệp khúc của những cô gà mái đang ấp trứng, tiếng thì thầm của những cơn gió nhẹ nhàng, và một âm thanh có lẽ được yêu thích đối với nhiều người đó là tiếng sóng biển dạt vào bãi cát.
Âm nhạc kích thích tư duy và mở ra một lối sáng tạo cho trẻ em để chúng có thể thể hiện cá tính của mình theo nhiều cách. Âm nhạc giúp ta khởi dậy tinh thần mà cũng có thể khiến ta lắng dịu nhẹ nhàng. Nó có thể dẫn lối cho một sự nghiệp tương lai khi một tài năng âm nhạc được công nhận và bồi dưỡng. Có người đã từng viết rằng “âm nhạc là một thực phẩm lành mạnh nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta”. Thế giới này sẽ ra sao nếu không có âm nhạc?
Các nhạc sĩ Pam Beall và Susan Nipp nhắc nhở chúng ta rằng trẻ sơ sinh cảm thấy được xoa dịu và an ủi khi nghe những bài hát ru và khi lớn lên, chúng bị quyến rũ bởi những nhịp điệu, vần điệu, sự lặp lại trong giai điệu của các bài hát đồng dao. Từ đầu thế kỉ 16, các bài đồng dao thiếu nhi đã được ghi lại và chúng thực sự tiếp tục tồn tại lâu dài cho đến ngày nay. Nó nói với chúng ta điều gì? Không bao giờ là quá già để lắng nghe và thưởng thức âm nhạc. Học vần điệu mẫu giáo là rất quan trọng cho quá trình học đọc các họ vần của các từ có phần âm cuối giống nhau, ví dụ: Anh, canh, chanh, thanh, banh, xanh.
Âm nhạc có thể giúp học sinh phát triển thái độ, tính cách và năng lực trí tuệ. Giáo dục âm nhạc rèn luyện kỷ luật tự giác, củng cố lòng tự trọng và bồi dưỡng kỹ năng tư duy. Âm nhạc có thể rất hữu ích trong việc giảng dạy trẻ khuyết tật học tập. Âm nhạc giúp nâng cao giá trị văn hóa khi dạy các bài hát dân tộc truyền thừa cho con của quý vị.
Cha mẹ có thể là hình mẫu tốt khi tạo ra những cơ hội trải nghiệm và cảm thụ âm nhạc tại nhà. Có rất nhiều cách để con trẻ tiếp xúc với âm nhạc: Nhạc cụ, đĩa CD, IPod, DVD, video, đài phát thanh và TV. Tốt hơn hết là con vui vẻ cùng hát với quý vị. Đó là những khoảnh khắc lắng đọng và ý nghĩa. Thưởng thức thanh điệu của âm nhạc!
Âm nhạc là một ngôn ngữ phổ quát. Tôi có một quyển sách mang tên ‘Học tập với niềm vui’ (Inter-Action’s Prof Dogg’s Troupe) của Ed Berman, MBE, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điều trong sách dưới đây nhé:
Tất cả các bài hát mà trẻ em hát có thể dạy cho chúng phối hợp thể chất nhịp nhàng cùng với các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ, tất nhiên đó là những sản phẩm phụ có được thông qua hoạt động ca hát đơn giản. Những bài hát trò chơi làm được điều này nhiều hơn các loại bài hát khác vì cấu trúc sáng tạo của nó. Trẻ em có thể được chơi, thay đổi, thêm vào hoặc diễn tả trong bài hát.
Trẻ em muốn sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và việc sử dụng ngôn ngữ là chìa khóa để học tập nhiều hơn nữa. Động lực để sử dụng ngôn ngữ là một phần của việc chơi đùa và ca hát một cách sáng tạo, cũng như khao khát khám phá của trẻ em. Các bài hát như trò chơi được xây dựng dựa trên những năng lực tự nhiên này.
Nhiều điều có thể xảy ra khi trẻ em làm một việc gì đó tưởng chừng như đơn giản như hát một bài hát trò chơi với nhau.
Những bài học có thể là:
- Học cách lắng nghe người khác
- Thay phiên nhau
- Có cảm giác an toàn trong một nhóm
- Lên tiếng trong một nhóm
- Phối hợp với nhóm bạn đồng trang lứa
- Đưa ra những quyết định thay đổi một từ hoặc hành động
- Chấp nhận những thay đổi được cho phép trong một hệ thống các quy tắc
- Sử dụng trí tưởng tượng của trẻ em cả về thể chất và lời nói
- Tạo điều kiện cho khả năng lãnh đạo bộc lộ ra
- Nghĩ ra các câu trả lời hoặc cách đáp lại
- Thực hành các kỹ năng bằng lời nói và từ vựng
- Phát triển sự phối hợp cơ bắp và khả năng nhịp nhàng
Tóm lại có bốn loại kỹ năng:
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng xã hội
- Kỹ năng ngôn ngữ
- Phát triển cảm xúc (sự thể hiện nỗi sợ hãi, tiếng cười và niềm vui).
Tất cả điều này thêm vào các bài hát trò chơi đặc biệt hữu ích trong việc phát triển sự tự tin và một loạt các kỹ năng cơ bản. Sau tất cả các phân tích trên, điều tốt đẹp nhất là bài hát trò chơi chỉ đơn giản là rất vui vẻ thú vị.
Các bài hát trò chơi khuyến khích trẻ em chơi một cách sáng tạo với những lời của bài hát và tạo ra các phiên bản mới. Người lớn và trẻ em có thể tự chọn những hành động của riêng mình, âm thanh và từ ngữ trong luật cơ bản của mỗi bài hát trò chơi. Cũng giống như các trò chơi trẻ em, chúng cũng có những chủ đề tưởng tượng hoặc thực tế hoặc kết hợp cả hai.
Bài hát trò chơi thích hợp cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Đó có thể là các bài hát nghi lễ, bài hát hành động, bài hát hiệu ứng âm thanh, bài hát diễn tả, bài hát diễn hành, bài hát tập hợp các liên khúc và bài hát nhảy múa.
Đánh nhẹ nào! Nhanh nào! Vỗ tay nào! Gõ nào! Cha mẹ không cần phải có khiếu âm nhạc để sử dụng vần điệu, nhịp điệu và sự lặp đi lặp lại khi cố gắng để giúp con em mình ghi nhớ sự kiện và thông tin quan trọng. Trẻ em yêu thích khía cạnh này của âm nhạc và có thể dễ dàng giúp soạn một bài hát rap nhỏ hài hước hoặc làm thành vần điệu về thông tin được học. Trẻ em cũng thích nhìn thấy cha mẹ tham gia chung để giúp chúng theo cách hài hước hoặc ngô nghê, quên đi những căng thẳng, lo âu.
Đừng đánh giá thấp sự tự tin mà đứa trẻ có được khi học một cái gì đó dễ dàng mà chúng cứ nghĩ rằng mình không thể học được. Nói cách khác, trẻ em học rất nhanh thông qua âm nhạc! Quý vị sẽ không tìm thấy được bài học nào trong lớp học của tôi mà không có mặt âm nhạc với vần điệu, nhịp điệu và sự lặp đi lặp lại. Thật đáng tiếc khi gửi một đứa trẻ đến một ngôi trường đã cắt bỏ chương trình âm nhạc vì lý do ngân sách. Hãy suy nghĩ về những cơ hội mà họ đang bỏ lỡ trong giáo dục.
Trong cuốn sách của tôi “Lời khuyên và bí quyết cho phụ huynh và giáo viên”, tôi đã viết trong chương về âm nhạc một bài thơ thực sự cảm hứng với tựa đề “Tôi là Âm nhạc”. Tôi hy vọng bạn sẽ thích bài đó!
Câu hỏi dành cho giáo viên Pat: Tôi nên giúp cậu con trai 6 tuổi làm bài tập về nhà như thế nào?
Một đứa trẻ 6 tuổi vẫn cần sự hướng dẫn của cha mẹ, nhưng đồng thời quý vị cũng muốn con tự mình làm bài tập về nhà. Hãy chắc chắn rằng cậu bé biết nên làm bài tập ở đâu và khi nào, và con nên có tất cả các tài liệu cần thiết cùng với ánh sáng tốt và không có phiền nhiễu xung quanh.
Cố gắng không nói cho con biết câu trả lời một cách dễ dàng vì điều này sẽ khiến giáo viên hiểu lầm về những gì con có khả năng làm và con có thể từ bỏ việc tự mình cố gắng [để trả lời]. Cảm giác thất vọng có thể tốt cho cậu bé. Hãy cố gắng đừng trở thành một phụ huynh quá nuông chiều hoặc một phụ huynh kiểm soát mọi khía cạnh trong việc học của trẻ. Hãy ra khỏi phòng và kiểm tra sau vài phút để xem con đang làm thế nào. Nếu thời gian tập trung của bé ngắn, hãy đặt một bộ hẹn giờ trong nhà bếp và hứa có một phần thưởng là một bữa ăn nhẹ lành mạnh khi chuông reo.
Đọc sách nên là một phần của bài tập về nhà, vì vậy hãy giúp con đọc những từ khó nhìn và phát âm những từ phiên âm. Sử dụng một thẻ đánh dấu dưới mỗi dòng nếu trẻ bỏ qua dòng. Hỏi các câu hỏi “làm thế nào” và “tại sao” trong và sau câu chuyện để bé hiểu và sáng tạo.
Nếu đó là Toán học, sử dụng các vật hỗ trợ cụ thể như hạt đậu hoặc đồng xu để giúp đếm, hoặc vẽ vòng tròn hoặc gạch chéo chúng. Để lại câu trả lời sai của trẻ để giáo viên có thể nhìn thấy và giúp con xem lại và sửa các câu trả lời đúng vào ngày hôm sau. Cậu bé nên biết câu trả lời bởi vì bạn đã giải thích cho con vào đêm hôm trước. Việc lặp đi lặp lại là điều tốt và là chìa khóa để lưu trữ thông tin trong bộ nhớ dài hạn.